Tản mạn về…

Tô Văn Trường

Đất nước chậm phát triển chủ yếu là do thể chế và lỗi của các “công bộc” của dân, nhưng trong đó có cả vai trò trách nhiệm của trí thức trước thời cuộc. Kể ra cũng khó trách trí thức khi mà nhiệt huyết và lòng tin của kẻ sĩ đã ngày càng cạn kiệt!

Một người bạn, bình luận về bài trả lời phỏng vấn đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của TS Nguyễn Đình Cung đại ý thích nhất vì nó đã chỉ ra được cái hay nhất, ghét nhất vì nó cam chịu cái nửa vời, múa gậy trong bị, gọt chân cho vừa giày!  Chúng ta đều biết tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong đề xuất mới  đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Phản biện là quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội (đang được dự thảo hoặc đã có) theo các cách nhìn khác nhau (đa chiều) nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của chúng. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Phản biện xã hội là phản biện nói chung, nhưng có quy mô, lực lượng rộng rãi hơn của xã hội. Giám định là hoạt động theo dõi (kiểm tra, đánh giá) đối với việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã có, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng của chúng.

Tiếc thay, những điều tối thiểu nói trên cần phải thấu hiểu ở người lãnh đạo thì nhiều vị chính khách lại không thuộc bài, trong đó có ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang. Gần đây, nhận được nhiều lời mời tham gia hội thảo, cuộc họp, góp ý cho dự thảo luật tài nguyên nước sửa đổi (do Bộ TNMT soạn thảo), tôi đều khước từ mặc dù biết là khiếm nhã. Hôm nay, lại nhận được thư mời tham dự hội thảo vào ngày 5/5/2012 tại Hội trường Viện Nhà nước và Phát triển, bàn về luật tài nguyên nước (Ban tổ chức đài thọ mọi chi phí)! Có vị GS khuyên rằng những vấn đề nóng và “khó nhằn” như Hiến pháp, sửa luật đất đai, cũng đã có gần chục bài phản biện đáng suy ngẫm chẳng nhẽ lĩnh vực tài nguyên nước là “bồ ruột” lại ngoảnh mặt làm ngơ!

Tôi chưa biết mặt Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Chỉ được nghe những người có trách nhiệm ở Bộ Nông nghiệp & PTNT kể lại ông từ Bí thư tỉnh Lai Châu, luân chuyển về Bộ NN&PTNT làm Thứ trưởng dự kiến thay ông Cao Đức Phát, nhưng do thời cuộc, ông Phát vẫn được ở lại, cho nên ông Quang được chuyển tiếp sang làm Bí thư đảng đoàn khối các cơ quan TW (có xuất cơ cấu ủy viên TW). Sau đại hội Đảng XI, ông xoay sở được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, đúng là “nhân tài” của quốc gia, đi đâu cũng được, chẳng ngán gì kể cả “ghế nóng”! 

Năm ngoái, tôi viết bài nhận xét về kịch bản biến đổi khí hậu (phiên bản 2009) được nhiều nhà khoa học chuyên sâu quan tâm, tán thành. Một vị Viện trưởng thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường gửi mail cho tôi phân tích tâm đắc, chia sẻ bài viết này bị ông Quang ra oai, bắt làm bản tường trình chỉ vì tư duy bảo thủ, sợ “vạch áo cho người xem lưng”!? Cách đây hơn tuần, tôi viết tiếp bài so sánh giữa 2 phiên bản (kịch bản biến đổi khí hậu 2009 và 2011), một công việc âm thầm, hoàn toàn từ thiện vì mất rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu các nguồn tư liệu thông tin trong và ngoài nước. Tôi biết Bộ trưởng không vui, vì ông có đọc cả năm cũng chẳng thể hiểu được nội dung, ý nghĩa chuyên môn sâu của bài viết này.

Nhớ lại, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên có lần lên diễn đàn Quốc hội trả lời cam đoan về an toàn hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. Mặc dù quen biết Bộ trưởng Nguyên, tôi vẫn viết bài về nguy cơ hồ bùn đỏ, không quên phê phán nhận thức của Bộ trưởng, trong đó có cả phát biểu sai lầm về ý nghĩa và đơn vị của pH. Tôi biết Bộ trưởng Nguyên nhận ra sai sót của mình và cũng không giận bạn đã đưa mình lên mặt báo!

Riêng với ông Quang, đáng buồn hơn cả là phát biểu về vụ anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng chứng tỏ “lỗ hổng” lớn về kiến thức chuyên môn và quản trị! Báo công dân nhiều người “ném đá” đòi ông từ chức! Thật ngây thơ, nước ta làm gì có văn hóa từ chức, mà nếu ông về hưu sớm, với chuyên môn ấy, thì biết làm gì để đóng góp có ý nghĩa với xã hội? Vì sao nước ta có nhiều vị chính khách “chém gió”, thể hiện văn hóa lùn, chính là do hệ thống chính trị đã lỗi thời đẻ ra nó!

Mặc dù, tôi đã thông báo tạm ngừng viết các bài về chính trị xã hội để tập trung vào công việc chuyên môn ở trong và ngoài nước nhưng nhiều người (kể cả chưa biết mặt) vẫn gửi thư yêu cầu bình luận về sự kiện Ecopark (Hưng Yên). Do chưa có các thông tin, tư liệu chính xác, đa chiều, nên tôi chưa viết nhưng rất cảm thông chia sẻ với những người nông dân khốn khổ trong thời buổi “loạn trị” nhưng chưa biết “trị loạn”! Hỏi thăm người có trách nhiệm bảo rằng “phức tạp, mệt lắm anh ạ”! Quân đội được lệnh không tham gia cưỡng chế. Giới thạo tin cho hay mọi tin tức “bị khóa”. Một tờ báo chính thống đăng mẩu tin tí tẹo ở trang bên trong về vụ Hưng Yên lời lẽ rất chi là “lề phải” nhưng ngay lập tức vừa phát hành đã bị vị Thứ trưởng “tuýt còi”! Cảm giác ngửi thấy mùi gió biển, chỉ mong sao không có bàn tay lông lá của tụi Chệt! 

Muốn viết tiếp, nhưng tự nhiên ngón tay như cứng lại bên bàn phím. Xin trích dẫn một số mail kèm theo, coi như thay cho lời kết của bài tản mạn này.

T.V.T.

***

From: Yeu nuoc

To: tovantruong

Sent: Wednesday, April 25, 2012 2:34 PM

Subject: Kính gửi Anh Trường

Em thường đọc các bài phân tích của anh về các vấn đề xã hội. Trong đó, có nhiều bài về tâm điểm xã hội của chúng ta như điện hạt nhân, thủy điện Xayabury, đập sông Tranh, v.v. Em rất khâm phục vì anh có thể viết đuợc những bài viết như vậy.

Thưa anh, đặc biệt là vấn đề của anh Đoàn Văn Vươn, em cũng thấy bức xúc và cảm thấy rất tự hào khi anh và mọi người đã lên tiếng bảo vệ anh Vươn. Em có một vấn đề muốn hỏi anh là hiện nay dự án Ecopark đang là vấn đề nổi cộm. Em có thấy hình ảnh hàng trăm cảnh sát về khu đô thị Ecopark để đàn áp người dân. Em xem những  video đó và tự hỏi đây thực sự có phải là điều đang xảy ra không? Hay đây chỉ là những thông tin vỉa hè, những thông tin chống phá nhà nước ta?

Em cũng không thấy một báo chính thống nào của Việt Nam mình đề cập, nhưng có rất nhiều các trang web đưa tin về việc cuỡng chế 70 ha đất của nông dân khu vực đô thị Ecopark.

Anh Trường là người quen biết rộng, hiểu biết nhiều về xã hội, cũng như có cái nhìn khách quan về các vấn đề. Anh Trường có biết vấn đề đó không ạ? Việc đàn áp người dân ở khu để lấy đất xây dựng khu đô thị là có thực không anh? Em chỉ mong được biết đây là sự thật hay không? Hay chỉ là những video tuyên truyền phản động của những kẻ chống lại xã hội chúng ta?

Em thành thật cám ơn anh.

Yêu nước. 

***

From: Van Tran thanh

To: To Van Truong

Sent: Wednesday, April 25, 2012 12:39 PM

Subject: Re: Họa vô đơn chí!

Tô Văn Trường thân mến,

Sáng sớm hôm nay, tôi nhận được điện thoại của bạn, trao đổi về chuyện bà con bị cướp đất ở Văn Giang. Trưa về, tôi đọc Email của bạn, chia sẻ về nỗi đau của GS Phạm Phụ.

Vậy là ít nhiều tôi cũng là một trong số người được bạn quý mến và tin cậy trước nỗi đau của nhân tình thế thái.

Mặc dù chưa quen biết, cũng xin nhờ bạn chuyển đến GS Phạm Phụ lời chia buồn chân thành của tôi. Nhờ nói với GS rằng, tôi rất thông cảm với nỗi buồn của GS, vì 12 năm trước, vào trưa ngày Rằm Tháng Bảy năm Canh Thìn, tôi cũng bị mất con. Đứa con trai độc nhất của tôi sắp tròn 30 tuổi. Con tôi đã bỏ tôi ra đi đột ngột giữa buổi trưa, khiến đời tôi tưởng như tan nát hết.

Là một phụ nữ, lúc đó tôi không còn niềm hy vọng nào, không còn chút an ủi nào, tôi không khóc được, không có ai để kêu giúp đỡ, cha mẹ ốm sắp mất, bán một phần nhà để lấy tiền chạy chữa cho hai cụ thì bị kẻ môi giới lừa, chiếm nốt phần còn lại.

Ngược đời thay. Lúc đó Thuỷ cung Thăng Long vừa mới bị đánh sập, người ta tung hô gọi tôi là "Người đàn bà thép". Nhưng có mấy ai biết, tôi run lẩy bẩy, đi lại trong nhà mình như một bóng ma lảng vảng bên nấm mồ...?

Nhưng.... ông Trời không cho tôi chết.

Một tuần sau khi cháu mất, Thầy Ngô Thức (là thầy dạy Kinh Dịch, hiệu Ức Cung, hậu duệ của Ức Trai Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê thuộc Hà Đông ) gọi tôi đến nhà, đưa cho tôi lời bình của quẻ Sơn Hoả Bí thầy vừa gieo và nói rằng:

"Quẻ Sơn Hoả Bí là quẻ trang sức. Rằng thằng bé ra đi vào giờ rất đẹp, hình hài nó đẹp, đám tang nó đẹp, mộ nó đẹp... Nhưng cái đẹp bên ngoài đó là vì còn có một cái đẹp nhân văn bên trong lớn hơn. Cha mẹ phải tự suy ngẫm lấy để làm nên cái đẹp đó".

Thế là 12 năm trôi qua rồi Tô Văn Trường ạ, tôi không những không được chết mà còn phải sống rất có ý nghĩa.

Cho hay, ranh giới và giá trị của Hạnh phúc và Sự bất hạnh còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức và ứng xử của mỗi người nữa.

Có một điều tôi không thể không chấp nhận rằng sự phấn đấu và ý chí và quyền lực của mỗi con người tuy rất rất quan trọng nhưng không quyết định được tất cả. Trên tất cả còn có ông Trời. Ông Trời rất sáng suốt và công bằng và chỉ có ông Trời mới có quyền lực cao nhất.

Bởi vậy, mọi người chớ hả hê vênh váo vì thắng lợi do kết bè kết cánh, do mưu mô xảo quyệt hôm nay. Những con người lương thiện cũng chớ quá đau buồn, chớ xót xa vì mất mát quá lớn hôm nay. Cái gì cần phải mất thì phải để cho nó mất.

Hãy bình tĩnh chờ ngày mai.

Trần Thanh Vân

***

Từ: THANH TUNG NGUYEN

Chủ đề: Re: [AITAA-VN] van chuyen dat dai

Đến: To Van Truong

Ngày: Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012, 18:45

Dear các anh chị,

Hơn 70 năm trước, dù không biết đến học thuyết Mác - Lênin hay Chủ nghĩa Xã hội là gì, nhưng với khẩu hiệu "người cày có ruộng" Đảng Cộng sản Việt nam đã chiếm được niềm tin của triệu triệu trái tim, khối óc người dân Việt nam.

Biết bao anh hùng liệt sĩ trước lúc hy sinh vẫn ngẩng cao đầu và luôn vững một niềm tin rằng một mai đất nước độc lập, người cày sẽ có ruộng, nhân dân sẽ được hạnh phúc. Biết bao chiến sĩ cách mạng trung kiên giữa chốn lao tù vẫn vững một niềm tin cách mạng...

Trải qua mấy chục năm ròng, với những hy sinh vô bờ bến của Nhân dân và của không ít đảng viên chân chính, Đảng CSVN từ địa vị của một tổ chức bất hợp pháp, hoạt động bí mật - đã trở thành Đảng cầm quyền.

Tưởng rằng, khi đó thì:

"Dân có ruộng dập dìu hợp tác,

Lúa mượt đồng ấm áp làng quê..."

Nhưng thương thay:

Sự hy sinh của triệu triệu đồng bào đã đem lại "bổng lộc" và "đặc quyền" chưa từng có cho những người luôn tự nhận mình là "đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động...".

Xin hãy đi từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn... đâu đâu cũng thấy những người giàu có nhất, hưởng thụ những đặc quyền lớn nhất chính là những "đầy tớ trung thành của Nhân dân".

Thế còn nhân dân thì được hưởng những gì?

Xin thưa:

- Về quyền sống:

+ Nếu không có tiền, xin đừng vào bệnh viện. Có vào rồi, mà chưa đóng tiền đặt cọc thì xin cứ chờ chết. Vấn đề không phải là không có thuốc hay không có giường bệnh hay bác sĩ, mà đó đơn giản chỉ là...

- Về quyền tự do:

+ Luật pháp (Hiến pháp) thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do thành lập đảng - hội, tự do báo chí. Còn sự thật về các quyền tự do này thì chắc ai ai cũng có thể cảm nhận được.

- Về quyền mưu cầu hạnh phúc:

+ Bờ xôi ruộng mật thì biến thành sân golf, nhà biệt thự (tất nhiên không phải cho nhân dân - những người bị mất đất vào chơi hay vào ở). Giá đền bù thì quá bèo bọt so với những gì đem lại cho người chủ mới và cho người ký quyết định. Người dân mất đất, mất hết tư liệu sản xuất - trở thành vô sản hoá (và sẽ là những nhân tố cách mạng mới).

+ Nếu không có tiền thì cũng xin mời thất học và mù chữ, và thậm chí có tiền còn phải trèo tường từ nửa đêm đi xin học cho con. Và xin hãy đến những vùng miền núi, xin hãy nhìn những cây cầu tre vắt vẻo qua sông, xin hãy nhìn những đứa trẻ bơi qua sông để đi tìm cái chữ.

.....

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.

Thương thay cho dân ta, lại một lần nữa côi cút và bơ vơ. Bị bỏ lại giữa dòng đời, trong tay họ giờ đây chỉ còn đòn gánh và gậy tre...

Best regards,

NGUYỄN THANH TÙNG

***

From: phamnguyen quy

To: To Van Truong

Sent: Thursday, April 26, 2012 9:39 AM

Subject: Nhu cầu của kẻ lạ

Kính gửi chú Trường,

Cháu xin lỗi vẫn chưa viết xong phần 2 bài nói chuyện về điện hạt nhân của GS Koide Hiroaki. Hiện tại đầu óc lại rối bù vì sự kiện 24/4.

Xin gửi chú vài dòng cháu vừa viết ra, không biết như thế này thì có đăng được trên báo giấy ở nhà không chú?

Quý.

Nhu cầu của kẻ lạ

Cha tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ vùng duyên hải miền Trung. Ở đây mọi người thân quen với nhau, tương trợ lẫn nhau cùng vượt qua những khốn khó trong cuộc sống. Người ta có thể gõ cửa nhà nhau để mượn một ít tiền, xin một ít nước mắm vào đêm hôm khuya khoắt. Người ta thân nhau đến nỗi nếu bạn đứng hơi lâu bên một gốc cây, ai đó đi ngang qua sẽ hỏi “Chú đi đái hả chú!”.

Tôi lớn lên ở Huế, một thành phố đủ lớn và hiện đại để không còn cảm nhân được mối liên kết làng quê nữa. Đến trường tôi chỉ quen biết độ vài trăm người, về nhà tôi chỉ chơi thể thao, tán gẫu với một vài nhóm bạn. Em tôi thích Bayer Munich. Hắn và bạn bè có thể bực bội, căm phẫn vì trọng tài xử ép cho 11 cầu thủ ở bên kia châu lục, nhưng tôi thấy khó làm cho hắn phải cau mày vì hơn 1000 người còn đói khổ ở làng chài. Đúng vậy, bây giờ người ta có thể khóc vì một con chó què cạnh bên, nhưng hàng trăm người bị đánh đập ở đâu đó lại là một sự kiện quá xa lạ!

Tôi hiểu rằng với nhiều người, một cuộc sống với tiền lương cao, về nhà có con cái vui vẻ, cuối tuần được đi chơi, uống vài lon bia tán gẫu với bạn bè là đủ. Có lẽ nhu cầu của chúng ta cũng chỉ đến chừng ấy...

Vì thế nhiều người có thể gọi tôi là “khùng” với những tâm sự này, nhưng tôi nghĩ rằng tôi chỉ là một trong nhiều người còn hoài niệm về một xã hội tươi đẹp với những mối liên hệ khắng khít giúp người ta sống hiền hòa mà mạnh mẽ.

Ông tôi đã lên rừng tham gia kháng chiến từ hồi còn rất trẻ. Tôi nghĩ rằng ông đã không chỉ đấu tranh vì sự thống nhất của dân tộc. Ông đấu tranh vì nhu cầu của những người lạ; những người ở làng quê lân cận, những người ở miền Nam xa xôi mà ông được nghe rằng đang bị áp bức, bóc lột và thèm tự do.

Nhu cầu của những người lạ đó đã giúp ông bỏ phần lớn cuộc đời theo đuổi 2 cuộc kháng chiến, mà tôi và các bạn là người được hưởng cái tự do mà thế hệ cha ông mang lại.

Nhưng có “tự do” rồi, chúng ta có cần phải đấu tranh cho nhu cầu của người lạ nào nữa không?

Có thể chúng ta có dịp ngồi cạnh một bác nông dân trên chuyến xe công tác. Có thể chúng ta chỉ thấy một sự lặng im suốt chuyến đi vì chẳng có gì chung để nói chuyện. Nhưng hãy hiểu rằng chúng ta đang ăn những hạt gạo mà bác ấy làm ra, và chúng ta cùng bác ấy đang đóng thuế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bao kẻ lạ mặt khác. Mối liên kết này có thể không đủ mạnh để bạn làm một điều gì, nhưng bạn hãy tưởng tượng xã hội sẽ như thế nào nếu không còn nó, hay không còn ai nghĩ đến nó.

Chúng ta đã chiến thắng nhờ sự đoàn kết toàn dân vì một mục tiêu chung.

Và chúng ta chỉ có thể chiến thắng nếu toàn dân cùng đấu tranh cho nhu cầu của kẻ lạ.

P.N.Q.

***

From: Nguyen Huy Thuy

To: To Van Truong

Sent: Wednesday, April 25, 2012 1:55 AM

Subject: Cưỡng chế đất ở Hưng Yên

Kính gửi cả nhà,

Xem những video về vụ cưỡng chế đất ở Hưng Yên mà em muốn khóc. Những người nông dân này có tham lam khi giữ đất của mình không, họ có bị thế lực nào lợi dụng, hay họ kém hiểu biết cần được giáo dục? Hay họ đang bị những kẻ vô lương, tham tàn, chỉ biết đến đồng tiền cướp giữa ban ngày. Những khẩu hiệu xã hội của dân, do dân, vì dân hay những mỹ từ tương tự rõ ràng là vũ khí trói dân, để chống đối với sức ép cải cách từ các nước phát triển, nó giống như 4 hay 16 chữ gì đó với giặc Tàu vậy.

Xin được gửi thông tin này đến những Người em yêu kính,

- Video và thông tin về vụ cưỡng chế: http://xuandienhannom.blogspot.com/

- Thông tin trên BBC: bbc.co.uk

-Thông tin trên RFA: rfa.org

Kính,

ThụyNH

***

Tác giả T.V.T. gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn