ASEAN: 50 tuổi mà vẫn chưa chịu lớn

LS Nguyễn Văn Thân

Cuối tháng trước, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Manila từ 26 tới 29 tháng 4. Năm nay Phi Luật Tân nắm ghế Chủ tịch luân phiên. Lần đầu tiên Tổng thống Duterte đóng vai chủ nhà chủ trì các phiên họp quốc tế. Các lãnh tụ tham dự Hội nghị cũng ăn mừng sinh nhật 50 tuổi của ASEAN. Một đề tài quan trọng trong nghị trình là bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông. Cái bóng Trung Quốc lúc nào cũng bảo phủ toàn Hội nghị.

ASEAN có 10 quốc gia với 620 triệu dân, nhiều hơn 28 quốc gia Liên minh Châu Âu với 510 triệu dân. Nhưng tổng số GDP của ASEAN chỉ là 2,800 tỷ Mỹ kim so với 18,000 tỷ của Liên minh Châu Âu. Vào năm 2003, ASEAN ra Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II tại Ba Li khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN trước năm 2020 dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Nhưng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận rút ngắn thời hạn và thống nhất kế hoạch hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức ra đời vào ngày 1/1/2016 với mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường chung và là cơ sở sản xuất duy nhất có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề. Rào cản thuế quan hoàn toàn được tháo bỏ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư ngoại quốc, san bằng khoảng cách phát triển, gắn kết các thành viên vào một tương lai và vận mệnh chung cũng như tạo thế đứng và sức mạnh tập thể với các đối tác trong vùng gồm có Trung Quốc, Nhật và Úc mà trong đó Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất.

Nhưng theo TS Christopher Roberts của Học viện Quốc phòng Úc thì có một thực tế không thể chối cãi được là sự chia rẽ và nghi ngờ giữa các thành viên ASEAN đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thi hành chính sách ngoại giao lừa đảo và hai mặt về vấn đề Biển Đông, đến nỗi Trung Quốc hầu như hoàn toàn chiến thắng và đạt hết mọi mục tiêu chiến lược trước một khối ASEAN chia năm xẻ bảy. Thật ra lúc đầu ASEAN cũng khá đồng nhất về khía cạnh này. Nhưng sự gia nhập của các thành viên mới cùng với cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á 2007 làm các quốc gia thành viên bắt đầu mất lòng tin vào văn phòng ASEAN tại Jakarta và tiến hành đi đêm với Trung Quốc. Năm thành viên sáng lập gồm có Nam Dương, Singapore, Mã Lai, Thái Lan và Phi Luật tân có thể nói là một trục quốc gia thân phương Tây. Mãi tới năm 1990 thì Nam Dương và Singapore mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Lần đầu tiên Trung Quốc bày tỏ tham vọng và yêu sách chủ quyền 80% của Biển Đông qua Đạo luật Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp 1992, 6 thành viên ASEAN (Brunei nha nhập vào năm 1984) lập tức ra thông báo phản đối. Vào ngày 22/7/1992, Ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các bên đòi hỏi chủ quyền tự chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cũng như góp phần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế áp dụng cho Biển Đông. Cũng trong năm đó, ASEAN gián tiếp xác nhận lập trường bằng cách thông qua Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi Vũ khí Hạt nhân. Trung Quốc lập tức phản đối vì Hiệp ước này xác nhận các nguyên tắc liên quan tới chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế dưới UNCLOS. Khi được ASEAN ngỏ  lời mời, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào Hiệp ước này.

Trung Quốc bắt đầu thi hành ý đồ độc chiếm Biển Đông vào năm 1995 khi tiến hành xâm chiếm và xây cất cấu trúc trên đá Vành Khăn (Mischief Reef) mà Trung Quốc giải thích là để giúp ngư dân lánh bão. Đá Vành Khăn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân và chỉ cách Palawan khoảng 145 hải lý. ASEAN phản ứng mạnh mẽ và lên án hành vi này. Sự kiện này phần nào thúc đẩy tiến trình Việt Nam được chấp thuận làm thành viên ASEAN vào tháng 7 năm 1995.

Từ 1997 tới 1999, Bắc Kinh bắt đầu tìm cách gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN khi tổ chức này thu nhận thêm thành viên mới gồm có Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Tuy nhiên, cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Châu Á vào năm 1997 dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế và lãnh đạo chính trị ASEAN tại Nam Dương và Thái Lan. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, phải mất hết 5 năm ASEAN mới hoàn tất bản thảo Quy tắc Ứng xử (COC). Bắc Kinh cũng soạn riêng một bản COC. Hai bên trao đổi bản thảo COC vào tháng 3 năm 2000 và đồng ý sáp nhập hai bản thảo. Nhưng ASEAN bắt đầu cho thấy dấu hiệu chia rẽ. Mã Lai ngả theo Trung Quốc là không muốn văn bản có tính ràng buộc pháp lý. Từ đó, Quy tắc Ứng xử trở thành Tuyên bố Ứng xử (DOC).

DOC đề ra 5 biện pháp xây dựng lòng tin và một số nguyên tắc chống leo thang căng thẳng. Nhưng DOC đã không ngăn được Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và hoàn tất các căn cứ quân sự tại Trường Sa là những điều hoàn toàn đi ngược lại với các nguyên tắc của DOC. Dấu hiệu chia rẽ giữa các nước ASEAN lộ rõ khi Phi Luật Tân xé lẻ và ký thỏa thuận thăm dò địa chất chung với Trung Quốc (JSMU) ở Trường Sa. Lúc đầu, Hà Nội tỏ ý phản đối nhưng rồi cũng chịu thua và gia nhập vào thỏa thuận này. Tới cuối năm 2007 thì JSMU chấm dứt mà không đưa đến kết quả gì. Nhưng điều này cho thấy chiến thuật của Trung Quốc là vừa thương lượng với khối ASEAN vừa đi đêm và thỏa thuận dưới gầm bàn với từng quốc gia một. Chẳng khác gì sử dụng chiến lược liên hoành để phá vỡ hợp tung trong thời Chiến Quốc.

Trong năm 2007 khi JSMU bắt đầu sụp đổ, Trung Quốc ép buộc tập đoàn dầu khí Anh-Mỹ-Việt rời bỏ khu vực khai thác gần bờ biển miền Nam Việt Nam. Mặt khác, tàu tuần duyên Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm 3 tàu cá Việt Nam. Tới năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu diễn ra và nhân lúc phương Tây suy yếu, Bắc Kinh chụp cơ hội đề ra kế hoạch theo đuổi một nền ‘’Văn minh Đông phương hài hòa’’ (Harmonious Eastern Civilisation). Dưới sách lược này, Trung Quốc sẽ thiết lập quy tắc ngoại giao trong khu vực mà Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo. Các nước chung quanh nên ngoan ngoãn hợp tác và không làm phật lòng Trung Quốc. Trọng tâm là loại các cơ chế và nguyên tắc luật pháp quốc tế mà Trung Quốc cho là do thế giới tự do phương Tây (đang giãy chết) đặt ra. Trật tự an ninh tại Biển Đông sẽ do chính Trung Quốc với ‘’sự hợp tác’’ của các nước ASEAN quản lý. Nước nào không nghe lời thì sẽ bị trừng phạt. Chẳng hạn như khi Mã Lai và Việt Nam cùng đệ đơn báo cáo chung về thềm lục địa vào năm 2009, Trung Quốc lập tức phản đối và chính thức nộp bản đồ “Đường 9 Đoạn”cho Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù ASEAN nhiều lần kêu gọi nhưng Trung Quốc không muốn tiến hành thương lượng COC và đổ lỗi cho Việt Nam và Phi Luật Tân là đã quốc tế hóa việc tranh chấp. Trên thực tế, hành vi hung hăng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Vào năm 2011, Trung Quốc  quấy nhiễu và xua đuổi tàu khảo sát tại Reed Bank trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân và đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá và xua đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa. Hành động khiêu khích leo thang đến mức báo động khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Tàu Trung Quốc và Phi Luật Tân đối mặt nhau tại đây. Sau khi Hoa Kỳ đứng ra hòa giải thì hai bên đồng ý rút lui. Tàu Phi Luật Tân rút lui nhưng Trung Quốc nuốt lời và trụ lại luôn. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vào năm 2012 tại Phnom Penh, Trung Quốc đi đêm với Cam Bốt dẫn đến sự kiện lịch sử là lần đầu tiên ASEAN không ra được một tuyên bố chung đặt câu hỏi cho vai trò trọng tâm cũng như tương lai của ASEAN. Mất lòng tin vào cơ chế này, Phi Luật Tân quyết định tiến hành khởi kiện Trung Quốc vào năm 2013.

Vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc lộ rõ ý đồ tham vọng độc chiếm Biển Đông khi quyết định hạ giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Lãnh đạo Việt Nam sử dụng đưòng dây nóng và liên tục gọi điện thoại trong một tháng nhưng Trung Quốc không bắt điện thoại trả lời.

Nhiều hình ảnh vệ tinh được tiết lộ vào năm 2015 cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa với đầy đủ phương tiện đường băng và kho chứa vũ khí, xác nhận quan điểm Trung Quốc không coi ASEAN ra gì. Vào ngày 23/4/2016, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố là Trung Quốc và 3 nước ASEAN là Cam Bốt, Lào và Brunie đã đạt đồng thuận 4 điểm về Biển Đông gồm có: (1) Trường Sa không phải là vấn đề của ASEAN; (2) mọi quốc gia được quyền sử dụng phương pháp giải quyết tranh chấp do họ tự chọn; (3) mọi tranh chấp nên được giải quyết bằng thương lượng song phương và (4) tình hình an ninh tại Biển Đông là do Trung Quốc và ASEAN quyết định. Chiến thuật ngoại giao này đã tách ASEAN thành hai nhóm. Vào tháng 6 năm 2016, ASEAN ra tuyên bố cứng rắn sau một phiên họp tại Mã Lai kêu gọi chấm dứt mọi hành động quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng chỉ trong 3 tiếng đồng hồ sau thì tuyên bố này được rút lại biến ASEAN thành trò hề trước công luận quốc tế.

Nam Dương với gần 40% tổng số GDP của ASEAN có tiềm năng lãnh đạo và lèo lái toàn khối đoàn kết và thống nhất quan điểm và lập trường để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng tân Tổng Thống Widodo còn thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Hơn nữa Trung Quốc cũng đang ve vãn Jakarta với nhiều hứa hẹn quyền lợi kinh tế. Phi Luật Tân dưới thời Duterte đã quay 180 độ. Tuy chiến thắng vẻ vang sau khi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế nhưng Duterte không muốn nhắc tới thành tựu này. Cũng không có gì ngạc nhiên là dưới sự chủ trì của Duterte, ASEAN ra tuyên bố trễ mà hoàn toàn không đả động gì về những hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Manila vào cuối tháng 4 vừa qua.

Trước mắt, một khối ASEAN trưởng thành về mặt chiến lược, ngoại giao và an ninh vẫn còn là một viễn ảnh xa vời. Hoặc nói một cách khác thì ASEAN đã già 50 tuổi mà vẫn chưa chịu lớn.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn