Kẻ phá hoại hay “nhà từ thiện”?

Tiểu Nhã

Sông Thị Vải ô nhiễm nghiêm trọng
Ảnh: T.L

Việc xử lý Công ty Vedan do bị bắt quả tang xả thải không qua xử lý trong 14 năm gây ô nhiễm nghiêm trọng cho sông Thị Vải, gây thiệt hại cho 7.150 hộ nông dân 3 địa phương TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu kéo dài gần 2 năm mà chưa thấy lối ra.


Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng vào 2 năm trước đây, Vedan đã ký biên bản thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, chịu nộp phạt hành chính 127 tỉ đồng và cam kết sẽ bồi thường thiệt hại. Nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã viện vào nhiều lý do khác nhau nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hơn 7.150 hộ nông dân. Có một số vấn đề cần nhìn nhận. Một là, việc lén lút xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải trong suốt 14 năm là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng, và Vedan cũng đã thừa nhận. Hai là, những thiệt hại gây ra đối với xã hội là hoàn toàn xác thực, thể hiện ở mùi, màu nước sông Thị Vải và ở kết quả xét nghiệm sinh hóa lý. Hàng ngàn hộ nông dân bị thất thu trong trồng trọt, đánh cá nuôi thủy sản và những tổn hại về sức khỏe. Những thiệt hại này cần phải được bồi thường theo luật pháp và theo cả lương tâm, đạo đức kinh doanh cũng như theo thương hiệu của nhà đầu tư.

Theo Tổng cục Môi trường, số tiền nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đòi Vedan bồi thường tổng cộng là 98,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, Vedan chỉ đưa ra mức hỗ trợ cho Bà Rịa – Vũng Tàu là 10 tỉ đồng, TP Hồ Chí Minh 7 tỉ đồng, Đồng Nai 15 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Vedan gọi là hỗ trợ cho nông dân trên sông Thị Vải khoảng trên 32 tỉ đồng, chỉ hơn 1/3 số được yêu cầu. Điều này hoàn toàn trái ngược với bản cam kết được Công ty Vedan thống nhất với Viện Môi trường và Tài nguyên. Vấn đề chính là họ không chấp nhận phải “bồi thường” mà chỉ... tùy tâm “hỗ trợ”! Từ bồi thường đến hỗ trợ là cả một khoảng cách khá xa về ý nghĩa cũng như bản chất. Có lẽ nào kẻ hủy hoại môi trường lại được xưng mình là “nhà từ thiện”?

Những diễn biến trên đây cho thấy tinh thần, thái độ và trách nhiệm của Vedan trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân là rất kém, đã gây bức xúc cho nhân dân, bất bình trong dư luận xã hội. Để chấn chỉnh cách hành xử bất thường của thủ phạm chính đầu độc sông Thị Vải, Tổng cục Môi trường đã chính thức thông báo nếu Vedan không thực hiện nghiêm chỉnh việc đền bù cho nông dân thì các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với tất cả các nhà máy của Vedan trên lãnh thổ Việt Nam và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Những người bị thiệt hại do Vedan không cần hỗ trợ mà yêu cầu được bồi thường từ phía người gây hại. Vấn đề không phải là lòng tốt mà là công lý và uy tín của nhà đầu tư.

Đến nay các cơ quan hữu quan cũng chưa khởi tố được một vụ án, một bị can nào về tội gây ô nhiễm môi trường. Khái niệm “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” tuy đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường nhưng lại chưa được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự nên các cơ quan tư pháp gặp khó khăn trong việc áp dụng luật... Một luật chưa đủ mạnh, chưa đủ xử lý đồng bộ, chặt chẽ, nên chuyện xử lý cho đến nay vẫn chưa xong. Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm cần sớm xem xét lại hành lang pháp lý trong xử lý những vi phạm môi trường, bởi sự cố Vedan chưa phải là duy nhất hiện nay.
TN
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&chitiet=13003&Style=1

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn