Kinh tế, Vũ khí và Nhân quyền

Hiệu Minh

clip_image001

TC Bình và Obama trong Nhà Trắng. Ảnh: AP

Làm ăn với Mỹ thường có câu “hai bên cùng có lợi”, 50 ăn 50 cũng OK, 90 ăn 10 càng sướng, miễn sao cả hai cùng kiếm chác, theo công thức zero sum. Anh nào khôn thì lợi nhiều, anh nào kém thì lợi ít, nhưng ít nhất không mất trắng.

Họ chỉ có đồng minh, không có bạn. Đồng minh là allied, hợp tác với nhau làm ăn, lợi chia nhau theo tỷ lệ đóng góp, thất bát bỏ của chạy lấy người.

Khi ngồi vào bàn thương thảo, phía Mỹ luôn có con bài nào đó để bàn với đối tác. Về cấp quốc gia, họ có bài Nhân quyền đi rao giảng khắp nơi. Người khen, kẻ chê, vì thực ra, Nhân quyền của Mỹ đâu phải nhất thế giới.

Hôm 14-2-2012, ngày lễ tình yêu Valentine, tại Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama gặp nhau trong bộ comple mầu sẫm, cavat mầu xanh nước biển. Trong lễ ngoại giao, việc đeo cavat mầu gì, áo sống ra sao đều được các quân sư cố vấn đến từng chi tiết.

Lẽ ra trong ngày lễ tình yêu thì hai ông phải dùng cavat hồng hay đỏ mới đúng mầu của máu chảy trong trái tim. Đáng tiếc, trong chính trị không có tình yêu.

Sự trở lại của Hoa Kỳ tại biển Đông đã gây lo ngại cho Trung Quốc. Và sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Thái Bình Dương làm Mỹ đề phòng.

Báo Cua Times đồn đoán, cavat mầu xanh đại dương của hai vị nguyên thủ quốc gia nói lên, hai cường quốc đang đối đầu trên biển.

VOA cho hay, ông Tập Cận Bình đã nói với giới lãnh đạo Hoa Kỳ là Trung quốc sẵn sàng “đối thoại thẳng thắn” về nhân quyền  và cam kết hợp tác trong các vấn đề kinh tế.

Ông Bình còn khẳng định rằng, Trung Quốc đã đạt được ”những thành quả to lớn và được công nhận rộng rãi” về nhân quyền kể từ khi bắt đầu cải tổ và mở cửa hơn 30 năm trước

Đáp lại, Tổng thống Obama nói sự phát triển vượt mức của Trung quốc trong hơn 2 thập niên qua đã củng cố  sức mạnh và đem lại thịnh vượng cho nước này, nhưng nó cũng “gia tăng những trách nhiệm mà Trung Quốc cần phải gánh vác”

Obama còn nói rất rõ:”Chúng tôi muốn làm việc với Trung Quốc để bảo đảm rằng mọi người đều phải tuân thủ cùng những luật lệ như nhau trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Và rằng điều này bao gồm cả bảo đảm là mức giao thương phải cân bằng, không chỉ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng trên toàn thế giới nữa. Điều này cũng có nghĩa là những vấn đề hệ trọng như nhân quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến điều chúng tôi hằng tin vào tầm quan trọng trong việc công nhận những khát vọng và quyền của tất cả mọi người”, VOA cho hay.

Như vậy, quan hệ Trung – Mỹ là quan hệ Kinh tế – Nhân quyền. Nhân quyền tốt thì Kinh tế mới bền vững. Kinh tế bền vững, Nhân quyền sẽ được đảm bảo.

Như một sự trùng lặp, trong liền hai tháng đầu năm 2012, đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có cả John McCain, người được coi là bạn thân của Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, Kurt Campbell, thăm Hà Nội cũng đặt vấn đề tương tự về Nhân quyền.

Phía ta muốn mua vũ khí của Mỹ và Hoa Kỳ đáp lại, nhân quyền tiến bộ thì sẽ bán.

Như vậy, quan hệ Mỹ-Việt là quan hệ Vũ khí-Nhân quyền. Nhân quyền tốt thì Vũ khí sẽ tối tân, không cải thiện thì sẽ không có vũ khí. Period – chấm hết.

Theo một nghĩa nào đó, Vũ khí Nhân quyền là Win-Win, hai bên cùng có lợi.

Mỹ bán được vũ khí thì cải thiện được nền kinh tế đang chao đảo, tạo thêm công ăn việc làm, trong khi thất nghiệp tại quốc gia này gần 9%, tương đương với 12 triệu người.

Việt Nam có vũ khí tối tân thì chẳng sợ biển Đông sủi tăm, bảo vệ được mình và cả quyền lợi của Mỹ tại đây.

clip_image002

Apache. Ảnh: internet

Để mua được tàu ngầm, tên lửa bảo vệ bờ biển, Việt Nam cần thả một số nhân vật bất đồng chính kiến mà phía Mỹ cho rằng, giam như thế là vi phạm nhân quyền.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định không có tù nhân lương tâm, không có ai bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, mà chỉ  có kẻ phạm tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Như vậy câu chuyện về Kinh tế, Vũ khí và Nhân quyền không có hồi kết. Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam nhiều lần nên Mỹ nói thì cứ kệ, việc họ, họ cứ làm, bao vây Tây Tạng hay bắt giam Vị Vị là việc riêng của Trung Quốc.

Nhưng Việt Nam ta thân cô thế cô, ăn nói khó hơn. Chắc là kế “ông đưa cây giò, bà thò chai rượu”, Win-Win nhỏ giọt, đôi khi được việc. Nay thả một anh, mai thả thêm chị khác. Mà thả rồi thì Mỹ lại đòi tiếp, họ thực dụng lắm, khổ thế.

Thả hết rồi, có khi lại đòi hết tham nhũng mới bán vũ khí thì làm sao đây.

Nói gì thì nói, người Mỹ rất khôn khi đưa con bài Nhân quyền lên bàn đàm phán.

Nhân quyền tiến bộ thì Trung Quốc đâu cần đánh Việt Nam mà họ sẽ quay sang chiến lược Win-Win, biến 16 chữ vàng thành sự thực. Mỹ chả mất tiền của để đưa quân tới Biển Đông.

Việt Nam mạnh từ dân đến quan, từ địa phương đến trung ương, chính quyền mạnh, quốc tế ủng hộ hết lòng, đố kẻ nào dám xâm phạm bờ cõi.

Hai nước yên tâm làm ăn, trong ấm ngoài êm, dân lại cần cù, chuyên sản xuất hàng bán sang Mỹ. Hàng nhiều thì giá rẻ, dân Mỹ sướng hơn, sáng tạo hơn, vẫn tiếp tục lãnh đạo thế giới.

Ván bài Nhân quyền chơi khá dễ, không tốn kém, mà lợi nhiều bên. Chỉ có điều mỗi bên phải hy sinh một cái gì đó, không nói ai cũng hiểu. Điều này tùy thuộc vào cái đầu lạnh của những chính trị gia khi đặt quyền lợi dân tộc lên trên mọi lợi ích khác.

Nếu không chịu hiểu nhau, cuộc gặp sau giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Obama sẽ còn thấy cavat xanh trong nghi lễ ngoại giao. Việt Nam sẽ hỏi tiếp, khi nào mua được trực thăng Apache và tên lửa patriot. Hoa Kỳ trả lời bằng hai chữ “Nhân quyền”.

Và câu chuyện không có hồi kết về Kinh tế, Vũ khí và Nhân quyền vẫn được tiếp tục sau những tấm màn nhung.

clip_image003

TNS Lieberman và McCain tại HN 19-01-2012. Ảnh: Nhất Đình

H. M. 14-02-2012

Nguồn: hieuminh.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn