Chung quanh chủ trương bỏ Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường

Không nên bỏ Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường

Nguyễn Trọng Vĩnh

clip_image001

 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

 
Bầu cử, ứng cử là quyền làm chủ và quyền dân chủ của dân. Hiến pháp năm 1946 do Bác Hồ soạn thảo đã ghi: dưới Quốc hội có Hội đồng nhân dân các cấp. Điều đó nói lên tư tưởng của Bác Hồ tôn trọng quyền làm chủ và quyền dân chủ của dân. Các bản Hiến pháp sửa đổi sau này vẫn ghi mục này như Hiến pháp 1946.

Hơn nửa thế kỷ, HĐND quận, huyện, phường vẫn thực hiện được nhiệm vụ thay mặt nhân dân bầu người đứng đầu và các thành viên của cơ quan hành chính, giám sát, kiến nghị, chất vấn, phê bình các thành viên của cơ quan hành chính khi cần, hạn chế bớt được những biểu hiện tiêu cực ở quận, huyện, phường.

Không có lý do gì phải bỏ HĐND quận, huyện, phường. HĐND không gây trở ngại gì cho việc điều hành công việc của Chủ tịch UBND quận, huyện, phường. Đại biểu HĐND không phải người ăn lương trong biên chế Nhà nước mà cho rằng làm cồng kềnh thêm biên chế của bộ máy Nhà nước. Mỗi kỳ họp, mỗi đại biểu chỉ được phụ cấp vài, bốn trăm ngàn, mỗi năm họp hai lần cũng chẳng tốn bao nhiêu kinh phí. So với những lãng phí và thất thoát lớn hàng năm hay như vụ "Chính phủ điện tử", vụ "Vinashin" thì có đáng kể gì mà phải bỏ để "tiết kiệm ngân sách"! Một năm vài kỳ họp thì có gì là "hội họp nhiều"? Bỏ HĐND, cơ quan giám sát của dân đối với cơ quan Hành chính sẽ dễ phát sinh tiêu cực, chuyên quyền, độc đoán.

Lý luận rằng: "Không có HĐND thì đã có cấp trên giám sát, phê bình, nếu cần thì xử lý kỷ luật". Nhưng cấp trên xa, ít sát cấp dưới. Hơn nữa Chủ tịch cấp dưới báo cáo lên cấp trên, thường báo cáo tình hình tốt, "hoàn thành nhiệm vụ", mấy khi báo cáo sai phạm của mình để cấp trên biết. Nếu có nhiều dư luận không tốt, cấp trên cũng phái thanh tra xuống, thanh tra thì cũng có người chính trực, nghiêm minh, và cũng có người nhận "phong bì", thì sẽ "chả có vấn đề gì"!

Bảo rằng: "Không có HĐND, mỗi công dân vẫn có quyền kiến nghị, chất vấn, phê bình người đứng đầu cơ quan Hành chính kia mà"! Nói vậy thôi. Thực tế đã cho thấy, đến người có vị trí cao, uy tín lớn trong xã hội gửi kiến nghị, phê bình lên cấp cao còn không được xem xét, huống chi người dân thấp cổ bé miệng gửi kiến nghị, chất vấn, phê bình người cầm quyền trong địa bàn mình thì đi đến đâu, không khéo còn bị "trù" ấy chứ.

Còn nhớ nghị quyết Đảng từng nêu "mở rộng dân chủ ở cơ sở". Nay muốn bỏ việc bầu HĐND ở Phường, Quận, Huyện, tước nốt quyền dân chủ của người dân trong địa bàn, chẳng phải là mâu thuẫn với nghị quyết Đảngvi phạm Hiến pháp ư?

N.T.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Không nên bỏ HĐND quận, huyện, phường

TP - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi xung quanh chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

“Phải củng cố chứ không nên bỏ HĐND quận, huyện, phường. HĐND mạnh thì người dân có chỗ dựa và HĐND càng được phát huy, lợi ích của nhân dân càng được tăng cường.”- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói.

HĐND không phải là để trang trí cho Ủy ban

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ vừa tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, quan điểm của ông ra sao về chủ trương này?

Tôi và các đồng chí lão thành theo dõi kỹ hội nghị này, đặc biệt là việc để hay bỏ HĐND quận, huyện, phường. Tại hội nghị này có ba loại ý kiến: Thứ nhất là vẫn để HĐND quận, huyện, phường; thứ hai là bỏ HĐND; thứ ba là kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phải nghiên cứu kỹ bởi đây là vấn đề đại sự. Chúng tôi cho kết luận của Chủ tịch Quốc hội là chính xác, thỏa đáng.

Còn ý kiến của tôi là phải để HĐND cấp quận, huyện, phường. Lý do là: HĐND khác MTTQ, các đoàn thể và chính quyền. HĐND là một tổ chức do Đảng ta đưa ra trên cơ sở truyền thống của dân tộc ta. Từ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo... đều hỏi các bô lão, tức là hỏi dân: “đánh hay không đánh”. Đến thời đại Hồ Chí Minh điều này càng được phát huy lên cao điểm. Bác đã nói tất cả do dân, vì dân, dân quyết định. Đó là đi từ thực tiễn của Việt Nam chứ không phải giáo điều.

HĐND bắt đầu được ghi trong Hiến pháp. Nhưng thực tế, HĐND cấp quận, huyện, phường mấy năm gần đây hoạt động không có chất lượng, phần nào là hình thức. Như có người nói HĐND là trang trí cho ủy ban, là bảo lãnh cho các quyết định của ủy ban. Những nhận xét này tuy là châm biếm nhưng cũng phần nào phản ánh đúng thực chất. HĐND hoạt động hình thức là có thật.

Vậy nguyên nhân hoạt động của HĐND không hiệu quả do đâu, thưa ông?

Vấn đề cốt lõi là phải tập trung củng cố chất lượng hoạt động của HĐND. Có năm vấn đề cần đặt ra.Thứ nhất là bầu đại biểu HĐND phải chọn được người đủ chất lượng. Không được phe cánh, họ hàng, thân quen, con cháu... Việc bầu phải rất dân chủ, để người dân tự chọn, không được can thiệp vào. Lãnh đạo chỉ định hướng, còn lại, người dân có quyền chọn đại biểu.

Thứ hai, phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND, cho HĐND cấp huyện, quận, phường thực quyền. HĐND phải là cơ quan đại diện thực chất quyền lợi của nhân dân. HĐND có quyền kiểm tra, giám sát, bác bỏ những điều không đúng lợi ích của nhân dân trong quận, huyện, phường. Chứ không phải HĐND là nơi để giơ tay biểu quyết, hợp thức hóa cho ủy ban. HĐND phải đứng ngoài, khách quan.

Thứ ba, phải củng cố lại sinh hoạt của HĐND bằng cách tự mình dân chủ, tự mình dám đấu tranh, phê và tự phê. Phải làm thẳng thắn chứ không phải làm cho có lệ. Thẳng thắn đấu tranh chống những sai trái. Những chủ trương của ủy ban mà không đúng thì HĐND bác đi. Chỉ làm một lần như vậy là nhân dân tin tưởng ngay.

Thứ tư, người lãnh đạo chủ chốt phải gương mẫu, kiểm tra việc dân chủ, xử lý nghiêm minh việc thiếu dân chủ trong sinh hoạt HĐND.

Thứ năm, HĐND phải nghe được ý kiến chân chính, trung thực, thẳng thắn của nhân dân. Nghe rồi thì phải giải quyết, chứ không phải hứa rồi để đấy.

Phải chọn được người tài đức

Thực tế hiện nay, trước mỗi kỳ họp HĐND thì Thường vụ Đảng ủy cùng cấp đã họp và phân công UBND chuẩn bị nội dung trình HĐND, rồi biểu quyết thông qua, dẫn đến hình thức, vậy sự lãnh đạo của Đảng ở đây cần đổi mới như thế nào?

 

Tôi rất ủng hộ đổi mới, tán thành việc phải củng cố lại tổ chức chính quyền các cấp cho gọn nhẹ, có hiệu lực. Nhưng đừng vì điều này mà lại bỏ HĐND. Dân tộc ta có ngày nay là nhờ sức mạnh nhân dân. Nhân dân phải có cơ quan đại diện đúng pháp luật là HĐND. Bỏ HĐND tức là tự mình chặt mất một tay, bỏ mất tiếng nói chân chính của nhân dân, vi phạm quyền lợi của nhân dân.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Tỉnh ủy, Huyện ủy có quyền lãnh đạo toàn diện. Đối với HĐND là sự lãnh đạo phương hướng, còn những vấn đề cụ thể để HĐND tự quyết chứ không nên đi sâu vào. Nếu lãnh đạo đi vào sâu là không đúng, không nên như vậy. Nói Đảng lãnh đạo tuyệt đối nhưng cũng chỉ đưa ra phương hướng, còn để các cơ quan làm.

Nếu chúng ta bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường thì theo ông quyền làm chủ của người dân có được đảm bảo, ảnh hưởng ra sao tới việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN?

Tổ chức HĐND là có tính chất nguyên tắc. Còn sinh hoạt HĐND bị hình thức là do biện pháp. Đừng có lẫn lộn giữa tổ chức và biện pháp.

Thực chất hay hình thức là do chúng ta cả, mà trước hết là do những người lãnh đạo chủ chốt. Cái đã là nguyên tắc, đã ghi trong hiến pháp mà qua tổng kết lịch sử, thì không ai có quyền bác bỏ đi. Các thế hệ nối tiếp có quyền sửa đổi, đổi mới để hoạt động của HĐND ngày càng có chất lượng.

Trách nhiệm của các thế hệ tiếp theo là như vậy chứ không phải bỏ một tổ chức có tính nguyên tắc đi. Phải phân biệt rõ điều này.

HĐND quận, huyện, phường trong 4- 5 qua đã sinh hoạt hình thức nên dân không quan tâm. Nếu bây giờ hỏi ý kiến dân thì có khi dân cũng đồng tình bỏ. Nhưng nếu HĐND hoạt động thực chất để người dân thấy đó đúng là chỗ dựa tin cậy, là nơi để họ gửi gắm tiếng nói, lòng tin để cứu giúp mình những lúc gian truân thì tôi tin dân sẽ ủng hộ.

Cám ơn ông.

Hà Nhân
Thực hiện

Nguồn: Tienphong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn