Trao đổi với ông Trần Đại Quang về thi đua

Nguyễn Đình Cống

Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động thi đua, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc". Qua việc này chắc ông Quang muốn chứng tỏ trình độ cao  và phẩm chất tinh hoa của mình. Nhưng tiếc thay, tôi chưa nhận ra được điều đó.

Tôi đã tích cực tham gia thi đua từ khi phong trào mới ra đời năm 1948 cho đến những ngày tháng Xây dựng tổ đội lao động XHCN, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba vì đồng bào Miền Nam ruột thịt, vì CNXH… Nhiều năm tôi đạt Lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua, tổ thi đua của chúng tôi được thưởng Huân chương Lao động. Sau khi nghỉ hưu tôi vẫn theo dõi phong trào.

Thi đua chủ yếu là động viên tinh thần và lấy việc khen thưởng để người ta làm việc tốt hơn, dùng việc bình bầu để chọn ra điển hình tiền tiến. Đó là một động lực tốt trong thời kỳ đầu của Cách mạng dân tộc, trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi mà điều kiện vật chất còn quá eo hẹp. Nhưng phong trào thi đua cũng đẻ ra một số tệ hại như chạy theo thành tích dổm, làm láo báo cáo hay. Khi xây dựng trong hòa bình, có những động lực khác tốt hơn, mạnh hơn. Đó là sự trả công, sự hưởng lợi theo thành quả lao động, là sự tôn vinh con người dựa vào đức độ, tài năng và sự đóng góp, là sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường, là nền kinh tế tri thức với cách mạng thông tin 4.0... Trong hoàn cảnh hiện tại thi đua không còn giữ được vai trò như trước đây, nó trở thành lợi ít hại nhiều, lãng phí, lắm lúc còn tạo ra sự dối trá.

Tôi không tán thành với ông Trần Đại Quang trong một số nhận định về thi đua thời gian vừa qua, như cho rằng sự hy sinh của nhiều liệt sĩ (10 cô gái Đồng Lộc, 12  chiến sĩ Truông Bồn, Bế văn Đàn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…) là điển hình tiêu biểu của thi đua; hoặc như cho rằng nhờ thi đua mà có được sáng tạo của một số cá nhân, mà cứu sống được 12 công nhân trong sự cố đường hầm thủy điện Đạ Dâng…

Sự hy sinh của các liệt sĩ là đáng tôn trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu của thi đua. Sự lao động sáng tạo của một số cá nhân là do thôi thúc của nội tâm chứ cơ bản không phải do phong trào, sự cứu sống 12 công nhân bị nạn cũng không phải do thi đua mà do tinh thần yêu thương đồng đội.

Còn một vài điểm nữa tôi không tán thành, nhưng tạm cho qua. Viết bài này tôi không muốn phê phán gì ông Trần Đại Quang, chỉ nhân sự việc mà trình bày vài quan điểm về thi đua, một phong trào đã từng tạo ra nhiều thành tích rực rỡ trong quá khứ, nhưng ngày nay không còn thích hợp nữa, nó mang lại lợi ít hại nhiều. Ở thế kỷ 21 mà vẫn đinh ninh rằng “thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người” (như ông Quang đã viết) là một nhầm lẫn đáng thương, đáng buồn, đáng chê trách.

Thi đua nhằm động viên tinh thần, vậy phải chăng có thi đua sẽ tốt hơn không thi đua. Mới nghe qua tưởng như vậy, nhưng nghĩ kỹ ra và thực tế chứng tỏ không phải vậy.

Vì sao?

Trước hết hãy nhìn vào các nước tiên tiến trên thế giới. Tại sao những nước tiên tiến, có công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cao, có đạo đức, văn hóa, giáo dục rất cao mà chẳng cần gì đến thi đua. Vậy họ dựa vào động lực gì để làm tốt công việc? Riêng tại VN, theo tổng kết và báo cáo thì nhờ thi đua mà đạt được nhiều thành tích rực rỡ. Điều này là đúng trong thời kỳ trước đây (1948-1975), còn hiện nay, liệu có thật đúng như thế không khi rất khó tin vào sự trung thực của các báo cáo, khi có sự trộn lẫn giữa hình thức của phong trào thi đua và thực chất của những động lực và biện pháp khác?

Lấy thí dụ, ông Quang biểu dương ông Phan Tấn Bện ở tỉnh Đồng Tháp đã chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp và xe thu gom lúa. Thành tích đó được đem báo cáo ở hội nghị thi đua, vì vậy người ta tưởng nhầm đó là kết quả của thi đua. Nhưng hãy nghĩ kỹ xem, thành công này có bao nhiêu phần trăm do phong trào thi đua đem lại? Chẳng có phần trăm nào. Ông Bện chế tạo được máy chủ yếu là do tinh thần say mê khoa học kỹ thuật, tinh thần đó là từ trong phẩm chất của ông. Nếu không có phong trào thi đua thì ông Bện vẫn làm ra được các máy ấy.

Khi so sánh giữa có thi đua và không thi đua cần phải đặc biệt chú ý 2 vấn đề:

(1) Khi không thi đua thì mọi người tự động, tự giác làm việc cuả họ. Khi có thi đua thì phải lập ra ban này, bệ nọ để theo dõi, báo cáo, xét duyệt, phải phát động, bình bầu, tổ chức hội nghị…, tốn kém thêm khá nhiều công sức, thời gian tiền của.

(2) Những người thi đua có thể  đạt được một số thành tích nào đó. Cũng vẫn những con người ấy, nếu họ không tham gia phong trào thi đua, liệu họ có làm được việc gì không? Những người thi đua có động lực làm tốt công việc, vậy những người không thi đua có động lực nào khác để họ làm tốt công việc hơn không? Phải chăng những người không thi đua đều là loại người lười nhác? Câu khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua“ là hay, là đúng cho thời kỳ trước đây, còn bây giờ, phải chăng là một sự áp đặt rất vô lý?

Một xã hội, khi mọi người hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình, tự động, tự giác làm công việc, xã hội đó đạt được sự phát triển  bình thường. Nếu người ta phải chờ được động viên, được khen thưởng mới có tinh thần làm việc tốt thì xã hội đó đang trên đường lụn bại.

Thi đua có hậu quả xấu là làm cho con người quen được động viên và trông chờ khen thưởng. Khi người ta đã quá quen với thi đua, tôn sùng thi đua thì dễ bị lơ là với những động lực khác có tác dụng và hiệu quả cao hơn.

Tuy phong trào thi đua không còn thích hợp, nhưng tại sao vẫn được một số người đề cao?

Có thể vì 3 nguyên nhân sau:

(1) Vì lợi ích nhóm. Đối với toàn xã hội thì thi đua lợi ít hại nhiều, nhưng đối với một số người nào đó thì thi đua mang lại cho họ nhiều bổng lộc cá nhân. Họ cố gian dối để duy trì. Đó là các Ban thi đua và những người có liên quan, đó là bọn sống vì thành tích dổm và quen dối trá.

(2) Vì sự kém hiểu biết và bị lừa. Một số cứ tưởng nhầm rằng thi đua thật sự có tác dụng tốt, họ nhẹ dạ, cả tin vào những báo cáo tổng kết đầy thành tích.

(3) Vì sợ. Họ biết rõ thi đua chỉ là hình thức, là lợi ít, hại nhiều nhưng không dám phê phán, không dám loại bỏ vì như thế là đụng đến lãnh tụ, đụng đến sự lãnh đạo, họ đã quen sống theo chỉ đạo của cấp trên và luôn luôn lo sợ nói và làm trái ý của ai đó.

Có một số người sùng bái thi đua, họ thấy một thành tích tốt đẹp bất kỳ của ai cũng đều có thể quy về thành quả của thi đua, thậm chí những giải thưởng lớn về khoa học và nghệ thuật trên thế giới cũng là nhờ thi đua. Ở đây có một nhầm lẫn như sau: Thi đua nhằm cố gắng, nổ lực làm tốt công việc, nhưng khi một người cố gắng, nổ lực làm tốt công việc thì chưa chắc họ đã vì thi đua mà là vì những động lực tinh thần khác, như lòng yêu nước, yêu khoa học, mong muốn tiến bộ. Cũng rất cần phân biệt tinh thần của con người muốn làm tốt công việc (nếu xem đó là tinh thần thi đua) với phong trào thi đua. Đã là Phong trào thì phải có phát động, theo dõi, sơ kết, tổng kết, báo cáo, bình bầu, hội nghị, khen thưởng…, phải có ban này bệ nọ làm phình to bộ máy.

Nếu không có phong trào thi đua thì lấy gì động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc?

Đó là câu hỏi của những người kém trí tuệ, chỉ quen với những lối mòn. Thế giới không có phong trào thi đua mà hàng năm nhiều nhà khoa học vẫn nhận giải Nobel, nhiều nghệ sĩ nhận giải Oscar, nhiều phát minh và khám phá vẫn được phát hiện.

Theo tôi phong trào thi đua đã làm xong nhiệm vụ, ngày nay hãy chỉ nên giữ lại kỷ niệm trong các viện bảo tàng, còn cứ cố kéo dài thì nó chỉ mang lại lợi ít hại nhiều. Nói rằng phong trào thi đua là động lực to lớn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là cách nói thiếu suy nghĩ sâu sắc, chỉ là cách nói cho qua chuyện của những người quen lối sáo vẹt mà thôi.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn