Đấu tranh chính trị ở Nga trước ngày bầu cử tổng thống

Nguyễn Minh Cần

Bàn góp – Bài viết nào của nhà chính trị Nguyễn Minh Cần cũng bao quát, gọn ghẽ, kỹ lưỡng. Nhưng trong bài này, thấy cần ghi chú thêm một điều quan trọng nhiều tác giả khác thường bỏ qua nhưng lại không lọt khỏi cặp mắt văn hóa Nguyễn Minh Cần: “Putin cũng nên xin lỗi, chẳng hạn, trước các học sinh, các phụ huynh của họ, trước các nhà giáo vì cuộc cải cách giáo dục kéo dài nhiều năm chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn.”

Khi Putin nhảy sang làm chính trị, anh cu sĩ quan an ninh này chỉ đeo lon Thiếu tá rất giỏi ngoại ngữ… tiếng Nga (và một chút tiếng Đức đủ để khai lý lịch là có biết ngoại ngữ, gia đình có “bề dầy văn hóa”). Anh ta thua cậu Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng mấy ngôi sao.

Nhưng tầm trơ trẽn thì hai cậu ngang nhau: thời đại này mà Putin còn mưu mẹo lọt vào làm Tổng thống rồi làm Thủ tướng rồi lại định làm Tổng thống nữa cho đủ 24 năm cai trị, thì đầu óc quả là rất “đại ca”! Cậu Ca Hải Phòng thì ai cũng rõ! Anh này suốt một tháng liền cũng biết leo lẻo ăn nói trong khi vừa đàn áp nhân dân, vừa che giấu tội phạm, vừa khoe tài cán rỗng, vừa lùa cả một bầy những cái loa đê tiện ca ngợi một vương quốc Hoa Phượng Đỏ.

Nay ta thử hình dung, tầm cỡ Đại ca Ca Hải Phòng nếu vẫn cứ tuần tự được một bộ máy nhắm mắt cho leo lên mãi, cái gì sẽ xảy đến, khi đó trách gì cuộc cải cách giáo dục kéo dài nhiều năm chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn!

Suy đi nghĩ lại, cậu La Thăng tuy hớ hênh nhưng có lúc cũng có lý. Phải trảm tướng thôi!

Phạm Toàn

clip_image002

Ứng cử viên tổng thống Nga Mikhail Prokhoroc và các ủng hộ viên tại St. Petersburg ngày 10/02/2012.

Reuters

Có thể nói, từ ngày 04/12/2011 đến ngày 24/12/2011, tức là trong thời gian diễn ra ba cuộc biểu tình lớn của dân chúng Nga phản đối cuộc bầu cử Quốc hội gian lận, phe chính quyền hoàn toàn bất ngờ và bị động trước phong trào phản kháng mạnh mẽ của dân chúng.

Ngoài những luận điệu tuyên truyền của các kênh truyền hình, truyền thanh nhà nước và những lời tuyên bố của Putin, Medvedev vu khống những người đứng ra tổ chức biểu tình là làm tay sai cho Mỹ và phương Tây, người ta không thấy phản ứng gì mạnh mẽ của phe chính quyền. Các nhà quan sát khách quan thấy rõ đằng sau những lời tuyên bố đó là sự lúng túng và bối rối của họ.

Nhưng từ cuộc biểu tình lớn thứ tư của dân chúng Moskva ngày 4.2.2012 trên quảng trường Bolotnaya, phe chính quyền bắt đầu tích cực phản công và cố sức giành lại thế chủ động. Lần đầu tiên, phe thân Putin tổ chức cuộc phản biểu tình cũng trong ngày 4.2. trên Poklonya gora (Đồi Tưởng niệm) ở Moskva với những khẩu hiệu cổ động cho ứng viên tổng thống Vladimir Putin. Nếu khẩu hiệu của biểu tình phản kháng là “Vì cuộc bầu cử trung thực”, “Nước Nga không có Putin” và “Không một lá phiếu nào cho Putin”, thì phe chính quyền đưa ra nhiều khẩu hiệu “Hãy bỏ phiếu cho Putin”, “Nước Nga không có Putin = Nước Nga không có tương lai”, v.v.

Để đánh vào tâm trạng của giới cầm quyền và các giới được ưu đãi dưới chế độ của Putin sợ bị “mất địa vị, mất tiền của”, sợ “cách mạng màu nâu”, sợ “bọn tay sai của Mỹ và phương Tây” xâm phạm đến quyền lợi nước Nga, phe ủng hộ Putin còn đưa ra những khẩu hiệu, như “Chúng ta có cái gì để mất!”, “Chống lại cách mạng màu nâu”, “Bảo vệ nước Nga!”. Ngay bản thân ông Putin trong nhiều lần phát biểu cũng nhấn mạnh đến sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào công việc nội bộ của Nga và vu khống những người cầm đầu phong trào phản đối đã nhận tiền của nước ngoài và làm tay sai cho Mỹ và phương Tây.

Nhiều người nhận thấy rằng hiện đang diễn ra “cuộc chiến tranh về những con số”, nói cụ thể là: khi giới báo chí đánh giá cuộc biểu tình ngày 4.2.2012 của phe phản kháng có 134 nghìn người (Ban Tổ chức đánh giá là 140 nghìn), thì Bộ Nội vụ cho rằng chỉ khoảng 50 nghìn thôi; còn cuộc biểu tình của phe thân Putin hôm đó theo đánh giá của báo chí khoảng 80 nghìn thì Bộ Nội vụ lại đánh giá là 140 nghìn, riêng tòa thị chính Moskva thì đưa ra con số 190 nghìn người (!), cốt để chứng minh rằng số người ủng hộ Putin chiếm đa số. Từ sau ngày 4.12.2011, khi bị tố cáo gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua, Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin đã mất uy tín nặng nề, nên Đảng này phải giấu mặt không dám công khai danh xưng đứng ra tổ chức biểu tình mà dùng danh nghĩa của tổ chức công đoàn.

Để huy động người tham gia biểu tình, người ta dựa vào các tổ chức chính quyền, phân bổ số nhân viên phải đi biểu tình, nếu không đi thì bị xử phạt, còn ai đi thì sẽ được cho nghỉ bù một hay hai ngày, thậm chí có nơi còn hứa hẹn trả tiền cho mỗi người đi biểu tình ủng hộ Putin là 500 rúp. Phe chính quyền cho rằng những tin tức đó là lối khiêu khích của những người chống đối. Nhưng, điều này thực ra không phải là do phe đối lập nói ra, mà chính một số người ở công đoàn giáo viên, bưu điện, các cơ quan phục vụ nhà ở đã tố cáo là họ bị ép buộc, bị gây áp lực. Một số người được hứa hẹn trả tiền mà không được trả cũng đã tố cáo với dư luận. Gần đây, có vài người bị đuổi việc cũng đã tố cáo. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu cứ theo đà này – hai phe đối chọi nhau bằng các cuộc biểu tình – thì cuối cùng phe chính quyền sẽ khó tránh khỏi bị phản đối ngầm của các cử tri bị ép buộc phải đi biểu tình ủng hộ Putin mà chưa chắc họ sẽ bỏ phiếu cho ông ta.

Từ nay đến sau ngày bầu cử tổng thống, cuộc đấu tranh chính trị giữa phe đối lập và phe chính quyền bước sang thời kỳ quyết liệt hơn. Phe chính quyền dự định nhân dịp lễ “Ngày bảo vệ Tổ quốc” 23.2.2012 sẽ tổ chức một cuộc biểu tình 200 nghìn người ngay tại trung tâm thủ đô trên quảng trường Manezh gần điện Kremli để ủng hộ Putin, với những khẩu hiệu “Bảo vệ Tổ quốc!”, “Chống lại cách mạng màu nâu”, “Đập tan mô hình của phương Tây”... Phe ủng hộ Putin coi đây sẽ là một đòn nặng cân đánh lại phe đối lập, vì họ muốn lợi dụng tinh thần “bảo vệ Tổ quốc” để chống lại những người đứng đầu phe đối lập mà họ vu cáo là tay sai của Mỹ và phương Tây.

Phe chính quyền còn dự định tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở St. Petersburg trên quảng trường Cung điện, quảng trường lớn nhất của thành phố. Luận điệu tuyên truyền của đám bồi bút trên các kênh truyền hình nhà nước ra rả vu khống là cuộc biểu tình lớn của dân chúng Nga phản đối cuộc bầu cử Quốc hội gian lận là do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức và kêu gọi mọi người đấu tranh chống “nạn dịch màu nâu”. Cũng nên nói thêm, phụ họa theo luận điệu này của Putin và phe cánh, còn có cả Ziuganov, ứng viên tổng thống của ĐCS Liên bang Nga, và Zhirinovski, ứng viên của đảng cực hữu tự xưng là “tự do dân chủ”.

Thấy rõ là mình đã giảm sút uy tín nặng đối với giới trẻ, trí thức và các tầng lớp trung lưu ở thành phố, Putin đang cố ve vãn các cử tri tỉnh lẻ còn đầu óc bảo thủ (mà những người này chỉ biết tình hình đất nước qua các đài truyền thanh và truyền hình của nhà nước) bằng cách đánh vào “lòng yêu nước” và kêu gọi “đoàn kết chống kẻ thù bên ngoài”. Có thể nói đây là chiến lược vận động bầu cử của ông Putin. Mặt khác, âm mưu của phe chính quyền muốn chia rẽ giữa những người lãnh đạo phong trào đối lập, nhưng đến nay họ chưa đạt đươc kết quả gì cụ thể.

Chiến thuật mà họ đang dùng là hứa, nhưng không chắc sẽ thực hiện hoặc kéo dài sự thực hiện lời hứa, hay thực hiện một cách khác hẳn, không đúng như ý của phe đối lập, thậm chí hứa mà không thực hiện. Dễ thấy điều đó qua mấy việc cụ thể sau đây: Một là, sau những phản ứng mạnh mẽ của dân chúng Moskva trước những gian lận của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống Medvedev đã tuyên bố sẽ mở rộng dân chủ, sẽ sửa đổi luật các đảng để cho nhiều đảng được đăng ký và tham gia cuộc bầu cử, sẽ để cho nhân dân trực tiếp bầu cử các tỉnh trưởng, v.v. Nhưng hình như lời hứa hẹn đó chỉ để xoa dịu lòng bất bình của quần chúng, vì đến nay đã gần hai tháng qua mà vẫn chưa có động tĩnh gì về việc đưa ra những dự luật này cho Quốc hội thảo luận cả.

Hai là, sau cuộc biểu tình lớn trên quảng trường Bolotnaya, Thủ tướng Putin tuyên bố sẵn sàng đối thoại với đối lập, nhưng sau lời tuyền bố đó, ông chẳng có một bước cụ thể nào để chính thức mời đối lập đối thoại, mặc dầu phe đối lập tuyên bố rõ là họ sẵn sàng nói chuyện.

Ba là, Tổng thống Medvedev tuyên bố ngày 20.2 sẽ gặp những người đứng đầu các đảng không được đăng ký để bàn về hai dự luật nhằm giảm nhẹ điều kiện đăng ký và giảm nhẹ việc lấy chữ ký để tham gia ứng cử tổng thống, nhưng đến nay vẫn chưa thấy mời ai cụ thể, dù nhiều người nghĩ rằng có thể là nhà cầm quyền muốn nhân việc này để chia rẽ phe đối lập, hoặc Tổng thống e ngại gặp những người trong Ban Tổ chức biểu tình phản kháng thì họ sẽ đưa ra năm yêu sách trong quyết nghị của hai cuộc mít tinh lớn ở Moskva thì ông sẽ khó ăn nói chăng?

Nhiều người cho rằng các dự luật mà ông Medvedev hứa hẹn chắc rồi cũng sẽ không thoát khỏi cơ chế “xin-cho” thường thấy ở các chế độ độc tài giả danh dân chủ. Chuyện cụ thể sau đây chứng minh cho điều đó: Đảng Cộng hòa Nga, do Vladimir Ryzhkov đứng đầu, năm 2006 đã không được Bộ Tư pháp Nga cho đăng ký, và đến năm 2007, Tòa án Tối cao Liên bang Nga đã quyết định giải thể đảng này. Ông Vladimir Ryzhkov đã kiện lên Tòa án nhân quyền châu Âu.

Hồi tháng 4.2011, Tòa án nhân quyền châu Âu đã có kết luận coi quyết định giải thể Đảng Cộng hòa Nga là không hợp pháp. Sau đó, ngày 23.1.2012, Tòa án Tối cao Liên bang Nga đã công nhận quyết định năm 2007 là không hợp pháp và đã chính thức xóa bỏ quyết định giải thể Đảng Cộng hòa Nga. Nhưng... Bộ Tư pháp Nga đã phản đối quyết định đó của Tòa án Tối cao Liên bang Nga và nhất định không cho Đảng Cộng hòa Nga được đăng ký! Thật là một chuyện phi lý, kỳ quái trong lịch sử pháp lý! Các nhà phân tích khách quan cho rằng chung quy chỉ vì ở Nga không có tòa án độc lập, và ngành tư pháp thì phục vụ ý chí của một người đứng đầu đảng cầm quyền!

Đó là chưa nói đến việc, gần đây các quan chức của chính quyền bắt đầu quấy nhiễu các tổ chức bất vụ lợi như “Golos” (một tổ chức theo dõi các cuộc bầu cử) tìm cách đuổi văn phòng của tổ chức này ra khỏi nhà đã thuê, và hiện Bộ Tư pháp Nga đã có kế hoạch kiểm tra các tổ chức phi chính phủ quan trọng, đồng thời làm áp lực đối với những người sử dụng internet, nhất là các blogger đối lập, gây áp lực cá nhân hoặc làm mất uy tín những người lãnh đạo các tổ chức phản kháng, v.v.

Phe chính quyền, nhất là ông Putin, ngày càng dùng những luận điệu xuyên tạc để tấn công phong trào phản kháng. Ngoài việc buộc cho họ tội nhận tiền của nước ngoài, tay sai của Mỹ và phương Tây, họ lại tung thêm lời vu khống là những người đứng đầu phong trào muốn quay lại thời những năm 90 làm sụp đổ đất nước và gây ra khó khăn cho đời sống của nhân dân. Nhưng các nhà phân tích khách quan cho rằng, nếu dựa vào cuộc thăm dò ý kiến tại cuộc biểu tình lớn trên đại lộ Sakharov, thì 82% số người đi biểu tình có trình độ đại học, trong số đó 44% là các chuyên gia cấp cao, 15% là những người lãnh đạo các doanh nghiệp, chủ nhân các hãng và công ty, đó là thành phần tinh túy của xã hội mới ở Nga, họ đã từng có kinh nghiệm chính trị, kinh tế và xã hội của 20 năm qua.

Như vậy, xét về tiềm lực cán bộ của phong trào phản kháng thì rất cao, họ có đủ khả năng đảm nhiệm công việc quốc gia. Lớp người tinh túy này chính là bảo đảm cho tiền đồ tốt đẹp của nước Nga, chứ không phải để “làm sụp đổ đất nước”. Cho nên luận điệu tuyên truyền trên của phe Putin là hoàn toàn không có cơ sở.

Ngày 13.2, ông Putin cho công bố bài báo có tính “cương lĩnh” của ông với tựa đề “Sự xây dựng công bằng. Chính sách xã hội cho nước Nga”, trong đó ông hứa sẽ tăng lương cho các bác sĩ, giáo viên, sẽ tái sinh lại “tầng lớp công nhân quý tộc” và hứa hẹn giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Đây là chương trình tranh cử quan trọng của ứng viên tổng thống Putin. Các nhà phân tích lưu ý rằng đã 12 năm qua, các nhà cầm quyền nước Nga đã nhiều lần đặt ra những vấn đề này rồi, nhưng kết quả thực tế không thấy rõ.

Phản ứng đối với bài báo này khá nhiều, người viết chỉ xin trích ý kiến của ông Vsevolod Lukhovitski, thành viên Hội đồng Công đoàn ngành giáo dục liên khu vực: “Theo quan điểm của tôi, đáng lẽ Thủ tướng phải làm như Yeltsin hồi năm 1999 đã hối hận và xin lỗi trước các công dân.của mình. Yeltsin đã có đủ can đảm để làm điều đó thì Putin cũng nên xin lỗi, chẳng hạn, trước các học sinh, các phụ huynh của họ, trước các nhà giáo vì cuộc cải cách giáo dục kéo dài nhiều năm chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Ông ta đáng lẽ phải xin lỗi trước tất cả các công nhân viên ăn lương ngân sách mà từ mùa hè năm nay sẽ chuyển qua thực hiện đạo luật 83 [tức là luật liên bang chia các cơ quan thị chính thành cơ quan tự trị có ngân sách riêng với quyền hạn rộng hơn và các cơ quan nhà nước – chú thích của người viết]. Nếu ông muốn thắng một cách trung thực trong cuộc bầu cử thì đáng lẽ ông phải nói “Khi nào tôi trở thành Tổng thống thì tôi sẽ veto ngay lập tức đạo luật 83”.

Bây giờ, chúng ta hãy xem phe đối lập sẽ tiếp tục làm gì trong thời gian tới. Chủ trương chung được nhất trí giữa các người lãnh đạo các đảng phái và phong trào là phải kiên trì tiếp tục đấu tranh chính trị ôn hòa, không bạo lực để đạt cho được năm yêu sách đã nêu ra trong nghị quyết của các cuộc biểu tình, cụ thể là đòi: 1/ ân xá các tù nhân chính trị, trước mắt là cho 40 người; 2/ trong thời hạn một năm tổ chức bầu cử lại Quốc hội; 3/ cho đăng ký các đảng đối lập; 4/ sửa đổi luật bầu cử, giảm nhẹ điều kiện lấy chữ ký ra ứng cử tổng thống để trong thời hạn hai năm sẽ tổ chức bầu cử lại tổng thống; 5/ cách chức Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Churov.

Phe đối lập coi đây là bước đấu tranh cụ thể để chuyển hóa chế độ độc đoán toàn trị theo hướng dân chủ hóa. Chính vì thế họ đề nghị các ứng viên tổng thống chấp nhận ba điều cơ bản sau đây khi được bầu làm tổng thống: 1/ ân xá các tù nhân chính trị theo danh sách đã lập rồi; 2/ thông qua những luật dân chủ mới, có nghĩa là cải cách hệ thống chính trị của đất nước; 3/ trong vòng một năm tổ chức bầu cử Quốc hội và trong vòng hai năm tổ chức bầu cử tổng thống, các cuộc bầu cử đó phải tự do. Trong số ứng cử viên, chỉ có Prokhorov đã tham gia cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng ngày 4.2 trên quảng trường Bolotnaya và đã đồng ý thực hiện hai điều, còn điều thứ ba thì chỉ đồng ý trong vòng một năm tổ chức bầu lại Quốc hội. Phong trào phản kháng sẽ tùy theo thái độ của ứng viên đối với ba điều trên đây để vận động bỏ phiếu cho ứng viên nào.

Phe đối lập còn tích cực vận động quần chúng ghi tên làm quan sát viên ở các phòng bỏ phiếu. Theo lời một người trong Ban Tổ chức biểu tình, đến nay đã có gần 20 nghìn người ghi tên. Sắp tới sẽ có cuộc tập hợp để huấn luyện, phát giấy chứng minh cho họ và phân công họ làm việc ở các phòng bỏ phiếu. Tin tức mới nhất ngày 13.2 cho biết, ở St. Petersburg, chính quyền ở đây đã gây khó khăn cho việc đăng ký quan sát viên.

Ban Tổ chức đang chuẩn bị những cuộc biểu tình phản kháng tiếp.

Rút kinh nghiệm cuộc “biểu tình” có tên gọi là “Vòng đai trắng” ngày 29.1.2012, với 2000 chiếc ô tô mang bóng trắng và dải băng trắng chạy trong thành phố, lần này “Liên đoàn cử tri” cũng dự định tổ chức “Vòng đai trắng”, nhưng ô tô sẽ chạy theo đường khác trong thành phố vào ngày 19.2 tới (hiện nay ở Nga không có luật cấm biểu tình bằng ô tô, nên người ta muốn dùng hình thức đó để không phải xin phép). Ban tổ chức cũng đang chuẩn bị biểu tình lớn trong ngày 26.2.2012, lần này gọi là “Tống tiễn mùa đông Putin”. Chúng tôi thấy cần nói rõ hơn để bạn đọc hiểu về cái tên hơi lạ này: ở Nga, hàng năm có lễ hội dân gian gọi là “Maslenitsa”, năm nay lễ hội này nhằm vào ngày 26.2. Đó là lễ hội “Tống tiễn mùa đông” bao giờ cũng rất đông vui, kết thúc lễ hội bằng việc dân chúng vui mừng đốt con nộm “Mùa đông” để chuẩn bị đón mùa xuân. Còn biểu tình “Tống tiễn mùa đông Putin” cũng sẽ kết thúc bằng việc dân chúng đốt con nộm “Putin”. Ý nghĩa của nó là kết thúc thời đại Putin bằng cách không bỏ phiếu cho ông ta để đón mùa xuân dân chủ!

Ban Tổ chức cũng đã dự kiến những cuộc đấu tranh sau ngày bầu cử tổng thống 4.3. Nhiều nhà phân tích e ngại rằng, với não trạng của Tổng thống mới, với “thói quen” của ông thích sử dụng các lực lượng gọi là công lực (tiếng Nga gọi là siloviki) thì khó tránh những cuộc “va chạm” dữ dội với cảnh sát và bộ đội đặc nhiệm trong các cuộc đấu tranh sau ngày bầu cử.

Nhưng phe đối lập sẵn sàng đương đầu với những “va chạm” đó vì họ tin tưởng ở sức mạnh của xã hội dân sự và họ không thể không bày tỏ cho cả nước Nga và cho chính Tổng thống mới được “bầu” thấy rằng cuộc bầu cử vừa qua là không có tính chính đáng, bởì lẽ Ủy ban bầu cử cũng như Tòa án tối cao đã theo lệnh “một ứng viên” mà gạt bỏ ứng viên khác là ông Grigori Yavlinski có khả năng cạnh tranh với mình; không có tính chính đáng vì các ứng viên không được bình đẳng trong việc vận động bầu cử, vì một người đương quyền được sử dụng toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng mà những người kia thì không được, chính vì thế Tổng thống được “bầu” trong một cuộc bầu cử như vậy mất tính chính thống và không được đa số dân chúng tin cậy. Ngày 13.2, “Liên đoàn cử tri” đã ra tuyên bố đòi nhà cầm quyền chấm dứt việc cổ động trắng trợn chỉ cho một ứng viên của đảng cầm quyền trên các đài truyền thanh và truyền hình của nhà nước.

Tóm lại, có thể thấy trước nước Nga trong những ngày tháng sắp tới khó tránh được những chấn động chính trị và xã hội nặng nề, khi ông Putin lại được “bầu” làm tổng thống lần nữa trong một cuộc bầu cử không công bằng, không trung thực và không chính đáng. Nước Nga sẽ ngập sâu hơn trong cuộc khủng hoảng chính trị và có nguy cơ bùng nổ xã hội, nếu những người cầm quyền không biết tìm lối thoát giải quyết mâu thuẫn với xã hội dân sự bằng cách đối thoại hòa bình và chấp nhận cải cách, mà ngoan cố đi theo con đường dùng bạo lực theo kiểu Lukashenko hay Bashar el-Assad. Chỉ mong sao những người cầm quyền nước Nga có đủ khôn ngoan và mềm dẻo trong thời điểm cực kỳ quan trọng này của lịch sử.

N. M. C.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn