Ai là Vietnamese-American? Thẩm định cộng đồng qua các tác phẩm Anh ngữ

Nguyễn-Khoa Thái Anh

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo xứ Cờ Huê

Rồi từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giữ trong tim một lá cờ.

(Ý thơ có phản ảnh tâm bệnh chiến tranh của nhiều nạn nhân Việt Mỹ?)

 

Thế đứng của tuổi trẻ hải ngoại và Việt Nam

"Anh cứ nói là nhà nước không chịu hoà giải hòa hợp với Việt kiều, không có một cuộc đối thoại thẳng thắn , không có giao lưu văn hóa giữa trong và ngoài nước… Không đối thoại có phải vì lòng căm thù, chống Cộng quá khích của các anh ghê gớm quá nên không thể có được một cuộc đối thoại?" Ông cán bộ ngừng, hớp một ngụm VSOP rồi nói tiếp: "Như vụ Lý Tống xịt hơi cay vào mặt của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa rồi, có phải các anh vừa hô hào nhân quyền vừa bỏ tiền chạy án, bênh vực cho người không biết tôn trọng nhân quyền?"

"Bác cho tôi nói thẳng nhé, nếu nhà nước không tiếp tục đàn áp, đối xử tàn ác với con dân, bỏ tù những người bất đồng chính kiến thì lòng căm thù khó có thể gia giảm được… (tôi định báng bổ thêm chuyện nhượng đất nhượng biển, bán đầu rừng cho Trung Quốc, nhưng thấy ông cán bộ đang làm đỏ mặt tía tai, không hiểu vì chất rượu hay vì tranh cãi còn 'máu' quá nên chỉ nói thêm): "Tôi cam đoan với bác những người như Lý Tống không phải là một trường hợp điển hình ở hải ngoại!"

"Thôi có những người trẻ hiểu biết như anh về thăm quê hương là tốt rồi!" Một ông khác vỗ về, vừa lúc ông cán bộ lại phang tiếp một câu xanh rờn:

"Trong vòng một vài chục năm nữa thành phần cực đoan các anh chết đi, chúng tôi sẽ chơi với bọn con trẻ các anh, đầu óc chúng nó thông thoáng hơn."

(Trên đây là chuyện một buổi trà dư tửu hậu ở Hà Nội vào tháng Giêng năm nay, nhân lúc bàn về chuyện giao lưu văn hóa, không cho quay phim chiến tranh lịch sử trung thực ở Việt Nam, không cho người hải ngoại mang văn hóa phẩm hay xuất bản sách vở trong nước)

Tuần rồi, khi kể lại chuyện này với giáo sư Lê Xuân Khoa, nguyên giám đốc IRAC (Indochina Refugee Action Center, nguyên giáo sư thỉnh giảng Đại học John Hopkins ở Hoa Thịnh Đốn (1996-2002), tác giả quyển Lịch sử Việt Nam 1945-1995) ông cho biết: "Đầu năm 1989 khi gặp ông đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc để nói chuyên về giải pháp tị nạn sắp được đưa ra hội nghị quốc tế Genève, ông ta cũng phát biểu tương tự như thế: "Nói chuyện với các anh vẫn còn khó lắm, nói chuyện với con cháu các anh sẽ dễ hơn và họ sẽ sẵn sàng về nước hợp tác với chúng tôi hơn… sắp sửa ra về bỗng nghe như vậy ông Lê Xuân Khoa chột dạ:

"Các anh chỉ giỏi tuyên truyền với bọn trẻ, làm tôi nhớ lúc còn bé ở Hà Nội hay hát bài: "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng!" Rồi lấy lại bình tĩnh, ông tiếp tục:

"Trong thời Đệ nhất, Đệ nhị Cộng hòa chúng tôi sống cho lý tưởng dân chủ, mong muốn thực thi dân chủ, nhưng vì tình cảnh đất nước chiến tranh chúng tôi chưa hoàn toàn thực sự sống một cách dân chủ. Khác với con cháu chúng tôi, sinh trưởng ở một nước thật sự dân chủ, học hành, suy nghĩ và hành động từ nhỏ đến lớn đều theo nếp sống dân chủ. Nếu bây giờ hay sau này chúng có về Việt Nam làm việc thì chúng sẽ là tác nhân thay đổi một xã hội nghèo thành thịnh vượng, từ lạc hậu sang tiến bộ, từ độc tài sang dân chủ. Không thể có chuyện chúng bị thuyết phục để hợp tác với các anh để trở thành công cụ của của chế độ đôc tài được."

clip_image002

Cờ Mỹ treo ngược phố Telegraph-Haste gần đại học Berkeley. Thể hiện dân chủ và tinh thần chống đối định chế Hoa Kỳ

Hai nguyên lý mâu thuẫn trong chuyện thẩm định vai trò người Việt gốc Mỹ

Hai mươi hai (22) năm rồi, câu chuyện thu hút, chiêu dụ thành phần Mỹ gốc Việt trẻ của nhà nước Cộng sản Việt-Nam (có nằm trong chiều hướng của nghị quyết 36 không?) có lẽ vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Nhất là vừa đây nhân dịp ra mắt quyển sách nghiên cứu về văn chương người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại: "This Is All I Choose to Tell: History and Hybridity in Vietnamese-American Literature" (Tôi Chỉ Muốn Nói Ngần Này Thôi: Quá Trình và Lưỡng Hợp Tính trong Văn chương Việt-Mỹ) giáo sư Isabelle Thúy Pelaud, thuộc phân khoa Asian-American Studies đã làm nóng lại vấn đề, cho thấy một sự bất cập giữa hai thế hệ trong cộng đồng Việt-Mỹ.

Tưởng có hai nguyên lý cũng nên nhắc lại: 1) truyền thống và xu hướng phản động của bộ môn Asian Studies-Ethnic Studies (chỉ mới xuất hiện trong vòng 45 năm qua, bắt đầu từ đường phố và lên đến giảng đường đại học Mỹ, khi phong trào tranh đấu Dân Quyền/Civil Rights cho người Mỹ Da Đen liên kết với người châu Mỹ La tinh và Dân Da Đỏ (African-American Studies Chicano/Latino Studies và Native American Studies) nở rộ và phát triển mạnh mẽ ở miền Tây, sau đó lan tràn sang các tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ.

Đây là một khoa học mang tính phản kháng mãnh liệt của di dân da màu chống lại quá trình lập quốc (mà họ cho là) của đế quốc Mỹ, những chủ đề như xâm lăng, thôn tính, kỳ thị chủng tộc, háo chiến, di tản, tị nạn và lưu vong, khiến cho dân da màu bị những chấn thương tâm lý không những chính họ không nhập cuộc được vào dòng chính, lại bị dòng chính (da trắng) đẩy ra bên lề của xã hội. Đó là chưa kể những sắc dân này thường là nạn nhân đến từ những quốc gia đã trải qua nhiều cuộc đô hộ tang thương của thực dân.

clip_image004

Cờ Mỹ treo gần thùng rác công cộng với những lời lăng mạ đế quốc Mỹ

2) Đối với thế hệ 1.5 và 2.0 sinh trưởng và lớn lên ở Mỹ, không mang theo hành trang trĩu nặng và tang thương của thế hệ cha ông, bản chất phóng khoáng, cởi mở không hận thù, không thành kiến của những người Việt gốc Mỹ này phải được coi là nhân sinh quan nội tại của họ. Thế hệ đi trước không thể áp buộc họ phải am hiểu hay chủ tâm nghiên cứu quá trình di dân và lịch sử Việt Nam của họ ngoài những gì lớp trẻ đã thu thập được trong sách vở Mỹ ở học đường. May ra với những phương cách ôn hòa và từ tốn, các bậc đàn anh hay phụ huynh có thể tạo ra một môi trường thích hợp – bằng Anh văn – giúp con em hấp thụ và tiếp thu chuyện Việt Nam.

Trong khi đó nhiều chuyện bất cập trong cộng đồng, như chửi bới, chụp mũ, tranh giành ảnh hưởng, thế đứng và chính nghĩa v.v, nhiều lúc đã làm cho lớp trẻ chán ngán không muốn dính dâp đến chuyện cộng đồng Việt Nam, thậm chí đẩy họ về phía lập trường thiên tả cho rằng những sai trái ở Việt Nam là do hậu quả chiến tranh Mỹ đã gây nên, dễ dãi chấp nhận những chuyện phi lý ở Việt Nam hơn.

Chuyện bất cập của giáo sư Isabelle Thúy Pelaud là tuy quyển sách mang tính chất nghiên cứu và phân tích văn chương Việt-Mỹ, nó lại mang nhiều xu hướng chính trị nội hàm của môn học. Tuy thế các chủ đề chính của 4, 5 tác phẩm văn chương mà cô lý giải và mổ xẻ lại là những hư cấu tiểu thuyết thơ văn (cùng 1 bút ký viết theo dạng ngẫu hứng) lại không phải là những sách có luận cứ nghiêm túc về lịch sử hay chính trị. Một nghịch lý khác là thiên kiến của nhóm Vietnamese-American Studies muốn vượt qua cuộc chiến Việt-Nam/Hoa Kỳ (move beyond war) đáng ghét, nhưng chính đề tài chiến tranh Việt-Mỹ lại là nguyên do và hậu quả của môn (học) Vietnamese American Studies này. Quyển sách của cô Thúy Pelaud nói nhiều về ám ảnh chiến tranh đối với nhiều nạn nhân Việt Mỹ không vượt thoát được chấn thương này.

Có lẽ quyển sách của giáo sư Pelaud đưa ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời?

Có thể nào qua 4 tác phẩm văn chương (1) viết bằng Anh ngữ, người ta có thể lượng định được tâm lý hay vị trí của người Việt hải ngoại trong xã hội Mỹ?

Ai là Vietnamese-Americans (người Mỹ gốc Việt)?

Có phải họ là những người giỏi Anh ngữ nhưng không mang hành trang hay văn hóa Việt Nam?

Có phải họ là những người bất hạnh, nạn nhân của một sự đổi đời, hứng chịu hậu quả của cuộc tham chiến của Hoa Kỳ, giờ đây không hội nhập được vào dòng chính vì xã hội Mỹ có nhiều thiên vị và bất công?

Có phải họ không nhận Hoa Kỳ là quê hương và cũng chẳng cho rằng Việt Nam thời nay là quê hương của mình?

Có phải quyển sách của cô sẽ mở màn cho một cuộc thống kê, khảo sát quy mô và rộng lớn, xem a) ai là những người Mỹ gốc Việt biết hòa đồng trong cuộc sống mới, chấp nhận những thực tại của mình và xã hội, b) ai là những người đã và đang không ưa chuộng cuộc sống mới ở Hoa Kỳ, và vẫn còn cảm thấy thấy lạc lõng, vẫn cho mình là nạn nhân của chiến tranh và áp bức, c) ai là người – bất chấp những nghịch cảnh và quá trình tang thương của mình, cha mẹ và gia đình hoặc những người đi trước – để làm lại một cuộc sống thành đạt và tương đối toại nguyện với đời sống hiện hữu?

Trên đây là những tiền đề mà giáo sư Isabelle Thúy Pelaud đã đưa ra hoặc gợi ý trong quyển sách giáo khoa của mình. Có phải vì thế mà cô đã dùng tựa đề: "Tôi chỉ muốn nói ngần ấy thôi (mượn một câu thơ của nhà thơ Trần Trường "This Is All I Choose to Tell" trong Dust and Conscience) hoăc giả cho rằng văn chương hải ngoại là một nơi trú ẩn, giúp cho mình tránh phải bảo vệ những luận điểm thiếu sót của mình?

clip_image006Một khách bộ hành ngạc nhiên với cờ Mỹ treo ngược trên đường Haste

Giáo sư Thúy Pelaud muốn tranh đấu cho những kẻ yếu kém thế cô?

Mặc dầu đã đọc hết quyển sách, tôi không hiểu mục tiêu đích thực của tác giả là gì. Hai tuần trước, khi đi nghe cô Isabelle Thúy Pelaud nói chuyện cả hai ngày liên tiếp: tối thứ Sáu (ở khu Mission thành phố San Francisco) và trưa thứ Bảy hôm sau (ở thư viện Martin Luther King Jr. thành phố San José) tôi - trong khuôn khổ của một buổi nói chuyện phiến diện với 3 tác giả Mỹ gốc Việt về tác phẩm của họ (tối thứ Sáu: 5 tác giả (2)- không thể nào đào sâu vấn đề hơn ngoại trừ một câu hỏi mà có lẽ đã làm cô Pelaud phật lòng.

"Quyển sách của cô là một thiếu sót vì nó không liên kết được bối cảnh của cuộc chiến đã qua với thực tại đời nay ở Mỹ với những người viết tiếng Việt, kể cả tâm tư thiết thực của những nhà văn trong nước." (Đại ý câu hỏi của tôi với Isabelle Thúy Pelaud trong buổi nói chuyện ngày thứ Bảy.)

Là người bạn lâu đời với cô Isabelle Thúy Pelaud, nhất là trong những năm hoạt động mật thiết chung với cô và các thân hữu trong nhóm Mực và Máu, cái khó của tôi là làm cách nào trình bày cho cô thấy (và hẳn nhiên cô cũng đã thấy) quyển sách của cô không giải thích được gì ngoại trừ những câu hỏi mà nó đã khởi động.

Tuy rằng tác giả đã khéo giới hạn mục tiêu luận đề của mình qua đầu đề: "Lịch sử và Lưỡng tính trong văn chương Việt-Mỹ" cũng như lời mở đầu với ngụ ngôn thầy mù sờ voi, thừa nhận đặc tính biến hóa của mục tiêu Vietnamese American và chủ đề của họ trong văn chương và khoa Á châu học, cô Pelaud vẫn đặt trọng điểm nghiên cứu của mình trong tâm lý mặc cảm tội lỗi của Hoa Kỳ cũng như sự loại bỏ tiếng nói của người Việt Mỹ và chỗ đứng của họ trong tâm thức quốc gia và lịch sử Mỹ.

clip_image008Góc đường Haste-Telegraph gần công viên Peopel's Park thành phố Berkeley (được gọi là Công viên Hồ Chí Minh trong thời chiến)

Đại ý và bố cục của quyển sách có đi đôi với ý nguyện của tác giả?

Đại ý và bố cục của quyển sách vẫn là sự ta thán nếu không nói là sự chống đối hay chỉ trích nặng nề hậu quả của sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam cũng như những vấn đề tiêu cực vẫn còn tồn đọng trong xã hội Mỹ ngày nay. Do đó, theo thiển ý, muốn nắm bắt tổng thể vấn đề của cuộc di dân Mỹ gốc Việt một cuộc điều nghiên trên phương diện vĩ mô bao gồm những cuộc khảo sát khoa học xã hội phải được thực thi, và không thể chỉ được thực hiện riêng rẽ bằng tiếng Anh. Huống hồ một quyển sách chỉ tìm hiểu cộng đồng qua những nhận định thiên kiến của cá nhân lồng trong truyền thống chống đối của dân da màu, đa văn hóa, với nhiều kỳ biệt, cũng như những dòng chảy tâm thức văn chương của 4 hay 5 tác phẩm Anh ngữ Việt-Mỹ.

Công bằng mà nói, giáo sư Isabele Pelaud chủ trương đặt trọng tâm vào câu chuyện di dân Việt Nam. Cô nói:

"Race is understood here as politically, socially, historically, and culturally constructed. Vietnamese American writers, because of their connection to the Vietnam War and because they are people of color, encounter stronger pressure of representation than other Asian American immigrants."

Tạm dịch:

"Ở đây chúng ta phải hiểu vấn đề chủng tộc được kết cấu trên những tiền đề chính trị, xã hội, lịch sử và văn hóa. Do có liên hệ với cuộc chiến (thảm khốc) vừa rồi, và bởi họ là dân da màu, tác giả Việt-Mỹ phải đương đầu với áp lực trong chuyện đại diện (cho di dân mình) nặng nề hơn những di dân Mỹ (gốc) Châu Á khác (trang 2).

Đọc xong sách của cô cũng như tham dự những buổi hội thảo, tôi nhận thức được cao vọng và những ý nguyện tích cực của cô Pelaud muốn tranh đấu cho tiếng nói của những di dân Việt yếu kém, tuy nhiên vì cách đặt vấn đề trong tiềm thức và tầm vóc phản kháng của dân da màu nói chung, cô đã hữu ý hay vô tình định hướng sai lạc tâm tình và ý tưởng của nhiều người Việt khiến quyển sách có thể gây nhiều ngộ nhận. Vì những bức xúc này nên tôi đã liên lạc với giáo sư Pelaud bằng một bức e-mail tâm huyết, đại để đặt lại những vấn đề sau đây: Thế nào là lưỡng (hợp tính) trong văn chương Việt Mỹ, nó có bao gồm bài viết hay tác phẩm Việt ngữ (trong và ngoài nước) và nếu có, có phải được xuất bản dưới hình thức sách, sáng tác văn chương hay phải là một nghiên cứu kinh điển?

Giáo sư Thúy Pelaud cho biết cô có hai mục tiêu chính khi viết "History and Hybridity in Vietnamese American Literature" Tôi xin viết lại ý tưởng và mục đích của cô bằng tiếng Việt (xin xem nguyên văn tiếng Anh ở phần phụ lục bên dưới (3):

1) Mau chóng hội nhập và đưa tiếng nói của người Việt Mỹ vào giáo trình đại học và trong xã hội (vẫn còn yếu ớt)

2) Xoa dịu và làm lành chấn thương tâm lý đối với một phần tử trong cộng đồng khi mà nỗi thống khổ của họ không được biết đến do những luận cứ vơ đũa tiêu cực hay những đề cao thái quá về sự thành công của họ.

Trong trang mở đầu, tôi cũng nhìn nhận rằng Hoa Kỳ là một môi trường có nhiều cơ hội; một điều ít khi được khoa Mỹ-Á châu học nói đến, vì sứ mạng của họ là đấu tranh cho sự bình đẳng của dân da màu. Tôi luôn luôn nhắc đến điều này trong lớp - rằng chuyện lên án, chỉ trích Hoa Kỳ chỉ nhằm mang lại một đất nước Hoa Kỳ tốt lành hơn để mọi người có thể chung sống, nhưng điều quan trọng cần nên nhớ là Hoa Kỳ có nhiều cơ hội hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi sẽ nói lên điều này lần tới khi có một buổi nói chuyện ra mắt sách.

Cô cũng nhắc thêm: Chuyện hội nhập tiếng nói Việt-Mỹ trong chuyên khoa của tôi không phải chuyện thuận buồm xuôi mái. Tôi phải tranh đấu cho bộ môn Việt-Mỹ này hằng ngày. Tôi cần được sự ủng hộ (của anh và cộng đồng) trong nỗ lực này.

Những nghịch lý của Quá trình và Lưỡng Hợp Tính Việt-Mỹ

Có phải khi mượn truyền thống Mỹ-Á châu học (Asian American Studies), một khoa mà có nhiều người còn cho là một môn học lai căng, thiếu tính chính thống, cô đã bỏ tất cả những người Việt Mỹ trong một rọ lạc loài, mất gốc, và trên một bình diện tiêu cực, di dân Da Màu chỉ biết tranh đấu chống lại những gì họ cho là bất công trong xã hội Mỹ để bù đắp cho chính những khiếm khuyết của riêng họ? Hoặc, trên bình diện tích cực, họ chỉ đòi hỏi chuyện hoàn thiện trong xã hội Mỹ mà không ngó ngàng đến những thiếu sót của chính quyền đương thời ở nước họ?

Đối với Việt Nam cũng vậy, những người có đầu óc phóng phoáng (liberal) trong khoa Asian American Studies vẫn thích đổ thừa chuyện háo chiến của Hoa Kỳ cho rằng Mỹ đã gây chiến ở Việt Nam mà quên rằng cuộc chiến và mầm mống Quốc-Cộng nhằm tìm chỗ đứng xứng đáng cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới (của thế kỷ 20) có thể đo bằng 2 cột mốc đã xảy ra hơn 50 năm trước khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam năm 1965: a) khi bác Hồ khởi sự chuyến đi lịch sử của mình trên chiếc tàu thủy SS Amiral La Touche Tréville của Pháp, 1911, b) và khi Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã lên đoạn đầu đài đền nợ nước ở Yên Bái năm 1930).

Họ, cũng như giáo sư Pelaud, đã gán tội cho Hoa Kỳ trong chuyến di tản tang thương năm 1975, không đả động gì đến nguyên nhân căn cội đã khiến người Việt phải bỏ xứ ra đi. Bởi vì bất chấp những chuyện tàn bạo, háo chiến – kể cả cuộc tháo chạy vừa qua của đồng minh Mỹ – cũng như sai lầm trong chiến tranh (mà cô không hề đối trọng với thể chế Bắc Việt) nhiều người Việt Mỹ không hề mặn mà với quan điểm này, ngược lại họ lại xem Hoa Kỳ như một đại ân nhân, một đất nước cung ứng nhiều cơ hội tốt cho họ tiến thân, một môi trường tự do, vừa đủ dân chủ để cho những người như cô và đi trước và sau cô có nhiều cơ hội đả phá và chỉ trích.

Đây là chưa nói đến Việt Nam và trường hợp những người 'chạy theo bơ thừa sữa cặn của Mỹ', nếu như họ còn ở lại Việt Nam thì chắc gì ngày nay họ đã đạt được những thành công họ đang có? Nếu cha mẹ họ là những người lạc lõng như cá ra khỏi nước, như cô Pelaud đã dẫn chứng, thì chính những sự hy sinh này mà con cái họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Trong chương nói về Hybridity (Lưỡng hợp tính), cô nói; "Bằng cách tiếp cận với quá trình không đồng đều khi người Việt Mỹ phải đương đầu với sự tàn bạo của Hoa Kỳ và Việt Nam trong bối cảnh thực dân và Chiến tranh Lạnh, tôi muốn phác họa một cuộc tranh luận phức tạp để hiểu thế nào là người Việt Mỹ và thế nào là biểu tượng để họ nhân danh.

Tuy thế chưa khi nào cô đưa bằng chứng hay thí dụ của những bài viết bằng tiếng Việt, lên án những điều kiện và hiện trạng xã hội Việt Nam, những chuyện đang chi phối diện mạo và biểu tượng tranh đấu của người Việt hải ngoại ngày nay.

Luận đề sẽ khai mào cho những cuộc đều nghiên sắp tới?

Có thể những đề tài giáo sư Pelaud đưa ra không sai, nhưng thiếu sót vì nó không nói lên sự hài hòa của một phần tử trong cộng đồng hải ngoại, những người chí ít đã thấm nhuần cả hai văn hóa Việt và Mỹ, họ có thể trao đổi, viết lách thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nhất là nếu họ là những người toại nguyện với cuộc sống hiện tại trong xã hội Mỹ, thấu hiểu được sự tang thương của dân tộc nhưng có một cái nhìn bình tĩnh và trung thực hơn về những khó khăn cũng như những cơ hội cho người Việt Mỹ chen chân trong dòng chính.

Tôi cũng thường mang một thắc mắc trầm luân về một ý tưởng phổ cập, xuyên quốc gia và xuyên văn hóa, về ý nghĩa, đạo lý và triết lý của cuộc sống trong kiếp người trên cõi trần ai: "Đời nay có một ai hay sắc dân nào lại có thể mãn nguyện cho rằng mình đã đạt được đỉnh cao của hạnh phúc và lý tưởng trong cuộc sống để không phải đấu tranh gì cho chính bản thân hay cho ai khác?" Trong ý tưởng đó thiết nghĩ luận đề về di dân châu Á bị đẩy ra bên lề của xã hội cũng là một chuyện đấu tranh hết sức hồ hỡi.

Nghe đến những chuyên đề trong sách của giáo sư Pelaud, như nỗi bất ổn trong cuộc sống, vô tổ quốc, không biết đâu là nhà (nhưng không phải vô gia cư không có nhà ở) tôi chợt bàng hoàng. Có phải gần ba mươi năm trước đây có phải tôi cũng giống như nhà văn Andrew Phạm (trong Catfish and Mandala) là một người không quê hương? Cảm giác hụt hẫng bị lạc lõng, lưu vong trên đất người có dằn vặt tôi trong bao nhiêu năm trời trước khi thi vào quốc tịch Mỹ không? Hay trong một thoáng bất an vì một câu hỏi khi thi quốc tịch: Bạn có sẵn sàng cầm súng bảo vệ cho nền an ninh và độc lập Hoa Kỳ chống lại bất cứ một quốc gia hay thể chế nào không?

Tôi chợt thảng thốt có thể nào mình lại chiến đấu chống lại Việt Nam, quê cha đất tổ của mình? Bỗng dưng tôi cảm thấy an ủi, mình có thể phản đối chiến tranh vì lương tâm không cho phép (conscientious objector như những người Mỹ khác) nhưng tôi biết rằng tôi rất hãnh diện được làm một công dân của một nước dân chủ hơn là một công dân nơi giá trị con người bị chà đạp và ngày nay ngay cả chuyện đấu tranh cho sự vẹn toàn của lãnh thổ, của mảnh đất và biển đảo mà cha ông đã tốn biết nhau xương máu cũng bị ghép vào tội phản động.

Còn nhiều đề tài khác mà tôi không tiện nêu ra đây, nhưng nếu ta thử hình dung đến cuộc di dân hàng thế kỷ của Do Thái và mường tượng trong trí tưởng tượng của mình cảnh tượng 3 triệu di dân Việt Mỹ và quốc tế - nếu chẳng may Việt Nam bị Trung quốc đồng hóa một ngày nào đó - thì họ có được như di dân Do Thái sẽ trở về để thành lập một nước Việt Nam mới, khi mà Việt Nam hiện thời không còn là một nước Việt Nam mà chúng ta hằng biết tới?

N. K. T. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

___________________________________________

(1) Catfish and Mandala (tiểu thuyết của Andrew Phạm), Fake House (tuyển tập truyện ngắn của Linh Đinh), Dust and Conscience (tập thơ Tân hình thức của Trần Trường), Monkey Bridge (tiểu thuyết của Lan Cao), The Book of Salt (Monique Trương).

(2) Andrew Lâm, Aimée Phan, Isabelle Thúy Pelaud, Trần Trường (thi sĩ), Vũ An (Andrew)

(3) E-mail của giáo sư Pelaud trả lời những bức xúc của tôi:

hello Thái-Anh,

I have two goals in writing this book:

1) speed up the process of integration of Vietnamese American voices in academia and in society (still marginal)

2) healing (for a certain segment of the community whose suffering is not seen due to negative stereotypes or emphasis on success).

i acknowledged America as a place of opportunity in the preface; something that is usually not discussed in AA Studies whose mission is to fight for equality for people of color. i always talk about this in class---that the criticism of America is only to make America a better place to live, but that it is important to always stay mindful that there are more opportunity here than in many places in the world. i will bring this up next time i have a speaking engagement.

the integration of VA voices in my field is not easy. i really have to fight for it everyday. i could use some support in this task.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn