Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm việc Mỹ đánh thuế thép Việt?

Minh Quân

Nội bộ các bộ ngành liên quan đến thương mại và kinh tế ở Việt Nam đang tìm cách đổ vấy trách nhiệm cho nhau sau khi nổ ra vụ Mỹ đánh thuế thép Việt.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi7vd4d_983DsyqJ-fiiVcMBGWD379Guv9GH0ov3XGbCI_sOqfVYV0VtG5EMZkOv-AB3hbylCcydeRC-CCrAJuuFpkkD0V8XgASgKbbsvqh5U70BArqO47gbs6MHlxPzsUf4REVOqWOpQ/s640/bo-cong-thuong-1503399989505-0802559.jpg

Chỉ ít ngày sau sự xuất hiện biệt danh “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” của Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại nước này đã thông báo sẽ đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% - một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017.

Trên trang báo một Thế giới, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc thép Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 456%. Suốt hơn 1 năm qua Bộ Công Thương đã không có động thái "phòng vệ thương mại" trước các rủi ro do hàng hóa từ những nước đang bị Mỹ trừng phạt muốn mượn đường Việt Nam để lẩn tránh các mức thuế suất cao.

Ông Bảo cho biết ông đánh giá rất thấp Bộ Công Thương khi bộ này không có những động thái nào thể hiện việc chuẩn bị những phương án đối phó chiến tranh thương mại, trong khi đây là một bộ rất quan trọng về lĩnh vực kinh tế.

“Nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc bị đánh thuế này từ cả năm trước nhưng chúng ta vẫn ứng phó không hiệu quả. Khi ngành thép bị trừng phạt thì nó còn vẽ ra một viễn cảnh khác là những ngành hàng khác cũng có thể bị trừng phạt theo, vì phía Mỹ cho rằng nếu chúng ta không có những giải pháp nghiêm túc thì họ sẽ mở rộng việc đánh thuế. Như vậy, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với kinh tế Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bảo, nhiều động thái của Chính phủ và Bộ Công Thương bây giờ là phòng vệ thương mại. Lẽ ra vấn đề này phải được đặt ra từ lâu. Bây giờ mới tiến hành thì khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Một điều nữa, ông Bảo cho rằng rất khôi hài và bất ngờ là sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương thì Bộ Công Thương thừa nhận vẫn chưa biết định nghĩa như thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam". Nếu vậy thì dựa trên cơ sở nào để kết tội hàng hóa của người ta là hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt?

Trong thực tế, nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ không chỉ là việc Việt Nam đứng hàng thứ 5 trong những quốc gia xuất siêu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ, mà còn là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.

Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.

Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.

M.Q.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn