Cử tri Lithuania bác bỏ nhà máy điện hạt nhân

by Staff Writers, Vilnius (AFP) Oct 15, 2012

Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hùng dịch

Cử tri Lithuania hôm Chủ nhật đã bác bỏ các kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới thay thế nhà máy hạt nhân cũ duy nhất của quốc gia thuộc khu vực Baltic, một nhà máy của thời kỳ cộng sản Xô Viết bị đóng cửa theo điều kiện để được gia nhập vào Liên minh Châu Âu, mặc dầu chính quyền không bị bắt buộc phải chấp hành kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Gần 62% trên tổng số người đi bầu đã bỏ phiếu “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý, trong khi đó gần 35% đồng ý với kế hoạch, dựa vào con số cử tri đi bầu được Ủy ban bầu cử cung cấp.

Số người đi bầu đã vượt quá mức 50%, mức tối thiểu cần có để kết quả của cuộc trưng cầu dân ý có hiệu lực.

“Tôi đã bỏ phiếu ‘Không’”, cử tri Lina Kacinksiene nói. “Tôi chống đối nhá máy điện hạt nhân vì lý do môi trường, an ninh và tài chính”.

Mặc dầu chính phủ không bị ràng buộc về pháp lý, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đưa thêm nghi ngờ mới đối với một kế hoạch đang bị trì trệ vì cuộc trưng cầu dân ý đã được thực hiện cùng lúc với cuộc bầu cử tổng quát với kết quả là các đảng phái thuộc cánh tả đang dẫn đầu, nhưng họ lại không có thiện cảm với kế hoạch điện hạt nhân.

Tuy vậy, các nhóm chống đối năng lượng hạt nhân có lẽ cuối cùng cũng không được hài lòng.

“Chúng tôi ủng hộ điện hạt nhân”, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trung tả, ông Algirdas đã nói, đảng này đã về nhì trong cuộc bầu cử sau đảng Lao động Nhân dân cánh tả. Hai đảng sẽ kết hợp để thành lập một chính phủ liên minh.

Đảng Dân chủ Xã hội đã từng thúc đẩy cho tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, dẫn đến những sự cáo buộc từ phía chính phủ của đảng bảo thủ về sự gian dối của họ, trong khi trước năm 2008 lúc đang nằm chính quyền họ đã ủng hộ dự án điện hạt nhân và ngay cả việc họ đã cố gắng xin gia hạn thêm

Nhưng chủ tịch đảng Butkevicius đã nói rằng những trở ngại xuất phát từ các dự án hiện thời đã được đưa ra một cách vội vàng và đã tạo ra rất ít ý nghĩa về kỹ thuật và thương mãi, cần phải được nghiên cứu lại.

Lãnh đạo đảng Lao động, ông Viktor Uspaskich, cũng đã có phản ảnh tương tự.

“Dự án này cần phải được tính toán lại về giá thành. Sau đó chúng tôi mới có thể xem xét dự án này có lợi về mặt kinh tế như thế nào, nếu khả thi thì chúng tôi sẽ ủng hộ”, ông nới với các phóng viên.

Mặc dầu tình hình chống năng lượng hạt nhân trên thế giới đang gia tăng tiếp sau thảm họa sóng thần tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Nhật Bản vào năm 2011, chính phủ trung hữu của Lithuania trước đó đã đẩy mạnh kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân cùng với hai nước láng giềng Latvia và Estonia.

“Đối với các nước trong vùng Baltic, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là việc rất quan trọng, cả về quan điểm chiến lược, và về quan điểm kinh tế”, Thủ tướng Bảo thủ Andrius Kubilius, mà đảng của ông về hạng thứ ba trong cuộc bầu cử, đã nói với phóng viên hãng thông tấn AFP trước ngày trưng cầu dân ý.

Một cử tri, ông Mindaugas 30 tuổi, người không muốn cho biết họ của mình, đã nói rằng dự án nhà máy điện hạt nhân là sai trên mọi phương diện.

“Tôi không tin là Lithuania có khả năng để xây nhà máy ĐHN, và sẽ bị phá sản. Tôi cũng chống lại việc có một nhà máy quá nguy hiểm như vậy trên lãnh thổ Lithuania. Thứ ba là tôi không tin giá điện sẽ rẽ hơn”, ông nói.

Ông Juozas ở lứa tuổi năm mươi đã có ý kiến ngược lại.

“Tôi ủng hộ 100% cho nhà máy mới. Năng lượng nguyên tử là một thương vụ tốt nhất hiện có. Và gạt qua một bên tại nạn hạt nhân tại Chenobyl và Fukushima, năng lượng nguyên tử là dạng năng lượng tương đối an toàn dựa vào số lượng được sản xuất”, ông nói.

Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản được xem xét để cho xây nhà máy điện hạt nhân mới tại vùng đông bắc Lithuania – hy vọng sẽ sản xuất 1.350 megawatts từ năm 2020-2022, tuy rằng quyết định đầu tư cuối cùng phải đợi đến năm 2015.

Nhà máy điện hạt nhân trước đó, có cùng thiết kế như nhà máy bị nổ tại Chernobyl vào năm 1986, được xây cất khi Lithuania vẫn còn là một phần lãnh thổ của Liên bang Xô Viết.

Cuối cùng nhà máy này bị đóng cửa như là một điều kiện để Lithuania được gia nhập vào Liên minh Châu Âu. Thủ Tướng Vilnius đã thất bại trong việc thuyết phục Brussels cho phép dời ngày đóng cửa nhà máy ĐHN này đến ngày 31 tháng 12 năm 2009.

Vì nhà máy ĐHN cũ cung cấp hầu như toàn bộ điện năng cho Lithuania, quốc gia với 3 triệu dân hiện nay đang lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp điện năng từ Nga, nước mà họ đang có mối liên hệ không được êm ả từ khi giành được độc lập từ Nga cách đây hai thập niên.

Các phe nhóm cánh tả của Lithuania đã từng hứa sẽ xem xét lại toàn bộ chính sách về năng lượng nếu họ thắng cử.

Các nhóm cánh tả nói rằng cần phải thực hiện công tác cách nhiệt cho các khu chung cư để cắt giảm chi phí sưởi ấm, một gánh nặng rất lớn cho ngân sách gia đình trong mùa đông dữ dằn tại vùng Baltic.

Họ cũng có quyết tâm “bắt đầu lại” mối liên hệ với Moscow, vì sự căng thẳng giữa hai nước đã tăng vọt do chính quyền Lithuania nghi ngờ đại công ty Nga Gazatom đã lũng đoạn thị trường, công ty độc quyền cung cấp khí đốt cho Lithuania.

Vilnius đã khởi động một cuộc điều tra quan trọng thực hiện bởi các viên chức kiểm soát cạnh tranh công bằng của Liên minh Châu Âu và đã kiện đại công ty Gazprom ra trước tòa hòa giải quốc tế đòi bồi thường thiệt hại với số tiền khoảng 1,9 tỷ USD.

Nguồn:

nuclearpowerdaily.com

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn