Việt Nam phải tạo thế liên hoàn để ngăn chận Trung Quốc

Tú Anh

clip_image001  

Tàu Hải Tuần 31 của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 15/6/11. Reuters

 

Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 một bản nguyên tắc ứng xử tại Biển Đông dựa trên luật biển, quyền giao thông tự do, bổn phận giải quyết xung khắc bằng thương lượng. Nhưng từ đó đến nay đặc biệt là trong những tháng qua, Việt Nam và Philippines liên tục là nạn nhân của những hành động không thể xem là thân thiện của láng giềng phương Bắc trong âm mưu biến Biển Đông thành ao nhà.Thật ra, tham vọng của Trung Quốc đe dọa toàn vùng, từ tự do hàng hải đến chủ quyền quốc gia, và không được bất cứ một quốc gia nào chấp nhận. Tham vọng này bị chận đứng nếu gặp phải một trận thế liên hoàn.

Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng từ ba năm trở lại đây, chính quyền Trung Quốc càng ngày càng hung hăng với tất cả mọi quốc gia trên thế giới.

Thái độ khiếm nhã của một viên Tham tán Trung Quốc tại Philippines mới đây khiến Manila phải có phản ứng mạnh, không khác gì với phản ứng thiếu kềm chế của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại Hà Nội vào tháng 7/2010. Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa đề nghị Hoa Kỳ làm trung gian giúp Việt Nam và Trung Quốc giải quyết xung khắc tại Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố cộc lốc: Không ai có quyền can thiệp vào quan hệ song phương của các nước trong khu vực. Ông còn để lộ thái độ mất bình tĩnh khi trả lời đồng nhiệm Singapore như sau: “Trung Quốc là đại quốc, các nước khác là tiểu quốc, đây là một thực tế”.

Theo nhận định của chuyên gia Pháp François Danjou trên mạng QuestionChine.net, thì phản ứng trịch thượng của ông Dương Khiết Trì đã vô tình để lộ mục tiêu sâu xa của Bắc Kinh. Cùng lúc đó, một nhân vật của “ngoại giao bộ” của Trung Quốc khẳng định “Biển Hoa Nam [Biển Đông] là bộ phận sinh tử của Trung Quốc như Đài Loan và Tây Tạng”.

Cho nên, cách hành xử mà giới phân tích quốc tế gọi là “trịch thượng” của Trung Quốc tại Biển Đông chỉ nhằm mục tiêu lâu dài là lấn chiếm biển đảo chung quanh cho đến tận Indonesia và Malaysia.

Hành động ngang ngược gởi tàu “ngư chính” trấn áp hù dọa ngư dân trong vùng, nhiều lần gây đổ máu cho dân đánh cá Việt Nam, đã hơn một lần đụng phải phản ứng mạnh của hải quân Malaysia, phải quay đầu bỏ chạy. Ở biển Bắc, Trung Quốc luôn bênh vực và làm ngơ trước những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng. Trên biển, hải quân Hàn Quốc đã phải chận bắt tàu cá Trung Quốc xâm nhập duyên hải.

Bắc Kinh cũng rất hung hăng trong cách cư xử với Nhật trong vụ tàu cá của Trung Quốc cố tình va chạm vào tàu tuần duyên của Nhật trong vụ Điếu Ngư/ Senkaku: tạm ngưng mọi tiếp xúc cấp cao, triệu Đại sứ Nhật lúc nửa đêm, ngưng sản xuất đất hiếm… Ở phía Nam, Trung Quốc còn ngang nhiên ra lệnh cấm đánh cá để gọi là “bảo vệ nguồn thủy sản” hàng năm từ tháng 5 cho đến tháng 8, vào đúng lúc mùa cá của ngư dân Việt Nam.

Âm mưu lấn chiếm toàn khu vực bằng chiến thuật tằm ăn dâu không che mắt được dân chúng các nước trong vùng.

Cũng theo chuyên gia François Danjou, thì mọi quốc gia trong khu vực đều thấy rõ tham vọng của Trung Quốc là cội nguồn của tình hình căng thẳng hiện nay. Lập trường của Bắc Kinh không được bất cứ tổ chức nào, cơ quan quốc tế nào, kể cả Liên Hiệp Quốc công nhận.

Ngay trong nội bộ Trung Quốc, lập trường này cũng [chưa] có đồng thuận. China Daily, ngày 2/8/2010 đã đăng nhận định của một Giáo sư quan hệ quốc tế tên Da Wei như sau: “Khi xử lý những tranh chấp lãnh thổ, thường được ví là quyền lợi sinh tử, không phải hiếm trường hợp nhiều nước chọn thái độ thỏa hiệp. Đôi khi các nước lớn phải chấp nhận nhượng bộ chủ quyền. Điều này không có nghĩa là hy sinh quyền lợi sinh tử”.

Vấn đề là, theo như thẩm định của một chuyên gia Trung Quốc khác là Giáo sư Chu Phong, Đại học Bắc Kinh, thì “Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc” là kẻ quyết định “Biển Đông là quyền lợi sinh tử”.Nhượng bộ, “đảng sẽ gây một phản ứng bốc lửa trong thành phần dân tộc chủ nghĩa”.

Phân tích về chính sách “hung hăng và tư tưởng dân tộc hẹp hòi” của Bắc Kinh, chuyên gia Mỹ Dan Blumenthal xem đây cũng là một thủ đoạn của Bộ Chính trị nhằm định hướng hay đánh lừa dư luận trong nước để kéo dài chế độ độc tài thay vì phải cải cách chính trị, dân chủ hóa chế độ.

Trong lịch sử thế giới hiện đại, có một trường hợp cụ thể chứng minh là tinh thần yêu chuộng độc lập và tự do bao giờ cũng hiệu quả hơn sức mạnh của cơ giới và cường quyền. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhắc lại một bài học lịch sử, tham vọng thống lĩnh thế giới của Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng bị chận đứng. Bài học này có thể giúp cho Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:

“Phương án giúp Việt Nam thoát khỏi gọng kềm Trung Quốc cần có sự phối hợp giữa tinh thần đoàn kết trong nước và trợ lực của bên ngoài, từ Đông Nam Á, đến Nhật Bản, Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ”.

“Không ai đồng ý với sự trỗi dậy (không)hòa bình của Trung Quốc cả, và với tham vọng kiểm soát càng nhiều càng tốt cái gọi là Biển Trung Hoa. Về biện pháp, Trung Quốc áp dụng song hành chiến thuật chia để trị và tằm thực gậm nhấm dần dần cho đến khi bị chận lại như Liên Xô ngày trước thì mới thôi…”.

Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Việt Nam có dứt khoát để cho người dân tham gia bảo vệ đất nước hay tìm đủ mọi cách tinh vi nhất để ngăn chận? Vận mệnh Biển Đông Việt Nam cũng tùy thuộc vào quyết định của “Bộ Chính trị” hay của toàn dân Việt Nam?

T.A.

Nguồn: viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn