Vì sao tội ác lên ngôi?

Tống Văn Công

Suốt mấy tuần qua, báo chí trong nước đăng nhiều bài phân tích nguyên nhân của hai vụ giết người cướp của ghê rợn xảy ra cùng thời gian ở Bắc Giang và Bình Dương. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vốn là nhà giáo, bà bức xúc “rung chuông về giáo dục nhân cách”. Nhiều vị tiến sĩ tâm lý vào cuộc. TS Thạch Ngọc Yến có bài viết Thiếu vách chắn trước cơn bốc đồng, cho rằng các vụ này có “mẫu số chung là: Họ có một quá khứ không bình thường. Có thể là sự xáo trộn trong gia đình, là tuổi thơ bị bỏ rơi…”. PGS-TS Lê Trọng Ân có bài Người lớn hãy làm gương, với mở đầu “Ông bà ta dạy: Con dại cái mang. Do đó con cái hư hỏng, cha mẹ phải xem lại mình…”. Nhà báo Cao Tuấn có bài Sức mạnh kháng thể, “khái quát hơn cái ác có vẻ như đang ẩn hiện khắp nơi”. Thế nhưng ông lại nhận định: “Nó là sản phẩm “quái gỡ” (nhưng không nhiều) của một xã hội đang vận động đi lên - các yếu tố cũ, lạc hậu chưa mất hẳn và yếu tố mới, tiến bộ chưa định hình… Xét về mặt triết học, đây là thời kỳ chuyển tiếp không dễ dàng đối với bất cứ xã hội nào”. Lạ lùng là ông khuyên đừng “quá chú tâm truy tìm gốc rễ của những hiện tượng quái gỡ, hãy dành nhiều thời gian hơn để thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng lành mạnh”. Thật không khác nào trước con bệnh ngặt, lại khuyên thấy thuốc chớ chẩn đoán bệnh, mà hãy khuyến khích họ vui chơi, chạy nhảy!

Tôi không phải nhà nghiên cứu tâm lý, nhưng có lưu tâm đến vấn đề đạo đức xuống cấp, khi nghe anh Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân – tác giả Sống như anh) từ miền Nam trở ra Hà Nội tâm sự: “Cậu ạ, Đảng mình có trách nhiệm đã làm xuống cấp đạo đức người dân Hà Nội. Hồi tớ đi học, mỗi khi thấy đám ma từ xa, cả bọn xuống xe đạp, giở mũ cúi đầu, chờ xe đi qua. Còn nay, bọn trẻ ngang nhiên phóng xe, lại còn lớn tiếng chửi thề, tại sao xe tang đi chậm cản đường!”. Tôi nghĩ đạo đức xuống cấp bắt đầu từ chuyện lớp trẻ chửi xe tang cản đường đã phát triển dần từng năm một! Tết Nguyên đán năm 2009, Hà Nội xảy ra vụ hằng trăm người xô đạp nhau tranh cướp hoa anh đào, tôi đã viết bài Vì sao đạo đức băng hoại tặng nhà thơ Hoàng Hưng và giáo sư Nguyễn Huệ Chi là hai người quan tâm vụ việc này. Gần ba năm qua, tình trạng xã hội và con người Việt Nam đã đi tới câu hỏi bức thiết hơn: Vì sao tội ác lên ngôi?

I. Đoạn tuyệt với đạo đức truyền thống!

Xin đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx - Engels, Phần 2, “Những người vô sản và những người cộng sản” (Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội, năm 1974, trang 77):

“Có người sẽ bảo: “Cố nhiên những quan điểm tôn giáo, đạo đức, triết hoc, chính trị, pháp quyền, v.v. đã biến đổi trong tiến trình phát triển lịch sử. Nhưng tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền vẫn luôn được bảo tồn qua những biến đổi ấy.

Vả lại, còn có những chân lý vĩnh cửu như tự do, công lý, v.v. chung cho mọi chế độ xã hội. Thế mà chủ nghĩa cộng sản lại xóa bỏ những chân lý vĩnh cửu, nó xóa bỏ tôn giáo và đạo đức chứ không đổi mới tôn giáo và đạo đức; làm như thế là trái ngược với tất cả sự phát triển lịch sử trước kia?”.

Lời buộc tội ấy rốt cuộc là gì? Lịch sử của tiến bộ xã hội từ trước tới nay đều diễn ra trong đối kháng giai cấp, những đối kháng mang những hình thức khác nhau tùy thời đại. Nhưng dù những đối kháng mang hình thức gì đi nữa, hiện tượng một bộ phận này của xã hội bóc lột một bộ phận khác cũng vẫn là hiện tượng chung cho tất cả các thế kỷ trước kia. Vậy không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng ý thức xã hội của mọi thế kỷ mặc dù có muôn màu muôn vẻvà hết sức khác nhau vẫn vận động trong một số hình thức chung nào đó, trong những hình thái ý thức chỉ hoàn toàn tiêu tan khi hoàn toàn không còn có đối kháng giữa các giai cấp nữa.

Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với tư tưởng cổ truyền…”.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20, người Việt Nam bắt đầu được nghe, “nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”. Nhà nước này sắp xếp thứ tự của “tứ dân” từ sĩ, nông, công, thương phải thay đổi: Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng; Giai cấp nông dân là quân chủ lực cách mạng, nhưng lại chia thành: cố nông, bần nông, trung nông. Cố nông, bần nông là cốt cán tin cậy. Trung nông kém tin cậy hơn, chia ra trung nông lớp dưới và trung nông lớp trên. Phú nông vừa lao động vừa bóc lột, phải tước bỏ tính bóc lột của họ. Địa chủ không còn nằm trong lực lượng yêu nước mà là đối tượng phải tiêu diệt. Tầng lớp trí thức có cái đuôi là tiểu tư sản, được gọi đùa là “tạch tạch xè”, bị xem là có lập trường bấp bênh, dễ bị dao động, cần được theo dõi, uốn nắn. Thương nhân là hạng người xấu xa nhất. Giai cấp tư sản là đối tượng phải tiêu diệt, nhưng tư sản thương nghiệp, gọi là bọn mại bản phải tiêu diệt đầu tiên. Nhiều người cho rằng sự sắp xếp lại “tứ dân” như trên là đem tay chân thay thế cho bộ não của xã hội! (Đến nay, ở thời đại kinh tế tri thức việc gọi giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thì sự vô lý càng trở nên bức xúc!). Từ lúc ấy, “Đại đoàn kết” đã nhường bước cho “đấu tranh giai cấp”, đạo đức bắt đầu đảo lộn, chữ “tố” lên ngôi thành một loại hoạt động xã hội được tôn vinh, đẻ ra thành ngữ mới “con tố cha, vợ tố chồng”!

Đạo đức cao nhất là trung thành với chủ nghĩa Marx - Lénin. Với nguyên tắc dân chủ tập trung, lãnh tụ Đảng cộng sản trở thành Thượng đế. Lãnh tụ quốc tế cộng sản đáng kính yêu hơn cả cha mẹ mình: “Vui biết mấy khi con học nói. Tiếng đầu đời con gọi Stalin” (Tố Hữu). Chữ trung, chữ hiếu truyền thống cũng thay đổi. Lời Cụ Hồ “trung với nước” bị đổi thành “trung với Đảng”. Trong cuộc chỉnh Đảng Trung ương khóa 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có người nói, người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cộng sản có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có hay không? Có! Người cách mạng nhất, là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hằng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò. Mình chẳng những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ hiếu theo tinh thần cách mạng rộng rãi như vậy… Gia đình to là cả nước và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to! Đó là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 389).

Sách Đại học (Tập 1 trong Tứ thư) viết: “Có hiếu là phải biết phụng sự vua. Có đễ là biết phụng sự người lớn”, tức là có ý dạy rằng, phụng sự vua cũng có nghĩa là có hiếu với cha mẹ, chứ không phải đòi hỏi chọn việc phụng sự vua mà bỏ cha mẹ.

Có lẽ, vì “cách mạng chọn gia đình to, hy sinh gia đình nhỏ” thể hiện triệt để tư tưởng của chủ nghĩa tập thể, cho nên “5 điều Bác Hồ dạy” không có điều nào dạy con cái phải hiếu thảo, kính yêu cha mẹ, ông bà. Bởi vì cha mẹ, ông bà của gia đình nhỏ đã được đặt trong gia đình lớn là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.

Trong hồi ký Chuyện làng ngày ấy nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện làng của ông phá bỏ chùa chiền, miếu mạo, tập thể hóa cả mồ mả ông bà. Tiếp theo đó, hồi ký Cọng rêu dưới đáy ao, Võ Văn Trực kể chuyện chính quyền, đoàn thể buộc người ta phải hy sinh mọi lợi ích riêng tư, dành tất cả cho tập thể. Con người muốn cho riêng mình thì buộc phải che giấu, nói dối (lý lịch gia đình, các mối quan hệ xã hội, báo cáo láo thành tích, những lo toan cho cá nhân, gia đình mình…). Do đó, Từ điển có thêm từ “khai man”, “tố điêu”.

II. Xây dựng đạo đức cách mạng

Từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lề lối làm việc đã đề ra việc chống các bệnh chủ quan, ích kỷ hẹp hòi, cá nhân, bản vị, cục bộ và xây dựng đạo đức cách mạng. Từ đó cho tới năm qua đời, Cụ viết rất nhiều bài mở rộng tư tưởng này, tiêu biểu là bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, viết ngày 3-2-1969, và trong Di chúc đoạn nói về Đảng cầm quyền. Cụ chỉ ra 10 bệnh của chủ nghĩa cá nhân cần phải xóa bỏ và đề ra nội dung đạo đức cách mạng gồm: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Chí công vô tư vốn là một khái niệm đạo đức cũ. Chí công nghĩa là rất công bằng; vô tư là không có lòng riêng khi làm việc chung. Khái niệm này vốn dành cho quan lại, chứ không phải cho dân thường. Với quan chức, nó cũng chỉ đòi hỏi họ chí công vô tư khi hành xử công việc, chứ không phải trong cuộc sống riêng tư. Bởi vì trong cuộc sống riêng tư, họ cũng muốn lên chức, có lương cao, bổng hậu, vợ đẹp con khôn, thành đạt.

Cụ Hồ biến ý nghĩa cụm từ này thành đạo đức cách mạng, đòi hỏi mọi người đều phải thực hiện. Thậm chí Cụ cho rằng, nhiều đảng viên không thâm nhuần tư tưởng chí công, vô tư cho nên mắc chủ nghĩa cá nhân; và phải chí công, vô tư thì mới có cần, kiệm, liêm, chính. Theo cách hiểu phổ biến thì các nội dung trên đòi hỏi con người phải triệt tiêu cái riêng, đưa cái chung, cái tập thể lên địa vị độc tôn. Trong thời chiến (mà nước ta thời chiến quá dài!), mọi người dân dễ chấp nhận tư tưởng ấy, nhất là khi đặt mình giữa cái sống, cái chết ở chiến trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kiến Giang “trước sự hy sinh, con người thật ra phải có ý thức rất cao về cá nhân mình… Đó là phút thăng hoa của con người cá nhân”.

Tuy nhiên, nếu cho rằng chủ nghĩa tập thể giúp cho Việt Nam chiến thắng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thì không đúng. Chính chủ nghĩa yêu nước mới là động lực chiến thắng, còn chủ nghĩa tập thể chỉ hạn chế động lực ấy. Có thể đưa ông Kim Nhật Thành của Triều Tiên làm ví dụ. Ông Kim được cả triệu quân Trung Quốc chi viện, nhưng vẫn không thắng nổi Hàn Quốc. Bởi ông ta không có Cách mạng Tháng 8, không có Hiến pháp 1946, không có Mặt trận dân tộc giải phóng ở miền Nam với lá cờ Hòa bình, Độc lập, Trung lập.

Nước Mỹ giàu mạnh, nhờ có dân chủ mà người dân có quyền ngăn chặn chiến tranh Việt Nam chỉ trong 5 năm, khi họ thấy chính phủ sai lầm. Việt Nam nghèo, lại bị cấm vận, nhưng đã kéo dài sự có mặt ở Campuchia đến 10 năm, chịu biết bao hậu quả không đáng có!

Chủ nghĩa tập thể vô hiệu hóa trách nhiệm cá nhân và tước mất lực lượng đại đoàn kết dân tộc ngay trong thời chiến.

Những ai từng tham gia kháng chiến chống Pháp đều biết giai thoại này: Các ông Năm Lửa, Ba Gà Mổ bảo nhau: “Bọn Việt Minh hội họp liên miên, cho nên còn rất ít thì giờ tìm đánh mình. Nếu họ bớt hội họp thì nguy cho mình đó!”.Từ những năm 50, do lo sợ bị loại vì chủ trương chấn chỉnh tổ chức, nhiều cán bộ chỉ huy cấp khu đã rời bỏ kháng chiến như Bảy Viễn, Trịnh Khánh Vàng… Trong thời chống Mỹ, rất nhiều nhân tài bị cách chức (như Kim Ngọc), hoặc giam cầm (Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang…).

Hơn 60 năm qua, năm nào cũng có chỉ thị, nghị quyết giảm hội họp, nhưng không thể giảm được. Bởi vì, cả hệ thống chính trị đều theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, rất cần có một quyết định tập thể để khi công việc thất bại chẳng có ai phải giơ đầu chịu báng! Vinashin nuốt tiền thuế của dân trung bình mỗi đầu người hơn một triệu đồng, nhưng đâu có ai bị kỷ luật. Bauxite Tây Nguyên, dự án lớn của Đảng, nhà nước đang băm nát đường vận chuyển ở hai tỉnh, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, và nếu mai kia xảy ra tai họa trút bùn độc lên đầu 20 triệu nhân dân thì cũng sẽ không có ai phải hầu tòa!

Sau giải phóng miền Bắc, chủ nghĩa tập thể bóp nghẹt mọi quyền tự do cá nhân.Tuy nhiên, chỉ có giới văn nghệ sĩ phản ứng bằng vụ Nhân văn - Giai phẩm. Bởi vì đặc thù của lao động nghệ thuật đòi hỏi phải có không gian tự do cá nhân tuyệt đối mới có thể sáng tạo.

Không chấp nhận cạnh tranh, chủ nghĩa xã hội tổ chức phong trào thi đua tập thể để thúc đẩy lao động sản xuất. Đó là hình thức làm tăng dối trá theo cấp số nhân. Ở miền Bắc ai cũng đã nghe chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trại lợn hợp tác xã. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy lợn cắn nhau quá dữ dội. Thì ra, Chủ nhiệm trại lợn đã có “sáng kiến” mượn lợn nuôi cá thể của các gia đình, đem nhốt chung vào chuồng hợp tác xã, để báo cáo Thủ tướng về tốc độ phát triển thần kỳ của chăn nuôi tập thể, chứng minh tính ưu việt không thể chối cãi của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sa sút, lụn bại ngành giáo dục cũng là phong trào thi đua tập thể “hai tốt”. Dù ông Nguyễn Thiện Nhân gào lên “nói không” thì phong trào thi đua với mục đích tối cao là thành tích rất lặng lẽ cãi lại ”nói có”!

Không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, chủ nghĩa xã hội kêu gọi phê bình, tự phê bình để khắc phục khuyết điểm. Nhưng thực tế cho thấy chả có ai chịu “vạch áo cho người xem lưng”. Đã có giai thoại: “Xin nghiêm khắc phê bình anh Hai luôn làm việc quá sức. Xin chân thành góp ý với anh Hai rằng, sức khỏe của anh Hai không phải là của riêng anh mà là tài sản quý báu của tập thể, của Đảng”. Cho đến nay, những nơi bị phát hiện tham nhũng lớn đều là nơi đang có phong trào thi đua sôi nổi, có tinh thần phê bình, tự phê bình thẳng thắn, đã nhiều năm đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”, như Đại lộ Đông Tây của Huỳnh Ngọc Sĩ chẳng hạn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói nổi tiếng “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” (Câu này trái với Marx, theo Marx vật chất có trước ý thức). Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cách mạng, là con người của giai cấp vô sản, mọi tính người hình thành trong lịch sử bị coi là của giai cấp tư sản, phải xóa bỏ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc đặt khuôn mẫu cho con người xã hội chủ nghĩa, giống như kiểu dùng chiếc giường Procuste đặt con người lên đó, ai dài hơn giường thì chặt bớt cho vừa, ai ngắn hơn thì kéo cho dài ra. Cho đến khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ cũng vẫn chưa có con người xã hội chủ nghĩa! Trong nhật ký ngày 18-3-1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: “Bây giờ đã đến cảnh không ai dám nói thật với ai”. Năm mươi năm sau, nhà văn Nguyễn Khải, đảng viên 60 tuổi Đảng, giải thưởng Hồ Chí Minh, lặp lại lời Nguyễn Huy Tưởng như một tổng kết bản chất của chế độ trong bút ký chính trị cuối cùng: “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật”. Như vậy có thể nói, tất cả những người ưu tú nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không có một ai thực hiện được đạo đức cách mạng. Nói dối, nghĩ một đằng, nói một nẻo chính là nguyên nhân đầu tiên, từ đó đẻ ra những tệ nạn khác làm sa đọa xã hội.

III. Đạo đức cách mạng xung khắc với Đổi mới!

Cuối thập kỷ 80, đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, nổi bật là kinh tế và chính trị.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt lắng nghe nhân dân, đã dám làm một việc tày đình là “xé rào”, thực hiện “hài hòa 3 lợi ích”: lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cá nhân người lao động. Lợi ích cá nhân người lao động là điều chỏi với chủ nghĩa tập thể! Năm 1982, khi bị ra khỏi Bộ Chính trị, trở về làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Linh tiếp tục “xé rào” làm cho kinh tế, đời sống dễ chịu so với cả nước.

Năm 1983, trong đợt học tập Nghị quyết Trung ương (khóa 5), tôi được xếp vào tổ thảo luận của khối Dân vận Trung ương do Trưởng ban Vũ Quang làm tổ trưởng. Ông Vũ Quang hướng dẫn tổ phê phán “chủ nghĩa tự do kinh tế ở Sài Gòn” đang vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, năm 1986 Đại hội 6 đã chọn “xé rào” làm tiền đề của Đổi mới, lấy đổi mới kinh tế làm khâu đột phá. Đổi mới kinh tế tức là trả lại tự do, dân chủ cho nhân dân, nông dân được ra khỏi hợp tác xã để nhận khoán hộ, người có vốn được đứng ra kinh doanh sản xuất và mua bán. Đổi mới kinh tế xóa bỏ những nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, tức là chọc thủng một mảng lớn chế độ toàn trị, nhưng được gọi tránh né là “chế độ quan liêu, bao cấp”.

Thật đáng tiếc, ông Nguyễn Văn Linh không ý thức được rằng “ba lợi ích” mà ông là đồng tác giả với Võ Văn Kiệt đã làm bật dậy sức sáng tạo của toàn dân, chính vì nó rời bỏ chủ nghĩa tập thể lỗi thời, trả lại tự do cá nhân cho người lao động. Ông khư khư định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận đổi mới chính trị tương ứng với kinh tế. Ông vừa mới nghe Trần Độ để cho ra Nghị quyết 05 “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, ngay sau đó đã giật mình, vội quy tội Trần Độ chệch hướng xã hội chủ nghĩa! Ông diệt sinh mệnh chính trị Trần Xuân Bách, chọn Đỗ Mười, người có “thành tích” trong một tuần đánh tan giai cấp tư sản dân tộc, làm người kế nhiệm. Ông chủ động cúi mình cầu thân với Bắc Kinh, vì cho rằng “dù có tư tưởng bành trướng, nhưng cùng là xã hội chủ nghĩa với nhau”. Đổi mới vì thế bị dẫm chân tại chỗ, đất nước bỏ lỡ nhiều cơ hội: không sớm bình thường quan hệ với Mỹ, chậm vào WTO, không dân chủ hóa xã hội, làm cho hệ thống chính trị thoái hóa, cản trở phát triển kinh tế, hiện nay có nguy cơ không thể thực hiện được mục tiêu ”đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Nghị quyết Đại hội 11), không tạo được điều kiện hòa giải, hòa hợp, phát huy sức mạnh dân tộc. Không đổi mới chính trị tương thích với kinh tế đã đưa tới khủng hoảng toàn diện mà nổi bật là hai tình trạng sau đây:

1- Một là, quyền lực nhà nước không bị kiểm soát, hạn chế, không có nền tư pháp độc lập; không có báo chí tự do, đã khiến cho đảng viên, cán bộ lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính, nổi bật là tình trạng chiếm đoạt nhà cửa, đất đai, ghê gớm hơn là hình thành những “nhóm lợi ích” lũng đoạn chính sách nhà nước. Nhìn từng làng xã, nhìn rộng ra cả nước, ai cũng thấy những kẻ tự xưng là đầy tớ của nhân dân, mở miệng là rao giảng đạo đức cách mạng, chí công vô tư, chính là những “tư sản đỏ”, sống trên luật pháp, tham nhũng từ to đến nhỏ, ăn cả tiền từ thiện cứu trợ đồng bào các vùng bị lũ lụt. Những người cơ cực, những dân đen thấp cổ bé họng, uất ức tìm mọi cách giành quyền sống trong một xã hội bất minh, bằng mọi cách ”loạn cương” như lừa lọc, cướp giật, giết người. Thế là hình ảnh một xã hội trung cổ được tái hiện: “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Có thể xếp song song hai dòng người sa đọa, nhưng đối chọi nhau trong bức tranh xã hội Việt Nam: Một bên là Đinh Văn Hùng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình buôn bình cổ, trống đồng trị giá hàng triệu USD, đã “hạ cánh an toàn, đang sống trong cơ ngơi như đế vương; Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hà Giang mua trinh học sinh vị thành niên, bị gái điếm chụp ảnh khỏa thân… đã “hạ cánh an toàn,” đang sống trong biệt thự sang trọng. Và tiếp theo chúng là hằng ngàn, hằng vạn “đồng chí chưa bị lộ”! Bọn này ngày càng đông nối nhau theo đà sa đọa của hệ thống chính trị. Chính chúng nó là nguyên nhân làm nảy sinh những kẻ thủ ác trong danh sách thứ hai, gồm những Lê Văn Luyện đang mọc lên như nấm!

2- Hai là, tự do kinh tế giải phóng sức lao động sáng tạo của cá nhân, đồng thời đánh thức cho họ biết rằng mình còn có những quyền của con người vẫn còn bị tước đoạt: Đó là quyền làm chủ nhà nước, quyền được mở mồm ra nói, quyền được hội họp và lập hội để bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp… Những ông Vua Lốp mới (nhân dân Hà Nội gọi ông Nguyễn Văn Chẩn là “vua lốp”, người tự chế ra dép lốp, tái sinh lốp xe cũ như mới, bị chính quyền Hà Nội xử tù 3 lần và tịch biên tài sản) của tự do chính trị liên tục xuất hiện từ Trần Xuân Bách đến Nguyễn văn An, rồi Cù Huy Hà Vũ…

Chân lý đang chia đôi thành hai trận tuyến hết sức gay gắt: Yêu nước và Phản động!

Báo chí lề trái cùng với đông đảo nhân dân gọi Cù Huy Hà Vũ là nhà yêu nước vĩ đại. Giáo sư Ngô Bảo Châu viết blog so sánh Hà Vũ với các vị anh hùng Hector, Tumus, Kinh Kha, “Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”. Hậu thuẫn Hà Vũ là hằng ngàn người ký tên kiến nghị đòi trả tự do cho ông, gồm nhiều đảng viên, lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức và nhân dân trong, ngoài nước, kể cả những người đã tham gia hằng chục cuộc biểu tình khắp cả nước từ tháng 6 đến nay. Tiếp sau đó, là hàng triệu nông dân mất đất, bị “giải phóng mặt bằng” bởi các “nhà đầu tư” cấu kết với đảng viên, cán bộ địa phương ép họ chịu đền bù đất đai với giá rẻ mạt, khiến họ hết đường sinh sống. Bên cạnh đó là hàng triệu công nhân tham gia hơn 4000 cuộc đình công bị coi là trái pháp luật, vì không có quyền chọn cho mình một tổ chức công đoàn dám bảo vệ quyền lợi đoàn viên.

Ngược lại, phía nhà cầm quyền, báo chí lề phải gọi những người kể trên là bọn phản động, nghe theo xúi giục của các thế lực thù địch chống Đảng, chống nhà nước và có âm mưu chia rẽ tình hữu nghị Việt - Trung. Nông dân bị Luật đất đai tước quyền sở hữu cá nhân (vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân), bị chặn lại với lệnh cấm khiếu kiện tập thể. Công nhân bị cấm không được phép cử Ban đại diện công nhân ở những nơi chưa có công đoàn do Đảng lập ra.

Qua hai bức tranh xã hội miêu tả khái quát, có thể nói: Tội ác tràn lan hiện nay không phải do “thiếu vách chắn trước cơn bốc đồng”, không phải “con dại, cái mang”, càng không phải “yếu tố cũ, lạc hậu chưa mất hẳn”, nó là sản phẩm mới đang sinh sôi hằng ngày do khủng hoảng văn hóa, đạo đức, nằm trong cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội Việt Nam, nguyên nhân chính là hệ thống chính trị không phù hợp với nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản hoang dã. Bài thuốc chữa duy nhất cho nó là dân chủ hóa xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập.

Ngày 9- 9- 2011

T.V.C.

Nguồn: Viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn