Global Witness kêu gọi các nhà đầu tư rút vốn khỏi người khổng lồ cao su HAGL do thất bại của Tập đoàn này trong việc chỉnh đốn lại những hành động chiếm đất

Josie Cohen (Global Witness)

Tập đoàn cao su khổng lồ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Việt Nam đã không thực hiện những cam kết của mình trong việc giải quyết những vi phạm môi trường và nhân quyền tại các cơ sở cao su của mình tại Lào và Campuchia, Global Witness tuyên bố vào hôm nay. Tổ chức vận động này nói rằng công ty HAGL hiện đang tạo ra những rủi ro về tài chính và danh tiếng cho các nhà đầu tư của mình, trong đó có Deutsche Bank và International Finance Corporation, và đề nghị họ chuyển rút đầu tư.

Tháng Năm 2013, bản báo cáo Những ông trùm cao su đã tố cáo những thiệt hại nặng nề về môi trường và xã hội tại các khu vực trồng cao su của HAGL và những khu vực chung quanh tại Campuchia và Lào, bao gồm việc chiếm đất của người dân địa phương và khai thác rừng ở qui mô lớn. Mặc dù công ty đã cam kết giải quyết những vấn đề cấp bách này, rất ít chứng cứ cho thấy đã có thay đổi trên thực tế. 

“HAGL rất giỏi đưa ra cam kết nhưng rất kém trong việc thực hiện chúng. Họ bận rộn nói với chúng tôi và mọi người là rất nghiêm túc trong việc thay đổi cung cách hoạt động, nhưng các bằng chứng cho thấy rằng việc khai thác gỗ vẫn tiếp tục và những người dân bị cưỡng chế đất đai vẫn đang vất vả kiếm miếng ăn,” Megan MacInnes thuộc Global Witness cho biết.

Global Witness đã cho HAGL và các nhà đầu tư của họ sáu tháng để giải quyết các vấn đề được trình bày trong bản báo cáo và trong phim phóng sự Những ông trùm cao su. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên với Global Witness vào tháng Sáu, công ty này đã ra lệnh đình chỉ bốn tháng đối với việc khai phá và trồng mới tại các khu vực đất nhượng của mình, và đã đồng ý đến thăm các làng chịu ảnh hưởng để thảo luận và giải quyết các khó khăn của người dân địa phương.

Tuy nhiên, vào tháng Tám, Global Witness đã phỏng vấn người dân trong bảy ngôi làng chung quanh khu vực đất đai mà HAGL đang thuê tại Campuchia. Trong ba ngôi làng, người dân cho biết là công ty này vẫn chưa đến gặp họ, trong khi tại bốn ngôi làng khác, các quan chức HAGL đã từ chối nói về những tranh chấp về đất hoặc rừng. Trong sáu ngôi làng kể trên, người dân cho biết việc đốn gỗ vẫn tiếp tục diễn ra chung quanh các đồn điền cao su của HAGL, bất chấp lệnh tạm ngưng. Phân tích các ảnh từ vệ tinh độc lập chụp các khu rừng trong phạm vi thuê của HAGL từ tháng Bảy đến tháng Tám cũng cho thấy rừng vẫn bị mất.

Trong buổi gặp mặt lần thứ hai với Global Witness vào tháng Chín, HAGL đã đồng ý với một kế hoạch kiểm toán môi trường độc lập đối với các vườn cao su của công ty để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa thực hiện cam kết của mình, mà lại quyết định tập trung cho các “chương trình xã hội”, mà thực ra chỉ là một hoạt động quan hệ công chúng.

“Tháng Mười một này đánh dấu kết thúc cho thời hạn sáu tháng để công ty giải quyết những vấn đề trên. Lựa chọn không hành động của HAGL cho đến giờ khiến chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc kết luận rằng công ty đã không có thiện chí giải quyết các vấn đề này hoặc nhận trách nhiệm một cách nghiêm túc,” bà Megan MacInnes nói. “Những người dân, những người ngày ngày phải gánh chịu hậu quả đến từ những vùng HAGL thuê đất, hiểu biết hơn ai hết về những rủi ro về môi trường và xã hội từ hoạt động của HAGL- và chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến việc này, và do vậy nên rút đầu tư của mình.”

Khi bị Global Witness đặt câu hỏi vào ngày 13 tháng Mười một 2013, HAGL đã phủ nhận việc không đạt được tiến bộ nào. Công ty này nói rằng họ đã tạo công ăn việc làm và tiến hành những dự án phát triển kinh tế và xã hội (bao gồm việc xây dựng đường xá, nhà cửa, và bệnh viện), nhưng vì mùa mưa và sự kiện bầu cử toàn quốc tại Campuchia đã ngăn cản công ty tiếp cận những cộng đồng bị ảnh hưởng. HAGL khẳng định rằng họ đã thực hiện lệnh tạm ngưng khai thác, cho rằng các bằng chứng từ không ảnh vệ tinh do Global Witness cung cấp là “không đáng tin cậy”. Bên cạnh đó, HAGL nói rằng họ “đang tìm một công ty tư vấn độc lập để giúp HAGL thực hiện việc điều tra và cố vấn HAGL trong cải thiện các vấn đề liên quan đến cộng đồng địa phương” nhưng các nhà tư vấn này phải đi cùng với nhân viên của công ty để “bảo đảm tính độc lập trong kết quả tìm kiếm của các nhà tư vấn”.

Đối thoại giữa Global Witness và một công ty cao su khác của Việt Nam, vốn cũng bị nhắc đến trong báo cáo Những ông trùm cao su - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam- hiện đang tiếp tục.

Liên hệ Oliver Courtney ocourtney@globalwitness.org ,+44(0) 7912 517147

J.C.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

T: +44 (0)20 7492 5829

M: +44 7850 739 451

Twitter: @josiecoh

Skype: josiecohen3

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn