Hội nhập và tiếp thị tri thức

Kim Yến

clip_image001Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh

SGTT - Kiên định, bền bỉ, theo đuổi một cách quyết liệt trong việc giới thiệu tri thức cho bạn đọc, báo Sài Gòn tiếp thị trong thời gian qua cố gắng trở thành cầu nối chặt chẽ, thân thiết giữa bạn đọc với giới trí thức, nhà văn, nhà khoa học, nhà kinh tế… với nhiều chuyên mục “đặc sản” như Góc nhìn, Bác sĩ trò chuyện, Giá trị sống, Chuyện xưa chuyện nay… Dịp 21.6, chúng tôi giới thiệu ý kiến của những cây bút vốn là nhà khoa học, nhà văn, chuyên gia đầu ngành về sứ mệnh của trí thức trong thời hội nhập.

Phải có những người làm báo có tinh thần khai sáng.

Xét về mặt văn hóa, báo chí Việt Nam còn thua báo chí của nhiều quốc gia một khoảng cách rất xa.

Những tớ báo lớn của quốc gia, tức không phải báo lá cải, phải là những tờ báo văn hóa, cung cấp thức ăn tinh thần cho độc giả. Ngoài tính chất cung cấp thông tin, phải có tính chất xây dựng văn hóa, góp phần xây dựng xã hội thành một xã hội tri thức. Nếu con người phải học, học nữa, học mãi, thì các tờ báo phải có nhiều văn hóa, văn hóa nữa, văn hóa mãi. Hiện nay, rất nhiều tờ báo của Việt Nam mới chỉ là báo thông tin, chứ chưa phải là báo văn hóa.

Muốn có một tờ báo văn hóa phải có giới trí thức đa dạng tham gia, phải có những người làm báo có tinh thần khai sáng.

clip_image003Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn

Ước mong báo Sài Gòn tiếp thị luôn tự vấn.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhưng, đặc điểm của thông tin là manh mún, phân tán, đồng thời nó không phải lúc nào cũng đến được những người cần thông tin, nhất là ở nước còn nghèo như nước ta. Bị thông tin đánh lừa và mòn mỏi trí tuệ ngay trong thời đại thông tin là một nghịch lý có thật. Do đó, cần hơn bao giờ hết việc sớm thoát ra khỏi sự cô lập và thiếu hệ thống trong xử lý thông tin cũng như sự cố chấp, tự mãn. Xin hãy thử tưởng tượng những bậc tiền bối trong phong trào Duy tân một trăm năm trước đây sẽ vui mừng ra sao trước số lượng của phương tiện truyền thông ngày nay và các cụ sẽ làm gì, làm như thế nào nhằm tận dụng chúng về chất lượng để hưng dân trí, chấn dân khí! Ước mong báo Sài Gòn tiếp thị luôn tự vấn như thế.

clip_image005Nhà văn Nguyên Ngọc

Nền tảng của chuyển động xã hội là tri thức.

Ngày nhỏ, trước Cách mạng tháng 8.1945, tôi nhớ có rất nhiều tờ báo truyền bá tri thức, từ phổ thông cho đến uyên bác, như Khoa học và Đời sống, Thanh nghị, Tri tân… (do những trí thức lớn như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Vũ Đình Hòe, Đinh Gia Trinh… chủ trương). Lớp trẻ chúng tôi hồi đó đọc say mê, và bây giờ tôi nhớ lại với một lòng biết ơn, các tờ báo ấy và các tác giả của chúng đã gieo vào tâm trí chúng tôi một điều vô cùng quý giá sẽ đi theo chúng tôi suốt đời: óc tò mò hiểu biết, niềm khát khao tri thức, ý thức hạnh phúc sâu xa và vô tư, vô vị lợi khi được khám phá thế giới bất tận quanh ta… Tôi cũng nhớ hình như ngày ấy chúng tôi hiểu về báo chí như vậy, chờ đợi ở báo chí những điều như thế. Và những bậc trí thức lớn cũng tận dụng báo chí để làm công việc khai hóa đẹp đẽ và cần thiết ấy.

Quả thật ngày nay điều đó đã biến mất, hay mai một rất nhiều trong báo chí của chúng ta. Chỉ còn thấy tràn lan giải trí.

Tôi cho đó là một sự thoái hóa đáng buồn.

Mong sao những tờ báo tôi hằng yêu mến trở lại mạnh mẽ với chức năng tốt đẹp và cao quý này. Cũng mong các bậc trí giả trở lại với vai trò khai hóa không bao giờ có thể coi là xong, qua một công cụ hết sức hiệu quả là báo chí.

Nền tảng của những chuyển động xã hội bao giờ cũng là tri thức được dày công tích lũy và nâng cao trong quảng đại quần chúng.

clip_image007Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng

Cùng bạn đọc nắm tay nhau trong cuộc du hành sinh học.

Mới đây người bạn quý, anh Bùi Văn Nam Sơn đã bắt đầu loạt bài nhẹ nhàng thuộc lĩnh vực tư duy vốn khó nuốt về Socrate, Platon và Aristotle. Tôi rất vui. Anh đã chuyển những tác phẩm triết học của Kant, Hegel… sang tiếng Việt, đầu tư tầm cỡ cho những ai muốn nghiên cứu tới ngọn nguồn. Bây giờ anh Nam Sơn viết cho mọi người. Chắc nhiều bạn đọc háo hức đón chờ. Tôi hiểu được niềm vui của anh.

Tròn một năm qua, nhiều bạn đọc như cùng tôi nắm tay trong cuộc du hành sinh học. Là Bác sĩ, là thầy giáo trường y mấy mươi năm, say sưa dõi theo các thành tựu khoa học, xây đắp hiểu biết về sự sống ảo diệu của muôn loài và của con người, tôi ước ao có nhiều bạn tri giao chia sẻ lòng kính ngưỡng Mẹ thiên nhiên.

Báo Sài Gòn tiếp thị dành đất, hàng tuần tôi trồng bonsai. Chọn loài cây, cho vào chậu và chăm chút tỉa cắt. Số chữ tối đa 1.500, một hình bìa, hai hoặc ba hình minh hoạ nội dung. Tôi còn học làm bếp, xào nấu nêm nếm sao cho món ăn vừa miệng nhiều người. Tôi nghe góp ý “Nghe nói món này khó nuốt, thèm quá mà sợ không vô. Hóa ra thấy dễ ăn, mà thơm ngon, ghiền rồi”. Thích lắm, mừng lắm. Chắc bạn đọc ngộ ra là các con virút và vi khuẩn có loại thật tai hại A (H1N1), HIV nhưng nhiều loại có vai trò tốt trong thiên nhiên và con người. Sự sống không tồn tại nếu thiếu thế giới vi diệu này. Cây cối tự nuôi sống mình và nuôi sống muôn loài, hồi sinh rừng ngập mặn Cần Giờ hay lắm. Bóng đêm cần thiết dường nào, tuyến tùng ẩn sâu trong não điều động giấc ngủ quý báu. Làn da dùng mêlanin tiếp nhận ánh nắng hợp lý, sơn phết da người màu sậm màu sáng. Một nhà cả. Thiên nhiên ban cho người mẹ sự bao dung, con vốn không hoàn toàn là của mình mà còn mang gốc lạ của người cha.

Một số bài không nhiều nhưng ráp lại thì như là bạn đọc thân mến cùng tác giả đang trên một hành trình sinh học. Theo dòng chảy sinh học, thấy được ảo diệu của sự sống DNA là cô lái đò chở vốn di truyền của muôn loài đến bến đời đời. Darwin bằng một chuyến hải hành kỳ thú đã đặt nền tảng cho sự tiến hóa. Bao nhiêu giải Nobel xâu chuỗi sự đầu tư của tinh hoa kết tụ làm chúng ta hôm nay học được bao điều. Phải thân thiết với môi trường sống, thương yêu muôn loài, nâng niu thân thể...

Stephen Hawking, phải luôn trên xe đẩy, vì mắc chứng teo cơ, bộ óc vật lý sáng chói hiện nay, được coi là kế thừa Newton và Darwin, vừa lặp lại ý tưởng ông ôm ấp: du hành thời gian. Chế tạo một tàu không gian tốc độ xấp xỉ ánh sáng để được gặp Galileo, Copernic và Marilyn Monroe. Suy tưởng của ông thật cao, đầu óc thật mộng mơ nhưng còn phải chờ tương lai.

Bạn đọc quý mến. Chúng ta thì đang cùng nhau tiếp tục cuộc du hành sinh học và cùng anh Nam Sơn trong cuộc du hành tư duy. Riêng chúc báo Sài Gòn tiếp thị đẩy mạnh nữa hành trình Tiếp thị Tri thức.

clip_image009Giáo sư Phạm Duy Hiển

Khổ học để có tri thức.

Hội nhập ngày càng sâu với thế giới văn minh trước sự bùng nổ các tiện ích công nghệ thông tin trong cuộc sống, đất nước chúng ta đang trở thành một thị trường tiêu thụ công nghệ đầy hấp dẫn trên thế giới. Nhưng với chiếc 3G bên tay lái Mercedes ngày một phổ biến trên các xa lộ ở nước ta, ít ai hình dung hết cái khoảng cách muôn trùng giữa chúng ta – người tiêu xài Việt Nam – với những người làm ra các tiện ích ấy. Ngược lại, niềm khao khát được nổi bật trên thế giới khiến chúng ta dễ ngộ nhận rằng mình cũng hiện đại đâu kém ai, đó là nhờ mình biết đi tắt đón đầu, mình biết chộp ngay lấy những thứ hiện đại nhất để tiêu xài như dự định làm đường sắt cao tốc dài 1.600km, mở rộng Hà Nội ra to nhất nhì trên thế giới v.v. Không nhận ra mình đang ở nấc thang nào trong phát triển khoa học công nghệ, nhắm mắt làm ngơ không biết người ta xếp trường đại học mình ở thứ hạng nào trong khu vực và trên thế giới, v.v. rồi để cho tâm lý vĩ cuồng chi phối mọi tầm nhìn, sớm muộn chúng ta sẽ trở thành những người man di hiện đại theo cách ví von của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đúng trăm năm trước đây.

Hàng chục tỉ đôla đi vay để sơn phết như vậy chi bằng biết chắt chiu dành dụm đào tạo con người để thế hệ sau này không cần phải bước lên đường sắt có con tàu hình đầu đạn mà đồng hành trên mọi nẻo đường cùng với những người có tri thức nhất trên thế giới.

Những cố gắng như Sài Gòn tiếp thị rất đáng trân trọng, nhưng đừng nên nghĩ rằng vì thanh niên ta không chịu học, không thích đi sâu vào khoa học công nghệ mà các bậc trưởng lão phải khai hóa họ. Bởi họ phải tìm những cách dấn thân khác khi xã hội chẳng những không thật sự mở rộng các con đường chinh phục tri thức cho họ mà còn khuyến khích các bậc đàn anh khệnh khạng trong cân đai áo mão thay vì khổ học để có tri thức.

Nếu đi tắt đón đầu dễ như thế thì cần gì đến lớp trẻ?

KY

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn