Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông rất đáng lo ngại

Trong cuộc đối đầu trên Biển Đông hiện nay, người ta vẫn chưa thấy tình đoàn kết cần có của khối ASEAN. Trong những nước có lợi ích trên biển bị ảnh hưởng trực tiếp do tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên toàn Biển Đông, chỉ có Việt Nam và Philippines là có thái độ cứng rắn. Thậm chí cả Malaysia cũng bị Trung Quốc bắt làm con tin vì vấn đề chủng tộc nhạy cảm của nước này. Trong khi đó, Hoa Kỳ giữ thái độ trung lập về tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa – nói thế khác, Hoa Kỳ không nhúng tay vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên các đảo. Hoa Kỳ chỉ đòi quyền lưu thông hàng hải qua Biển Đông bao gồm cả các khu đặc quyền kinh tế.

Bài bình luận sau đây của Asia Sentinent điểm xuyết về một thế liên minh mà Việt Nam có thể lựa chọn. Nhưng cái thế liên minh bền vững và quyết định nhất vẫn là liên minh với chính nhân dân Việt Nam, như từng diễn ra trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cho đến gần đây.

Bauxite Việt Nam

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc (TQ) và Việt Nam là một cuộc đối đầu về chủ quyền trên toàn Biển Đông.

Việc đưa tin thiếu cẩn trọng của báo chí đã gây cảm tưởng là phần lớn cuộc tranh chấp gần đây trên Biển Đông giữa TQ và Việt Nam chỉ có liên quan đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thay vì như vậy, cuộc đụng độ giữa hai nước thực ra là một minh họa về việc TQ tuyên bố chủ quyền trên toàn Biển Đông, đến tận lãnh hải của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, chứ không riêng gì các hải đảo. Trong vấn đề này, tàu TQ đã cắt cáp của một tàu thăm dò bằng sóng âm của Việt Nam hoạt động cách bờ biển Nam Trung Bộ khoảng 120 hải lý ở hướng Đông của Nha Trang. Địa điểm chiếc tàu Việt Nam thăm dò dầu khí không nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền về một phần hay toàn phần các nhóm đảo nhỏ, các mõm đá hoặc đá ngầm được mệnh danh là Trường Sa (the Spratlys). Mặc dù gần như không có một đảo hay mõm đá nào trong quần thể này mà con người có thể sinh sống và đáy biển ở đây không phải là một phần của thềm lục địa, nhưng vẫn có một lý luận cho rằng các đảo và mỏm đá ở Trường Sa có thể hậu thuẫn cho một tuyên bố chủ quyền về khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý nếu tuyên bố này không xung đột với tuyên bố chủ quyền 200 hải lý của một nước khác.

Vị trí tàu Việt Nam bị tấn công cách địa điểm gần nhất của Trường Sa ít nhất là 180 hải lý và rõ ràng là gần với bờ biển Việt Nam hơn nhiều và nằm trên thềm lục địa Việt Nam trong khi quần đảo Trường Sa nằm ở phía bên kia vực nước sâu… Tương tự như thế, tàu Việt Nam hoạt động cách địa điểm gần nhất của Hoàng Sa trên 200 hải lý – Hoàng Sa là một quần thể gồm những đảo và bãi ngầm nằm ngoài khơi duyên hải Việt Nam về phía bắc, đã bị TQ cưỡng chiếm năm 1974, trước khi nước Việt Nam thống nhất.

Sự phân biệt giữa tuyên bố chủ quyền trên đảo và tuyên bố chủ quyền trên biển là cực kỳ quan trọng vì nó có liên quan tới Hoa Kỳ. Washington giữ thái độ trung lập đối với giá trị pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của mọi phe về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng có thái độ cứng rắn với quyền tự do lưu thông hàng hải, kể cả trong các khu đặc quyền kinh tế. Tuyến hàng hải giữa eo biển Luzon và eo biển Singapore nằm trong khu vực này – tức vùng nước sâu nằm giữa Việt Nam và Trường Sa, một quần đảo có thể gây rủi ro cho các tàu lớn. Do đó, trên thực tế Hoa Kỳ luôn luôn sẽ đứng về phía chống lại tuyên bố chủ quyền của TQ trên toàn Biển Đông và cũng chống lại lối giải thích hẹp hòi của TQ về quyền tự do lưu thông hàng hải.

Như vậy, nhất định hành động của TQ đã gửi thêm nhiều tín hiệu cảnh báo tới Malaysia, Philippines, Brunei và Indonesia về tầm mức tuyên bố chủ quyền của TQ đối với Biển Đông và tài nguyên nằm dưới đáy biển. Những vùng khí đốt đang được khai thác hiện nay ngoài khơi Palawan [của Philippines]và Sarawak [của Malaysia] nằm gọn trong những khu vực TQ tuyên bố chủ quyền trên những bản đồ Biển Đông mà TQ đưa ra. Tuyên bố chủ quyền của TQ cũng áp dụng cho những vùng khí đốt khổng lồ, chưa ai khai thác, nằm gần quần đảo Natuna của Indonesia, cho dù bản thân những đảo này cho đến nay vẫn chưa bị TQ tuyên bố chủ quyền.

Philippines đã bắt đầu phản ứng chống lại những hành vi sách nhiễu gần đây của TQ đối với ngư dân Philippines hoạt động trong vùng cách duyên hải nước này dưới 200 hải lý và một vụ sách nhiễu vào tháng Năm đối với một tàu thăm dò của Philippines hoạt động gần bãi Cỏ Rong (Reed), một địa điểm cách đảo Palawan chỉ 80 hải lý – và cách TQ gần 500 hải lý. Đã có những lời kêu gọi từ trong nước yêu cầu Philippines tăng cường các lực lượng hải quân còn yếu kém của mình. Họ đòi hỏi vùng biển thường được gọi bằng tiếng Anh là “the South China Sea” (Biển Nam Trung Hoa) chí ít phải được người Phi gọi là Biển Tây Philippines (vùng biển phía Đông quần đảo Philippines được gọi là Biển Philippines).

TQ chỉ gọi biển này là Nam Hải và Việt Nam gọi nó là Biển Đông. Biển này có thời còn được gọi là Biển Chiêm Thành (the Cham sea) – theo tên một vương quốc sống về nghề biển, nói tiếng Mã Lai và theo Ấn Độ giáo tại miền Trung Việt Nam. Philippines còn gọi Bãi Cỏ Rong là bãi Recto.

Một số người tại  Philippines đã bắt đầu kêu gọi Hoa Kỳ phải tích cực hậu thuẫn hơn nữa đối với tuyên bố chủ quyền của Philippines dựa vào các điều khoản trong hiệp ước an ninh Mỹ-Phi và họ đã bày tỏ sự thất vọng đối với tuyên bố trung lập của các phát ngôn viên Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề của Manila là, dù Hoa Kỳ có hậu thuẫn nguyên tắc tự do hàng hải và việc áp dụng Luật Biển LHQ cho vấn đề này năng nổ đến đâu, Hoa Kỳ vẫn chưa bao giờ tuyên bố Trường Sa là một phần của Philippines khi Hoa Kỳ còn là một cường quốc thực dân tại đây. Trong lúc đó thực dân Pháp vẫn coi Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam – và điều này bị Trung Hoa phản đối.

Trong quá khứ, nhận thấy Philippines yếu thế, TQ thường tập trung chú ý vào vùng này trong tuyên bố chủ quyền của mình. Thật vậy sự kiện năm 1995 TQ chiếm đóng Đá Vành Khăn (tiếng TQ: Meiji Jiao, tiếng Tagalog: Panganiban), được coi là một nơi lánh bão của ngư dân, cách bờ Palawan 130 hải lý, là một trong những hành động khiêu khích hơn trước của TQ. Năm 2002, TQ đồng ý với ASEAN sẽ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp trên biển nhưng thỏa ước này chỉ tạo được một tạm ngưng tranh chấp.

Nhưng vấn đề hiện nay của ASEAN là một số thành viên không dám bàn về vấn đề Biển Đông và bản thân TQ thì chỉ muốn giải quyết vấn đề này trên cơ sở song phương với từng quốc gia một, như vậy có thể làm suy yếu tình đoàn kết của khối ASEAN. Sự kiện Malaysia cho đến nay vẫn được TQ để yên là một điều bất lợi cho các nước đối đầu với TQ, và Kuala Lumpur cũng không muốn làm phật lòng TQ bằng cách công khai ủng hộ Việt Nam và Philippines. Động thái này có thể khiến Bắc Kinh nêu lên vấn đề nhạy cảm về sự kiện người Mã Lai kỳ thị chủng tộc đối với các công dân gốc Hoa.

Nhưng Việt Nam rõ ràng có một bản lĩnh cương quyết hơn. Và với mối quan hệ thắm thiết mới tạo dựng với Washington (cùng những quan hệ sẵn có với Nga và Ấn Độ), Việt Nam có thể đối phó với TQ hữu hiệu, hơn là chỉ mất thì giờ nói chuyện với các bộ ngoại giao đầy lạc quan của các nước thuộc khối ASEAN.

Trần Ngọc Cư dịch theo Asia Sentinel.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn