Nỗi buồn nông dân

Nam Nguyên, phóng viên RFA

“Xuất khẩu gạo dẫn đầu để làm gì khi giá thu mua lúa thấp hơn năm trước không thể cải thiện thu nhập nông dân!”.

TS lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long

Hàng triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang tiếc đứt ruột vì khi giá lúa tăng mạnh thì họ đã bán hết với giá thấp trước và trong đợt tạm trữ lúa hè thu 15/7 đến 15/8.

clip_image001

Nông dân ĐBSCL phơi lúa sau thu hoạch, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO

Nhà buôn hưởng lợi

Thời báo Kinh tế Saigon Online bản tin trên mạng ngày 30/8 đưa tin, giá lúa gạo nội địa tăng nhờ ảnh hưởng giá xuất khẩu được điều chỉnh ngay sau khi kết thúc đợt tạm trữ. Theo đó gạo 5% tấm được chào giá 450 USD/tấn, gần đây giá xuất khẩu có giảm nhẹ nhưng giá lúa vẫn đứng ở mức cao. Có tin nói thương nhân bán gạo qua Campuchia và từ đó  cung cấp cho doanh nghiệp Thái Lan để tái xuất khẩu vì giá gạo nước này quá cao. Như vậy đợt tăng giá lúa gạo chỉ có nhà buôn hưởng lợi vì đã mua lúa giá thấp của nông dân. Nếu như đa số nông dân bán lúa hè thu tại ruộng ngay sau khi thu hoạch chỉ được trên dưới 4.000 đ/kg lúa hạt tròn thì cuối tháng 8 giá lúa tăng lên 5.000 đ/kg lúa tươi.

Nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Lúa hè thu hiện nay nhảy lên khoảng 1.000 đ/kg nông dân rất phấn khởi nhưng số trữ lại được mấy người!”

Tuy gạo ở trong số những nông sản chiến lược từng làm chỗ dựa cho cả nền kinh tế quốc gia vào những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng khoảng 6 triệu nông dân trực tiếp trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu của cả nước, đã bị chia sẻ phần lợi nhuận đáng lẽ họ được hưởng vào tay thành phần trung gian, từ thương lái cho tới nhà máy xay xát và các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo các chuyên gia nông dân bị xén bớt phần lợi nhuận quan trọng là do những chính sách thiếu thực tế, vừa không phù hợp lại vừa mang hơi hướm lợi ích nhóm.

Lúa hè thu hiện nay nhảy lên khoảng 1.000 đ/kg nông dân rất phấn khởi nhưng số trữ lại được mấy người!

Nông dân ĐBSCL

Thí dụ, khuyến khích trồng lúa ồ ạt để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu từ giữa thập niên 1980 nhưng chính phủ không chú trọng một cách tương xứng về công nghệ sau thu hoạch. Sau 20 năm xuất khẩu gạo, Việt nam vẫn đang tiếp tục sản xuất theo quy trình ngược. Chuyên gia công nghệ sau thu hoạch ở các tỉnh phía nam TS Phạm Văn Tấn nói với chúng tôi, cách làm đúng là phơi sấy lúa đạt độ ẩm 14% rồi mới xay xát và lau bóng, nhưng các doanh nghiệp đã không làm như vậy.

“Ở Việt Nam đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long do thiếu thiết bị làm khô, nên sau khi thu hoạch về lúa còn độ ẩm 17%-18% là người ta xay xát rồi. Khi xay xát ở độ ẩm cao như thế hạt lúa hạt gạo không đủ cứng nên bị gẫy vỡ rất nhiều. Sau khi xay xát rồi độ ẩm của gạo chừng 15%-15,5% thì người ta mới sấy gạo để cho nó khô lại. Cái đó gọi là quy trình ngược”.

Cần thay đổi quy trình

clip_image002

Một nhà máy xay xát và lau bóng lúa gạo tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO

Nếu làm đúng quy trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư kho chứa lúa và hệ thống sấy hợp chuẩn. Việt Nam không những thiếu kho trữ lại chỉ có kho chứa gạo chứ không có kho trữ lúa, do vậy không thể tồn trữ lúa để có thể điều tiết thị trường tránh mất giá.

Tình trạng doanh nghiệp không muốn đầu tư lâu dài, chỉ muốn mua nhanh bán gọn kiếm lời là rất phổ biến. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định:

“Có vấn đề là đa số kho để chứa gạo chứ không phải chứa lúa tại vì cách làm ăn của doanh nghiệp. Người ta mua gạo lức về rồi chuốt. Cách làm đó để bảo đảm nguồn nguyên liệu đồng nhất ổn định là hơi khó. Một số doanh nghiệp đang chuyển theo hướng mua lúa, mà muốn mua lúa thì phải làm theo cánh đồng mẫu lớn để có thể bảo đảm nguồn giống đồng đều và kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Cách làm mới đi đôi với việc hình thành cánh đồng mẫu lớn xây dựng vùng nguyên liệu còn hiện nay trên thực tế đa số doanh nghiệp vẫn chỉ đi mua gạo để chuốt thôi, đây là thực tế hiện trạng đang xảy ra”.

Có vấn đề là đa số kho để chứa gạo chứ không phải chứa lúa tại vì cách làm ăn của doanh nghiệp, người ta mua gạo lức về rồi chuốt.

Ô. Đoàn Ngọc Phả

Việc sản xuất chế biến theo quy trình ngược làm thiệt hại quyền lợi nông dân vì chất lượng hạt gạo kém. Chưa kể tạo ra trung gian là thương lái mua lúa, nhà máy xay xát làm gạo lức và nhà xuất khẩu mua gạo lức về chuốt tức lau bóng để xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp chịu mua lúa trực tiếp của nông dân thì nông dân sẽ được lợi hơn.

Quy trình ngược là một vấn đề mà có lẽ phải hàng chục năm nữa vùng đồng bằng sông Cửu Long mới thay đổi được. Phát triển cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hợp đồng là một giải pháp tốt, nhưng vựa lúa xuất khẩu với khoảng 1,6 triệu ha mỗi vụ lúa chính đã chỉ mới thực hiện thành công khoảng 10.000 héc ta trong 3 vụ lúa gần đây nhất.

Quy chế tạm trữ lúa gạo

Về những chính sách không hợp lý hoặc được cho là thể hiện quyền lợi nhóm, phải kể tới kế hoạch tạm trữ gạo mà chính phủ giao cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện từ nhiều năm qua. Cuối cùng thì chính phủ cũng đã lắng nghe công luận và giao cho Bộ NN-PTNT soạn thảo Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa để trình Thủ tướng.

clip_image003

Một cánh đồng tại ĐBSCL, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO

Theo SaigonTimes Online ngày 28/8/2012 Bộ NN-PTNT đã gởi bản dự thảo quy chế tạm trữ lúa gạo đến các Bộ Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để góp ý hoàn thiện trước ngày 10/9/2012.

Trong dự thảo,  Bộ NN-PTNT liệt kê một loạt những nhược điểm của phương thức mua tạm trữ hiện hành do VFA thực hiện: như không mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân; khó kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp hưởng ưu đãi tham gia tạm trữ; việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ ở các tỉnh không phù hợp với sản lượng và các địa phương thu hoạch không cùng một thời gian; doanh nghiệp không mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua lúa qua thương lái; đa số nông dân trồng lúa đều bán lúa cho thương lái với giá thị trường vào thời điểm thu hoạch trước khi kế hoạch tạm trữ được thực hiện.

Trong bản dự thảo Bộ NN-PTNT đề xuất một số biện pháp thực tiễn để nông dân trực tiếp hưởng lợi qua chính sách tạm trữ khoảng 2,5 triệu tấn quy ra gạo mỗi năm. Thay vì để thành viên VFA hưởng cấp bù lãi suất vốn vay thực hiện tạm trữ thì nay nông dân có thể tự làm việc này hoặc các doanh nghiệp sản xuất lúa, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với nông dân.

Để được hưởng lãi suất vốn vay 0% thực hiện tự tạm trữ, nông dân phải có kho chứa lúa tối thiểu 10 tấn; có thể riêng từng hộ, hay hộ nông dân liên kết hoặc hợp tác xã. Ngoài ra nông dân có thể thuê kho chứa gạo của các công ty kinh doanh lương thực trên địa bàn. Doanh nghiệp cũng có thể ký hợp đồng mua lúa của nông dân gửi tạm trữ theo giá tạm tính, chốt giá chính thức sau. Nông dân sẽ lựa chọn thời điểm bán chính thức nhưng ít nhất sau 1 tháng cho doanh nghiệp theo giá thị trường. Trong trường hợp này doanh nghiệp được hưởng lãi suất vốn vay 0% để thực hiện hợp đồng với nông dân.

Ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nhận định:

Theo tôi, người dân ít có điều kiện tạm trữ lúa tại nhà tại vì cũng khó mà bảo đảm việc này.

Ô. Đoàn Ngọc Phả

“Theo tôi, người dân ít có điều kiện tạm trữ tại nhà tại vì cũng khó mà bảo đảm việc này. Thí dụ công ty người ta có nguồn lực tài chánh khá lớn, khi chấp nhận cho tạm trữ người nông dân sẽ được cấp phiếu nhập kho. Người nông dân có thể dùng phiếu xác nhận có một lượng lúa trong kho để thế chấp hay giao dịch làm ăn sẽ được đối tác tin cậy hơn, thí dụ thế chấp vay tiền ngân hàng. Còn để ở từng nhà dân thì họ phải có điều kiện kiên cố bảo quản không cho lúa xuống cấp thì vấn đề đó ít người đạt được. Hơn nữa đối tác ngân hàng tiến hành giao dịch trên cơ sở lúa để tại kho nhà dân thì vấn đề chứng nhận rất là khó”.

Ông Đoàn Ngọc Phả góp ý thêm về các hình thức tạm trữ mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Ông nói:

“Chỉ có những trang trại lớn mới đủ điều kiện làm chuyện đó, thường thường hộ dân không có nhiều đất. Theo tôi, hình thức ký hợp đồng rồi gởi kho doanh nghiệp là ổn hơn. Việc này khác với tạm trữ hỗ trợ lãi suất của chánh phủ. Thí dụ Công ty Bảo vệ thực vật An Giang có nhà máy Vĩnh Bình thực hiện sản xuất theo hợp đồng với nông dân. Tới ngày thu hoạch nông dân báo để công ty chở lúa về, công ty chịu trách nhiệm sấy số lúa tươi đó. Sấy xong để vô kho ở đó, công ty cho dân tạm trữ trong vòng 30 ngày không tính tiền lưu kho. Hàng ngày công ty niêm yết giá bán lúa nếu nông dân muốn bán thì nhận tiền, tại vì phiếu nhập kho đã có. Tất nhiên khi lúa ướt họ đo ẩm độ rồi cân điện tử rồi quy ra ẩm độ khô theo hợp đồng. Sau một tháng thì công ty bắt đầu tính tiền lưu kho, nông dân muốn bán lúc nào tùy ý. Sử dụng hình thức sản xuất theo hợp đồng nếu nhà nước muốn tạm trữ thì sau 1 tháng nhà nước trả tiền lưu kho cho người dân cho đến khi họ bán được lúa”.

Do chính sách phát triển lúa gạo từ  cuối 1980 là thời kỳ Việt Nam mới chập chững đổi mới kinh tế, mục tiêu nhắm đến lúc đó là tăng diện tích trồng lúa và sản xuất càng nhiều càng tốt. Các nhà hoạch định chính sách của thời kỳ đó chưa có viễn kiến phát triển nông nghiệp hiện đại bền vững. Kết quả là Việt Nam ngày nay luôn giữ vững vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới, thậm chí năm nay có khả năng thay chỗ Thái Lan ở vị trí đứng đầu.

Chúng tôi xin trích nhận định của TS lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long trên báo Người Lao động Online thay cho kết bài đó là: “Xuất khẩu gạo dẫn đầu để làm gì! khi giá thu mua lúa thấp hơn năm trước không thể cải thiện thu nhập nông dân”.

N.N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn