Đảng Cộng sản có thực sự “sáng suốt”?

TS. Đoàn Xuân Lộc

Gửi cho BBC từ Anh quốc clip_image002

Lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam “kỷ niệm” 40 năm “Đại thắng mùa Xuân”, “Giải phóng hoàn toàn Miền Nam” ở TP. Hồ Chí Minh hôm 30/4/2015.

Viết và phát biểu nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm “Ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước” cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Thủ tướng Việt Nam ca ngợi “sự lãnh đạo đúng đắn”, “tài tình”, “sáng suốt” của Đảng Cộng sản trong “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

“Dưới sự lãnh đạo” đó của họ, “quân và dân cả nước” đã “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho Ngụy nhào”, giành “Đại thắng mùa Xuân năm 1975”, “mở ra một kỷ nguyên mới” cho Việt Nam.

“Kỷ nguyên mới” theo ông Nguyễn Phú Trọng – trong một bài viết được báo chí chính thống đồng loạt đăng hôm 23/4 – là “kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Còn diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng ngày 30/4 còn thêm “kỷ nguyên mới” ấy là kỷ nguyên … cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chắc có không ít người đặt câu hỏi khi đọc, nghe bài viết và diễn văn của hai lãnh đạo cao cấp này của Việt Nam.

Một trong những câu hỏi đó là có phải mọi đường lối của Đảng Cộng sản – trước kia là Đảng Lao Động – trong “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là “đúng đắn”, “tài tình”, “sáng suốt” hay “sáng tạo” và “kỷ nguyên mới” mà Việt Nam bước vào sau năm 1975 có thực sự tốt đẹp như họ mô tả?

“Đúng đắn” thời “chống Mỹ”?

Sinh thời, khi nói về biến cố 30/4, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói đó là “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Hàng triệu người buồn vì nhiều lý do khác nhau.

Buồn vì cuộc chiến này đã cướp đi mạng sống của mấy triệu người Việt, trong đó đa số là dân thường.

Buồn vì “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” ấy cũng là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn – người Việt hai miền Nam Bắc, hay thậm chí anh em trong một gia đình, tàn sát, giết hại lẫn nhau.

Buồn vì đất nước rơi vào một cuộc chiến thảm khốc như thế phần lớn vì do xung đột ý thức hệ giữa hai phe Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Dù không chấp nhận chuyện Mỹ can thiệp quân sự vào nước mình với bất cứ lý do gì, chắc không ít người tự hỏi tại sao Việt Nam lại phải trải qua cuộc chiến đó chỉ vì sự đối đầu về ý thức hệ giữa các cường quốc Cộng sản và không Cộng sản?

Cũng là thuộc địa (ngoại trừ Thái Lan), tất cả các quốc gia phi cộng sản ở Đông Nam Á đều giành được độc lập, thống nhất đất nước mà không một nước nào phải hứng chịu một cuộc chiến dài, đẫm máu như Việt Nam.

clip_image003

Ông Nguyễn Tấn Dũng sử dụng những từ ngữ “rất cứng rắn, nặng nề và đầy thù hận” khi nói về cuộc chiến Việt Nam trong diễn văn hôm 30/4/2015, theo tác giả.

Những nghiên cứu mới về “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nướ”’ do những người Cộng sản lãnh đạo cũng làm nhiều người đặt nghi vấn về sự “đúng đắn, tài tình, sáng tạ”’ của họ trong cuộc chiến này.

Chẳng hạn, cuốn Hanoi's War, tạm dịch là Cuộc chiến của Hà Nội – xuất bản năm 2012 của Tiến sỹ Nguyễn Liên Hằng, một người Mỹ gốc Việt và hiện là phó giáo sư, khoa Lịch sử tại Đại học Kentucky – tiết lộ rằng chính ông Lê Duẩn và các thành phần cứng rắn, bảo thủ trong Đảng Cộng sản đã phát động chiến tranh vũ trang để “giải phóng miền Nam” và đây cũng là một lý do dẫn đến việc Mỹ quyết định đưa quân vào Miền Nam.

Tác giả còn chỉ ra rằng để theo đuổi và đạt được mục đích của mình, Lê Duẩn và phe cánh của ông đã thiết lập một “nhà nước công an trị” và tìm mọi cách, thủ đoạn để cô lập, loại bỏ những ai chống đối đường lối của họ.

Theo bà, vì chủ trương “thống nhất miền Nam bằng bạo lực” dù cuối cùng họ thắng, người dân Việt Nam – trong đó có rất nhiều lính miền Bắc – phải trả một cái giá quá đắt cho chiến thắng ấy.

Vì vậy, bà cho rằng có thể Việt Nam đã không phải đối diện một cuộc chiến như thế – hay ít ra chiến tranh có thể kết thúc sớm hơn, ít đổ máu hơn, ít mất mát hơn – nếu những người có đường lối ôn hòa nắm quyền ở Hà Nội.

Gần đây, một số người khác cũng cho rằng, nếu thay vì chủ trương bạo lực cách mạng để thống nhất đất nước, giới lãnh đạo Việt Nam biết dùng các biện pháp hòa bình, như đàm phán, Việt Nam có thể thống nhất mà không phải trải qua một cuộc chiến đầy đau thương như vậy.

“Kỷ nguyên mới” tốt đẹp?

Còn “kỷ nguyên mới” mà Việt Nam bước vào sau “Đại thắng Mùa Xuân năm 1975” có thực sự tốt đẹp?

Nhiều dẫn chứng, số liệu cho thấy trong 40 năm qua, đặc biệt là trong thập niên đầu sau “giải phóng miền Nam” khi “cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa”, dân không giàu, nước chẳng mạnh và xã hội cũng không “dân chủ, công bằng, văn minh” như lãnh đạo Việt Nam nói.

Chẳng hạn, sau năm 1975, thay vì được đối xử “văn minh”, hàng chục ngàn sỹ quan, binh lính, quan chức, nhân viên của chế độ cũ bị đưa vào các trại tù, trại cải tạo.

Những năm sau khi Việt Nam bước vào “kỷ nguyên mới” cũng là lúc thế giới chứng kiến làn sóng người Việt tị nạn. Ước tính từ năm 1975 đến những năm đầu thập niên 1990, có đến gần hai triệu người Việt bỏ nước ra đi.

Họ liều chết vượt biển tìm tự do, no ấm ở một nước xa xôi nào đó vì họ không có được những điều đó ngay chính trên đất nước của mình. Nếu được sống trong một quốc gia mà ở đó “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ai lại muốn bỏ Tổ quốc ra đi như vậy?

Ai cũng biết – thậm chí những người Cộng sản cũng hiểu rõ, dù có thể họ không dám công khai thừa nhận – mô hình kinh tế “xã hội chủ nghĩa” mà họ tiến hành sau 1975 đã hoàn toàn thất bại. Chính những thất bại, sai lầm đó đã buộc họ phải cải cách kinh tế từ năm 1986.

Phần vì hà khắc về chính trị, sai lầm về kinh tế và phần vì sự can thiệp quân sự của Việt Nam vào Campuchia năm 1978, hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam trong thập niên đầu sau “Đại thắng mùa Xuân năm 1975” cũng chẳng tốt đẹp, vẻ vang gì.

Mỹ và các nước phương Tây khác cấm vận Việt Nam. Nhiều quốc gia, trong đó có các nước ASEAN, cũng tìm cách cô lập Hà Nội.

Ngay cả Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Hà Nội trong “cuộc kháng chiến chống Mỹ” cũng tiến hành một cuộc chiến biên giới tuy ngắn nhưng rất khốc liệt với Việt Nam vào năm 1979 – một cuộc chiến mà hiện giờ chính quyền Việt Nam đang cố quên. Chín năm sau, cũng chính người “đồng chí” này đã đánh chiếm một số đảo, bãi đá trong đó có Gạc Ma, ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

clip_image004

Cuộc chiến Việt Nam sau 40 năm dường như vẫn còn nhiều khác biệt trong con mắt và nhận thức của nhiều người VN trong nước hay hải ngoại.

Có thể nói, 10 hay 15 năm sau khi “giải phóng miền Nam”, chính quyền Việt Nam mắc nhiều sai lầm, gặp nhiều thất bại trên nhiều phương diện, cả về đối nội và đối ngoại.

Với việc tiến hành đổi mới từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt về mặt kinh tế.

Tuy vậy, dù “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” – như ông Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong diễn văn của mình – Việt Nam vẫn chỉ là một quốc gia “đang phát triển có thu nhập trung bình”.

Cách đây hơn một tháng chính ông Dũng cũng phải thừa nhận rằng, hiện tại Việt Nam đứng chót trong nhóm ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore), “thậm chí có lĩnh vực còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanma”’ – ba nước được coi là kém phát triển nhất trong khối.

Một trong những lĩnh vực mà Việt Nam xếp sau ba quốc gia đó là tự do báo chí. Chẳng hạn, năm 2015, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Việt Nam thứ 175 trên 180 các quốc gia, lãnh thổ - đứng sau Lào (171), Myanmar (144) và Campuchia (139).

Nhắc lại một vài tụt hậu của Việt Nam so với các nước khu vực – những sự thua kém mà ông chính Dũng nói là “làm sao mà đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được” – để thấy rằng sau 40 năm “đi lên chủ nghĩa xã hộ”’, Việt Nam vẫn chưa thực sự tự do, giàu có gì.

Trong bốn thập niên đầu của “kỷ nguyên mới” Việt Nam mới chỉ “thoát khỏi tình trạng kém phát triển”. Trong khi ấy cũng với khoảng thời gian tương tự, từ một nước nghèo, kém phát triển, lại thiếu tài nguyên, Singapore đã trở thành một quốc gia giàu có, phát triển.

Chưa có chuyện hòa giải

Trước dịp kỷ niệm Ngày 30/4 năm nay, đâu đó có người hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ tỏ chút thiện chí, giúp hàn gắn quá khứ, hòa giải dân tộc. Nhưng diễn văn của ông Dũng và đặc biệt bài viết của ông Trọng cho thấy đó vẫn là chuyện xa vời.

Cả hai ông vẫn coi Việt Nam Cộng hòa là “ngụy”. Ông Trọng còn mô tả “chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm … lê máy chém đi khắp miền Nam, thẳng tay đàn áp các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân”.

Đến giờ giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn có những suy nghĩ, lời lẽ như ông Trọng diễn tả, thì không có gì ngạc nhiên về chuyện những người thuộc chế độ cũ bị tù giam, phải đi cải tạo sau năm 1975.

Lý do chính mà giới lãnh đạo Việt Nam vẫn coi Việt Nam Cộng hòa là “ngụy”, là “tay sa” và “lê máy chém đi khắp miền Nam” như vậy là nhằm đề cao công lao, “chính nghĩa” của mình trong “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Và cũng vì muốn tô đậm hào quang quá khứ nhằm tăng tính chính danh cho mình, họ đã không ngần ngại kể “biết bao tội ác dã man” của Đế quốc Mỹ, trong khi đó hết lòng biết ơn “sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô, Trung Quốc”.

Có điều, Liên Xô thì nay đã tan rã; “đồng chí tốt” Trung Quốc thì đã và đang tìm mọi cách lấn chiếm biển đảo của Việt Nam và vì những động thái bành trướng ấy của Bắc Kinh, chính quyền Việt Nam đang tìm cách gần gũi với Mỹ.

clip_image005

Tác giả cho rằng tư duy của các lãnh đạo Việt Nam tỏ ra không hề mới, nếu như không nói là “bảo thủ” khi thể hiện ra trong dịp đánh dấu 40 năm ngày 30/4.

Trớ trêu hơn, các phái đoàn của “các nước xã hội chủ nghĩa”– một thắng lợi “làm nức lòng bè bạn gần xa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới” năm nào – chỉ có vài ba nước “cộng sản” nghèo đói, lạc hậu còn lại như Cuba, Campuchia và Lào.

Trong diễn văn của mình, ông Dũng nói “với truyền thống hòa hiếu” Việt Nam “nhất quán thực hiện chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Nhưng với những ngôn từ rất cứng rắn, nặng nề - nếu không muốn nói là đầy thù hận - ông và đặc biệt ông Trọng dùng khi nói về “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nướ”’, giới lãnh đạo Việt Nam không chỉ không “khép lại quá khứ” mà còn làm những vết thương quá khứ thêm rỉ máu.

Đọc những bài viết, nghe những diễn văn như thế này, ít hay nhiều có thể hiểu được tại sao cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt lại được nhiều người quý mến, kính trọng và trân trọng nhắc đến nhiều trong những ngày qua.

Chừng nào Việt Nam vẫn chưa có những lãnh đạo biết cảm thông, hiểu được nỗi đau của người khác, có được những cảm nhận và dám công khai bày tỏ những điều đó như ông Kiệt, chừng đó quá khứ đau thương của đất nước vẫn chưa được hoàn toàn khép lại.

Và có thể nói Việt Nam chỉ thực sự hòa hợp, hòa giải và giàu mạnh, tự do, chỉ khi nào có những lãnh đạo – thay vì cứ nhắc mãi “hào quang quá khứ”, sáng tối “giáo điều” hay giữ lòng thù hận – biết lắng nghe, cởi mở, bao dung và thức thời như ông.

Đ.X.L

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/05/150503_doanxuanloc_vn_com_party

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn