GDP kinh tế và “GDP lòng tin”

Trúc Nguyễn

Tác giả gửi tới Dân Luận

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số tăng trưởng 9 tháng của năm 2017, theo đó quý III năm nay chỉ số GDP tăng kỷ lục 7,46 % trong khi GDP quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%(1). Một bài phân tích chi tiết đăng trên Vietnamfinance có tựa “GDP quý III và những bất thường số liệu tăng trưởng” chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành biểu tỏ nhiều cụm từ biểu cảm như: con số đẹp, rất lạ là, khó giải thích, bất thường, đột biến…(2)

Ngay sau đó, phát biểu trước Quốc hội đại biểu Dương Trung Quốc đề cập đến “những dấu hiệu suy thoái đạo đức”, ông dùng cụm từ “chỉ tiêu về lòng tin”: nếu chúng ta có thêm một chỉ tiêu có thể đánh giá được, định lượng được, đó là chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế bền vững…

Vị đại biểu dẫn chứng những việc làm làm giảm sút lòng tin của nhân dân như hành xử của cơ quan điều tra vụ tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, những tiêu cực nổi cộm trong đời sống xã hội như “nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống, sẵn sàng đưa độc hại cho đồng bào của mình”, vụ Khaisilk “treo lụa Việt bán lụa Tàu” và câu chuyện EU rút “thẻ vàng” đối với ngành xuất khẩu cá của VN…

Cho thấy cùng với sự tăng trưởng cao của chỉ số GDP thì “chỉ số về lòng tin” trong nhân dân đang bị thử thách. Vậy tại sao lại có sự lệch pha này? Theo thiển ý của tôi là do chúng ta quan tâm chưa đúng mức “chất lượng tăng trưởng”.

Chất lượng của tăng trưởng kinh tế

Nếu ví von nền kinh tế quốc gia là một “siêu công ty” thì mỗi người dân lao động là một cổ đông. Khác với những cổ đông thông thường, hơn 90 triệu “cổ đông nhân dân” Việt Nam không mong chờ một bản báo cáo tài chính màu hồng.

Trên dải đất hình chữ S này có quá khứ tổ tiên ông bà cha mẹ, có tương lai học hành và công ăn việc làm của con em… cho nên người dân kỳ vọng sự tăng trưởng về chất, sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Hơn nữa số tăng trưởng GDP chênh nhau phạm vi một điểm phần trăm cũng không trực cảm được sự tác động nào lên nồi cơm của người dân lao động.

Dư luận đang lo chảy máu chất xám chảy máu ngoại tệ: 12 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì 11 người đang sinh sống làm việc ở nước ngoài, hơn 3 tỉ USD là số tiền người Việt mua nhà đất ở Mỹ 2016, giới có tiền cấp tập cho con xuất ngoại du học hoặc âm thầm lo cho mình một tờ hộ chiếu mang quốc tịch nước ngoài, cộng với VN Pharma, TS Việt Nam, BOT, biệt phủ… làm suy giảm lòng tin của một bộ phận “cổ đông nhân dân” và họ đang “thoái vốn” khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Công bố thành tích chỉ số GDP “tăng kỷ lục” trong bối cảnh chất lượng đời sống xã hội còn hạn chế vô hình chung có tác dụng làm “pi-a” thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho dân kinh doanh “lướt sóng” trên đồng vốn của nhân dân của đất nước.

“Thượng tôn pháp luật” và vấn đề lòng tin

Đại biểu Dương Trung Quốc dằn vặt về việc cơ quan điều tra phát thông báo kêu gọi người dân xã Đồng Tâm ra “đầu thú”: “Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao”? “Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật”…(3)

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Quận 1 TP. HCM tuy còn tranh cải về cách làm nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân suốt một thời gian dài, là vì lực lượng thực thi mang tinh thần “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, bất kể xe biển số màu gì mà vi phạm luật giao thông đều bị xử phạt hoặc bị cẩu về trạm.

Nhà nước tốn bao nhiêu phút sóng truyền hình, mất bao nhiêu trang viết để tuyên truyền về xã hội pháp quyền, nhưng chỉ cần một chiếc xe ô tô biển đỏ biển xanh vi phạm luật giao thông trên phố mà không bị xử phạt thì mọi nỗ lực trở thành lãng phí.

Cho nên “thượng tôn pháp luật” không phải là một mỹ từ để làm truyền thông mà trong nội hàm của cụm từ này đã mang tính minh bạch và bình đẳng. Ngôn ngữ tư pháp có thuật ngữ “thượng tôn pháp luật” nhưng đồng thời cũng có cụm từ “pháp bất vị thân”, đừng khắc khe với dân mà qua loa với cán bộ.

Có lòng tin là có tất cả

Lịch sử ghi chép trong thời kỳ chiến tranh, dù gặp hoàn cảnh nguy khốn nào mà vua tôi đồng lòng thì mọi khó khăn đều vượt qua được. Ngày nay, nếu chỉ số GDP tăng trưởng thấp nhưng người dân có lòng tin với chính quyền thì họ cũng sẽ không bao giờ quay lưng.

Nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn, GDP của Nhật tăng thấp có lúc bằng zero, nợ công 239%… nhưng Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, bước vào nhiệm kỳ thứ 3 trở thành vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước này, chỉ số chứng khoán Nhật cũng lập mức cao chưa từng có.

Lý giải điều này tờ CNN nhận định “là do niềm tin trong kinh doanh đang ở một mức cao nhất trong một thập kỷ” (business confidence is now at its highest level in a decade)(4). Nếu nhận xét này là đúng chứng tỏ sức mạnh của “chỉ số lòng tin” là vô cùng to lớn!

T.N.

__________

(1) http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/gdp-quy-iii-cao-ky-luc-401630.html

(2) http://vietnamfinance.vn/gdp-quy-iii-va-nhung-bat-thuong-cua-so-lieu-tang-truong-20171101151003594.htm

(3) https://tuoitre.vn/vu-dong-tam-la-long-tin-chu-khong-chi-la-vu-an-hinh-su-20171102103345662.htm

(4) http://money.cnn.com/2017/10/20/news/economy/japan-economy-election-abenomics/index.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn