Vài đề nghị để đối phó với nạn cắt điện mất điện năm nay

Đặng Đình Cung, Kỹ sư tư vấn

image  

Ảnh minh hoạ (TinNhanhBlog)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị trích 1.002 tỷ đồng từ chênh lệch giá điện năm 2007 để khen thưởng

 

Việc EVN bắt đầu rò rỉ từ mấy ngày nay tin sẽ thiếu điện trầm trọng như năm ngoái không phải là một điều ngạc nhiên: nạn cắt điện mất điện ở nước ta sẽ kéo dài trong một chục năm nữa.

Trong bài này chúng tôi xin đề nghị những việc phải làm để mùa hạn năm nay người dân và các xí nghiệp không phải chịu khổ quá đáng.

Điện là một sản phẩm không thể dự trữ được: người ta không thể sản xuất điện trước để khi nào thiếu thì lấy ra dùng. Việc thỏa mãn nhu cầu dựa trên công suất, nghĩa là tiềm năng có thể sản xuất đúng ngay khi cần đến (tính bằng kilô watt) chứ không dựa trên những dự báo tổng sản lượng sẽ thừa hay thiếu (tính bằng kilô watt giờ). Khi không có đủ công suất thì không thể cân bằng cung cầu. Sản xuất điện khi không có nhu cầu thì điện thừa đó chỉ dùng để đun nước trong hồ thuỷ điện. Còn không có đủ công suất để sản xuất điện khi có nhu cầu thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu điện. Vậy phải liên tục có công suất tối đa để giảm thiểu cường độ của nạn cắt điện mất điện.

Công suất lắp đặt không đồng nghĩa với công suất thực dụng, nghĩa là công suất có thể vận động được để sản xuất điện ở thời điểm có nhu cầu. Dù có công suất lắp đặt cao đến đâu chăng nữa thì công suất thực dụng của một cơ sở sản xuất điện cũng chỉ bằng số không ở những tình huống sau đây:

(a) Một nhà máy thuỷ điện không có nước để quay ráo,

(b) Một nhà máy nhiệt điện không có nhiên liệu để đốt,

(c) Một bộ phận của ổ phát điện hỏng hóc hay phải tắt để bảo trì,

(d) Một công trình xây, lắp ráp và kiểm tra chất lượng chưa hoàn toàn đầy đủ, dù là đã gần xong.

Ở những nước bên kia hai chí tuyến thì cao điểm của nhu cầu điện là mùa lạnh khi người tiêu dùng cần điện để sưởi ấm và, cùng một lúc, có mưa và tuyết cung cấp nước cho các hồ thuỷ điện. Ngược lại, ở những nước nhiệt đới thì nhu cầu điện đạt cao điểm vào mùa nóng. Ở nước ta mùa nóng trùng với mùa hạn khi không có nước mưa chảy vào những hồ thuỷ điện. Nếu muốn có công suất thực dụng trong thời gian lâu nhất trong mùa hạn thì, vào đầu mùa hạn, tất cả những hồ thuỷ điện phải chứa nước tới dung tích tối đa đã được xây dựng. Trong mùa lũ chỉ có hai trường hợp được quay ráo. Đó là (a) lợi dụng nước phục vụ nông nghiệp để sản xuất điện, và (b) mưa nhiều quá phải xả lũ để cứu nguy bảo vệ đập.

Giá nhiên liệu hóa thạch lên xuống trên thị trường quốc tế. Đây là một tình trạng mà chúng ta không thể kiềm chế được. Tuy nhiên ngưng sản xuất điện vì giá nhiên liệu quá cao làm cho EVN lỗ vốn là một điều sai lầm: thiệt hại cho kinh tế quốc dân vượt quá xa thua lỗ tiềm tàng của tập đoàn này. Chính phủ phải lấy trách nhiệm ra lệnh EVN cung cấp điện vào mùa hạn, bất chấp giá nhiên liệu lên hay xuống, bất chấp giá điện nhập khẩu cao hay thấp.

Trong suốt mùa hạn, tất cả những cơ sở sản xuất điện, nhiệt điện cũng như thuỷ điện phải có công suất thực dụng bằng hay xấp xỉ bằng công suất lắp đặt. Như vậy có nghĩa là, trước mùa hạn, (a) những chương trình bảo trì định kỳ phải được tiến hành và kết thúc và những hỏng hóc phát hiện phải được sửa chữa xong, (b) trong trường hợp chương trình bảo trì rơi vào mùa hạn thì phải tiến hành và kết thúc trước kỳ hạn vào mùa lũ, (c) những bộ phận thay thế (spare parts) có đầy đủ trong kho để sẵn sàng thay thế những bộ phận hỏng hóc, và (d) những phương tiện sửa chữa đã được kiểm tra và, nếu cần, đã được sửa chữa xong. Nhân lực bảo trì không được rời vị trí thường trực để có thể mau chóng can thiệp ở mọi nơi có sự cố. Những thời gian nghỉ phép và bồi dưỡng nghiệp vụ các nhân viên này phải được lên kế hoạch trước mùa hạn. Nếu cần thì dùng những phương tiện hậu cần của quân đội để chở nhân viên, bộ phận thay thế và phương tiện sửa chữa đến nơi có sự cố. Mục đích là giữ ở mức tối đa công suất thực dụng của tất cả các cơ sở sản xuất, nhiệt điện cũng như thuỷ điện hay phong điện.

Trong số những công trình đang xây, lắp ráp và kiểm tra chất lượng thì có những công trình sẽ hoàn tất sau khi mùa hạn năm nay bắt đầu vài ngày vài tuần. Những nguyên do tài chính hay hành chính của mọi chậm trễ phải được tháo gỡ mau chóng để có thêm công suất thực dụng. Nhưng nếu là vấn đề kỹ thuật thì thà chịu thiếu công suất chứ không nên hấp tấp đưa vào sản xuất. Một công trình chưa hoàn chỉnh mà đưa vào hoạt động sẽ mau chóng trục trặc và kìm hãm những phương tiện bảo trì cần được điều động đến những nơi khác. Ngoài ra công trình đó sẽ gây khó khăn về vận hành trong tương lai dài hạn.

Những việc chúng tôi đã đề nghị trong các bài đăng trước đây cần được tiến hành(i). Nhưng đó là chiến lược khắc phục nạn cắt điện mất điện cho vài năm nữa. Bài này chỉ nêu những việc phải làm để qua mùa hạn năm nay.

Tuy nhiên chúng tôi xin cảnh báo về dự định tăng giá điện ngay bây giờ hay trong mùa hạn năm nay. Chúng tôi ghi nhận, một mặt thấy EVN than phiền về giá điện quá thấp, mặt khác TKV nói rằng phải xuất khẩu alumin vì giá điện ở Việt Nam quá cao không cho phép biến chế tiếp alumin thành nhôm và sản phẩm bằng nhôm. Hai điều đó chứng tỏ lãnh đạo hai tập đoàn này không biết giá thành của điện sản xuất ở Việt Nam. Còn nói rằng phải bắt người tiêu dùng phải trả tiền điện theo giá thị trường chứng tỏ những người phát biểu đề nghị này không biết gì về những định luật kinh tế thị trường. Điện năng là một sản phẩm thiết yếu không co dãn theo giá bán. Ngoài ra điện năng lại khó tải đi xa sinh ra tình trạng độc quyền địa phương. Khi có độc quyền trên một sản phẩm không co dãn theo giá thì làm gì có thị trường để nói tới giá thị trường.

Xin đề nghị chính phủ lợi dụng khoảng thời gian từ bây giờ cho tới mùa lũ năm tới để nghiên cứu một bảng giá thích ứng với kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu không thì người dân sẽ không hiểu tại sao giá điện tăng mà vẫn bị cắt điện.

Đ. Đ. C.
Nguồn: Diendan

-----

(i) "Nạn cắt điện mất điện ở Việt Nam" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.diendan.org/viet nam/nan cat 111ien mat 111ien o viet nam/

"Thuỷ điện và Việt Nam" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.diendan.org/viet-nam/thuy-111ien-va-viet-nam/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn