Vinashin: khi công ty con “dàn trải” như công ty mẹ

Vĩnh Bình

Mẹ nào con ấy là chuyện bình thường. Nếu truy nguyên thì chính mẹ đẻ của Vinashin là Nhà nước này còn khiêu vũ trên các khoản tiền vay nước ngoài một cách rất siêu mà hầu hết chuyên gia kinh tế tài chính người nào lại không biết, có điều kinh nghiệm sống “cả một đời đi theo Đảng” buộc người ta phải nói theo cái kiểu mà Lão Tử từng dạy: “Ừ và hứ cách nhau có là bao nhiêu”, đó thôi.

Bauxite Việt Nam

SGTT - Như Công ty mẹ Vinashin, Shinpetrol cũng đầu tư dàn trải, từ cho thuê tàu biển, kinh doanh gas, bất động sản, kinh doanh cát… khiến Công ty gặp lỗ, phải tính đến việc bán một số dự án bất động sản để có tiền duy trì hoạt động.

Hiện trạng cụm công nghiệp tàu thủy Long An vẫn như thế này. Ảnh: T.L

Nợ và lỗ

Công ty cổ phần đầu tư và vận tải Vinashin (Shinpetrol, mã chứng khoán VSP) là đơn vị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang nắm 40% vốn. Công ty này đã lỗ 360 tỷ đồng trong năm 2009, đứng đầu bảng lỗ trong các công ty niêm yết trên sàn.

Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 31.3 năm nay, tổng nợ Shinpetrol phải trả là 2.234 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ ngắn hạn là 428 tỷ đồng; vay và nợ dài hạn là 1.800 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong năm 2009 là 141 tỷ đồng.

Đến thời điểm cuối quý 1, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng lên tổng cộng 715,5 tỷ đồng, lớn nhất là những khoản Shinpetrol trả trước cho người bán là tập đoàn Vinashin và các công ty đóng tàu thành viên của tập đoàn này, chiếm tỷ lệ 60 – 70%.

Lý do lỗ chính là do cước tàu biển vận tải năm 2009 giảm 80% so với năm 2008. Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2009 lỗ, dẫn đến luồng tiền cho hoạt động kinh doanh bị mất cân đối trầm trọng, Shinpetrol đã phải giải thể Công ty con VTB Nam Việt bị lỗ nặng trong năm 2009, bán Công ty lọc hóa dầu Nam Việt (lãi khoảng 51 tỷ đồng cho thương vụ này), và gần như mất khả năng thanh toán tại thời điểm cuối năm 2009. Các ngân hàng và Vinashin phải lùi ngày thanh toán nợ và giãn nợ cho Công ty này.

Theo báo cáo tài chính 2009, Shinpetrol phải tính đến việc đi vay từ các ngân hàng khác; kêu gọi hợp tác đầu tư và sẽ bán một số dự án bất động sản để tăng luồng tiền đảm bảo duy trì hoạt động công ty. Vào thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư tính, nếu phát sinh một vụ kiện tụng nào, như vụ Shinpetrol phải bỏ ra 510.000 USD đặt cọc giải phóng cho vụ tàu Asean Sea 1 hồi năm 2006 bị chính quyền thành phố Durban, Nam Phi neo giữ do liên quan đến một vụ tranh chấp vận chuyển, thì Shinpetrol ngay lập tức sẽ khó tiếp tục hoạt động.

Ngổn ngang đầu tư ngoài ngành

Lĩnh vực kinh doanh cơ bản của Shinpetrol là vận tải hàng khô, kinh doanh xuất nhập khẩu LPG, kinh doanh gas bình thương hiệu Vinashin Gas; kinh doanh mua bán tàu biển, môi giới hàng hải. Nhưng Công ty này, cũng như Công ty mẹ Vinashin, đã đầu tư tràn lan từ khu công nghiệp đến khu giải trí, khu đô thị, cao ốc, với tổng vốn đầu tư cho các dự án khoảng 7.000 tỷ đồng và 1,2 tỷ USD, trong khi các dự án đóng tàu, kho phục vụ cho hoạt động kinh doanh chính còn dở dang vì thiếu hụt vốn.

Vốn thiếu hụt, nên các dự án đầu tư ngoài ngành cũng bị dang dở theo. Cụ thể, về dự án sân golf Mê Linh đã giải phóng được hơn một nửa mặt bằng, do dòng tiền thiếu hụt nên việc giải phóng phải dừng chân. Shinpetrol đã làm công văn gửi UBND TP Hà Nội xin được tiếp tục thực hiện dự án, và chuyển dự án thành khu đô thị và sân golf chỉ là một hình thức dịch vụ giá trị gia tăng.

Trong đại hội cổ đông Shinpetrol ngày 16.6 vừa qua, các cổ đông đã đặt vấn đề về tính khả thi của dự án khi chuyển mục đích sử dụng. Từ quý 4/2009 đến nay, dù muốn, nhưng Shinpetrol chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng hay hợp tác tiếp tục các dự án này.

Đó là chưa kể Shinpetrol còn có hoạt động khai thác cát tại khu vực vịnh Thái Lan. Tại đại hội đồng cổ đông, Shinpetrol đã tính tới việc phát trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi trong và ngoài nước để bổ sung cho các dự án. Đây là điều nhiều cổ đông lo ngại, vì đến cuối năm 2009, chi phí lãi tiền vay đã lên đến 141 tỷ đồng.

Theo các phân tích, hạn chế lớn nhất của Shinpetrol hiện nay là đội tàu có tải trọng lớn, độ tuổi già (23,3 năm) nên tiềm ẩn những trục trặc, sự cố kỹ thuật. Ngoài ra, Shinpetrol chưa có hệ thống kho chứa LPG, phải thuê kho của đơn vị khác. Việc Công ty mẹ Vinashin đang cơ cấu hoạt động cũng khiến Công ty con mất chỗ dựa, như đã từng nhận hàng trăm tỷ đồng từ 570 triệu USD trái phiếu quốc tế từ Vinashin để đầu tư vào đội tàu và kho chứa, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu, chưa kể đến những rủi ro về tài chính khi mất “mẹ” này.

VB

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn