Tổng kết hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội

Đức Tâm

clip_image001  

Ngoại trưởng Hillary Clinton và thủ tướng Úc Julia Gillard tại Hà Nội (Ảnh : Đức Tâm RFI)

 

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị cấp cao liên quan khác kết thúc ngày hôm nay tại Hà Nội. Đặc phái viên Đức Tâm của RFI Việt ngữ, có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, đã gửi về bài tường trình tổng kết các ngày hội nghị vừa qua như sau.

Trong ba ngày qua, một loạt các hội nghị cấp cao đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình Hà Nội như hội nghị thượng đỉnh của ASEAN, rồi của ASEAN với các nước đối tác, với Liên Hiệp Quốc, Thượng đỉnh Đông Á v.v. ngoài ra, đây cũng là địa điểm để một số nước tổ chức các cuộc gặp song phương.

Trước hết nói về ASEAN, năm nay, với tư cách là chủ tịch Hiệp hội này, Việt Nam đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh, hội nghị 16 hồi tháng tư và hội nghị 17 kết thúc hôm qua. Trọng tâm các hội nghị của ASEAN cũng như của khối này với các đối tác là thúc đẩy tiến trình xây dựng một cộng đồng, gần như theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu, Trong dịp này, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, hỗ trợ cho việc xây dựng cộng đồng.

Một tham vọng khác của ASEAN trong dịp này là khẳng định vai trò trung tâm của mình trong việc thúc đẩy các cơ chế đối thoại với các đối tác khác liên quan đến những vấn đề khu vực và quốc tế, ví dụ như cơ chế đối thoại ASEAN + 1, ASEAN + 3, Thượng đỉnh Đông Á với sự tham gia của các cường quốc lớn như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, …

Đó là tham vọng, còn làm được đến đầu thì đó là một chuyện khác. Hơn nữa, để khẳng định được vai trò của mình thì không chỉ cần thời gian mà ASEAN còn cần phải đạt được những kết quả cụ thể.

Hồ sơ Biển Đông là một trong những chủ đề được công luận quan tâm. Vậy, ASEAN lần này đã làm được những gì trong hồ sơ này ?

Có thể nói, một trong những điểm tích cực về mặt ngoại giao của các hội nghị ASEAN lần này tại Việt Nam là đã mạnh dạn bước đầu xới lên vấn đề Biển Đông. Tôi nói là bước đầu mạnh dạn xới lên vấn đề là bởi vì hồ sơ Biển Đông liên quan đến Trung Quốc mà Trung Quốc là một cường quốc, một đối tác kinh tế quan trọng. Từ trước đến nay, trong các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, các nước ASEAN ở trong thế yếu, là những nước nhỏ, nội bộ ASEAN chia rẽ, các cường quốc quân sự truyền thống như Mỹ, Nga thì đều lơ là. Trong khi đó, Trung Quốc áp dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt, chia để trị.

Cho đến giữa năm ngoái, tức là trước khi Trung Quốc đưa ra yêu sách về thềm lục địa tại Biển Đông mà giới báo chí gọi là yêu sách hình lưỡi bò, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, thì vấn đề chỉ giới hạn trong việc tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tức là liên quan đến vài nước như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và lãnh thổ Đài Loan. Trong khi đó, lập trường của Mỹ là không ủng hộ bên nào trong các tranh chấp về chủ quyền. Thế nhưng, yêu sách hình lưỡi bò vè thềm lục địa và vùng biển của Trung Quốc đã đụng chạm đến chủ quyền và lợi ích của Indonesia, đe dọa quyền tự do lưu thông hàng hải của Mỹ tại vùng Biển Đông. Sự nhập cuộc của Indonesia, một nước lớn tại Đông Nam Á đã góp phần tăng sức mạnh cho ASEAN. Việc Hoa Kỳ buộc phải quan tâm trở lại đến Đông Nam Á đã giúp cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia ven biển có tranh chấp quyền lợi với Trung Quốc, tỏ ra vững tâm hơn, có lý do để nêu lên vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực.

Về điểm này, ASEAN tại hai hội nghị thượng đỉnh, 16 và 17 ở Việt Nam đã nhắc lại mong muốn xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, mang tính ràng buộc. Bên cạnh đó, còn có hai dịp để ASEAN, và cụ thể hơn là một số nước liên quan, như Việt Nam, Philippines, có cơ hội nêu vấn đề Biển Đông, đó là Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF hồi tháng bẩy và hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+.hồi đầu tháng 10.

Sự kiện gây trấn động là phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại ARF hồi tháng bẩy khi bà tuyên bố quyền tự do lưu thông tại Biển Đông là một lợi ích sống còn của Hoa Kỳ và Washington ủng hộ giải pháp đàm phán đa phương. Tại Hà Nội lần nay, nhân dịp là khách mời đặc biệt của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng những tranh chấp về chủ quyền trên biển cần phải được giải quyết phù hợp với luật phát quốc tế. Đây chính là điều gây khó chịu cho Trung Quốc, nước luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp này trong khuôn khổ song phương và như vậy, thì chỉ có lợi cho Trung Quốc. Cũng giống như hồi tháng bẩy, lần này, bà Clinton lại lưu ý rằng tự do di chuyển trên biển và tự do lưu thương hàng hải tại Biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ.

Các lãnh đạo ASEAN lần này đã quyết định mời Nga và Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á kể từ năm 2011 với tư cách là thành viên. Phải chăng đây cũng là một bước tiến của ASEAN nhằm giảm bớt khả năng thao túng của Trung Quốc trong cơ chế này ?

Cho đến nay, trong số các thành viên Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, thì Trung Quốc giữ vai trò nước lớn, có thế mạnh về chính trị, kinh tế và gần đây cả quân sự nữa. Nhật Bản chỉ là một cường quốc kinh tế nhưng vẫn bị lép vế khi đứng cạnh Trung Quốc vì nhiều lý do lịch sử.

Do vậy, giờ đây, trong số các thành viên lại có thêm Hoa Kỳ, Nga, hai cường quốc lớn thì điều tất yếu là Trung Quốc cảm thấy khó chịu hơn, sức ép của Trung Quốc đối với các nước nhỏ khác trong cơ chế này cũng giảm đi.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Nga lần thứ hai, chiều nay, chủ tịch ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nga tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Tất cả những động thái nói trên đã phần nào mang lại kết quả, buộc Trung Quốc, ít ra về mặt sách lược, phải thay đổi thái độ và giọng điệu. Sau diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, Trung Quốc đã có phản ứng thái độ của Trung Quốc đã có phản ứng mạnh, tố cáo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ châu Á, các phương tiện truyền thông chính thức của Trụng Quốc đăng những bài đầy giọng điệu răn đe. Thế nhưng, cách nay hai hôm, tổng thư ký ASEAN cho giới báo chí biết là Bắc Kinh đã chấp nhận tổ chức vào tháng 12 năm nay một cuộc gặp cấp chuyên viên ASEAN – Trung Quốc để thảo luận hướng tới việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Chỉ còn vài ngày nữa, Miến Điện, một thành viên của ASEAN, sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Hồ sơ này không có tiển triển gì tại ASEAN lần này ?

Đúng vậy và đây là mối đau đầu thường xuyên của ASEAN trong nhiều năm qua. ASEAN là hoạt động trên cơ sở đồng thuận chung và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên. Chính vì vậy, hai hội nghị cấp cao ASEAN trong năm nay tại Việt Nam cũng không đi xa hơn các hội nghị cấp cao trước đây. Có nghĩa là ASEAN chỉ kêu gọi giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện tổ chức một cuộc bầu cử tự do công bằng. Thậm chí, về mặt chính thức, ASEAN cũng không đả động gì đến số phận lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi, hiện vẫn đang bị quản thúc tại gia.

Những lời kêu gọi của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về hồ sơ Miến Điện cũng không giúp thúc đẩy ASEAN có thái độ mạnh, cứng rắn hơn với chính quyền Miến Điện.

Người dân tại Hà Nội có quan tâm đến các hoạt động ASEAN hay không ?

Chiều tối nay, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN bế mạc. ASEAN lần này tại Việt Nam đã đi thêm được một bước trên con đường dài hướng tới việc xây dựng một cộng đồng. Các hoạt động ngoại giao của ASEAN tại Việt Nam cũng góp phần tạo dựng tiền đề thúc đẩy đối thoại về hồ sơ Biển Đông. Vấn đề Miến Điện thì vẫn dậm chân tại chỗ, Đó là cái nhìn của giới quan sát thời sự quốc tế, các nhà phân tích.

Còn người dân, thì khó có thể biết chính xác cảm nhận của họ nhưng có một điều chắc chắn là giao thông tại Hà Nội, đặc biệt trên các tuyến đường chính dẫn đến Trung Tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, giao thông sẽ đỡ bị tắc nghẽn hơn. Thực ra mà nói, không có hội nghị thì nạn kẹt xe vẫn rất nặng nề tại nhiều nút giao thông ở Hà Nội, nhất là vào giờ cao điểm đi làm sáng và tan tầm giờ chiều. Trong những ngày qua, cũng giống như nhiều lần trong năm, người đi đường tại Hà Nội lại còn phải chịu thêm cảnh bị chặn xe, nhường đường cho các đoàn xe ưu tiên của khách.

Đ. T.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn