GẶP MẶT TRAO GIẢI VĂN VIỆT LẦN THỨ NHẤT (3/3/2016)

Ngôi nhà đẹp, thoáng đãng và ấm cúng của vợ chồng nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Lộc – nhà thơ Ý Nhi ở ngoại ô Sài Gòn ngẫu nhiên trở thành điểm gặp mặt của các thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, các cộng tác viên và những những người yêu mến Văn Việt, các nhà tài trợ Giải Văn Việt, sau khi địa điểm dự kiến ở trung tâm thành phố bị cơ quan chủ nhà rút lại do áp lực của an ninh. Nhưng có lẽ ông Trời muốn thế, để những người tha thiết với nền văn học tự do, nhân bản tiếng Việt được quây quần thoải mái ở chính cái nơi mà hơn hai năm trước đây, những người sáng lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam đã họp mặt để thông qua bản Tuyên bố và định ngày ra mắt Ban Vận động – 3/3/3014, đúng vào Ngày Nhà văn Quốc tế.

clip_image001

clip_image002

clip_image003

Đúng 10 giờ sáng, buổi trao giải chính thức bắt đầu, với sự có mặt của nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng ban Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải Văn Việt và TS Nguyễn Quang A, đại diện các nhà tài trợ Giải, các thành viên Hội đồng Giám khảo và tác giả đoạt Giải, cùng khoảng 35 thành viên Ban Vận động, cộng tác viên và bạn đọc Văn Việt. Việc các nhà văn và trí thức Đỗ Trung Quân, Bùi Chát, Nguyễn Viện, Tuấn Khanh, Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải, GS Nguyễn Đăng Hưng (từ Bỉ về) bị an ninh kiên quyết ngăn chặn đến dự buổi gặp mặt, cùng với việc chỉ riêng nhà GS Nguyễn Lộc – nhà thơ Ý Nhi bỗng nhiên bị cúp điện, chỉ làm cho không khí nóng lên; nóng vì xót cho chủ nhà – GS Nguyễn Lộc, nguyên Hiệu trưởng một trường Đại học, bị bệnh nặng phải nằm chịu cái nóng tra tấn trong nhà trong; nóng vì nỗi lo cho tương lai đất nước qua cách xử sự vô văn hoá, bất chấp luật pháp và đạo lý của một nhóm người ngang nhiên lạm dụng quyền lực, mà đối tượng khủng bố họ nhắm vào lại là các nhà văn, nhà trí thức tên tuổi, kể cả trí thức “Việt kiều” có nhiều đóng góp lớn cho quê hương; càng nóng vì cái tình gắn bó giữa những người chung gánh nặng văn chương tự do nhân bản trong bối cảnh hứa hẹn còn nhiều khó khăn thử thách ấy.

clip_image005

clip_image006

Bị cúp điện, chủ (nhà thơ Ý Nhi) và khách (nhà giáo Vũ Thế Khôi) phải dùng quạt giấy!

clip_image008

Và nếu điện thoại hết pin, thì (TS Nguyễn Quang A) phát huy sáng kiến, dùng laptop để sạc!

Mở đầu, nhà thơ Hoàng Hưng, thường trực Hội đồng Giám khảo, Trưởng ban Tổ chức Giải công bố kết quả Giải Văn Việt lần thứ nhất và lời cảm tạ đến các thành viên Hội đồng Giám khảo và các nhà hảo tâm xây dựng Quỹ Giải Văn Việt (văn bản công bố trong số Đặc biệt hôm nay về Giải Văn Việt).

Tiếp đó là phần trao giải.

Giấy Chứng nhận Giải Đặc biệt Văn xuôi được nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo trao cho đại diện gia đình cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn là nhà thơ Dương Tường. Trong lời phát biểu không nén nổi xúc động, nhà thơ Dương Tường, người bạn chí thiết lâu năm nhất của tác giả Chuyện kể năm 2000 Thời biến đổi gien coi đây là sự chiến thắng của văn hoá, lương tri trước mưu toan của những thế lực toan vùi sâu vào quên lãng những đóng góp lớn của cố tác giả Bùi Ngọc Tấn với văn học Việt Nam. (Sau buổi gặp mặt, nhà thơ Dương Tường và nhà thơ Hoàng Hưng đã đem Giấy Chứng nhận tới trao cho chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, vợ nhà văn Bùi Ngọc Tấn đang nằm dưỡng bệnh tại nhà).

clip_image009

Nhà thơ Hoàng Hưng trao Giấy chứng nhận cho chị Nguyễn Thị Ngọc Bích

Giải Đặc biệt Nghiên cứu – Phê bình do TS Nguyễn Quang A, đại diện các nhà tài trợ trao vắng mặt cho nhà nghiên cứu Thụy Khuê.

Giải Văn do nhà văn Kim Cúc thay mặt Ban Giám khảo Văn xuôi trao cho đại diện tác giả Di – Hạnh Nguyên là chị Bùi Thu Hoàn thân mẫu của tác giả từ Hà Nội bay vào nhận.

Giải Thơ do nhà thơ Ý Nhi thay mặt Ban Giám khảo Thơ trao cho nữ tác giả Nguyễn Hoàng Anh Thư từ Huế bay vào nhận.

Giải Nghiên cứu – Phê bình do nhà ngữ học Hoàng Dũng thay mặt Ban Giám khảo Nghiên cứu – phê bình trao cho tác giả Inrasara.

Giải của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo do nhà văn Nguyên Ngọc trao vắng mặt cho tác giả Tuấn Khanh.

Số tiền tặng kèm Giải sẽ được chuyển vào tài khoản của người đoạt giải. Riêng nhà nghiên cứu – phê bình Thụy Khuê đã gửi thư tới Ban Tổ chức xin tặng lại số tiền giải của mình (44.230.000 đồng, tương đương 2000 USD) cho Quỹ Giải thưởng Văn Việt lần thứ hai.

Sau phát biểu của những người nhận giải (văn bản được công bố trong số Đặc biệt hôm nay), là phát biểu của Ban Giám khảo Thơ (nhà thơ Ý Nhi đại diện), của Ban Giám khảo Văn (nhà văn Kim Cúc đại diện), của Ban Giám khảo Giải Nghiên cứu – Phê bình (nhà ngữ học Hoàng Dũng đại diện).

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo kết thúc buổi gặp mặt với bài phát biểu về ý nghĩa của giải thưởng, về các tác giả tác phẩm đoạt giải.

Trước khi chia tay, tất cả những người dự buổi trao giải Văn Việt đã vui vẻ đến nhà hàng Hai Lúa ăn chung bữa cơm trưa đậm đà hương vị Nam Bộ do Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chiêu đãi. Vừa ra khỏi nhà Ý Nhị, bỗng nghe tiếng kêu lớn: “Lê Phú Khải đến đây! Có chết cũng đến!”; hóa ra anh Lê Phú Khải đang ngồi trên xe máy do một anh bạn chở, cuối cùng cũng đến được. Trên đường đi đến nhà hàng, anh chị em được hai nhân viên an ninh nhiệt tình tháp tùng tận nơi. Một thành viên trong Ban Tổ chức giải chân tình mời họ vào cùng chung vui, và cũng để tạo điều kiện cho họ được nghe và thấy trực tiếp, chứ không cần phải tưởng tượng nhưng họ nhã nhặn trả lời không hẳn từ chối mà cũng không hẳn nhận lời. Và đúng lúc mọi người nâng cốc thì điện thoại reo: nhà thơ Ý Nhi báo tin nhà chị đã có điện!

PV Văn Việt

Nguồn: http://vanviet.info/so-dac-biet/gap-mat-trao-giai-van-viet-lan-thu-nhat-332016/

_____________________

ĐỌC THÊM:

KẾT QUẢ GIẢI VĂN VIỆT LẦN THỨ NHẤT (2014-2015) VÀ LỜI CẢM TẠ CỦA BAN TỔ CHỨC GIẢI

Sau các bước đề cử và xem xét của Hội đồng Giám khảo, ngày 12/2/2016 cuộc bầu chọn Giải Đặc biệt và ngày 15/2/2016 cuộc bầu chọn Giải Chính thức Văn Việt lần thứ nhất đã hoàn tất theo đúng tiến độ với kết quả như sau:

A. Giải Đặc biệt:

- Văn xuôi: Tác giả đã quá cố Bùi Ngọc Tấn đoạt giải với sự nhất trí 5/5 phiếu cho hai tác phẩm Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết) và Hậu chuyện kể năm 2000 (hồi ức).

Ban Giám khảo gồm: nhà văn Nam Dao (Canada), nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu-giảng dạy Nguyễn Thị Bình, nhà nghiên cứu phê bình Thụy Khuê (Pháp).

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Nguyên Ngọc đã phê chuẩn quyết định của Ban Giám khảo.

- Nghiên cứu phê bình: Tác giả Thụy Khuê đoạt giải với sự nhất trí 5/5 phiếu cho loạt bài nghiên cứu về Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp Vua Gia Long.

Ban Giám khảo gồm: nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Nguyên Ngọc đã phê chuẩn quyết định của Ban Giám khảo.

Mỗi Giải Đặc biệt có giấy Chứng nhận kèm theo số tiền Việt tượng trưng trị giá 2000 USD.

B. Giải Chính thức:

- Văn xuôi: Tác giả Di – Hạnh Nguyên với loạt truyện ngắn Lúc nửa đêm, Cô gái ngồi bên của sổ, Giới hạn của khí trời, Người lạ, Wind shadow đoạt giải với 4/5 phiếu.

Ban Giám khảo gồm: nhà văn Nam Dao, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu – giảng dạy Nguyễn Thị Bình, nhà nghiên cứu phê bình Thụy Khuê.

- Thơ: tác giả Nguyễn Hoàng Anh Thư đoạt giải với 4/5 phiếu cho những tác phẩm Những mảnh rời (chùm thơ), Thiêu hủy bài thơ, Huế mùa khói sương, Có những điều giả định, 12 bài thơ (chùm thơ)

Ban Giám khảo gồm; nhà thơ Bùi Chát, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (Canada), nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Ý Nhi.

- Nghiên cứu phê bình: Tác giả Inrasara đoạt giải với sự nhất trí 5/5 phiếu cho loạt bài Hồ sơ biên bản so sánh.

Ban Giám khảo gồm: nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Mỗi Giải chính thức từng thể loại có giấy Chứng nhận kèm theo số tiền Việt tượng trưng trị giá 1000 USD.

C. Giải của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo:

Tác giả Tuấn Khanh đoạt giải với tổng thể các bài tản văn như Quyền năng của trí tưởng tượng, Phía sau ánh pháo hoa, Đường trải thảm đến cửa địa ngục, Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi…

Mỗi Giải của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo có Giấy Chứng nhận kèm theo số tiền Việt tượng trưng trị giá 500 USD.

Ban Tổ chức Giải Văn Việt xin chân thành cảm tạ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã tình nguyện tham gia Hội đồng Giám khảo và làm việc không có thù lao cho một công việc đòi hỏi sự công tâm và nghiêm túc, khó chiều ý công chúng văn học như thường thấy ở mọi giải thưởng Văn học trong nước cũng như trên thế giới.

Xin chân thành cảm tạ các nhà hảo tâm đã góp quỹ Giải thưởng Văn Việt với tất cả tấm lòng, người nhiều người ít, góp gió thành bão, gồm những trí thức, doanh nhân yêu mến Văn Việt: cựu nhà báo – doanh nhân Đinh Quang Hùng, một doanh nhân trong nước không muốn nêu tên, TS Nguyễn Quang A; các cộng tác viên của trang Văn Việt: một nhạc sĩ trong nước không muốn nêu tên, Bùi Hiền (Canada), Nguyễn Đức Tùng (Canada), Phạm Phú Minh (Hoa Kỳ), một nhà văn không muốn nêu tên (Hoa Kỳ); các thành viên Ban Vận động Văn đoàn: Trương Anh Thụy (Hoa Kỳ), Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ), Đoàn Thanh Liêm (Hoa Kỳ), Thụy Khuê (Pháp), Thế Dũng (Đức), Lê Minh Hà (Đức), Ý Nhi, Phạm Đình Trọng (trong nước).

Nguồn: http://vanviet.info/so-dac-biet/ket-qua-giai-van-viet-lan-thu-nhat-2014-2015-v-loi-cam-ta-cua-ban-to-chuc-giai/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn