Xin giúp một nhà báo cách mạng thoát khỏi “tình trạng khốn cùng”!

Kính gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,

Thưa Thủ tướng,

Chắc Thủ tướng vẫn còn nhớ sự kiện báo Tết ở Kiên Giang năm 1986 sang 1987 (lúc này Bí thư Tỉnh ủy là Lâm Kiên Trì, Phó Bí thư Nguyễn Tấn Dũng) cả hai tờ báo xuân là Văn nghệ Kiên Giang và báo Kiên Giang đều bị thu hồi, Ban Biên tập và những người viết bài phê bình việc xây dựng cảng Hòn Chông đều bị đình chỉ công tác, làm bản kiểm điểm, chờ xử lý. Hai tờ báo Trung ương là Đại đoàn kết và Lao động đã đưa tin này, cho rằng cách xử lý như vậy là quá nặng nề, không đúng Luật báo chí. Tháng 4 năm 1987, đáp thư mời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, anh Đặng Ngọc Nam thay mặt báo Đại đoàn kết và tôi, Tống Văn Công, thay mặt báo Lao động đã đến làm việc với các đồng chí. Chúng tôi đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có mặt Bí thư Lâm Kiên Trì và Phó Bí thư Nguyễn Tấn Dũng cùng trao đổi ý kiến về cách xử lý.

Anh Đặng Ngọc Nam và tôi cho rằng những bài đăng trên Văn nghệ Kiên Giang và Kiên Giang phê bình chủ trương xây dựng Cảng Hòn Chông. rất tốn kém, nhưng không đem lại hiệu quả; các cơ quan có trách nhiệm nên xem xét lập luận của các bài báo, tiếp thu những điểm đúng, chỉ ra những điểm sai, hoặc chưa thỏa đáng, yêu cầu đăng lại bài đính chính. Chúng tôi đề nghị Ban Thường vụ xem “báo chí vừa là công cụ của Đảng, vừa là diễn đàn của nhân dân” như ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh, để có cách quản lý báo thích hợp, không nên đình chỉ công tác, truy bức, quy chụp các nhà báo trong vụ này. Rất mừng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là Bí thư và Phó Bí thư đều nhất trí với đề nghị của chúng tôi. Riêng Phó Bí thư Nguyễn Tấn Dũng, người thay mặt Ban Thường vụ đưa hai chúng tôi đi ăn, nghỉ, giúp chúng tôi hiểu biết những đổi mới của thị xã Rạch Giá và tỉnh Kiên Giang, để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh của một cán bộ lãnh đạo địa phương trẻ trung, năng động, cầu tiến và dễ gần.

Việc xử lý hai tờ báo ở Kiên Giang tưởng đã xong ngay sau đó. Nhưng mới đây, đọc bài viết của nhà văn Hà Văn Thùy, nguyên cán bộ báo Văn nghệ Kiên Giang, in trong Tập hồi ký số 5 của các nhà báo cao tuổi, tôi được biết:

Cuối năm 1988, anh Thùy viết cho tạp chí Nghề báo về tai nạn nghề nghiệp của anh em cầm bút Kiên Giang để làm bài học nghề nghiệp. Chủ tịch Hội nhà báo năm đó là ông Hồng Chương (kiêm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) thấy bài viết chẳng những bổ ích đối với người cầm bút mà còn cho cả xã hội, nên đã gửi cho báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn Hà Văn Thùy viết trong hồi ký: “Sau khi bài báo được đăng trên Văn nghệ, gần 20 năm qua cuộc đời tôi lâm váo tình trạng khốn cùng!”. Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng Hà Văn Thùy bêu dếu lãnh đạo Kiên Giang ra cả nước, đã ra quyết định buộc thôi việc đối với anh! Mấy năm nay anh Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Thường trực Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến nhà báo cao tuổi đã đích thân lo cho anh Thùy, một nhà văn miền Bắc được tăng cường cho miền Nam trong những ngày gian khổ nhất, được hưởng chế độ hưu trí, nhưng mọi cánh cửa đều đóng. Tôi liền nghĩ đến người lãnh đạo trẻ của Kiên Giang năm xưa nay đã là Thủ tướng, nên viết những dòng này.

Xin trích hồi ký “Xung quanh hai tờ báo bị thu hồi” của nhà văn Hà Văn Thùy, in trong tập 5 Một thời làm báo, do NXB Văn Học xuất bản, từ trang 288 đến 295, để Thủ tướng đọc, nhớ lại và chỉ đạo giải quyết.

“MÙA XUÂN KHÔNG CÓ TẾT

“Người ta thường vấp ngã ở những nơi ít ngờ nhất. Hai tờ báo bị thu hồi cùng một lúc là cú đòn choáng váng giáng xuống đầu anh em báo chí, văn nghệ Kiên Giang. Đại hội 6 mới họp đó. Không khí đổi mới đang như sấm tháng 3 vang động tới từng xóm ngõ. Ai học được chữ ngờ.

“Chúng tôi bàn nhau: Phải làm gì đó cho tờ báo sống lại và bản thân mình cũng xứng đáng hơn với bát cơm manh áo của dân! Công sức và tấm lòng không uổng. Lâu lắm chúng tôi mới làm được tờ Văn nghệ Kiên Giang ưng ý như vậy. Báo đẹp đầy đặn, bài vở phong phú, đầy sức sống. Mặt báo hội đủ những người viết chủ lực của phong trào: Lão tướng Năm Thạnh, rồi Anh Động, Khoa Đăng, anh bạn giáo viên Nguyễn Thiện Cân tận ngoài Phú Quốc, nhà kinh doanh Hà Văn Nam cống hiến truyện vui, cười ra nước mắt…

“Báo ra được một ngày, sáng 27 Tết có điện thoại từ văn phòng Tỉnh ủy gọi tới, kêu anh Chín Sĩ, Chủ tịch Hội Văn nghệ lên. Lúc này có tin báo Kiên Giang đã bị thu hồi. Chúng tôi đưa anh Chín Sĩ đi mà lòng dạ bồn chồn, nét mặt anh Chín cũng không giấu nỗi vẻ lo lắng. Cuối giờ làm việc, anh về. Nhìn anh chúng tôi biết là có chuyện!. “Mấy anh trên không chịu một số điểm – Anh Chín Sĩ nói – Nhưng anh Năm Trì đồng ý cho bôi đi những chỗ đó rồi phát hành”. Khỏi cần biết trúng trật, chúng tôi ngoan ngoãn lao vào bôi xóa những dòng chữ từ Tỉnh ủy đưa về, có gạch chân. Phải nói thật là trong bụng cũng mừng thầm vì tờ báo bị không đến nỗi nào. Bọn tôi còn may mắn hơn bên anh Tư Châu, Tổng Biên tập báo Kiên Giang (cơ quan ngôn luận của tỉnh Đảng bộ). Có thể khẳng định thế này: Có sai sót về cách trình bày, những sơ hở về câu chữ nhưng cả hai tờ báo không có sai sót về chính trị! Yên tâm về nội dung báo, nhưng tôi lo lắng ở mặt khác: Tình hình xấu có thể xảy ra, trước hết là uy tín của cấp ủy bị đe dọa và sau đó, hoạt động báo chí sẽ rất khó khăn! Điều mấu chốt là phải biết cơ chế nào đã tạo ra tình trạng trông gà hóa cuốc này? Và phải tác động vào nó thế nào để gỡ rối? Sáng hôm sau lại có điện thoại triệu anh Chín Sĩ vô Tỉnh ủy!

“Trở về cơ quan, mặt anh Chín xạm lại. Anh im lặng nặng nề. Lúc lâu anh bước vào văn phòng nơi anh em đang bày đồ nghề dập xóa, bảo: “Thôi dẹp bỏ luôn!”. Rồi quay sang nói với chúng tôi: “Ý anh Năm Trì như vậy nhưng anh Ba Hương không chịu. Ảnh nói tội báo mình còn nặng hơn báo Tư Châu. Nhưng chẳng lẽ thu hồi cả hai tờ một lúc. Vậy phải bỏ tờ này, làm gấp tờ khác thế vô”.

“Có cách nào cứu vãn tình hình? Tôi lo lắng thưc sự. Không phải lo cho riêng mình! Tuy có dính cả hai tờ báo nhưng tôi tin chắc bài của tôi hoàn toàn vô tội. Về văn bản học tôi có thể tự bảo vệ được trong bất cứ tình huống nào. Tôi cũng đọc rất kỹ những bài bị coi là có vấn đề. Tôi nhớ lại vụ báo Xuân hồi năm 1982. Tờ báo tuy có sai sót không lớn, nhưng nếu bị lợi dụng suy diễn thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi báo với anh Hai Huỳnh, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Khoa giáo, Chủ tịch Hội Văn nghệ. Anh Hai gặp đồng chí Tám Quýt, Bí thư Tỉnh ủy khóa đó và cùng thống nhất: Để tờ báo phát hành không bàn gì thêm cho rối chuyện, sau đó sẽ kiểm điểm nội bộ. Chính quyết định tỉnh táo này đã cứu nguy một bàn thua trông thấy. Tôi tìm anh Hai. Tuy khóa này anh rút khỏi Tỉnh ủy và cũng không còn phụ trách Hội Văn nghệ, nhưng anh vẫn lo lắng cho chúng tôi. Anh đọc kỹ hai tờ báo rồi bàn với đồng chí Tám Quýt (khóa này anh Tám Quýt là ủy viên Thường vụ, phụ trách Dân vận) và hai người cùng vào gặp Thường trực tỉnh ủy để bày tỏ ý kiến. Nhưng khi gặp anh Năm Trì đưa cho coi quyết định thu hồi báo thì còn nói gì được nữa. Anh Hai ra hiệu cho anh Tám, hai người ăn vài miếng bánh Tết rồi về. Anh trách chúng tôi: “Mấy chú dốt quá, viết mà không biết lách!”. Những ngày Tết nặng nề qua đi. Anh em chúng tôi có người mất ăn mất ngủ. Không có báo đọc dân chúng xôn xao. Có người mua trước được báo đem bán lại giá cao gấp chục lần. Biết rằng sau Tết có cuộc họp giải quyết tờ báo, chúng tôi chờ đợi trong lo âu thấp thỏm.

“Ngày mồng 5 Tết, cuộc họp xử hai tờ báo được triệu tập. Không thể xài chữ nào đúng hơn chữ xét xử. Một số người ngỡ ngàng với tâm trạng rờn rợn. Nói là để kiểm điểm nội bộ mà không có mặt anh em viết bài. Trong khi đó xuất hiện Ban Tổ chức tỉnh ủy, Ban Kiểm tra Đảng, Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh và công an bảo vệ nội bộ. Anh Tư Châu, Tổng biên tập báo Kiên Giang trơ trọi giữa cuộc họp, bị chất vấn, bị quy kết mà không có quyền bào chữa, không được tranh luận. Những điều anh trình bày bị coi là ngoan cố, không thành khẩn, thậm chí là chống đối. Khoảng 9 giờ một chàng trai trẻ bước vào phòng họp. Đặt cặp lên bàn, anh ta nói: “Tôi được giao trách nhiệm truyền đạt ý kiến đồng chí Bí thư tỉnh ủy tới cuộc họp của các đồng chí”. Nói rồi anh đưa tờ giấy lên đọc. Tất nhiên không thể nhớ hết nguyên văn, nhưng sau này anh Tư Châu kể với bọn tôi:

“Trước hết, bài “Xuân về trên cảng Hòn Chông”, nói “bây giờ Đảng ta mới biết lấy dân làm gốc” là xuyên tạc lịch sử lãnh đạo của Đảng. Còn nói: “Dựa trên cảm hứng chủ trương xây dựng cảng Hòn Chông” là xuyên tạc sự lãnh đạo của cấp ủy. Chúng ta làm công trình kinh tế có giá trị lớn mà lại là dựa vào cảm hứng hay sao?

“Bài “Phía sau người lính” là khuyến khích độc canh, trái với chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện của Tỉnh ủy. Nói năng suất lúa cao như thế trên bắt nộp thêm thì sao?

“Bài “Gặp gỡ cuối năm” nói Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị là vật cản. Lại nói từ nhà máy đay tới công ty thủy sản. Như vậy là xúc phạm Bộ Chính trị và đả kích sự lãnh đạo của cấp ủy. Bài “Mùa xuân đổi mới” là nói móc Tỉnh ủy xây dựng công trình thế kỷ, báo cáo màu hường, quan liêu.”

Truyền đạt xong những lời có gang có thép ấy, anh ta cắp cặp chào mọi người ra đi.

Trước khi tới cuộc họp này, Chín Sĩ và Anh Động có hội ý kỹ với chúng tôi những điều cần nói. Nhưng rồi nhìn cử tọa hội nghị, sao nó giống như cuộc họp để bắt người? Tới khi nghe bản luận tội do thư ký của Bí thư tỉnh ủy đọc, hai vị trụ cột của Văn nghệ ngoéo nhau im lặng. Nhà văn Anh Động nói mấy câu vuốt ve cho phải đạo.

Một mùa Xuân chúng tôi không có Tết!

KHÔNG ĐƯỢC LÒNG NGƯỜI

“Ngay sau cuộc họp mồng 5, Tư Châu bị đình chỉ công tác. Cũng lúc này có đơn tố cáo Tư Châu gây mất đoàn kế nội bộ, bê bối về tài chính, được thu thập chữ ký gửi lên Tỉnh ủy. Một đoàn kiểm tra tài chính báo Kiên Giang được thành lập cùng với quyết định ngưng công tác Ba Yến, Trưởng phòng Trị sự. Công an về tận tỉnh Thái Bình kiểm tra lý lịch anh Khoa Đăng, những việc này nhắc chúng tôi về chuyện đã xảy ra năm 1983.

“Năm 83, sau khi Đài phát thanh Kiên Giang phát hai bài điều tra về phong trào thi đua dỏm của Trường phổ thông cơ sở 3 Vĩnh Thanh Vân và Trường mẫu giáo thị xã Rạch Giá, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Đài, anh Ba Sáng bị đình chỉ công tác, bị gọi lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy, không được ra ngoài, không ai được vào thăm, quần áo lót phải nhờ người tới nhà lấy giúp. Đêm có người bồng súng gác cho ngủ! Từ cơ quan kiểm tra Đảng một tin sét đánh loan ra: Ba Sáng làm tình báo cho Nhật, khi vô Đảng không báo cáo Tổ chức! Lập tức căn nhà 12 Nguyễn Đình Chiểu của anh bị cô lập hoàn toàn. Người ta tránh xa anh như tránh ôn hoàng dịch lệ. Tiếp đó là quyết định khai trừ Đảng đối anh với những tội:

- Chống đường lối của Đảng bộ địa phương một cách có hệ thống;

- Dùng Đài phát thanh đả kích sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương;

- Gây khó khăn cho phong trào xây dựng địa phương;

- Nói không đúng sự thật.

“Còn một tội rất nghiêm trọng không được ghi vào quyết định kỷ luật là “Nghe theo luận điệu chiến tranh tâm lý nói xấu Bí thư Tỉnh ủy”. Nguyên do như sau:

Vốn là con nhà nòi Tuyên huấn, anh Ba Sáng được Phó Bí thư Tỉnh ủy Võ Quang Trinh giao nhiệm vụ tập họp dư luận xã hội hàng tháng báo cáo cho Tỉnh ủy. Trong một báo cáo loại đó, anh Ba Sáng thực thà ghi: “Có dư luận nói đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Thê trên đường về Kiên Giang, có ghé Hậu Giang uống rượu Tây, mấy ngàn đồng một chai. Chính vì việc này khiến Bí thư nổi xung và anh Ba Sáng chịu trận.

“Với một cán bộ 30 tuổi Đảng, lâu năm trong ngành truyền thông đại chúng, quen biết nhiều cơ quan và nhân vật có cỡ nên cơ quan Thanh Tra Trung ương nhiều lần đến làm việc căng thẳng cuối cùng đã xác định rõ sự vô tội của anh Ba. Vậy mà cũng phải mất 4 năm tới tháng 10 năm 1987, anh Ba Sáng mới được phục hồi Đảng tịch!

“Thân phận của Dương Tôn Hưng, người viết những bài báo trên thì cay đắng hơn. Học xong tú tài, như nhiều thanh niên khác, Hưng không thể thoát khỏi quân dịch, phải lo lót để làm lính kiểng. Tới năm 1974, theo lới kêu gọi của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Hưng trốn vào vùng giải phóng làm quân y. Sau giải phóng, cách mạng cho Hưng đi học, học xong về công tác bên Đài. Thời gian làm lính kiểng Hưng không ghi vào lý lịch. Sau sự cố mấy bài báo, anh bị đình chỉ công tác. Ít lâu sau bị bắt về tội khai man lý lịch, trước đây “là sĩ quan ác ôn”, “từng là cai ngục”. Hơn một năm trời anh bị giam ở Cầu Ván.

“Và giờ đây năm 1988, chuyện cũ diễn lại. Dường như buộc tội Tư Châu về tờ báo có gì đó chưa thật sự yên tâm, những biện pháp tổ chức được khẩn cấp thi hành. Ban kiểm tra Tài chính hoạt động căng thẳng hai tháng. Trong lúc đó bạn bè làm báo hỏi thăm về vụ báo bị thu hồi, về Lê Hồng Châu bị cách chức, những người có quyền có chức giải thích: Chuyện tờ báo sai sót thì có, nhưng là chuyện nhỏ, Tư Châu bị kỷ luật về tài chính! Nghe thế mọi người tránh xa Tư Châu. Mãi hơn năm sau, trong cuộc họp bàn lại về việc thu hồi báo, tội trạng của Tư Châu mới được công bố: “Có trách nhiệm để tờ báo bị thu hồi và để nội bộ mất đoàn kết”. Như vậy Tư Châu không có chuyện gì về tài chính!

“Còn với Ngô Văn Tước người ta cũng có cách. Biết chẳng có thể xoay xở được gì ở anh chàng cựu chiến binh xuất thân từ gia đình cách mạng ở đất Quảng Trị nên biện pháp khác được áp dụng. Tước bị cơ quan, bị Đoàn Thanh niên kiểm điểm kỷ luật vì vạ báo. Tước cũng bị Tuyên huấn gọi lên kết những tội tày đình: Chống lại chủ trương của Đảng! Tước khăng khăng: “Có thể bài viết của tôi chưa đạt, nhưng dứt khoát tôi không sai. Tôi cũng không chống Đảng”. Tội trạng của Tước được chuyển hướng: “Sai lầm về bài báo là rõ ràng nhưng chúng tôi không đánh giá chuyện đó nặng lắm. Cái quan trọng là cậu ta ngoan cố, không chịu nhận sai lầm, lại còn tỏ ra kiêu căng, coi thường lãnh đạo, coi thường tập thể. Nhân sự như thế không thể làm báo được”. Tước bị thải hồi về quê sản xuất. Biện pháp cuối cùng là không cho viết báo, không được công tác trong khối tư tưởng. Vậy là bắt đầu năm tháng thất nghiệp chạy ăn chạy việc của nhà báo… hại này!

“… Sau sự việc này, một số nhà báo sống rất vất vả. Tư Châu như người chết rồi, sau cú đòn báo chí. Anh hầu như không nói, thỉnh thoảng chỉ mỉm cười cay đắng. Ngô Văn Tước lang thang trên những nẻo đường Rạch Giá, chiếc xe đạp duy nhất không còn, tay ẵm con, tay xách giỏ rau kéo lê đôi dép mòn vẹt gót, đi xin việc năm lần bảy lượt đều bị bật ra, bởi có lệnh không thành văn ban xuống: “Không cho viết báo”. Đầu bạc của anh Ba Sáng bạc thêm, trong những ngày bị truy bức vu khống. Dương Tôn Hưng nằm trên nền xi măng lạnh của trại giam. Có người giữ lại những bài viết chưa in của tôi để tính! Có thể chúng tôi sẽ còn gặp chuyện này chuyện khác; nhưng làm sao có thể không nói lên sự thật? Và dù có thế nào đi nữa, thì đâu có bằng nỗi khổ chồng chất mà bà con đang phải chịu đựng? Có thể từ chối nhiều điều, nhưng không thể nào không viết và càng không thể nào bẻ cong ngòi bút. Tôi đã viết bài nói lên sự nghiệt ngã đó. Do bài của tôi được đăng trên báo Văn nghệ mà tôi bị xóa tên ở Hội Văn nghệ Kiên Giang và bị mất việc, lâm vào cảnh nghèo đói từ năm 1988 đến nay. Vì tố cáo sự nghiệt ngã đối với làng báo Kiên Giang mà tôi lâm vào tình cảnh nghiệt ngã, khốn cùng…

“Bây giờ, vào những năm 2006-2007, các vị lãnh đạo mới ở Kiên Giang đã có cái nhìn cởi mở, trung thực và tình nghĩa hơn. Song những người bị tai nạn ngày ấy vẫn chưa được minh oan và tôi vẫn chưa được chế độ hưu để nuôi lấy thân sau 21 năm công tác…”

Thưa Thủ tướng,

Tôi đã đem bài viết trên đây của nhà văn Hà Văn Thùy đến cùng đọc với anh Đặng Ngọc Nam (sau khi nghỉ hưu anh Nam tham gia công tác ở Trung ương Hội người cao tuổi). Cả hai chúng tôi tự thấy mình thiếu trách nhiệm, không tiếp tục theo dõi cách xử lý cho đến nơi đến chốn.

Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến các nhà báo cao tuổi TP HCM đã đề nghị lãnh đạo Kiên Giang giải quyết chế độ hưu cho anh Thùy. Lãnh đạo Kiên Giang cho rằng vì không có cấp có thẩm quyền xóa quyết định buộc thôi việc do Ban lãnh đạo năm 1988 đã ký, cho nên không thể thực hiện chế độ hưu cho anh Thùy được. Chúng tôi nhớ đến cái duyên gặp gỡ, và những buổi trao đổi ý kiến rất dễ dàng được sự nhất trí về cách xử lý vụ hai tờ báo Xuân Kiên Giang với người lãnh đạo trẻ của Kiên Giang ngày ấy, nay đã là Thủ tướng cho nên mới viết thư này. Hơn nữa, Cảng Hòn Chông, cái công trình đưa tới vụ việc đáng tiếc cho nhiều nhà báo năm 1987-1988, nay đã trở thành phế tích, chứng tỏ điều anh em cảnh báo năm 1987 không sai. Vậy thì xóa án kỷ luật, minh oan cho anh em là điều rất hợp đạo lý.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Tống Văn Công

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn