Thư ngỏ gửi những người lao động và cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai

Đồng Nai, ngày 29 tháng 12 năm 2012

SCT 31/12/2012 savingcattiennationalpark.blogspot.com

Thưa Quý vị,

Trước thềm năm mới 2013, chúng tôi chân thành gửi tới Quý vị cùng toàn thể gia quyến lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

image

Chúng tôi cũng là công dân như Quý vị, cùng chung sống trên mảnh đất và hít thở bầu không khí của Tổ quốc Việt Nam này. Và biết đâu, trong chúng ta có thể chung quê hương, dòng máu, họ tộc nữa đó.

Khi giờ đây, mọi người đang hồi hộp chờ đón lương tháng 13 và thưởng cả năm để vui Tết. Chắc rằng lương thưởng, cổ tức của Quý vị sẽ thua kém năm ngóai khá nhiều nhưng mong rằng đừng trách cứ chúng tôi – những người đang phản đối quyết liệt hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà Công ty của Quý vị đầu tư.

Do lãnh đạo Công ty của Quý vị cho rằng vì sự phản đối hai dự án thủy điện này mà Ngân hàng không cho vay tiền, Công ty gặp rất nhiều khó khăn, chứng khoán rớt giá… nên Quý vị chắc cũng rất bức xúc với các nhà khoa học, báo chí, Chính quyền; Đoàn đại biểu Quốc hội (các tỉnh sẽ bị ảnh hưởng của Dự án), VRN và Nhóm SCT chúng tôi đã quyết liệt phản đối.

Vì những lẽ đó, chúng tôi gửi đến Quý vị tấm thiệp năm mới với thông điệp chân thành và mấy lời để ngỏ.

Lý do chúng tôi phản đối là vì nếu triển khai hai dự án thủy điện này hay xây dựng bất kỳ dự án nào vào vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên thì cũng có nghĩa là cánh rừng nguyên sinh cuối cùng ở Miền Đông Nam bộ sẽ xóa sổ, kéo theo hệ lụy tác hại môi trường khôn lường không thể khắc phục. Trước mắt nguồn nước sông Đồng Nai cấp cho hơn chục triệu dân và bao nhiêu khu công nghiệp vùng hạ lưu sẽ bị xâm nhập mặn sâu hơn làm ô nhiễm. Vườn Quốc gia Cát Tiên lúc đó sẽ giải thể vì còn gì mà bảo tồn, còn danh hiệu gì mà giữ nữa, đồng thời Việt Nam sẽ là tấm gương xấu về vi phạm các Công ước Quốc tế đã ký cam kết bảo tồn khu vực này.

Ai cũng biết Công ty Quý vị tăng trưởng nhanh nhờ gỗ rừng và sếp của Quý vị trở thành đại gia. Thế nhưng, để phát triển bền vững thì Công ty Quý vị còn thiếu vài yếu tố căn bản.

Quý 3/2012 tổng doanh thu đạt 161 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu bán gỗ, sản phẩm từ gỗ với gần 50%, tương đương 79,5 tỷ đồng, lãi khủng từ gỗ và nguồn gốc gỗ chắc Quý vị hiểu rõ hơn chúng tôi. Trích từ số liệu của Công ty Quý vị công bố:

clip_image006

Hình 1: Cơ cấu nguồn doanh thu Quý 3 năm 2012 (Đvt: Tỷ đồng VN)

clip_image008

Hình 2: Bảng so sánh tổng hợp 9 tháng đầu năm 2012

Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, Công ty Quý vị lãi ròng đạt 5.69 tỷ đồng, giảm 79% cùng kỳ năm trước.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm 30/09/2012 tăng 36% so với đầu năm, lên gần 395 tỷ đồng, trong đó, dự án thủy điện Đồng Nai 6 chiếm hơn 11 tỷ đồng.

Chắc rằng, Quý vị không biết được hơn 11 tỷ bỏ ra chi cho những khoản nào dù chứng từ, hóa đơn đầy đủ và hợp lệ. Khảo sát quy hoạch thì Nhà nước bỏ tiền làm từ 2002. Từ năm 2007, Công ty Quý vị mới xúc tiến thuê thiết kế, làm dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy tiền thuê tư vấn theo định mức nào (cứ cho là phải trả tiền làm báo cáo đánh giá tác động môi trường hai lần)? Liệu có thể giải trình công khai rõ các khoản mục chi cho hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 &6A này cho Quý vị biết không?

Trước đó, Công ty Quý vị đã phải giải trình (công văn số 85/GT-ĐLGL) vì lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 trước soát xét là 10.306.560.023đ nhưng sau khi soát xét chỉ còn 4.023.942.258đ chênh tới 60,69%. Tài chính vậy đó.

Sếp của Quý vị vốn nổi tiếng yêu môn bóng chuyền và chịu chơi, qua Thái Lan rước hẳn thủ quân đội tuyển bóng chuyền Wanchai về Phố Núi với mức lương nghe đâu không dưới 8.000 USD/tháng. Đã có đội Đức Long - Quân khu 5 nhưng bầu Bùi Pháp vẫn lập thêm đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai trong có 30 ngày, tập hợp 14 thành viên gồm nhiều sao. Chi phí nuôi bóng chuyền không dưới 15 tỷ mỗi năm nên vừa rồi, tiếc là trong trận chung kết ngày 25/11/2012 Nhà thi đấu tỉnh Đăk Lắk, đội Tràng An - Ninh Bình đã lội ngược dòng, giành Huy chương vàng khỏi tay Đức Long Gia Lai. Vụ này ông bầu Bùi Pháp rất trăn trở, buồn trong sân thì ít mà buồn rất nhiều bên ngòai, ổng trách cứ từ ban tổ chức Nhà thi đấu không biết quảng bá, trình độ kém cỏi; trách dân Buôn Ma thuột không máu xem bóng chuyền, đến coi chỉ lèo tèo; trách báo hình ít quan tâm, báo giấy chỉ đưa tin vài dòng; trách Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) chưa chia xẻ với doanh nghiệp, trang Web của VFV thì đưa tin chậm rì, sơ sài… Nghe nói trước vòng 2 giải Vô địch quốc gia hồi đầu tháng 11, Đức Long Gia Lai thương lượng cầu thủ tạm nhận 60% lương trước nhưng vẫn nợ họ tới 5 tháng lương. Chỉ riêng lương cho một mình Wanchai cũng đã là gánh nặng rồi.

Chịu chơi mà chơi chịu cũng buồn thật phải không Quý vị.

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) đã thông báo chuyển nhượng 66% cổ phần tại công ty con. Theo đó, Đức Long Gia Lai bán 1.98 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Nguyên, tương đương 19.8 tỷ đồng mệnh giá vào ngày 06/12 qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 70% xuống chỉ còn 4%. Do đó, từ ngày 06/12, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Nguyên không còn là công ty con hoặc công ty liên kết của Đức Long Gia Lai.

Trước đó, vào ngày 21/6/2012, một loạt sếp tại Đức Long Gia Lai và người nhà "rủ nhau" giao dịch chui bán tháo cổ phiếu với số lượng lớn (xem vinacorp.vn).

Được biết Công ty Quý vị đang đồng loạt tiến hành khai thác 30 mỏ khoáng sản (kim loại và phi kim loại) thời gian cấp phép tối thiểu là 10 năm, tối đa là 30 năm, với hy vọng đây là mảng kinh doanh mang lại hiệu quả đột biến cho Đức Long Gia Lai trong thời gian tới. Chỉ việc đào tài nguyên lên bán thì đột biến là cái chắc.

Về thủy điện mới có Tà Nung (Lâm Đồng) phát điện (công suất lớn nhất đạt 1,6MW); thủy điện Đăk Sepay tại suối Bài Thơ, Gia Lai (công suất 3MW) động thổ 02/10/2010; thủy điện Kroong công suất 10MW nằm trên sông Ba thuộc xã Kroong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cũng đang xây dựng.

Còn thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An, bên trên thủy điện Bản Vẽ) công suất 250MW, tổng mức đầu tư sơ bộ 6.709 tỷ đồng, theo trang web của Công ty Quý vị thì: "ngày 08/4/2008 Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL Group) đã ký‎ hợp tác đầu tư dự án Thủy điện Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP thủy điện Bản Vẽ (BVC) và Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1), dự án này do ĐLGL Group nắm quyền chi phối".

Chẳng hiểu sao, "Ngày, 24/10/2011 tại thủ đô Vientiane, Lào, Đoàn công tác hỗn hợp Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu và đoàn công tác của Lào do ông Sulyvong Dalavong, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào dẫn đầu đã thống nhất cao về hợp tác phát triển điện lực giữa hai nước. Dịp này, Chính phủ Lào đã chọn Tổng Công ty hợp tác Kinh tế Việt Lào tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư xây dựng dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1. Dự án có tổng công suất 345MW thuộc khu vực biên giới Việt Nam Lào, giáp biên giữa các tỉnh Nghệ An của Việt Nam và hai tỉnh của Lào là Huaphanh và Xiengkhuang".

"Ngày 28/10/2011, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Nhã, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác Kinh tế Việt Lào tại tỉnh Nghệ An cho biết, do gặp khó khăn về tài chính nên công ty dừng triển khai đầu tư hai dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1". Không biết tình trạng Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL Group) tham gia dự án thủy điện Mỹ Lý này như thế nào.

Về thủy điện Sông Sen có công suất 25 MW, đập hồ chứa tại xã Hướng Phùng, nhà máy nằm trên thị trấn Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 575 tỷ, và Công ty Quý vị đang làm các thủ tục.

Như vậy, chúng tôi thiết nghĩ nếu dừng triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 &6A Công ty Quý vị cứ cho là mất trắng 11 tỷ thì xem như đội bóng chuyền của Công ty không đoạt giải một năm, chẳng có đáng gì. Ngoài ra, còn bao dự án thủy điện như Quý vị công bố mà kiếm được vốn, nhân lực để triển khai cũng không hề đơn giản.

Nếu cố đeo bám hai dự án này thì Công ty Quý vị sẽ nói sao về đạo đức trong kinh doanh. Vì lợi ích doanh nghiệp mà bất chấp lợi ích Quốc gia và Môi trường chung cả thế giới. Nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn tiếp tục sửa thì việc tham vấn cộng đồng ở tỉnh Đồng Nai (bắt buộc) sẽ như thế nào khi Chính quyền tỉnh này kiên quyết chống Dự án đến cùng. Chưa kể do không lường hết vấn đề tác động môi trường, Công ty Quý vị chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện mà xảy ra sự cố thì nguồn tài chính của Công ty có đủ khắc phục hay không. Một chuyện trước mắt là trồng bù hơn 300ha rừng thì Quý vị sẽ lấy đất ở đâu vì đất chỗ nào cũng có chủ hết rồi. Dừng lại hóa hay!

Cuối cùng, mong Quý vị và Công ty cân nhắc, bình tĩnh xem xét lại tổng thể các vấn đề liên quan Dự án, xem lại trình độ, chất lượng sản phẩm của các đơn vị tư vấn, sự tham mưu của một số cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước và tiên liệu vấn đề khi Dự án trình Quốc hội theo Nghị quyết.

Cũng vì bảo vệ rừng, môi trường, bảo vệ các giá trị cần phải bảo tồn cho các thế hệ mai sau, chúng tôi vẫn tiếp tục phản đối, hy vọng Quý vị sẽ hiểu và miễn trách.

Hy vọng năm mới sẽ có nhiều cái mới tốt đẹp hơn và chúng ta sẽ thanh thản làm ăn để dân giàu nước mạnh mà không phải phiền lòng về nhau nữa phải không Quý vị.

Trân trọng!

Nhóm SCT

Nguồn: savingcattiennationalpark.blogspot.com

Phụ lục:

Thêm một khu thiên nhiên được UNESCO công nhận

Gia Minh, biên tập viên RFA

Việt Nam vừa có thêm một khu thiên nhiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

clip_image009

Một góc Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai - một khu thiên nhiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Photo courtesy of monre.gov

Sinh cảnh quí giá

Tổ chức Giáo dục-Khoa học- Văn hóa Liên Hiệp Quốc, UNESCO, và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hồi tháng 5 vừa qua tiến hành công bố quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển thứ 8 tại Việt Nam.

Theo đánh giá thì khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với diện tích hơn 966 ngàn 500 héc ta, với vùng lõi là 169 ngàn héc ta, là một môi trường sinh sống lý tưởng cho nhiều loài động vật có vú, chim chóc, cá và nhiều loài bò sát khác nhau. Hiện nay tại khu vực đó ghi nhận được hơn 1400 loài thực vật và 1700 loài động vật, mà trong đó có những loài quí hiếm đang được liệt kê vào sách đỏ của thế giới.

Vì tính đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển nên đó được xem như là một phòng thí nghiệm tự nhiên để tiến hành các nghiên cứu khoa học, triển khai những ý tưởng mới về họat động bảo tồn và phát triển.

Ông Trần Văn Mùi, giám đốc Trung tâm Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai cho biết khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai này là nơi có thể nói duy nhất trong những tỉnh ở đó còn rừng tự nhiên chưa bị tàn phá để trồng các loại cây công nghiệp, nhất là cây cao su. Đó chính là một trong những yếu tố để UNESCO công nhận khu vực được xem là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ông Trần Văn Mùi cho biết:

"Tính đa dạng sinh học ở đó rất cao. Nó đại diện cho rừng mưa nhiệt đới đặc trưng của vùng đông nam bộ của Việt Nam. Tại khu đó có nhiều loài động, thực vật quí hiếm.

Trong khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, đặc biệt là diện tích lớn rừng thuộc tỉnh Đồng Nai được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng gần như không xảy ra ở Đồng Nai. Tỉnh này vừa qua quyết tâm giữ rừng đặc dụng không để cho bị thu hẹp. Ở khu vực vùng đệm người ta có chuyển đổi rừng để phát triển cây cao su, nhưng Đồng Nai không có. Vùng lõi mà chúng tôi quản lý không bị xâm hại, chưa bị xâm hại".

Đối với nhiều người quan tâm tình hình môi trường tại Việt Nam, thì trong thời gian qua truyền thông trong nước loan tin khá nhiều về tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã. Đối với những loài thú lớn trong tự nhiên đặc trưng như hổ, voi … thì có cảnh báo nói chúng cũng bị săn lùng rất nhiều và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên theo ông Trần Văn Mùi thì tình hình một số loài đặc chủng tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai không phải như thế, ông trình bày:

"Tại khu sinh quyển của chúng tôi, qua điều tra thì không còn hổ tồn tại. Còn đàn voi trong khu dự trữ sinh quyển của chúng tôi đang phát triển ổn định. Vừa qua, voi có ra phá nương rẫy của người dân địa phương, chúng tôi có phối hợp để ngăn chặn tình trạng đó. Hiện nay Nhà Nước đang có dự án bảo tồn, phát triển làm sao voi không ra phá hại người dân. Tôi nghĩ với diện tích đủ rộng trên 100 ngàn héc ta rừng - gần 150 ngàn héc ta rừng đó là sinh cảnh tốt cho các loài thú trong khu dự trữ sinh quyển sinh sản và phát triển ổn định không gây ảnh hưởng cho người dân".

Bảo tồn và sử dụng

clip_image010

Voi châu Á tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of vtr.org

Ngoài họat động bảo tồn và phát triển các loài động và thực vật trong khu dự trữ sinh quyển, họat động khai thác để phục vụ cuộc sống con người mà không gây hại cho khu dự trữ là kế họach được đưa ra. Ông Trần Văn Mùi trình bày những công tác cần làm hiện nay sau khi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới:

"Thứ nhất ngòai sự quan tâm của tỉnh Đồng Nai ra, đề nghị các tỉnh lân cận cũng phải có kế họach phát triển kinh tế- xã hội tương đối bền vững, chứ không chạy theo phát triển mà phá rừng để trồng cây cao su ví dụ như ở Bình Phước đang phá rừng mạnh để trồng cao su. Bình Dương, tỉnh giáp ranh với Đồng Nai gần như không còn rừng tự nhiên nữa. Nên để ổn định được khu vực sinh quyển, tài nguyên quí giá của Việt Nam và quốc tế thì ngòai sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các tỉnh xung quanh Đồng Nai, các bộ - ngành và đặc biệt chính phủ cũng phải quan tâm để đầu tư và xem xét các dự án phát triển kinh tế trong vùng đó. Mục đích nhằm tính toán giữa cái được, cái mất, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn".

Quân bằng giữa bảo tồn và phát triển là bài tóan không phải dễ dàng, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà dân số gia tăng, nhu cầu phát triển kinh tế phục vụ cuộc sống trước mắt luôn đè nặng lên tòan xã hội. Ông Trần Văn Mùi nói về cách thức để quân bằng:

"Hiện chính phủ Việt Nam đã có ban hành qui chế quản lý, sử dụng rừng đặc dụng. Chúng tôi không phải nghiêm cấm tất cả mọi họat động trong rừng đặc dụng. Tại đó người dân được khai thác những lâm sản phụ dưới sự giám sát của Ban quản lý Rừng đặc dụng. Nhưng hiện nay sự phối hợp và hiểu biết của người dân chưa cao nên chúng tôi chưa đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho người dân hưởng dụng từ lâm sản phụ trong khu bảo tồn. Theo tôi, dần từng bước kết hợp với chính quyền địa phương, thảo luận với người dân, tại điều kiện nâng cao đời sống của nguời dân xung quanh vùng rừng tốt hơn".

Hiện Vườn Quốc gia chúng tôi có trung tâm và du khách đến thì có hướng dẫn để hiểu biết những gì được làm, những gì không khi đến khu bảo tồn.

Ông Trần Văn Mùi

Tại nhiều nơi trên thế giới, một họat động được tiến hành đưa du khách vào tham quan các khu rừng với các loài cây, con đặc trưng ở đó. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng có hướng về lĩnh vực này như sau, qua trình bày của ông Trần Văn Mùi:

"Du lịch sinh thái tại khu dự trữ sinh quyển của chúng tôi đã có làm. Lượng du khách so với những năm về trước thì lượng du khách có tăng lên. Để phát triển và tạo thêm nguồn thu thì cần phải có tuyên truyền, giáo dục về nhận thức và thưởng thức về đa dạng sinh học. Chứ đi du lịch sinh thái để hiểu biết thì phải có hiểu biết nhất định. Hiện Vườn Quốc gia chúng tôi có trung tâm và du khách đến thì có hướng dẫn để hiểu biết những gì được làm, những gì không khi đến khu bảo tồn. Ở Việt Nam du lịch sinh thái mới ở giai đọan đầu thôi, người ta chưa hiểu biết nhiều để thưởng thức đa dạng sinh học".

Quan ngại xâm phạm

clip_image011

Một gốc cây cổ thụ trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of

Một dự án phát triển hai thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai, đọan chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên, lâu nay đang khiến cho những nhà môi trường tại Việt Nam quan ngại vì tác động bất lợi của chúng đối với hệ sinh thái đặc trưng của vườn, cuộc sống của người dân tộc bản địa.

Về mối nguy cơ xâm hại này thì ông Trần Văn Mùi có ý kiến:

"Vừa qua sợ ảnh hửơng là có một số thủy điện dự kiến làm; nhưng các nhà khoa học có kiến nghị dừng và dự án chưa triển khai.

Chính phủ sắp đến sẽ thành lập đòan để kiểm tra lại. Đã có nhiều đòan đi rồi; nhưng vừa qua thủ tướng chính phủ có cử đòan mới với thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường là trưởng đòan để đánh giá lại từ đó có thông báo chính thức".

Trong khi chờ đợi đánh giá tác động môi trường mới đối với hai dự án thủy điện 6 và 6A do Tập đòan Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư và được Viện Tài Nguyên - Môi trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ cho rằng rừng đã mất hết rồi nên xây thủy điện là có lợi, thì giới bảo tồn như ông Trần Văn Mùi, vẫn khẳng định đánh giá của Viện Tài Nguyên - Môi Trường, Đại học Quốc gia Tp HCM là không thuyết phục, và bất cứ dự án xây dựng nào cũng có tác động bất lợi đến tự nhiên.

Ông Trần Văn Mùi lập luận tiếp:

"Đoàn đó nói rằng không ảnh hưởng theo tôi đoàn đó đánh giá chưa đúng. Không phải chặt rừng 100 héc ta vùng lõi mà 200 héc ta vùng đệm nữa, sau khi làm nhà máy thủy điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu sinh quyển của chúng tôi. Bởi vì sẽ có rất nhiều đường xá đưa vào nhà máy đó. Rồi tiếng ồn, dân cư xâm nhập gây sức ép rất lớn đến khu dự trữ sinh quyển. Chính đánh giá đó không thuyết phục nên chính phủ phải thành lập đòan tiếp tục. Đánh giá đó đối với chúng tôi là không thuyết phục, chứng tỏ hiểu biết về đa dạng sinh học thấp. Còn vì động cơ gì khác thì chúng tôi không bình luận".

Ông Trần Văn Mùi cho báo chí biết khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được phát triển rộng từ khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, nằm trên địa phận 5 tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Dak Nông. Ba vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gồm vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai và khu bảo tồn vùng nước nội địa hồ Trị An-Sông Đồng Nai.

Bảy khu dự trữ sinh quyển khác của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới gồm có khu rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Đảo Cát Bà ở Hải Phòng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

G.M.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn