Biết một nửa cũng tức là chưa biết

KTS Trần Thanh Vân

Nhân đọc bài “Từ Washington DC nhỏ nghĩ về Hà Nội ‘to’” của Tác giả Hiệu Minh trên BVN, tôi vừa có mối đồng cảm, vừa thấy có điểm chưa đồng tình, muốn ngỏ đôi lời cùng tác giả và bạn bè gần xa.

Cuộc triển lãm chớp nhoáng diễn ra trong 10 ngày để lấy ý kiến nhân dân Thủ đô về một việc liên quan đến Vận nước ngàn năm là Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã khép lại trong không khí đầy lo âu và đầy nghi ngờ. Có người hối hả đến xem Triển lãm hai ba lần và hý hửng mừng rỡ phen này giá đất lên cao thì nhà mình sẽ trúng to, có người hốt hoảng vì nghe người ta nói Đài độc lập sẽ đè lên nhà thờ Tổ giòng họ nhà anh ta, nhưng chưa kịp mời thầy địa lý đến xem để kiểm tra giúp cho thì Triển lãm đã đóng cửa.

Có lẽ sôi động nhất vẫn là những thông tin về Trung tâm Hành chính Quốc gia sẽ lên Ba Vì, về Trục Thăng Long dài 30 Km đi từ Dốc Chợ Bưởi sẽ bay qua Hồ Đồng Mô để kết nối Thăng Long với Văn hóa Xứ Đoài, về ý tưởng bảo tồn đô thị lõi có Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây linh thiêng, về các hành lang xanh sẽ chiếm 70% diện tích đất của cả thành phố… những thông tin với nhiều mỹ từ ấy đã dẫn đến những cuộc thảo luận sôi động từ các phòng làm việc trang trọng của các cơ quan công quyền đến các phòng khách tư gia và các quán nước vỉa hè.

Ngày 14/5/2010, trong Hội thảo khoa học tại Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên & Môi trường, có một bài tham luận xuất sắc của Tiến sĩ khoa học Đỗ Tuyết về cấu tạo địa chất thủy văn vùng Hà Nội, đã gây nên cuộc tranh cãi cũng rất sôi động về quy hoạch Thủ đô Hà Nội trong hội trường. Một Kiến trúc sư cảnh quan như tôi, dù đã có nhiều năm nghiên cứu học hỏi, thì kiến thức cũng chỉ mới dừng lại ở những hiểu biết rất đại lược về 8 dãy núi vòng cung Đông Triều, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Sông Gâm, Hoàng Liên Sơn, Hòa Bình, Sông Đà, Tam Đảo… dẫn đến những luồng gió xoáy, những hồ nước nằm rải rác khắp đô thành nhưng có những mạch ngầm nối thông với các con sông theo nguyên tắc bình thông nhau, tạo ra những vòi nước xoáy bay vút lên mà sách Phong thủy gọi là Long quyển thủy.

Phong là Gió, Thủy là Nước, hiểu biết của tôi từ ngày còn rất trẻ thơ khi được chứng kiến “Cơn lốc Hồ Tây” cướp đi 4 mạng người của đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ, thì tôi đã tự giải thích được bằng kiến thức vật lý học ở cấp II đơn giản rằng do có ai đó chui xuống đáy hồ táy máy khiến cho áp suất chênh lệch giữa mực nước sông Hồng và mực nước Hồ Tây vào giữa mùa nước lên (hôm đó là 25/7/ năm Ất Mùi) tạo ra tai họa dữ dội, khiến người khắp Hà Nội từ già chí trẻ không ngừng thầm thì bàn luận về một bàn tay vô hình siêu nhiên bày đặt.

Đến hôm nay, khi đã có bề dày về thâm niên nghề nghiệp và đã từng trải trong cuộc sống, tôi lại có dịp nghe kiến giải về cấu tạo các tầng địa chất và mở mắt ra để xem bản đồ dấu tích các dòng sông cổ và hiểu kỹ hơn về Trung tâm đới sụt kiến tạo trẻ Đồng bằng Sông Hồng, một mảng vô cùng hệ trọng của Phong thủy Địa mạch, thì tôi càng thấy lo lắng nhận ra sự ngu dốt của con người ngày nay đang đua nhau xây nhiều công trình cao tầng là ta phá nát và dìm Thành cổ Thăng Long ngàn năm sâu và nhanh hơn vào trong lòng đất. Sau 1000 năm, dấu tích Hoàng thành Thăng Long đã tụt xuống 5m so với đương thời và sẽ sụt nhiều hơn nữa nếu các công trình hoành tráng như cơ quan Bộ Quốc phòng, Tòa nhà Quốc hội còn tiếp tục mọc lên.

Tại một Hội thảo khác do Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội tổ chức, người ta bàn về việc cải tạo Môi trường các hồ ở Hà Nội, người ta lo ngại diện tích hồ đang bị mất dần, nước trong hồ đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng… và trong một báo cáo chuyên đề của Hội thảo này, diễn giả nhắc đến thành công bước đầu của việc ứng dụng công nghệ hút bùn và tách bùn ra khỏi nước của Trường TU Dresden do Chính phủ CHLB Đức tài trợ xử lý. Thảo luận về Hồ Hoàn Kiếm, giáo sư Hà Đình Đức cho biết theo con số thống kê năm 1958, đáy Hồ Hoàn Kiếm sâu 6,8m, hôm nay đáy Hồ Hoàn Kiếm chỉ còn sâu từ 1m đến 1,5m. Tại sao lại như vậy? Rác rưởi rơi xuống không quét dọn nên đọng lại dưới đáy hồ chỉ chiếm một phần, phần quan trọng là do toàn bộ quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình chính là lòng sông cổ Nhĩ Hà khi xưa, bùn nhão chiếm toàn bộ đáy nền, nếu bên trên xây nhà thấp tầng thì không ảnh hưởng đến nền móng bao nhiêu, nhưng xây nhà cao tầng thì móng cọc nhồi bê tông ép lên lớp bùn làm cho nó bị đẩy sang chỗ trống là lòng hồ, khiến lòng hồ ngày một đầy lên.

Cũng bởi lý do này nên các nhà Phong thủy, các chuyên gia Sử học và các nhà Địa chất lên tiếng bảo vệ Hà Nội cổ bằng quan điểm nhất quán THỜI LÝ, TRẦN, LÊ, THĂNG LONG LÀ ĐÔ THỊ HÀNH CHÍNH, THỜI THUỘC ĐỊA PHÁP, HÀ NỘI CŨNG LÀ ĐÔ THỊ HÀNH CHÍNH, VẬY MÃI MÃI NƠI ĐÂY VẪN NÊN LÀ ĐÔ THỊ HÀNH CHÍNH. Với hệ thống công trình không cao, không đồ sộ, Đô thị này sẽ bảo tồn Thăng Long cổ, Hà Nội cổ và phải là một Đô thị Văn hóa và Du lịch.

Vậy theo cấu trúc TỰA NÚI NHÌN SÔNG & RỒNG CUỘN HỔ CHẦU, chúng ta mở rộng địa giới hành chính để có điều kiện giữ gìn Hà Nội cũ tốt hơn và tập trung các công trình cao tầng cho các mục đích sản xuất và hoạt động kinh tế, các khu công nghiệp ở những nơi xa hẳn thành phố lõi. Dân số nước ta chỉ có 15.585.000 người năm 1921 đã lên tới con số 86.160.000 năm 2008 (tăng 5,5 lần sau gần 90 năm) khiến ta không thể nuôi ảo tưởng giữ mãi một thành phố thưa dân, thoáng rộng, thanh bình… mà phải chấp nhận có những vùng đông đúc, chen chúc nhà cao tầng và giao thông hỗn hợp cả dưới đất cả trên cao.

Rất tiếc, việc nghiên cứu quy hoạch Thủ đô đang diễn ra vừa không có chủ thuyết vừa bát nháo như một nồi xôi đỗ. Khẩu hiệu họ nêu lên vẫn là Tựa núi nhìn sông & Rồng cuộn Hổ chầu, nhưng họ đưa TTHCQG vào Ba Vì tức là họ đã đưa những người đứng đầu Nhà nước chui vào núi và rời xa sông, tức là họ xây một Ẩn long, không còn một Thăng Long nữa. Chưa nói đến Trục Thăng Long thẳng đơ có tên là Trục Tâm linh mà không thấy ý nghĩa Tâm linh ở đâu cả? Tôi thật không rõ những người này không hiểu chút gì về Phong thủy hay họ có hiểu nhưng họ đang cố xuyên tạc và bôi nhọ khái niệm Phong thủy để chế giễu Đức Vua Lý Thái Tổ? Thậm chí dân gian đã có câu cửa miệng “Nhất cận thị, nhị cận giang” cũng là một chỉ dẫn về Phong thủy, nghĩa là: Thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông.

Nhân đây tôi muốn hồi âm đôi lời về bài viết rất thẳng thắn của tác giả Hiệu Minh, bởi tôi cứ có cảm giác vì giận quá hóa mất khôn, tác giả Hiệu Minh đã phê phán không thương tiếc đồ án Quy hoạch chung vừa đưa ra triển lãm và nhân thể anh phê phán lẫn chế giễu những người tôn sùng khoa học Phong thủy trong đó có tôi.

Thứ nhất: Tác giả Hiệu Minh nói rằng anh rất sợ Phong thủy (thì có ai ép anh đâu) nhưng anh lại gọi đó là đưa kiến thức mê tín vào việc xây dựng đất nước thì e rằng anh đã đôi chút hồ đồ rồi đó. Bởi vì Phong thủy không phải trò mê tín, hơn nữa chính Washington DC của anh cũng là một thành phố rất Phong thủy. Tại sao tôi nói vậy? Tại vì tuy chẳng thể hiểu kỹ Washington DC có hình vuông mỗi chiều một dặm như anh giải thích nhưng tôi lại biết rõ rằng dòng sông Patomac đi nghiêng nghiêng theo hướng Tây Bắc Đông Nam đã làm cho Đô thị hành chính trang nghiêm này trở nên rất mềm mại khi người ta kết hợp các ô vuông, các đường chéo và các đường tròn bao quanh các vườn hoa hình tròn ở phía trước và phía sau Nhà Trắng cũng như các hồ nước có cả hình tự nhiên và hình học chạy theo Công viên Patomac… đó chính là đặc điểm Phong thủy của một trong những thủ đô đẹp vào bậc nhất thế giới này.

clip_image002

Cảnh quan New York

Thứ hai: Nhân đây tôi cũng muốn nói với bạn Hiệu Minh rằng, trong kiến trúc, người Mỹ rất coi trọng Phong thủy. Là một Kiến trúc sư Cảnh quan, tôi xin trân trọng nhắc tới một người là bậc thầy của bộ môn Landscape Architect cách đây hơn một thế kỷ là Frederick Law Olmsted, người đã thiết kế quy hoạch cảnh quan thành phố Boston, một thành phố mang nhiều dấu ấn truyền thống Châu Âu và cho đến nay vẫn dẫn đầu nước Mỹ về khoa học và công nghệ mới, tiếp theo nữa ông cũng là tác giả của Cụm đô thị New York, cho dù có khá nhiều nhược điểm , nhưng cũng là một Đại đô thị 10 triệu dân

làm ăn phát đạt nhất thế giới, trong đó phải kể đến việc quy hoạch vị trí đặt tượng Thần Tự do rất đắc địa do người Pháp tặng từ năm 1886 để đón tàu thuyền từ Châu Âu đi tới.

Tôi nhớ năm 1994, khi tiếp một học giả người Mỹ , Giáo sư Toán học và Trường sinh học Nguyễn Hoàng Phương đã tặng ông này cuốn sách dịch tóm tắt tác phẩm nghiên cứu tựa đề Oriental Philosophy Fundamentals and Fuzzy set East and West dài trên 200 trang. Trong đó Giáo sư nhấn mạnh mọi thứ tưởng là mê tín đều được giải thích bằng khoa học hiện đại và chính xác là Toán học.

clip_image004Trở lại với Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi đã phấn đấu hơn một năm qua và lúc này đang tập trung mọi ý kiến, sức lực và tiền bạc để giành lại bằng được khu Tây Hồ Tây 210 ha mà từ năm 2008 Hà Nội đã quyết định trao vào tay người Hàn quốc. Trong bài đăng trên TuanVietnam.net: “Tìm hướng đầu tư cho Hồ Tây” ngày 29/7/2009, tôi đã nói kỹ rồi, nhưng bận tranh luận về Quy hoạch chung quá nhiều, mọi người bỏ qua tình tiết này, rằng đây chính là vấn đề Phong thủy. Trên trục nối Đền Thượng đỉnh Ba Vì về Đền Kim Ngưu cạnh Phủ Tây Hồ Vĩ độ Bắc 21 độ 3’ cộng trừ 15’’ đến 45’’ ở phường Xuân La quận Tây Hồ vẫn còn một vùng đất quan trọng nhất có giá trị phong thủy rất đắc địa mà chúng tôi quyết giành lại để làm Công viên mở qua Ngã ba Tam Hợp và hệ thống kênh đào nối sông Nhuệ, sông Thiên Phù, sông Tô Lịch và Hồ Tây, xây Trung tâm đào tạo nhân tài đất Việt và một phần quan trọng cho Trung tâm hành chinh Quốc gia. Như đã một lần tôi nhắc đến, người sẽ đền bù mọi chi phí mà Hàn quốc đã bỏ ra là Công ty Keystone Vietnam, nhưng xin lưu ý mọi người rằng Hàn quốc chưa chi ra 1376 tỷ VN đồng như họ công bố mà chỉ mới một phần nhỏ thôi .

Người sẽ đầu tư chính cho khu hoạt động công cộng này cũng là Keystone VN. Chỉ xin tiết lộ chút xíu như vậy, xin dư luận ủng hộ.

TTV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn