Không sợ thiếu, nhiễu thông tin, chỉ sợ tâm không đủ trong, trí không đủ sáng

Phạm Viết Đào

( Đối thoại với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp… )

Cả 4 nhóm ý kiến trong bài trả lời phỏng vấn của ông Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trên trang mạng chinhphu.com đều bị nhà văn Phạm Viết Đào phản bác đến nơi đến chốn. Đó là một hiện tượng đối thoại dân chủ rất bình thường, cần thiết trong thời đại thông tin rộng mở như hiện nay. Rất mong ông Bộ trưởng không coi đây là một tác nhân gây nhiễu thông tin để rồi lại ban ra một câu nói nổi tiếng đại loại như câu nói về “lề đường bên phải” dạo nào, từng khiến báo chí phải im re trước nhiều tin nóng cho đến tận nay, và đó là một nguyên nhân quan trọng đã khiến cho thông tin ở Việt Nam vừa thiếu vừa càng thêm nhiễu, vì không có thông tin trên báo chí thì tất nhiên là thông tin vỉa hè tha hồ phát triển và phát triển rất nhạy. Cấm thông tin có cái bất lợi lớn như vậy đấy thưa ông Bộ trưởng. Mong ông hãy theo kịp với tư duy của thời đại mà sớm cất đi những ba-ri-e trên các xa lộ thông tin vốn đã trở nên chật hẹp so với nhu cầu đời sống tinh thần của dân chúng hiện nay lắm rồi.
Bauxite Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp

Theo dõi ý kiến trả lời phỏng vấn mạng Chinhphu.vn của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp [1], chúng tôi chú ý tới 4 nhóm ý kiến quan trọng sau đây:

1/ “Dấu ấn thứ nhất của ngành Viễn thông là trong bối cảnh lạm phát vẫn giảm giá cho dân. Thứ hai, dù giảm giá tới 20%, ngành vẫn tăng trưởng tới 61%. Những điều này chứng tỏ ngành Thông tin và Truyền thông có sức sống mãnh liệt dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, bởi đây là ngành kinh tế thời đại, mang hàm lượng tri thức cao?”…
2/ “Thứ nhất, xây dựng nguồn nhân lực CNTT, cả đại trà, cả mũi nhọn. Thứ hai là phát triển công nghiệp CNTT, để Việt Nam không chỉ tiêu dùng mà còn sản xuất các sản phẩm CNTT. Thứ ba là phát triển hệ tầng băng thông rộng. Thứ tư là đưa CNTT vào từng gia đình, như điện thoại, internet, góp phần phát triển đất nước văn minh, hiện đại. Thứ năm là ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử để đảm bảo chỉ huy thông suốt từ Trung ương đến địa phương, nắm thông tin từ địa phương lên Trung ương kịp thời, xử lý kiến nghị của nhân dân nhanh nhất, tiện lợi nhất, tiết kiệm nhất. Và thứ sáu là xây dựng, hình thành các tập đoàn truyền thông có tầm quốc tế”.
3/ “Nếu thực hiện tốt Chiến lược, năm 2015, CNTT – Truyền thông sẽ đóng góp từ 18 – 20% GDP, và con số này năm 2020 sẽ là từ 20 – 25%. “Ngành Thông tin và Truyền thông sẽ là mũi nhọn, là nền tảng, mở đường cho bước phát triển mới của nền kinh tế”.
4/ “Đáng sợ nhất là thiếu thông tin, nhiễu thông tin”…

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp, hàng đầu, thứ nhì từ phải qua.

Về nhóm ý kiến thứ nhất của ông Bộ trưởng:
- Do sức sống mãnh liệt của ngành công nghệ thông tin nên đã giảm giá 20 % mà vẫn tăng trưởng 61 %?
Đây là ý kiến theo tôi có phần chủ quan, ông Bộ trưởng chỉ biết đến cái lợi của ngành mình mà chưa tính đúng, tính đủ một cách minh bạch, công bằng những hệ lụy mà ngành công nghệ thông tin đang gây cho kinh tế xã hội?
Không ai phủ nhận công nghệ thông tin là một trong những huyết mạch của công tác quản lý kinh tế xã hội; người dân có thể bớt ăn, bớt các khoản chi phí khác nhưng không thể giảm sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin? Sản phẩm của công nghệ thông tin là sản phẩm của thời đại và thuộc tính lợi thế khách quan. Do vậy sự phát triển công nghệ thông tin ở ta giống như ở “xứ mù anh chột lên làm vua” mà thôi, chứ không phải do mỗi nỗ lực chủ quan của ngành này.
Nếu chỉ căn cứ vào cấp số cộng của các chỉ số tăng trưởng để đánh giá thành tích của ngành công nghệ thông tin là chưa chuẩn xác và chưa khách quan. Dư luận chờ xem những thành tích mang dấu ấn chủ quan của ngành này dưới bàn tay quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông chứ không bằng những số liệu không biết đâu mà lần. Mặt khác nếu đánh giá thành tích của dịch vụ công nghệ thông tin ngoài yếu tố giá, chất lượng phục vụ còn phải căn cứ vào mặt bằng thu nhập của người sử dụng…
Xin lấy một ví dụ nhỏ: một gia đình có 2 vợ chồng, 2 đứa con nếu con chưa đi làm, thu nhập bình quân khá không quá 7- 8 triệu mà phải trả cho 4 điện thoại di động, một máy để bàn là những trang bị tối thiểu đối với nhiều quốc gia thì phải thanh toán một khoản tiền hàng tháng không dưới 1,5 triệu; cho dù dùng ở mức tối thiểu chỉ để nhắn và liên lạc với nhau những thông tin thiết yếu? Như vậy, khoản chi phí này chiếm tới 15 % thu nhập là khoản chi phí không thấp nếu đem so sánh với mặt bằng của các quốc gia khác?
Chưa kể do giá đầu vào của công nghệ thông tin đã đội giá thành của các ngành khác như thế nào; nếu hạ được nữa thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh, tạo thêm công ăn việc làm. Những chỉ số này thì ông Bộ trưởng lại lờ đi!
Về nhóm ý kiến thứ 2 của Bộ trưởng:
- Việt Nam không chỉ tiêu dùng mà còn sản xuất các sản phẩm CNTT?
Trong thực tế trên thị trường từ Vệ tinh VINASAT đến tivi, các phương tiện nghe nhìn khác như điện thoại di động, người tiêu dùng không khó nhận thấy là sản phẩm phổ cập sơ đẳng nhất của công nghiệp công nghệ thông tin, phần lớn đều nhập từ Trung Quốc theo dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện. Bao giờ thì Việt Nam thoát khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, ăn theo các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài? Bộ trưởng có vạch ra được lộ trình và chỉ tiêu phấn đấu tới năm nào và bao nhiêu phần trăm là sản phẩm nội địa không?
- Ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử để đảm bảo chỉ huy thông suốt từ Trung ương đến địa phương, nắm thông tin từ địa phương lên Trung ương kịp thời, xử lý kiến nghị của nhân dân nhanh nhất, tiện lợi nhất, tiết kiệm nhất?
Vụ án phanh phui những thất thoát, tham nhũng của Đề án 112, trong đó một vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là đầu têu đã cho thấy việc xây dựng Chính phủ điện tử của chúng ta kết quả và hiệu quả đến như thế nào! Hàng trăm tỷ đồng rải ra mà không có hồi âm vì đã chui vào các loại túi từ cao đến thấp hoặc là một đống máy móc thiết bị cất kho. Khoản này là khoản tỏ ra yếu kém của Chính phủ và trách nhiệm một phần của Bộ Thông tin & Truyền thông thế mà ông Bộ trưởng vẫn kể công thì quả là lạ.
Hiện nay khâu quản lý nhà nước bằng phương tiện điện tử mới chỉ sử dụng được những thao tác, tính năng thô sơ như: đánh máy, gửi thư, thông báo; còn rất ít các khâu quản lý về các thủ tục hành chính người dân vẫn tiếp tục bị hành ác tại các cơ quan công quyền.
Ông Bộ trưởng có ngửa bài ra được có bao loại thủ tục hành chính hiện người dân, các doanh nghiệp không phải rồng rắn, sắp hàng tại các công sở hay tại các tư dinh của các vị được đặc quyền ký mà chỉ vào mạng bấm nút là xong không? Mỗi năm ngành công nghệ thông tin giúp Chính phủ, chính quyền các cấp bao nhiêu thủ tục hành chính được giải phóng không phải qua thủ tục van lạy, phong bì, phong bao?
Nếu muốn nói tới thành tích của công nghệ thông tin góp phần xây dựng một chính phủ điện tử là phải nói những điều cụ thể đó, chứ không bằng những khẩu hiệu đại ngôn!
- Xây dựng, hình thành các tập đoàn truyền thông có tầm quốc tế?
Ý kiến này nếu trong Nghị quyết của Đảng thì được, còn nếu là Bộ trưởng phụ trách chuyên ngành thì nên công bố với công luận: Bao nhiêu tập đoàn sẽ ra đời trong bao nhiêu năm, quy mô, tầm mức, vốn liếng, lợi nhuận, nhân công thu hút?
Về nhóm ý kiến thứ 3 của Bộ trưởng:
- Năm 2015, CNTT – Truyền thông sẽ đóng góp từ 18 – 20% GDP, và con số này năm 2020 sẽ là từ 20 – 25%?
Đây là những chỉ số, những mục tiêu đáng ngờ, nghe ghê răng; tôi không tin Việt Nam có thể vượt nhanh hơn các nước sừng sỏ trong lĩnh vực này như Ấn Độ, Singapo, Hàn Quốc, Trung Quốc…; tôi không có số liệu của các nước đó nhưng tôi tin khả năng đóng góp cho GDP của các nước này cũng khó đạt mức 18-20 %, còn Việt Nam đạt tới mức 20 – 25 tỷ USD trong dăm năm tới thì quả là kỳ tích.
- Ngành Thông tin và Truyền thông sẽ là mũi nhọn, là nền tảng, mở đường cho bước phát triển mới của nền kinh tế”.
Thông thường đã là mũi nhọn thì không thể là nền tảng; giống như đã đá tiền đạo thì việc quay về đảm trách hậu vệ chỉ là hi hữu và vạn bất đắc dĩ mà thôi. Không một cầu thủ nào có khả năng đá hay được cả hai vị trí?! Hay nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế vận hành theo quy tắc đèn cù giống như câu đồng dao thuở nào: Khi Đảng cần trẻ thì ta đã già; khi Đảng cần đàn bà thì ta lại là đàn ông; Khi Đảng cần công nông thì ta lại là trí thức; khi Đảng cần trí thức thì ta đã hưu non…?
Về nhóm ý kiến thứ 4 của Bộ trưởng:
-“Đáng sợ nhất là thiếu thông tin, nhiễu thông tin”…

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp

Nhớ khi xưa để đưa B.52 vào đánh phá Hà Nội và các thành phố, làng mạc miền Bắc, không quân Mỹ đã sử dụng hệ thống gây nhiễu cực kỳ hiện đại, hòng bịt mắt, vô hiệu hóa hệ thống tên lửa và lực lượng phòng không và không quân của ta. Nhưng những con “ác điểu” của không lực Hoa Kỳ đã không lọt qua được những “cặp mắt thần”, những “kính chiếu yêu” của quân dân ta, kết cục là chúng đã bị hạ gục thậm chí bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.
Những “cặp mắt thần”, những “kính chiếu yêu” đó không phải do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho ta, kể cả tên lửa SAM 2 là loại không dùng để đối phó với B.52 thế mà chúng ta đã đánh thắng B.52 của không quân Mỹ. Sau này theo chúng tôi được biết: cặp mắt thần và kính chiếu yêu đó chính là cảm quan của các chiến sĩ phòng không của chúng ta; bằng kinh nghiệm và cảm quan chúng ta đã phán đoán ra được đâu là B.52 thật, B.52 giả để chỉ cần phóng một lúc 2 quả tên lửa là vít cổ được pháo đài bay B.52.
Cảm quan có khả năng phát hiện ra lũ giặc trời này, người lính phóng không của chúng ta có được nhờ lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc hun đúc nên. Trí tuệ siêu việt để phán đoán ra được đâu là B.52 thật, đâu là B.52 giả không thể là thứ do chuyên gia Liên Xô nơi sản xuất ra tên lửa SAM2 truyền thụ, càng không phải do một ngôi trường 2 tốt nào thời đó đào luyện nên. Cái tâm trong trí sáng đó xuất phát từ cuộc chiến đấu, từ tình cảm yêu nước và trách nhiệm với xương máu của nhân dân mình. Khi người lính của chúng ta ra trận với tinh thần yêu nước cao độ, tức là họ có tâm trong trí sáng thì khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…
Trong khi thế giới đang trong cái thời đại bùng nổ thông tin, dân chủ hóa thông tin là sản phẩm tất yếu của thời đại thì vị tư lệnh nhà nước lại có cái sự lo lắng luẩn quẩn. Ý kiến này của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy sự thiếu mạch lạc và luẩn quẩn.
Thứ nhất ông sợ thiếu thông tin, thứ nhì ông sợ nhiễu…
Xã hội với sự phát triển đồ sộ các phương tiện máy mọc tối tân hiện đại do ngành ông đảm trách; những phương tiện truyền thông hiện đại nhất kể cả Vệ tinh VINASAT dùng ngân sách nhà nước đầu tư để nhập, với một đội ngũ gần ngàn tờ báo, trang mạng do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép; cộng với rất nhiều những cơ quan tham mưu hưởng lương ngân sách chuyên trách chỉ lo thu thập, sàng lọc thông tin để tham mưu cho các cơ quan chức năng, thế mà ông Bộ trưởng lại kêu thiếu thông tin? Có gì mâu thuẫn ở đây? Hay hệ thống thông tin dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông có vấn đề, dặt dẹo không có sức sống mãnh liệt như ông nói mà chỉ là đám ăn theo nói leo; những thông tin mà những cấp quản lý như ông cần lại không cung cấp đủ, luôn thiếu đói dẫn tới quyết sai? Nếu đúng thế thì lỗi một phần của cơ quan quản lý. Bởi ông khẳng định ngành thông tin do Bộ Thông tin & Truyền thông có sức sống mãnh liệt cơ mà. Nó có sức sống mà không được việc, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xem lại cung cách quản lý, cơ chế vận hành và chế độ ứng xử với nó khiến cho nó trở nên vô cảm, tê liệt, thui chột, vô tích sự chăng???
Khi người đứng đầu ngành thông tin tỏ ra run tay lo sợ về cái sự nhiễu thông tin thì chắc chắn ông sẽ dùng bộ máy hành chính, cơ chế hành chính để ứng phó với cái mà ông gọi là sự nhiễu này để cho an toàn cho ông: có gì thì có bộ máy, cơ chế chịu. Còn nếu sử dụng cảm quan như các chiến sĩ tên lửa của ta khi đánh B.52 thì bắn rơi thành tích là của cả lực lượng tên lửa nói chung chứ không của cá nhân nào; thậm chí bí quyết bắn hạ B.52 bằng cảm quan này một thời gian còn được coi là bí mật quốc gia, không được thông tin rộng rãi…
Mỹ là nơi sùng và giỏi về kỹ thuật đã từng chế ra loại máy móc để phát hiện sự nói dối, loại máy móc này đã hoàn toàn bị vô hiệu đối với những chiến sĩ yêu nước Việt Nam khi bị bắt… Bây giờ do lo sợ bị nhiễu, Bộ Thông tin & Truyền thông dùng biện pháp “cơ khí”, phân luồng thông tin bằng các dải phân cách cứng giống như các con chạch bê-tông ở các ngã tư, ngã năm Hà Nội để phân biệt loại thông tin thuộc lề phải, lề trái… Cách làm này đã không cải thiện được sự rối loạn mà còn làm ách tắc thêm. Nhiều ngã tư, ngã năm ở Hà Nội đã phải dỡ bỏ các dải phân cách này…
Lịch sử đông tây kim cổ đã cho thấy biết bao kẻ trung thần nghĩa liệt đã phải bay đầu bởi những lời xiểm nịnh và bởi những bậc hôn quân trông gà hóa cuốc… Những bậc hôn quân sở dĩ chém giết nhầm những anh hùng nghĩa liệt, những người có công, những ý kiến phản biện – xây dựng là do bởi tâm không đủ trong và trí không sáng chứ không do không biết tự chế cho mình những cỗ máy lọc nhiễu phân biệt lề phải, lề trái của thông tin…
Do đó theo chúng tôi Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông nên rút lại câu: Đáng sợ nhất là thiếu thông tin, nhiễu thông tin, mà thay bằng câu: Đáng sợ nhất đối với kẻ có quyền là Tâm không đủ Trong, Trí không đủ Sáng; nếu khi cảm thấy Tâm mình đủ trong, Trí mình đủ Sáng thì không một “B.52 thông tin” nào có thể lọt qua được những cặp mắt thần…
P.V.Đ
[1]/http://74.125.155.132/search?q=cache:0Fbn4fxbs84J:baodientu.chinhphu.vn/Home/Thong-tin-va-Truyen-thong-se-la-mui-nhon-mo-duong/20102/27630.vgp+%22+%C4%90%C3%A1ng+s%E1%BB%A3+nh%E1%BA%A5t+l%C3%A0+thi%E1%BA%BFu+th%C3%B4ng+tin,+nhi%E1%BB%85u+th%C3%B4ng+tin+%22&cd=7&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=3938

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn