Vietnam, một đồng minh không ngờ tới của Mỹ

Mark Tran

clip_image001

(Người chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đô đốc Robert F Willard, gặp gỡ Tổng thống Philipines Benigno Aquino III, ngày 18/8/2010 ở Manila, Phillipines. Willard cho biết Mỹ sẽ phản đối việc sử dụng vũ lực của những quốc gia liên quan trong vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Ảnh: Ryan Lim/AP)

Quan hệ đồng minh của Mỹ với kẻ thù trong quá khứ đang phát triển từng ngày để chống lại tham vọng thôn tính khu vực của Trung Quốc.

Sự xuất hiện của tàu USS George Washington, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Việt Nam hồi đầu tháng [đầu tháng 8] cho thấy tình hữu nghị ngày một sâu sắc giữa hai đối thủ của nhau trong quá khứ trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng độc đoán.

35 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cuộc viếng thăm này chính thức đánh dấu mốc 15 năm nhân dịp bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Một nhóm các quan chức quân sự cấp cao người Việt, cùng với những quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam và đại sứ Mỹ ở Việt Nam hiện diện trên tàu, cả hai phía đều tỏ ra vui vẻ.

Tuy nhiên cuộc viếng thăm của chiếc tàu này cũng gửi một thông điệp chính trị rất rõ ràng cho phía Trung Quốc: Mỹ cũng có phần trong cái mà Trung Quốc vẫn nghĩ là sân sau của họ. Một vài ngày sau đó, đô đốc Robert Willard, người chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ định rõ quyền lợi đó trong chuyến thăm Philipines khi ông nói với phóng viên rằng lực lượng quân sự Mỹ phản đối việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ diện tích 3,5 triệu km2 trên Biển Đông, bao gồm cả những quần đảo cũng đang được tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ của Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philipines. Quân đội Trung Quốc chiếm đoạt phía tây đảo Hoàng Sa từ Việt Nam năm 1974 và đánh chìm 3 tàu chiến Việt Nam năm 1988 trong một trận hải chiến.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã bắt giữ nhiều ngư dân Việt Nam, đe dọa những công ty dầu khí đa quốc gia hoạt động trên lãnh hải Việt Nam, tăng cường các cuộc diễn tập cho lực lượng hải quân và thành lập một cứ địa ngầm ở đảo Hải Nam. Trường Sa cũng là quần đảo đang xảy ra tranh chấp. Khu vực này là nơi tấp nập tàu bè qua lại và Trung Quốc dự tính rằng trữ lượng dầu thô và khí thiên nhiên vào khoảng 17,7 tỷ tấn.

Trung Quốc gia tăng áp lực trong thời gian gần đây bằng việc nâng vai trò của Biển Đông lên thành ‘lợi ích cốt lõi’ (‘core interest’), ngang hàng với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan và Tây Tạng. Bình luận của Willard cũng tương đồng với phát biểu, khiến Trung Quốc giận dữ, của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton. Bà Clinton cho biết trong một cuộc hội thảo giữa các bộ trưởng của Đông Nam Á và Đông Á rằng giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ qua ‘hợp tác ngoại giao từ tất cả các bên’ ("collaborative diplomatic process by all claimants") nằm trong ‘lợi ích quốc gia’ ("national interest" ) của Mỹ.

Sự độc đoán của Trung Quốc đẩy Mỹ và Việt Nam đến gần nhau hơn, đặc biệt trong quân sự. Hai nước tổ chức diễn đàn về chính sách phòng thủ Mỹ-Việt lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 19/8, đánh dấu sự chuyển biến trong quan hệ giữa hai đối thủ trong quá khứ. Carl Thayer, giáo sư chính trị tại Học viện quân sự Australia (Australian defence force academy) ở Canberra, viết trên tờ the Wall Street Journal:

“Rõ ràng những sự độc đoán quân sự gần đây từ phía Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương và Hải Nam đã thúc đấy sự hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Cả hai nước sẽ đều hưởng lợi trong việc ngăn chặn Trung Quốc và bất cứ quốc gia nào khác giành độc quyền ở khu vực mậu dịch đường biển này và giành chủ quyền bằng hành động cưỡng chế. Việt Nam coi sự xuất hiện của Mỹ như một lá chắn chống lại sức mạnh đang ngày một tăng của lực lượng quân sự Trung Quốc.”

Sau diễn đàn phòng thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, sẽ thăm Việt Nam vào tháng 10, đánh dấu chuyến viếng thăm thứ tư tới Việt Nam chỉ trong vòng 2 năm và cuộc đối thoại về quân sự giữa hai nước sẽ được tổ chức vào dịp cuối năm. Việc bán vũ khí, thiết bị và công nghệ phục vụ quân sự không được bàn đến ở thời điểm hiện tại, Thayer cho biết, nhưng ông cho rằng Việt Nam sẽ gỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt này (self-imposed restrictions) và cho phép các sĩ quan đăng ký nhập học các khóa huấn luyện quân sự chuyên nghiệp ở các trường và các học viện quân sự ở Mỹ.

Không chỉ có riêng sự phát triển trong hợp tác quân sự. Mỹ đang thương lượng một hiệp định gây nhiều tranh cãi với Việt Nam về việc cung cấp vũ khí và công nghệ hạt nhân – bỏ qua những rào cản thông thường về việc cản trở việc làm giàu uranium nhằm ngăn chặn bùng nổ hạt nhân.

Các quan chức Việt Nam nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam “không gây phương hại cho bất cứ quốc gia nào khác”, và Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại đã không dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích Việt Nam giống như đối với Mỹ. Tuy vậy Việt Nam cũng hiểu rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc có giới hạn – một cuộc chiến tranh ngắn xảy ra vào năm 1979 giữa hai nước cộng sản vốn hòa hảo với nhau, sau khi hai nước bất đồng quan điểm về Campuchia.

“Việt Nam đang rời xa khỏi Trung Quốc trong việc xây dựng đồng minh,” Kerry Brown, một chuyên gia về châu Á ở Chatham House, một viện chính sách về đối ngoại (foreign affairs thinktank) cho biết.

“Có một liên kết vững chắc với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc đắn đo trong bất cứ động thái nào ở trong khu vực. Trung Quốc giờ đây hiểu rằng Mỹ đã bày tỏ quan điểm về toàn bộ vấn đề, và điều đó cũng có nghĩa Trung Quốc không thể sống trong thế giới đã từng được bao trùm bởi sự mơ hồ được nữa. Điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại là bất kể động thái nào của Trung Quốc trên Biển Đông đều trở nên nhạy cảm hơn, và sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ. Việt Nam có thể lợi dụng điều này. Đó chính là điều mà Việt Nam dự định sẽ làm”.

Trong khi Mỹ và Việt Nam phát triển hợp tác quân sự, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc đang không đi đến đâu. Bắc Kinh tạm ngừng quan hệ sự với Mỹ trong tháng 1 để trả đũa cho vụ buôn bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan.

Một báo cáo do Lầu Năm Góc công bố một tuần trước nhấn mạnh sự khó chịu của Trung Quốc đối với Mỹ. Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội về quân sự của Trung Quốc cho biết những bí ẩn xung quanh việc xây dựng quân đội của Trung Quốc làm tăng thêm khả năng gây hiểu lầm và xung đột với các nước khác. Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đang phát triển hệ thống vũ khí cấp tiến và theo đuổi việc xây dựng tàu sân bay và tên lửa đạn đạo coskhar năng tấn công mục tiêu cách xa hơn 930 dặm

Trung Quốc phản ứng giận dữ trước báo cáo này, bày tỏ rằng bản báo cáo “không có lợi cho sự phục hồi và phát triển của quan hệ quân sự Trung-Mỹ”.

M. T.

DTKT dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Nguồn: Guardian

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn