Rõ ràng Trung Quốc là một vấn đề quan trọng nhưng các chính trị gia không nhận ra

Yoichi Kato Asahi Shimbun

image Dịch vụ cung cấp tin tức của Trung Quốc đã đăng một bức hình trên website hồi tháng trước về tàu vận tải của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) JDS Kunisaki cùng với tàu Bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ USNS Mercy với các hình chữ thập đỏ sơn trên nền trắng bên ngoài.

Tiêu đề đi kèm theo bài viết là: “Hạm đội hải quân Nhật Bản và Hoa Kỳ tiến hành diễn tập quân sự chung trên Biển Đông”.

Thực tế, đây không phải là cuộc tập trận quân sự, mà là “Hợp tác Thái Bình Dương 2010”, là việc cố gắng trợ giúp dân sự nhân đạo đa quốc gia do Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tổ chức.

Nhật Bản đã gửi một tàu JMSDF lần đầu tiên tham gia vào các hoạt động đầy đủ từ cuối tháng 5, bao gồm các hoạt động y tế dân sự ở Việt Nam và Campuchia.

Trong khi tin tức của Trung Quốc đưa ra rõ ràng là cường điệu, có một lý do để Trung Quốc lo lắng: căng thẳng đang xảy ra trên Biển Đông.

Trung Quốc từ lâu cho rằng họ có “chủ quyền hàng hải” trên Biển Đông. Họ đã kiên quyết trong vấn đề này, thậm chí đi đến việc giam giữ ngư dân Việt Nam, những người mà Trung Quốc cho là đi vào lãnh hải Trung Quốc bất hợp pháp. 

Hiện một chuyên gia Mỹ cho biết: “Trung Quốc đã bắt đầu xem Biển Đông như ‘lợi ích cốt lõi’ của họ cách nay hai, ba tháng”.

“Lợi ích cốt lõi” là thuật ngữ mà Bắc Kinh đã sử dụng để nói tới Đài Loan và Tây Tạng với nghĩa rộng là chủ quyền lãnh thổ không cho phép có bất kỳ thỏa hiệp nào.

Đầu tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates đã tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tại đó ông lưu ý rằng: “Biển Đông là khu vực quan ngại ngày càng gia tăng”.

Một số cựu quan chức Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng, Mỹ cần nói rõ lực lượng Hoa Kỳ cùng với bạn bè và đồng minh trong khu vực sẽ thực hiện một nhiệm vụ ngăn chặn thông thường mạnh mẽ.

Nhật Bản đơn giản không thể bỏ qua các hành động của Trung Quốc và xem các hành động đó như là vấn đề của nước khác bởi vì các hoạt động ở Biển Đông được xem có liên quan chặt chẽ đến sự hiện diện và các hoạt động của hải quân Trung Quốc gia tăng gần đây ở vùng biển gần Nhật Bản.  

“Thay cho vấn đề lịch sử đã là rào cản truyền thống với Trung Quốc, trong tương lai ‘vấn đề hàng hải’ sẽ trở thành nguyên nhân mâu thuẫn”, một viên chức Chính phủ Nhật Bản quan sát.

Về vấn đề này, quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc đi tới một bước ngoặt. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn bị bỏ qua trong chiến dịch bầu cử Thượng viện ngày Chủ nhật.

Khả năng gia tăng quân sự của Trung Quốc phản ánh ảnh hưởng phát triển kinh tế. Nó cũng trở nên phô trương hơn hoặc sử dụng các yếu tố sức mạnh quốc gia khác nhau, gồm các khả năng quân sự. 

Tại Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên (COP15) Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu tại Copenhagen cuối tháng 12, Trung Quốc đã công khai thách thức thành lập một trật tự quốc tế mà không phù hợp với lợi ích riêng của họ.

Những điều mà Nhật Bản đang yêu cầu hiện nay là làm thế nào để đối phó với [một nước] Trung Quốc mới.

Trong một cuộc tranh luận giữa các lãnh đạo đảng trước khi chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu, Thủ tướng Naoto Kan đã nói điều này: “Chúng ta phải chú ý đến thực tế rằng Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh không những kinh tế, mà còn cả sức mạnh quân sự. Nếu Nhật Bản và Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với nhau, cả hai mối quan hệ Trung  - Nhật và mối quan hệ Trung - Mỹ có thể được ổn định”.

Về phần mình, Đảng Dân chủ tự do, đứng đầu là ông Sadakazu Tanigaki nói: “Ý nghĩa của Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ nằm ở chỗ tìm cách để bảo đảm việc gia tăng của hải quân Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa cho Nhật Bản”.

Cả hai lãnh đạo đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong liên minh với Hoa Kỳ, ngoài ra, hầu như họ không nói đến bất cứ điều gì khác.

Mối quan hệ Nhật -Trung là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trên mặt trận kinh tế và ngờ vực cũng như đối đầu trong các lĩnh vực chính trị và an ninh quốc gia. Vì lý do đó, rất khó để đạt được sự phù hợp hoàn toàn trong một chính sách tổng thể đối với Trung Quốc. 

Khi ông Yukio Hatoyama làm Thủ tướng, đã có các ý kiến lặp đi lặp lại từ lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) về việc chuyển sự tập trung của Nhật Bản vào quan hệ với Trung Quốc. 

Tháng 10 năm ngoái, ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đã đưa Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền, tại Bắc Kinh ông Hatoyama đã gặp người đồng nhiệm của mình từ Trung Quốc và Nam Hàn.

Ông đã nói thẳng tại cuộc họp: “Cho đến nay, có thể có khuynh hướng Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào Hoa Kỳ”.

Tháng 12, khi ông cùng đi với ông Ichiro Ozawa, lúc đó là Tổng thư ký DPJ trong chuyến đi tới Trung Quốc, ông Kenji Yamaoka, Chủ tịch DPJ Diet affairs committee, có lời nhận xét gây sốc Washington.

Vào lúc quan hệ Nhật – Mỹ đang gặp khó khăn do vấn đề di dời căn cứ Futenma (Okinawa), ông Yamaoka nói: "Cách tiếp cận thực tế sẽ là củng cố quan hệ Nhật – Trung trước và sau đó giải quyết vấn đề với Hoa Kỳ".

Theo Chính phủ Kan hiện nay, không có bình luận nào cho thấy rằng có sự thay đổi về các vấn đề ngoại giao chính từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn một nhiệm vụ vô cùng khó khăn để đạt được “chiều sâu trong liên minh” với Hoa Kỳ trong khi cố gắng thiết lập “mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi” với Trung Quốc.

Loại trật tự trong khu vực nào mà Nhật đang tìm kiếm? Sẽ cần thiết cho một chiến lược an ninh quốc gia và  ngoại giao toàn diện quanh câu hỏi này. Điều đặc biệt quan trọng sẽ là an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về ngoại giao thực tế đã không đi đến vấn đề chính đó.

Ông Kan gián tiếp nói đến quan hệ với Trung Quốc trong một bài phát biểu hôm thứ Hai ở Takamatsu bằng cách nói rằng "nền kinh tế Nhật Bản có thể thoát khỏi trì trệ" do khắc phục “quan hệ kinh tế và chính trị nóng lạnh” đã được phát triển dưới thời Chính phủ do ông Junichiro Koizumi đứng đầu.

Bản tuyên ngôn chiến dịch của Đảng Dân chủ Nhật kêu gọi: “Tăng cường mối quan hệ tin cậy với Trung Quốc thông qua các trao đổi quốc phòng, trong khi tìm kiếm sự minh bạch lớn hơn trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc”. Bản tuyên ngôn cũng nói rằng đảng “sẽ cố gắng hết sức để xây dựng mối quan hệ tin cậy với Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác trong việc tìm cách thiết lập một ‘Cộng đồng Đông Á’.”

Trong khi bản Tuyên ngôn nhiều lần nhấn mạnh “mối quan hệ của niềm tin”, chưa có lần nào đề cập đến việc Nhật Bản nên làm gì để thiết lập [mối quan hệ đó].

Mở đầu bài diễn thuyết của mình hôm 24 tháng 6, sau khi chính thức bắt đầu chiến dịch, ông Tanigaki kêu gọi nỗ lực để khôi phục lại niềm tin sau khi nói: “Nhật Bản đã bị mất sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vì sự do dự trong vấn đề Futenma”.

Về câu hỏi là hình thức ngoại giao nào ở châu Á mà Nhật Bản nên tìm kiếm, tuyên ngôn của LDP kêu gọi “đem lại sự tự do, thịnh vượng và ổn định ở châu Á”. Không cho thấy những gì cụ thể mà đảng này đang tìm kiếm.

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông cho thấy, sự cân bằng quyền lực chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những thay đổi nhanh chóng do sự gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các đảng phái đã không đưa ra được các sáng kiến riêng và những sự lựa chọn thay thế về các vấn đề ngoại giao mà các cử tri Nhật Bản quan tâm nhất, cụ thể là Nhật Bản nên xây dựng mối quan hệ gì với Trung Quốc và chiến lược khu vực nào Nhật Bản nên theo đuổi.

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: Asahi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn