Ba câu hỏi lớn dành cho Quốc hội

Mỹ Lệ

SGTT.VN - “Vụ án” Vinashin và những hệ luỵ đằng sau nó, hiệu quả của nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên là ba câu hỏi lớn đang được chờ đợi câu trả lời từ Quốc hội.

clip_image002

Lắp đường ống thi công xây hồ chứa bùn đỏ tại Tân Rai, Lâm Đồng. Ảnh: TL SGTT

 

Hôm nay 20.10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc. Theo thông lệ, đây sẽ là kỳ họp quan trọng vì là kỳ họp áp cuối, ít nhiều mang ý nghĩa tổng kết tình hình kinh tế xã hội trong suốt nhiệm kỳ năm năm qua. Cũng kỳ họp này, nhiều vấn đề nổi cộm sẽ được đặt ra, từ “vụ án” Vinashin và những hệ luỵ đằng sau nó đến hiệu quả của công trình trọng điểm quốc gia – nhà máy lọc dầu Dung Quất. Câu chuyện xung quanh chủ trương khai thác bôxít ở Tây Nguyên có thể là một ẩn số khi mà trước giờ khai mạc, thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary thổi bùng lên mối quan ngại vốn đã âm ỉ thường trực bấy lâu không chỉ trong giới khoa học mà cả từng người dân về sự an toàn cho tính mạng và môi trường cũng như tính hiệu quả của nó. Đây còn là kỳ họp lần đầu tiên đại biểu tham gia góp ý các văn kiện đại hội Đảng. Mối quan tâm của cử tri cả nước về phương hướng phát triển sắp tới của đất nước sẽ được các đại biểu thể hiện như thế nào qua sinh họat chính trị này? Thực tiễn từ quá trình giám sát với tư cách đại biểu, thành viên các uỷ ban mang lại đúc kết gì có thể giúp cho việc nhận thức, nhận thức lại những vấn đề lý luận được nêu trong các dự thảo văn kiện đại hội Đảng? Đó là điều đang được chờ đợi.

Theo thông báo của chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo được cho là “toàn diện” của Chính phủ về tình hình tập đoàn Vinashin, về nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, một nghị quyết được đưa ra không lâu trước khi con tàu Vinashin bị đắm và Dung Quất chưa xì ra chuyện tồn kho xăng dầu và những tranh luận về hiệu quả đầu tư trên thực tế.

Ông Trần Đình Đàn không trả lời một cách trực tiếp câu hỏi của báo chí, rằng sau thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ từ các dự án bôxít đang triển khai ở Tây Nguyên, nếu trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét dự án này thì Quốc hội có yêu cầu Chính phủ bổ sung báo cáo không. Dù muốn hay không, thảm hoạ nhãn tiền từ bên ngoài đã tác động mạnh mẽ vào lòng dân – cử tri qua kênh truyền dẫn mang tên nỗi sợ hãi. Các đại biểu khó thể làm ngơ. Sẽ không chỉ là chuyện quan điểm phát triển (vốn chưa được quan tâm đúng mức) mà còn là thái độ đối với lòng dân. Ngay cả nếu chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế, thì nỗi sợ hãi này cũng phải được xem là một biến số để đưa vào bài toán chi phí – lợi ích.

Ba câu hỏi với Quốc hội về ba vấn đề cụ thể trên, ngoài ba câu trả lời cụ thể mà người dân chờ đợi, còn đòi hỏi câu trả lời cho câu hỏi lớn bao trùm lên hết thảy về vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Sự ra đời của Vinashin, hay TKV trong vai trò chủ đầu tư các dự án khai thác bôxít bắt nguồn từ niềm tin và ý chí về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Cũng vì niềm tin và ý chí này mà bao nguồn lực quốc gia đã được tập trung vào đó, gây hiệu ứng “chèn ép” đối với khu vực tư nhân.

Câu trả lời không chỉ căn cứ vào các báo cáo của Chính phủ vốn ít nhiều có phần trách nhiệm với tư cách là người điều hành. Liên quan đến các vấn đề cụ thể này, Quốc hội đều có các hoạt động giám sát riêng ở những quy mô khác nhau và trên bình diện chung, đều có thể tiếp cận với các số liệu thống kê được công bố công khai về đóng góp của khu vực này đối với GDP, ngân sách, giải quyết công ăn việc làm (đều cho thấy doanh nghiệp nhà nước không hề “chủ đạo”). Bên cạnh đó là ý kiến của giới kinh tế, nhà khoa học và người dân.

Thái độ của Quốc hội cũng chính là trách nhiệm của Quốc hội vì những vấn đề nổi cộm này phát sinh gần như gói trọn trong nhiệm kỳ này.

Sẽ lại có những lời hứa, những cam kết sẽ khắc phục được hậu quả như những lời hứa, cam kết sẽ mang lại hiệu quả trước đây. Liệu Quốc hội có rút kinh nghiệm từ lời hứa của các bộ trưởng trong các phiên đăng đàn trả lời chất vấn trước đây hay cam kết về một tương lai tươi sáng mà con tàu Vinashin sẽ đi đến? Liệu sau vụ Vinashin, Quốc hội có tiếp tục yên tâm với cuộc phiêu lưu của một số tập đoàn khác? Hậu quả của Vinashin, dù kinh khủng đến đâu, cũng chỉ dừng lại ở những con số nợ nần. TKV với giấc mơ bôxít có thể sẽ không dừng lại ở đó mà có khi còn là sự an nguy tính mạng người dân, môi trường, an ninh quốc gia.

Không thể chỉ dừng lại ở mức độ ý kiến của các uỷ ban Quốc hội về môi trường hay kinh tế, ngân sách. Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cần có chính kiến phù hợp với vai trò quan trọng của mình và chịu trách nhiệm trước cử tri, trước lịch sử về chính kiến đó. Chính kiến này cũng cần được chuyển hoá thành những lý luận có cơ sở thực tiễn trong quá trình góp ý cho dự thảo văn kiện đại hội Đảng ngay tại kỳ họp. Cho đến nay, các dự thảo vẫn nhấn mạnh vai trò “chủ đạo” của doanh nghiệp nhà nước.

M. L.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn