Vị mặn Hoàng Sa

Binh Nguyên

clip_image001

Ông Võ Hiển Đạt trước ngôi mộ gió của gia tộc Phạm, dòng họ mấy thế kỷ giữ gìn Hoàng Sa

 

SGTT.VN - Đảo Lý Sơn đang vào mùa giông bão, ngoài trùng khơi kia là Hoàng Sa, mà với đa phần ngư phủ bao đời sống trên hòn đảo này, đó là nhà, là quê hương. Những ngày ở đảo, tôi đã cảm nhận rất rõ vị mặn của Hoàng Sa…

Theo dấu tiền nhân

Gặp ông Võ Hiển Đạt, người chủ tế các buổi lễ cầu hồn cho những ngư phủ chết mất xác trên biển Hoàng Sa ở chùa Âm Linh Tự giữa trưa nắng gay gắt, ông dẫn tôi ra ngay khu mộ gió của Phạm tộc, nơi chôn cất linh hồn của những ngư phủ đã bỏ mạng ngoài biển Hoàng Sa cuối năm 2010.

Sáu ngư phủ đi trên con tàu cá để ra đánh bắt trên biển Hoàng Sa ngày 30.12.2010, năm người ở thôn Tây, xã An Vĩnh, một người ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Trong số đó, có ngư phủ Nguyễn Đảng, một người luôn coi việc ra đánh bắt ngoài vùng biển Hoàng Sa “như mình đi cày, đi cấy trên mảnh ruộng nhà mình thôi mà”. Đó là tâm thế sống của những ngư phủ Lý Sơn, cái công việc mà họ coi như “đi trên ruộng nhà” lại là những hải trình kinh hoàng. Ngư phủ Nguyễn Đảng đã từng là chủ một con tàu đánh cá, hai lần bị phía Trung Quốc bắt giữ, phạt tiền, lần thứ ba ông bị tịch thu tàu và từ một ông chủ, ông trở thành kẻ trắng tay, nhưng ông vẫn không bỏ nghề, mà chuyển xuống tàu “đi bạn” cho những con tàu khác, để được tiếp tục ra Hoàng Sa mưu sinh. Và chuyến đi định mệnh hồi tháng 12.2010 ấy, người ngư phủ can trường này đã không bao giờ trở về.

Giải thích sự hiện diện của ngôi chùa mang tên Âm Linh Tự ở An Vĩnh, ông Đạt cho biết: “Nó hoàn toàn khác các ngôi nghĩa tự khác, nơi đây không chỉ thờ cúng các bậc tiền nhân có công khai phá đảo Lý Sơn từ hơn bốn trăm năm trước, mà còn là nơi thờ linh hồn của các thế hệ binh phu, ngư phủ đã hy sinh ngoài Hoàng Sa”. Hai chữ Hoàng Sa đã ăn sâu vào tâm khảm, tiềm thức, tâm thế sống của bao thế hệ ngư phủ trên hòn đảo này, hòn đảo mà người ta không nuôi tằm, nhưng có tục trồng dâu để lấy thân dâu hoà với đất sét làm xương cốt cho những ngư phủ bỏ mạng ngoài biển khơi trong những nấm mộ gió. Và chính ông Đạt cũng đã làm lễ gọi hồn cho ngư phủ Nguyễn Đảng và năm ngư phủ khác trở về an nghỉ trong những ngôi mộ gió như vậy.

Còn với ngư phủ mà nhiều người quen gọi với cái tên là “sói biển” Mai Phụng Lưu, người đã có đến bốn lần bị Trung Quốc bắt giữ, từ một ông chủ tàu sau những lần bị bắt, bị phạt tiền, tịch thu phương tiện đến tán gia bại sản; người vừa được vay vốn 300 triệu đồng để đóng tàu và có cơ hội đi tiếp ra Hoàng Sa từ chương trình Cùng ngư dân bám biển của báo Sài Gòn Tiếp thị, tâm sự: “Bị bắt, bị chích điện hoài cũng sợ, nhưng khi về tới Lý Sơn rồi thì lại nhớ Hoàng Sa, mỗi khi ra khơi nhắm hướng quần đảo Trường Sa rồi, đi một ngày một đêm là tới, nhưng không hiểu sao lại ngoặt bánh lái về hướng Hoàng Sa, bởi đầu óc lúc nào cũng cứ tưởng mình đang ở ngoài Hoàng Sa. Nếu có nằm trong mộ gió, cũng cam lòng”.

Nhìn ông Võ Hiển Đạt khăn áo chỉnh tề, đang khấn vái trước nấm mộ gió của gia tộc họ Phạm, nơi hơn hai thế kỷ trước, ông tổ họ Phạm, cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, đã dẫn đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải gồm những ngư phủ của hai làng An Vĩnh và An Hải vượt sóng ra xác lập chủ quyền giữa trùng khơi mới thấy tinh thần yêu nước của những ngư phủ Lý Sơn chưa bao giờ ngừng nghỉ…

“Lấy chồng ngư phủ, hồn treo cột buồm…”

Thân phận những người vợ của ngư phủ là thế. Đau xé lòng mỗi khi chồng theo tàu ra biển mỗi năm có đến mười tháng. Và khi những người ngư phủ can trường không trở về, thì không chỉ tâm hồn, mà thể xác và con đường phía trước với họ càng chông gai hơn.

Tôi đến thôn Đông, xã An Hải tìm nhà chị Nguyễn Thị Xí, vợ ngư phủ Nguyễn Đảng. Ngôi nhà cấp bốn trống trước trống sau. Bàn thờ chỉ có bát nhang, không di ảnh. Người hàng xóm cho biết chị Xí đã ra ghềnh hái rong biển kiếm sống. Ngoài ghềnh đang có hàng chục người đàn bà còng lưng hái rong biển. Một ký rong biển bán được bốn ngàn đồng, cả ngày những người đàn bà này hái được hai, ba ký. Đa số là vợ goá của các ngư phủ. Chị Xí chiều nay đi hái rong mang theo đứa con gái mới lên năm. Đây là đứa con duy nhất của chị và người ngư phủ can trường Nguyễn Đảng.

“Bị bắt mấy lần, mất cả tàu, cơn bão số 9 ập vào làm bay luôn cái nhà, vậy mà ổng cũng không thôi đi ra Hoàng Sa. Ổng nói, ráng làm để cất lại cái nhà cho đàng hoàng. Điều ổng mong ước nhất là năm nay được đưa con bé vô lớp 1, vậy mà…”, chị Xí nghẹn ngào khi nhắc đến chồng.

Ngôi nhà nhỏ cất lên sau bão mà người ngư phủ đánh đổi bằng mười tháng lênh đênh nơi Hoàng Sa. Ước mơ thấy con ngày đầu đến trường... Giờ đây, tất cả chỉ còn là ký ức đau xé lòng của người quả phụ nghèo khó. Chị Xí cho biết, từ khi ông Đảng mất tích trên biển tới giờ, chị chưa lần nào vào được bờ để xin các anh ở đài truyền hình Quảng Ngãi cho một tấm ảnh của chồng về thờ. Chẳng là hôm đài ra làm phim, có phỏng vấn chồng chị. Cả đời người ngư phủ có phút nào thảnh thơi mà nghĩ đến chuyện phải đi chụp cho mình tấm hình?

Chị Xí kể, chuyến tàu ra khơi ngày 30.12.2010 ai cũng mong chuyến về có tiền cho vợ con sắm tết. Tội nghiệp nhất là ngư phủ Lê Tân, chủ tàu, tính không đi nữa, nhưng thấy các ngư phủ khác muốn đi kiếm chút tiền, nên cũng bấm bụng ra Hoàng Sa. Cả sáu người đều mất xác. Hơn tháng trời, mấy người đàn bà cứ ra cầu cảng ngóng ra hướng Hoàng Sa chờ chồng, đến khi ban chủ tế Âm Linh Tự làm lễ gọi hồn, họ mới chịu từ đây mình trở thành quả phụ...

Chiều đã tắt nắng, chị Xí gói vội mấy ký rong biển vào bao để kịp mang ra chợ đong gạo cho bữa cơm chiều. Chị thở dài: “Mai là nước lớn rồi, không thể đi ra ghềnh được nữa, không biết con bé lấy gì ăn đây?”. Chiều nay, nơi thị thành quây quần cùng gia đình bên mâm cơm nóng cá tươi, có ai nhớ đến cảnh đời của những ngư phủ can trường nơi biển xa đang mưu sinh, đang giữ biển? Trong ráng chiều, trước biển, tôi chợt cảm nhận thật rõ ràng vị mặn của Hoàng Sa…

B.N.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn