LHQ xem xét kiến nghị trả tự do cho Lưu Hiểu Ba

Mai Vân

clip_image001  

Lưu HIểu Ba khi còn tự do (ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp)REUTERS/Handout

 

Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về giam cầm độc đoán sẽ nghiên cứu trường hợp Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hoà bình 2010 đang bị chính quyền Trung Quốc giam cầm. Quyết định này được đưa ra sau khi một kiến nghị yêu cầu trả tự do nhà ly khai được chuyển lên Liên Hiệp Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, một nhóm luật gia quốc tế được tổ chức phi chính phủ Freedom Now của Mỹ bảo trợ, đã đưa kiến nghị lên Nhóm làm việc vào ngày 04/11/2010.

Theo lời bà Beth Schwanke, một lãnh đạo của tổ chức Freedom Now, thì nhóm làm việc Liên Hiệp Quốc sẽ phải chuyển kiến nghị đến chính quyền Trung Quốc để Bắc Kinh trả lời, sau đó họ mới đưa ra kết luận về việc giam cầm nhà ly khai Lưu Hiểu Ba. Theo bà Schwanke, Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc chắc chắn sẽ bênh vực giải Nobel Hòa bình 2010, và sẽ đi đến kết luận là việc kết án, giam cầm ông Lưu Hiểu Ba vi phạm luật quốc tế. Lý do là vì « không có cơ sở pháp lý nào » để cầm giữ ông.

Ông Jerome Cohen, giáo sư luật tại đại học New York, một trong những người soạn thảo kiến nghị, đánh giá là trướcđây, Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc đã nghiên cứu trường hợp của hàng chục người bị giam giữ ở Trung Quốc, và đều đã đi đến kết luận là họ bị bắt giam một cách độc đoán. Lần này theo ông, nhóm làm việc cũng sẽ đi đến kết luận như thế.

Giáo sư Cohen cũng đánh giá một cách thực tế là cho dù Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc có đưa ra kết luận công khai như trên, thì ông cũng không chờ đợi gì ở chính quyền Bắc Kinh. Nhưng dù sao, đây cũng là thêm một dấu hiệu cho thấy giải Nobel Hoà bình 2010 bị giam một cách bất hợp pháp.

Cách nay hơn một tuần lễ, 15 giải Nobel Hoà bình đã gởi một lá thư đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các lãnh đạo trong nhóm G20, yêu cầu họ can thiệp với chủ tịch Trung Quốc để Lưu Hiểu Ba được trả tự do.

Theo AFP, cho đến nay, tổng thư ký Ban Ki Moon vẫn tỏ thái độ rất thận trọng trước vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và ông đã không đề cập đến trong các cuộc tiếp xúc với chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn