Chửi xéo?

Đoan Trang

Quanh đi quẩn lại, thế rồi Ngày Báo chí tới lúc nào chẳng biết đâu!
Thực ra, cái ngày đẹp đẽ và đầy hứa hẹn ấy vẫn còn chưa tới (ai mà chả biết!). Nhưng trước ngày lễ lạt mà có lời nhắc nhở của người tử tế, nhất hạng khi đó lại thuộc cánh đàn em trong làng, thì thật đáng cho cả làng cắn bút ngẫm nghĩ.
Nghĩ gì?
BVN là trang thông tin điện tử còn non trẻ. Mon men vào làng, nó chỉ xin nêu câu hỏi. Và cũng chỉ là một câu hỏi nhấn mạnh thêm cho nhà báo rất trẻ Đoan Trang, thế đã là mạnh bạo lắm, trước biết bao cây bút và tờ báo tiếng tăm hoành tráng!
Bauxite Việt Nam

(Ảnh: nghebao.com)
Bàn về khả năng viết của người viết và khả năng đọc của người đọc (nói một cách văn chương thì là về sự đồng điệu và giao cảm giữa tác giả và độc giả), một nhà báo đã nói rằng:
Tồn tại mấy trường hợp khá điển hình sau:
- Nhà báo thực ra cũng chả có chủ kiến quái gì, viết vớ vẩn (cái này khá thông dụng), người đọc đọc… bừa phứa.
- Nhà báo có chút chủ kiến, mà viết hũ nút, diễn đạt tối như… tiền đồ chị Dậu, bắt người ta phải hiểu sai (cái ý của nhà báo) đi.
- Nhá báo viết OK, chả có vấn đề gì, nhưng đa số người đọc không thích, chưa thích (cách viết, cách thể hiện ấy) hoặc suy diễn tréo vẹo đi vì những lý do này nọ.

Tuy nhiên, kiểu gì đi nữa thì tội vẫn thuộc về nhà báo…”.

Trang the Ridiculous thấy xuôi xuôi, nhưng vẫn không hoàn toàn trả lời được câu hỏi này: Thế tóm lại, một bài báo có nên mang nhiều lớp nghĩa, lớp này cho nhóm người đọc này, lớp kia cho nhóm người đọc kia, hay không? Tỉ như phim Tây du ký chẳng hạn, đàn ông xem cũng thích, khen là “triết” này nọ, trẻ con xem càng mê, múa may bắt chước suốt ngày, các thiếu nữ thì chết anh Lục Tiểu Linh Đồng (nói theo ngôn ngữ thời nay là quá cute).
Trang the Ridiculous bèn mang câu hỏi đi hỏi một nhà báo (lại phải giấu tên), và thu được câu trả lời hết sức sáng láng: Không, báo chí không phải tác phẩm nghệ thuật, không có chuyện “lớp nghĩa thấp, lớp nghĩa cao” nào cả. Càng nhiều lớp nghĩa thì càng chứng tỏ nền báo chí không được tự do mấy, nhà báo không dám nói thẳng vào vấn đề, cứ phải uốn a uốn éo.
Kết quả là một số nhà báo “nghệ thuật hóa” bài viết của mình – viết báo đa nghĩa cứ y như viết văn, làm thơ. Rồi lâu dần, chuyển sang thích thể thao, mà hai môn ưa thích của họ là đu dây và mó …ái ngựa (xin lỗi bạn đọc).
+++++
Năm 2008-2009, Trang the Ridiculous có lần nổi hứng “ngược dòng lịch sử”, viết về báo chí Việt Nam – miền Nam trước 1975 và toàn quốc trước đổi mới. Bài về báo chí miền Nam được đặt title là “Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975”. Comment gửi về, có một comment làm tôi giật bắn mình:
“Chào bạn Đoan Trang (mở đầu rất thân ái)
(…) Tôi không hiểu thế hệ của bạn thuộc loại đéo gì? Có biết gì làng báo ở SG trước 1975? 1975 đến nay đã qua hơn 33 năm, làng báo chí ở SG ngày xưa. (…) Chúc bạn Đoan Trang vui khỏe… Nghề làm nhà báo chứ không phải-bồi báo+bồi bút. Chào bạn”.
Trang the Ridiculous thở dài, than to lên: “Thôi, thế là độc giả này không hiểu ý tôi rồi. Lỗi tại tôi!”.
Tuy nhiên, sau đó một lát, mấy đứa chúng tôi thấy ở đâu đó, có ai đó dẫn đường link vào bài báo và kèm comment: CHỬI XÉO?
Đọc được hai từ ấy mà thấy nhẹ cả người, phấn khởi, mạnh dạn làm tiếp kỳ 2: “Báo chí Việt Nam đêm trước Đổi mới”.
++++++
CHUYỆN LÀM BÁO Ở SÀI GÒN TRƯỚC 1975
http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Lam_bao_Sai_Gon_truoc_1975/

Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.
Rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ “golfer” này phải thay bằng “tay gôn”, “gôn thủ” mới là tiếng Việt. Từ “super star” này thay bằng “siêu sao”. Từ “computer” này nữa, sao không viết là “máy vi tính”?
Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” – ông Y. nói. “Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu “ba rọi” như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay“.
Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên “kiêm” sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.
Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy rất cổ, “xe nhà binh”, “tư thất”, “tư gia”… Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, có cả quảng cáo thuốc chữa lang ben, tức cười lắm” – ông Y. kể. Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.
Sinh ngữ thành tử ngữ
T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v. Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều “từ vựng”: hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.
Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi. Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: “Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…“.
Thông tín viên và phóng viên

Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng “thông tín viên” (correspondent). Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng “xe cán chó, chó cắn xe”… để bán cho các báo.
Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt. Ông Y. nhớ lại: “Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút xách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông Chủ bút là giàu thôi“.
Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo “cưng” lắm. Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như “Nam Ngãi Bình Phú” (Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc. “Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế“.
Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.
Báo Sài Gòn cũ – mỗi tờ mỗi vẻ

Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin sáng (Chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh), Điện tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi “Tổng thống Thiệu” là “Tổng thống Thẹo”, “Sáu Thẹo”, hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là “Ông già tủ lạnh”, chẳng biết sợ. Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục “Tin vịt nghe qua rồi bỏ” trên báo Tin sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.
Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc “thành phần thứ ba”, “đường lối thứ ba” – kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối. Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.
Dĩ nhiên là không thiếu cả những “lá cải” xanh xanh, chuyên đăng tin “xe cán chó”, đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo “4T”. Và không thể không kể tới một thứ “đặc sản” của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (tiếng Pháp, chỉ truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).
Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long… Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: “Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm“.
Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị – xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.
Và những nỗi thất vọng

Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo “thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân“.
Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt. Ông Y. thở dài: “Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi“.
Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.
Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.
Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục “cuộc chiến chống cộng” mệt mỏi và vô vọng. Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều.
Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. “Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn“.
Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.
۩
BÁO CHÍ VIỆT NAM “ĐÊM TRƯỚC ĐỔI MỚI”
http://tuanvietnam.net/bao-chi-viet-nam-dem-truoc-doi-moi

Tin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không “lá cải” giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới “đêm trước đổi mới”, năm 1986.
Thời trước năm 1975, ở Sài Gòn, có chuyện các báo xin quota giấy, rồi tờ nào dùng không hết quota thì bán lại cho báo khác kiếm lãi. Nhiều tờ báo hóa ra lại sống tốt nhờ cách “buôn giấy” như vậy hơn là nhờ doanh số bán báo. Sau ngày thống nhất đất nước, việc ấn loát được Nhà nước thống nhất quản lý thông qua kế hoạch: Mỗi tờ đăng ký rõ số trang, số kỳ, lượng phát hành, từ đó Nhà nước xác định lượng giấy cần thiết cho báo/ tạp chí đó và chuyển chỉ tiêu tương ứng xuống nhà in. Có cả chỉ tiêu về lề (dành bao nhiêu phần trăm giấy cho lề); giấy thừa không được mua đi bán lại. Do vậy, trò “buôn giấy” của các báo khi xưa hết hẳn.
Tuy nhiên, buôn giấy mới hết thì lại nảy sinh nghề buôn giấy cũ. Những người làm “nghề” này thường mua báo, tích cóp lại rồi bán theo ký cho đồng nát kiếm lời. Ví dụ mua một tờ báo mới mất 5 xu, mua 25 tờ (tương đương 1 kg giấy) mất 1 hào 25 xu. Số này đem bán đồng nát, được tới 2 đồng rưỡi, vậy là lãi cũng rất khá. Thế nên thời đó ở Hà Nội, có nhiều người xếp hàng mua cả đống báo, mang về nhà, vừa có cái đọc, vừa để bán đồng nát kiếm tiền.
Nhìn sang lĩnh vực “hàng xóm” của báo chí là xuất bản, thì đó là thời kỳ sạch bóng sách lậu. Một người làm sách kể lại: “Do quản lý chặt về đầu vào, nên hồi ấy dẫu giấy rẻ như bùn, cũng không ai dám in lậu cả”. Điểm này chắc là mơ ước của giới xuất bản thời nay!
Nói “không” với tin lá cải

Nói về báo chí thời bao cấp” – nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Đặng Phong nhớ lại – “điều để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là kỹ thuật viết. Những năm đó đã hình thành nên cả một phong cách viết báo với nhiều điểm khác biệt”. (Ông Đặng Phong là Phó Tổng biên tập tạp chí Thị trường & Giá cả giai đoạn 1983-1995).
Một trong những đặc điểm của báo chí ngày ấy (mà người đọc bây giờ nhìn lại có thể thấy ngạc nhiên) là thói quen sử dụng mẫu câu “dưới ánh sáng của…”. Ông Đặng Phong kể lại một câu chuyện tiếu lâm thời đó: Thủ trưởng đến thăm nhà nhân viên, thấy nhà dán rất nhiều văn bản nghị quyết đại hội này, hội nghị kia, phát biểu của đồng chí này, diễn văn của đồng chí kia. Thủ trưởng ngạc nhiên hỏi vì sao, nhân viên trả lời: “Thưa anh, đề phòng mất điện ạ”.
Kể chuyện này để thấy rằng cụm “dưới ánh sáng của…” đã trở thành một mẫu câu kinh điển trong báo chí thời đó.
Một đặc điểm khác của báo chí trước đổi mới – có thể khá lạ đối với độc giả thời nay – là không đưa tin lá cải, hiểu theo nghĩa những tin tức giật gân, có liên quan tới bạo lực, tình dục hoặc đời tư người nổi tiếng. Cánh phóng viên văn hóa – văn nghệ thời đó chẳng phải nhọc lòng “săn tin” về đời sống cá nhân và gia đình của các nghệ sĩ như ngày nay. Thi thoảng mới có một tin kiểu như “Ca sĩ Thanh Hoa về thăm trường cũ”, hoặc “Diễn viên Trà Giang với những kỷ niệm về Bác Hồ”, v.v.
Nếu cứ nhìn vào các tin văn hóa trên báo chí bây giờ, các nghệ sĩ hẳn thấy báo chí ngày trước quá “hiền lành”. Không có chuyện bới móc đời tư, không có khái niệm chụp ảnh trộm (paparazzi). Những loại tin mà phóng viên bây giờ gọi đùa là “trộm – nghiện – lừa – cướp – giết – hiếp” lại càng không xuất hiện trên mặt báo thời đó, có lẽ vì người ta nghĩ báo chí không có chức năng phản ánh các hiện tượng tiêu cực đen tối trong xã hội. Các nhà báo quán triệt sâu sắc tinh thần “Nói ‘không’ với tin lá cải”.
Điển hình tốt và điển hình xấu

Báo chí còn thường xuyên xây dựng những tấm gương đạo đức, người tốt việc tốt. Thông qua phản ánh của báo chí, nhiều cơ sở sản xuất, đơn vị anh hùng, điển hình tiên tiến trong lao động thời đó trở thành hình mẫu điển hình của xã hội. Có thể nhắc tới những hợp tác xã Định Công, Vũ Thắng (nông nghiệp), hợp tác xã Thành Công (thủ công nghiệp), công trường Kẻ Gỗ (thủy lợi), trường Bắc Lý, v.v… Mỗi lĩnh vực đều có một lá cờ, một con chim đầu đàn.
Tất nhiên, thời nào cũng vậy, báo chí đều có chức năng phê bình, phản biện xã hội. Biểu dương cái tốt thì đồng thời cũng phải lên án cái xấu. Những cái xấu, những đối tượng tiêu cực điển hình bị phản ánh hồi đó là lãnh đạo quan liêu, xa hoa lãng phí, xa rời quần chúng; công nhân lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm, không vươn lên làm chủ tập thể; nông dân đầu óc nặng tư hữu; tư thương (tức phe phẩy) sinh hoạt phè phỡn; bọn phản động trong nước và các thế lực bành trướng, thù địch bên ngoài.
Tuy vậy, trong cuộc đấu tranh chống cái xấu này, đôi khi cũng xảy ra hiện tượng báo chí “đánh quá đà” do tả khuynh, quá khích. Năm 1983, tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh khác, có chiến dịch Z.30 khám xét và tịch thu những ngôi nhà hai tầng trở lên bị hàng xóm tố cáo là khá giả, “có dấu hiệu làm ăn bất chính”. Ngay lập tức, một loạt bài báo của một số ký giả hùa vào bới móc, “đánh hội đồng”, không cần biết thực chất ra sao. Chẳng hạn, bài Những kẻ có tài sản bất minh của tác giả Quang Cát (Hà Nội mới, số ra ngày 14/5/1983) viết:
Gần 8 giờ sáng, chủ nhân vẫn chưa dậy, trong khi ngày làm việc của thành phố đã bắt đầu… Đoàn kiểm tra đến khám xét, hắn đã dậy và ra mở cửa phòng ngoài. Đây là loại cửa gỗ lát dày, có đánh xi bóng nhoáng, phía trên gắn kính mờ hoa dâu… Phòng khách lộng lẫy, có salon, máy quay đĩa… Trong khi Hà Nội ta có bao nhiêu gia đình ở chật chội, mỗi đầu người chỉ có 1m2, thì nhiều tên làm ăn bất chính lại xây nhà, mua nhà sống xa hoa như vậy”.
Các nhân vật bị coi là “tiêu cực”, “phản diện” thường bị báo chí gọi bằng ngôi “y”, “hắn”, “thị”, “mụ”, “bọn chúng”. Một số nhà phê bình ngày nay cho rằng cách gọi đó có phần thiếu văn hóa, thiếu tính khách quan cần thiết của báo chí, tuy nhiên, đây cũng là điều bình thường trong một xã hội chưa cởi mở. Bạn đọc có thể thấy các ngôi nhân xưng cực đoan này đã không còn thật thông dụng trong khoảng thời gian chục năm trở lại đây.
Đóng góp to lớn vào đường đến đổi mới

Sau ngày thống nhất, báo chí hai miền hòa chung vào một tiếng nói xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những nhà báo ở Sài Gòn cũ, còn trụ lại được với nghề, thì tập trung “đầu quân” cho Tin sáng – tờ nhật báo duy nhất còn tiếp tục hoạt động dưới chế độ mới. Trong số này, có những cây viết rất nổi tiếng như: Ngô Công Đức (Chủ nhiệm), Hồ Ngọc Nhuận (Chủ bút), Lý Quý Chung tức Chánh Trinh, Dương Văn Ba… Năm 1981 khi Tin sáng ngừng hoạt động, dàn quân thiện chiến của báo tỏa về Tuổi trẻSài Gòn giải phóng, và có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của hai tờ báo này.
Một nhà báo từng cầm bút qua cả hai chế độ kể lại: “Trước năm 1975, làng báo Sài Gòn khá đông đúc, có lúc lên tới hơn 40 tờ báo ngày. Những năm đầu sau 1975, báo ngày ở Sài Gòn chỉ còn hai tờ Tin sángSài Gòn giải phóng. Tờ Tuổi trẻ, cho đến năm 1981 khi tôi về làm việc, vẫn còn là tuần báo”.
Ở cả hai miền, báo chí đã có những bài viết với tác dụng đánh động, mở đường, góp phần cực kỳ quan trọng trên con đường đi tới sự nghiệp đổi mới. Chẳng hạn, khoảng năm 1979-1980, báo Nhân dân đã tổ chức chiến dịch cử phóng viên xuống địa bàn viết bài “tìm hiểu các giải pháp nâng cao mức sống của nông dân” mà thực chất là điều tra nông thôn Việt Nam và phản ánh kịp thời thực trạng báo động tới lãnh đạo và nhân dân cả nước. Chính các bài viết sâu sắc, dũng cảm và khéo léo của các nhà báo như Hữu Thọ, Thái Duy… thời gian đó đã góp phần đưa tới sự nhất trí của Trung ương đối với cơ chế khoán trong nông nghiệp (Chỉ thị 100/CT ra đời tháng 1 năm 1981).
Ở phía Nam, báo chí cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những cuộc “phá rào” – chống cơ chế trì trệ bảo thủ cũ, mạnh dạn cải cách. Nếu không có sự hưởng ứng của báo chí, những người đi tìm cái mới hẳn đã không thể “tồn tại” được. Đó là các trường hợp “xé rào” của Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, Xí nghiệp Dệt Thành Công, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, v.v… Và những bài báo dưới hình thức “biểu dương các sáng kiến tháo gỡ khó khăn, ách tắc” chính là cách đắc lực để cổ vũ và khuyến khích cái mới.
20 năm sau…

Hai thập kỷ đã qua, báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục bám sát những bước tiến của đất nước trong công cuộc đổi mới: Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đến thời mở cửa, rồi hội nhập. Theo thời gian và vận hội mới, báo chí ngày càng hiện đại hơn, nội dung và hình thức chuyên nghiệp hơn. Ngôn ngữ viết, phong cách viết cũng đã đổi khác nhiều, kể từ khâu lựa chọn tin tức trở đi.
Nhưng có những giá trị sẽ mãi tồn tại: Đó là những chức năng căn bản của báo chí – cung cấp thông tin, kiến thức, hay bình luận, phản biện chính sách xã hội… Thực hiện chính xác và hữu hiệu những chức năng ấy, báo chí sẽ có cơ hội đồng hành cùng đất nước trên con đường tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh và tốt đẹp hơn.
ĐT
Nguồn: trangridiculous.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn