Niềm vui Chủ nhật: Trực tuyến với 3 thanh niên được minh oan

clip_image011
“Tôi đã có thời gian 17 năm làm việc ở Tòa án Tối cao nên tôi có đủ kinh nghiệm dễ dàng phát hiện ra những bất hợp lý trong các chứng cứ buộc tội đối với ba thanh niên, nhưng rất tiếc những ý kiến chúng tôi đưa ra không được HĐXX chú ý lắng nghe.
Bài học rút ra từ vụ án này là rất nhiều nhưng trước hết chúng tôi thấy cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tư tưởng chạy theo thành tích của cơ quan điều tra,
Bài học thứ hai tôi muốn nêu ra là, các cơ quan tiến hành tố tụng nên có thái độ cầu thị, tôn trọng đối với người tham gia tố tụng, cần coi trọng Luật sư vì chúng tôi góp phần giúp họ làm sáng tỏ vụ án. Hãy tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Luật sư” – Luật sư Phạm Thanh Bình.
“sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án của 3 thanh niên này, chúng tôi cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức để làm sáng tỏ những tình tiết đã được nêu trong cáo trạng. Chúng tôi cũng gặp gỡ rất nhiều nhân chứng trong đó. Sau đó chúng tôi đã gửi bản kiến nghị rất chi tiết lên Thẩm phán bấy giờ là chị Nguyễn Thị Xuân Phương… nhưng không được xem xét.  Ngay tại phiên tòa xét xử năm 1992, khi chúng tôi bào chữa thì vị đại diện Viện kiểm sát đã cho thấy năng lực cực kỳ yếu kém, tôi rất thất vọng…” – Luật sư Nông Thị Hồng Hà.
“Tôi từng có ý định tự thiêu nếu vụ 3 thanh niên này không được minh oan. Tôi đã mua một can xăng 20l với một cái chăn bông. Tôi biết các cháu bị oan sai. Lúc đầu tôi không kêu lên trung ương nhưng khi nhận được công văn trả lời của Tòa án là họ xử về vụ này là “không oan không sai”, tôi đã bị ngất 2 ngày, may được đồng nghiệp và gia đình chăm sóc. Khi tôi tỉnh dậy, sức khỏe hồi phục, tôi lên tất cả các cơ quan trung ương để gửi đơn kêu cứu cho 3 cháu vì tôi biết chắc chắn các cháu bị oan.
Tôi đã định gửi 2 đứa con, con trai gửi trong bệnh viện và con gái tôi gửi vợ chồng bạn thân phòng khi trường hợp xấu xảy ra.
Tôi thấy tòa án giờ chưa xử lại vụ việc này thì thấy lạ. Vụ việc này theo tôi nếu không đưa ra công luận thì tôi thấy rất xấu hổ khi đi ra đường. Tôi chỉ là một thường dân, nhưng vì bây giờ nhiều người biết tôi rồi, khi họ hỏi tại sao vụ việc chưa được xử, tôi không biết phải trả lời thế nào cho đúng.
Khi vụ việc của ba cháu chưa được tòa án tối cao xét xử giám đốc thẩm, tôi vẫn mất ăn mất ngủ vì nhân dân ngày nào cũng hỏi tôi về lòng tin đối với cơ quan pháp luật” – Bác sĩ, lương y Phạm Thị Hồng.
“Bản thân bị oan rồi mà đây là một cái tội về phẩm chất đạo đức con người, không ai chấp nhận được. Vì thế, trong nhà lao, nói đến hai chữ Khổ Đau đối với một tù nhân vi phạm pháp luật thực sự đã là quá khổ cực rồi, nói chi đến một người vô tội như tôi phải ngồi tù. Danh dự, bố mẹ, anh em, họ hàng cũng [làm tôi] rất đau khổ... Phải nói là tôi chẳng biết dùng từ gì để miêu tả”.
“Tôi đã quá ngỡ ngàng ngày trở về khi nhìn quê hương, xã hội thay đổi quá nhiều. Ngày đầu tiên tôi về nhà, chẳng biết làm gì, cứ đi ra rồi lại đi vào, vì chưa quen với nhịp sinh hoạt của gia đình. Nhiều khi bố mẹ bảo lấy đồ vật trong nhà nhưng cũng không biết để đâu. Phải mất một, hai tháng sau, mới quen được nếp sống của gia đình” – Nạn nhân Nguyễn Đình Kiên.
“Suốt ngần ấy năm, chúng tôi liên tục kêu oan bằng cách gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan báo chí nhưng có chăng chỉ là nhận được sự cảm thông của một số cán bộ quản giáo, còn lại mọi thứ chìm trong im lặng. Mãi đến khi được điều tra lại và minh oan, tôi luôn cố nghĩ rằng, mình phải đấu tranh, cho dù hết 14 năm tù, mà sự thật vẫn không được làm sáng tỏ”.
“Dường như tôi không còn cảm xúc khi trở về. Khi về đến nhà, nhìn thấy quê hương đổi thay nhiều quá nên tủi thân. Cảm giác đó không phải là quê mình, không phải nơi mình sinh ra. Mình còn lạc đường, không tìm được nhà. Thời gian đã quá lâu...
Tôi không thể hình dung nổi pháp chế Việt Nam lại có người làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm như vậy, trong khi đường lối của Đảng và Nhà nước là công bằng, nghiêm minh, khách quan và toàn diện. Tôi không thấy những điều đó trong khi xử vụ án này” - Nạn nhân Nguyễn Đình Tình.
“Câu chuyện đặt ra ngày hôm nay là có phải vì trong một số phiên xét xử không quan tâm đến vai trò của Luật sư, trong nhiều trường hợp Luật sư rất khó tiếp cận với hồ sơ? Qua trường hợp cụ thể này, các cơ quan chức năng cần rút ra chuyện cải cách tư pháp” - Tổng Biên tập báo Tiền phong Đoàn Công Huynh.
TPO - Buổi trực tuyến với 3 thanh niên vừa được trả tự do và các vị khách mời vừa kết thúc cách đây ít phút với hàng trăm câu hỏi của bạn đọc. Dưới đây là toàn văn nội dung buổi giao lưu trực tuyến.
clip_image001
Các khách mời tham dự giao lưu trực tuyến (từ trái qua phải) : Luật sư Nông Thị Hồng Hà, Luật sư Phạm Thanh Bình, Nguyễn Đình Kiên (tức Lợi); Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên và bác sĩ Y học dân tộc Phạm Thị Hồng. Ảnh: Minh Đức.

Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến, TBT báo Tiền phong Đoàn Công Huynh phát biểu:
Về vấn đề cải cách tư pháp, báo Tiền phong luôn nỗ lực kiên trì theo đuổi để mang tới cho bạn đọc những thông tin cần thiết. Đó là một trong những trách nhiệm của cán bộ, phóng viên báo Tiền phong nói riêng và đội ngũ làm báo nói chung.
Nói đến cải cách tư pháp là nói đến một câu chuyện dài kỳ, không chỉ riêng ở các nước đang phát triển mà cả ở các nước phát triển. Sau mỗi sự kiện tố tụng, sau mỗi vụ án, pháp luật ngày càng trở nên hoàn thiện, sát thực hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi tư pháp đã hoàn thiện thì vẫn có thể có những khoảng cách nhất định giữa những người tham gia tố tụng. Vì thế, hôm nay báo Tiền phong tổ chức diễn đàn giao lưu trực tuyến Cải cách tư pháp: Phòng chống oan, sai. Với tư cách là tờ báo của giới trẻ, báo Tiền phong hy vọng đóng góp công sức của mình cho công cuộc cải cách tư pháp!
Đối với các vị khách mời, tôi xin cảm ơn và bày tỏ sự ngưỡng mộ với việc các anh chị đã phấn đấu hết sức mình cho công lý, cho điều hay lẽ phải. Hôm nay, mong rằng các anh các chị sẽ chia sẻ với bạn đọc trên khắp cả nước về kinh nghiệm của mình, cũng như những vướng mắc cần giải quyết trong tố tụng!
clip_image002
Tổng Biên tập Đoàn Công Huynh tặng hoa các vị khách mời. Ảnh: Minh Đức.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe tới các vị khách mời đã dành thời gian tham dự buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay. Chúc các anh các chị sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn nữa, góp sức nhiều hơn nữa cho cải cách tư pháp ở nước ta!”.
clip_image003
Nguyễn Đình Kiên. Ảnh: Minh Đức
Nguyễn Đình Kiên: Tôi xin cảm ơn lãnh đạo báo Tiền phong và quý vị dự chương trình giao lưu hôm nay. Tôi luôn tin vào sự thật và sẽ vượt qua khó khăn để tìm lại công lý, sự thật cho chính bản thân mình.
clip_image004
Nguyễn Đình Kiên, tức Lợi (phải)

Nguyễn Đình Kiên, tức Lợi: Tôi luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước, tin tưởng vào công lý. Trong lúc khó khăn, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người tốt. Không biết nói gì hơn, chúng tôi xin cảm ơn.
clip_image005
Nguyễn Đình Tình (trái). Ảnh: Minh Đức
Nguyễn Đình Tình: Niềm tin duy nhất luôn thôi thúc chúng tôi trong ngần ấy năm trời là tin vào sự thật. Pháp luật công bằng và niềm tin là sức mạnh giúp chúng tôi. Chúng tôi đang chờ phiên tòa giám đốc thẩm, để được trả lại quyền công dân, khi đó mới xin được việc làm. Trước đây, khi ở trong tù tôi luôn suy nghĩ khi được minh oan, mình sẽ làm gì? Nhưng rồi sau 10 năm khi ước mơ đó thành sự thật, nói thực tôi lại không còn biết mình vui hay buồn nữa... Sau mấy tháng từ ngày được trả tự do, bên cạnh người thân, được sự quan tâm của cộng đồng, chúng tôi mới bắt đầu có niềm tin trở lại.
Đầu tiên tôi xin gửi lời cảm ơn tới báo Tiền phong đã tổ chức buổi trực tuyến hôm nay, và tôi cũng xin cảm ơn nhiều tờ báo khác đã giúp ba người chúng tôi được nói lên tiếng nói của mình. Tôi mong sự thật được phơi bày và trả mọi thứ về đúng vị trí của nó. Tôi có niềm tin rằng pháp luật sẽ đứng về phía chúng tôi, bởi chúng tôi có lẽ phải.
Đến hôm nay, khi đang từng bước hòa nhập với xã hội, tôi cảm thấy niềm tin của chúng tôi là đúng, nhất định sẽ có ngày được trở về với làng quê yêu dấu.
clip_image006
Anh Nguyễn Mạnh Cường, PCT thường trực Hội LHTN Việt Nam. Ảnh: Minh Đức

Xin được hỏi anh Nguyễn Mạnh Cường, PCT Hội LHTN Việt Nam: Việc Hội LHTN Việt Nam đến chia sẻ với ba thanh niên bị oan, theo tôi, là rất có ý nghĩa, rất kịp thời. Xin hỏi anh, ý tưởng đến thăm ba thanh niên này được xuất phát từ thời điểm nào? Có phải là ngay sau khi báo chí đưa tin về sự oan khuất của các thanh niên đó không? Hội LHTN Việt Nam đã từng chia sẻ với nhiều trường hợp như vậy không? (Tiến Nguyên, 34 tuổi, misand@gmail.com)
Sau Đại hội Thanh niên diễn ra vào tháng 4 năm 2010 thì chúng tôi thực hiện Nghị quyết của Đại hội và Luật Thanh niên năm 2005, trong điều 34 quy định rất rõ vai trò của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là quan tâm tới quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. Thực hiện điều này, chúng tôi quan tâm tới quyền và lợi ích chính đáng cho thanh niên. Chúng tôi cảm thấy tuổi thanh xuân tươi đẹp mà phải chịu hoàn cảnh như thế thì thật sự đáng thương, chúng tôi rất mong muốn có sự quan tâm của Nhà nước và xã hội tới quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên và sự quan tâm đó phải cụ thể.
Chúng tôi hy vọng phiên tòa giám đốc thẩm sẽ thực hiện sớm. Nhiều cuộc điện thoại gọi tới chúng tôi đề nghị tạo công ăn việc làm cho các bạn. Qua đây, tôi thấy vai trò của báo Tiền phong và các cơ quan báo chí khác là rất quan trọng với quyền lợi chính đáng của thanh niên!
clip_image007
Luật sư Phạm Thanh Bình. Ảnh: Minh Đức
Luật sư Phạm Thanh Bình: Cảm ơn Báo Tiền phong vì đã tổ chức cuộc trực tuyến hôm nay! Về vụ kỳ án này, tôi đã theo dõi và thấy có hàng trăm bài báo của rất nhiều báo đưa tin bài về vụ án nhưng tổ chức một cuộc trực tuyến như hôm nay chỉ có báo Tiền phong làm.
Chúng tôi đã tham gia và theo đuổi vụ án từ cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Xem hồ sơ vụ án cũng như khi gặp ba bị cáo, chúng tôi càng củng cố nhận định về việc ba thanh niên này không phải là người phạm tội hiếp dâm như cáo trạng đã đưa ra.
Tôi đã có thời gian 17 năm làm việc ở Tòa án Tối cao nên tôi có đủ kinh nghiệm dễ dàng phát hiện ra những bất hợp lý trong các chứng cứ buộc tội đối với ba thanh niên, nhưng rất tiếc những ý kiến chúng tôi đưa ra không được HĐXX chú ý lắng nghe.
Bài học rút ra từ vụ án này là rất nhiều nhưng trước hết chúng tôi thấy cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tư tưởng chạy theo thành tích của cơ quan điều tra,
Bài học thứ hai tôi muốn nêu ra là, các cơ quan tiến hành tố tụng nên có thái độ cầu thị, tôn trọng đối với người tham gia tố tụng, cần coi trọng Luật sư vì chúng tôi góp phần giúp họ làm sáng tỏ vụ án. Hãy tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Luật sư.  Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về việc buộc các cơ quan tiến hành phải lắng nghe ý kiến của Luật sư nhưng đã có nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc cải cách tư pháp, tăng cường tranh tụng.
clip_image008
Luật sư Nông Thị Hồng Hà. Ảnh: Minh Đức
Luật sư Nông Thị Hồng Hà : Cảm ơn báo tổ chức cuộc giao lưu hôm nay! Sau khi tiếp nhận hồ sơ chúng tôi đã tìm hiểu hồ sơ, gặp nhân chứng tại trại Sa La, lặn lội tới tận hiện trường vụ án để đo đạc và tìm hiểu trình tự diễn ra vụ án để có thể lên phương án bào chữa nhưng không được sự hợp tác của cơ quan tố tụng.
Theo quan điểm của tôi thì hy vọng rằng, các cơ quan tố tụng rồi đây sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn, trách nhiệm hơn trước những ý kiến của Luật sư, đồng thời các Thẩm phán phải nêu cao trách nhiệm và lương tâm trước khi ra phán quyết. Bởi, các vị là người nhân danh nhà nước để ra các quyết định về sinh mạng chính trị của mỗi con người đứng trước vành móng ngựa.
Thực ra, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án của 3 thanh niên này, chúng tôi cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức để làm sáng tỏ những tình tiết đã được nêu trong cáo trạng. Chúng tôi cũng gặp gỡ rất nhiều nhân chứng trong đó. Sau đó chúng tôi đã gửi bản kiến nghị rất chi tiết lên Thẩm phán bấy giờ là chị Nguyễn Thị Xuân Phương… nhưng không được xem xét.  Ngay tại phiên tòa xét xử năm 1992, khi chúng tôi bào chữa thì vị đại diện Viện kiểm sát đã cho thấy năng lực cực kỳ yếu kém, tôi rất thất vọng…
Tôi nghĩ rằng, phải có cách nhìn thấu đáo, toàn diện hơn. Các vị Thẩm phán cần lắng nghe Luật sư nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng, sau vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có một cách nhìn thân thiện hơn với Luật sư, kể cả kiểm sát cũng thế.
Luật sư Phạm Thanh Bình: Dưới hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay, về chế tài để phiên tranh tụng cần lắng nghe ý kiến Luật sư, thì có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường chất lượng việc tranh tụng. Nhưng đây cũng mang tính chất quy định thôi, chứ chưa cụ thể thành chế tài. Rất tiếc, do sự chưa hoàn thiện của luật pháp, nên những người phản biện cũng chưa thực sự được lắng nghe.
clip_image009
Bác sĩ Phạm Thị Hồng. Ảnh: Minh Đức
Bác sĩ, Lương y Phạm Thị Hồng: Tôi rất vinh dự được ngồi đây để tham gia buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc cả nước. Tôi là một công dân nên lúc nào cũng cầu xin cho đất nước mình trường tồn.
Tôi từng có ý định tự thiêu nếu vụ 3 thanh niên này không được minh oan. Tôi đã mua một can xăng 20l với một cái chăn bông. Tôi biết các cháu bị oan sai. Lúc đầu tôi không kêu lên trung ương nhưng khi nhận được công văn trả lời của Tòa án là họ xử về vụ này là “không oan không sai”, tôi đã bị ngất 2 ngày, may được đồng nghiệp và gia đình chăm sóc. Khi tôi tỉnh dậy, sức khỏe hồi phục, tôi lên tất cả các cơ quan trung ương để gửi đơn kêu cứu cho 3 cháu vì tôi biết chắc chắn các cháu bị oan.
Tôi đã định gửi 2 đứa con, con trai gửi trong bệnh viện và con gái tôi gửi vợ chồng bạn thân phòng khi trường hợp xấu xảy ra.
Trước đó tôi không biết 3 cháu này. Họ có bệnh mới đến bệnh viện, cần động viên, cần dịu dàng của thầy thuốc, tôi thấy các cháu tội nghiệp nên giúp đỡ.
Tôi thấy tòa án giờ chưa xử lại vụ việc này thì thấy lạ. Vụ việc này theo tôi nếu không đưa ra công luận thì tôi thấy rất xấu hổ khi đi ra đường. Tôi chỉ là một thường dân, nhưng vì bây giờ nhiều người biết tôi rồi, khi họ hỏi tại sao vụ việc chưa được xử, tôi không biết phải trả lời thế nào cho đúng.
Khi vụ việc của ba cháu chưa được tòa án tối cao xét xử giám đốc thẩm, tôi vẫn mất ăn mất ngủ vì nhân dân ngày nào cũng hỏi tôi về lòng tin đối với cơ quan pháp luật.
clip_image010
Tổng Biên tập báo Tiền phong Đoàn Công Huynh. Ảnh: Minh Đức
TBT Đoàn Công Huynh : Hôm nay, báo báo Tiền phong tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Cải cách tư pháp phòng chống oan sai 2010”, với sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
Vì tiếng nói báo chí, chúng tôi sẽ kiên trì theo đuổi để ngày càng hoàn chỉnh hơn về câu chuyện cải cách tư pháp. Chúng tôi biết câu chuyện tư pháp, câu chuyện tố tụng là những câu chuyện dài kỳ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Qua buổi giao lưu trực tuyến hôm nay về câu chuyện hiện thực từ 3 thanh niên, chúng tôi mong muốn việc cải cách tư pháp sẽ được thực hiện tốt hơn nhằm giảm bớt oan sai cho người dân.
Cải cách tư pháp sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho người dân, cho những người rơi vào vòng tố tụng, điều đó cũng có nghĩa cho quản lý xã hội ngày càng tốt hơn. Khi cải cách tư pháp đã tốt, khi quản lý trật tự xã hội đã hoàn thiện sẽ giúp cho những người rơi vào tố tụng thoát được khỏi những oan sai.
Hôm nay báo Tiền phong tổ chức giao lưu trực tuyến cải cách tư pháp để phòng chống oan sai, là diễn đàn rất có ý nghĩa, toàn bộ xã hội cần đóng góp công sức của mình vào việc cải cách tư pháp, trong đó có trách nhiệm của báo Tiền phong, tờ báo của tuổi trẻ.
Nhân đây tôi cũng xin cám ơn các Luật sư, Bác sỹ đã vì trách nhiệm của mình và vì sự tiến bộ xã hội sẵn sàng đi tìm công lý. Tôi cũng cám ơn các anh các chị đã trực tiếp tham gia bênh vực và bảo vệ công lý vụ việc cụ thể vừa qua, để chúng ta tiến thêm một bước nữa, trong quá trình cải cách tư pháp giảm oan sai cho người dân.
Câu chuyện đặt ra ngày hôm nay là có phải vì trong một số phiên xét xử không quan tâm đến vai trò của Luật sư, trong nhiều trường hợp Luật sư rất khó tiếp cận với hồ sơ? qua trường hợp cụ thể này, các cơ quan chức năng cần rút ra chuyện cải cách tư pháp.
Tôi kính chúc sức khỏe toàn bộ quý vị có mặt trong buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các độc giả đang theo dõi và gửi câu hỏi về cho ban tổ chức, chúc buổi giao lưu trực tuyến thành công tốt đẹp.
Trước khi bị oan các bạn làm nghề gì? Quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người thì các bạn phải ngồi tù oan, vậy các bạn có hướng gì mới cho tương lai? Các cơ quan các tổ chức xã hội giúp đỡ việc gì cấp bách nhất để tiếp tục sống cho ý nghĩa? (Trần Ngọc Linh, 30 tuổi, ngocjlinhkontum@gmail.com)
Anh Nguyễn Mạnh Cường, PCT thường trực Hội LHTN Việt Nam : Các tổ chức Hội cần động viên chia sẻ để các bạn có cái tâm lý tích cực hòa nhập cộng đồng. Thứ hai là phải có các chuyên gia tư vấn tâm lý và hướng nghiệp để các bạn tham gia chương trình đào tạo nghề. Trung ương Đoàn, Hội Thanh niên sẽ cố gắng giới thiệu cho các bạn việc làm, có thu nhập ổn định.
Xin hỏi 2 Luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà: giả sử 2 Luật sư là chủ tọa phiên tòa xét xử hơn 10 năm trước và 2 Luật sư đã tuyên án như phiên tòa đó rồi đến nay phiên tòa được xác định là oan sai thì 2 Luật sư sẽ nghĩ gì khi mình làm điều sai sót đó? (Phạm Chí Hướng, 38 tuổi, Đồng Tâm - TP Yên Bái tỉnh Yên Bái)
Luật sư Nông Thị Hồng Hà: Nếu chúng tôi là chủ tọa phiên tòa xét xử hơn 10 năm trước và đã tuyên án, như phiên tòa đó mà đến nay phiên tòa được xác định là oan sai thì chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm, xin lỗi những người bị kết án oan và tự nguyện xin từ chức.
Thưa BS Hồng, chúng tôi rất khâm phục trước những hành động của cô. Xin hỏi cô là: mọi người có những ý kiến gì khi biết cô là người đã tìm ra chứng cứ vô tội của 3 thanh niên đó. Cảm xúc của cô bây giờ thế nào? (Nguyen Thi Hong Nhung, 25 tuổi, sweet_love_09090707@yahoo.com)
Bác sĩ, Lương y Phạm Thị Hồng:
Tôi cảm thấy mình đã làm được một việc mà vị Hòa thượng Thích Thanh Viên đã nói với tôi 38 năm về trước: "Con phải ở ngoài đời để giúp được nhiều người, không được đi tu". Khi tôi tìm ra chứng cứ để minh oan cho 3 thanh niên thì mọi người chúc mừng và động viên hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa.
Xin chia sẻ nỗi đau của các anh. Tôi muốn hỏi, các anh có chuẩn bị gì cho trường hợp việc này lại "chìm" như rất nhiều các vụ việc khác đã xảy ra? (Tú, 31 tuổi, tudq.reg@gmail.com).
Nguyễn Đình Tình: Trước tiên, mình khẳng định là niềm tin vào pháp luật là không thể thay đổi. Tà không thể thắng chính. Còn nếu mà tiếp tục chìm, tôi mong khả năng này không xảy ra, thì chúng tôi vẫn sẽ đấu tranh đến cùng và cũng mong các cơ quan quan chức năng, báo chí sẽ ủng hộ chúng tôi bảo vệ sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ sự thật.
Nguyễn Đình Kiên: Tôi luôn tin tưởng vào sự công mình của pháp luật. Còn nếu sự thật không được tôn trọng thì tôi sẽ đấu tranh và đấu tranh đến cùng để tìm lại công lý cho mình.
Những người điều tra sai kết án sai, xử lí như thế nào (đỗ thị thanh thủy, 43 tuổi, thanhthuytp68@yahoo.com)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Hiện nay Pháp luật VN mới có quy định cơ quan có nghĩa vụ bồi thường cho người bị xét xử oan sai, còn trách nhiệm cá nhân trong việc xét xử oan sai phải căn cứ vào hành vi cụ thể trong từng vụ án cụ thể. Những người gây nên việc oan sai thì tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể bị xét xử về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; tội ra bản án trái pháp luật…
Trong những bài báo tôi đọc trước đây có một số chi tiết như: các bản khai của nhân chứng xác nhận sự ngoại phạm của 3 thanh niên không thấy trong hồ sơ, một số lời khai của các nhân chứng khác không được tổ điều tra ghi nhận... Có thể kết luận tổ điều tra án cố làm sai lệch vụ án được không? HỌ LÀM VẬY VÌ MỤC ĐÍCH GÌ ? Trong trường hợp này có thể truy tố họ ra tòa được không? (Hưng Thịnh, 46 tuổi, hungthinh88@gmail.com)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc bỏ các tài liệu ra khỏi hồ sơ vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án có thể bị truy tố về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 Bộ luật hình sự.
Xin gửi chị Phạm Thị Hồng lời chào trân trọng . Tôi vô cùng khâm phục chị . Tôi nghĩ qua đây chị nên làm một luận án để mở cho ngành pháp y Việt Nam một hướng đi nhân bản , giải quyết nhiều mâu thuẫn trong tư pháp của Việt Nam (Cung Chính Đoàn, 58 tuổi, ccdoan@gmail.com)
Bác sĩ, Lương y Phạm Thị Hồng:
Tôi không biết kiến thức gì về luật pháp. Nếu có ai hỏi thì tôi sẽ trả lời, rất mong ngành tư pháp quan tâm đến những con người đại diện cho pháp luật phải thận trọng hơn nhiều trước những phán quyết về số phận của một con người. Không để những trường hợp oan sai như thế này nữa.
Chào bác sỹ Hồng, Tôi thật sự khâm phục chị và cám ơn lòng tốt của chị. Phải chăng chị đã dự tính tự thiêu nếu các em không được minh oan?(Nguyễn Văn Hà, 56 tuổi, vanha1972@Yahoo.com)
Bác sĩ, Lương y Phạm Thị Hồng:
Đúng, nếu sự khẳng định chứng minh bằng khoa học của tôi không được chấp nhận để cứu giúp những con người vô tội thì tôi thấy mình không có giá trị gì trong cuộc sống này nữa và tôi sẽ ra đi, để lại bó đuốc công lý soi đến những mảnh đời oan trái.
Luật sư có thể cho tôi biết về quá trình minh oan cho Kiên, Lợi, Tình ở phiên tòa sơ thẩm. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Xuân Vượng, 27 tuổi, xuanvuong@hongha.vn)
Luật sư Phạm Thanh Bình : Trước khi bào chữa tại phiên toà sơ thẩm, chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ rất kỹ, phân tích từng căn cứ buộc tội của Viện Kiểm sát là mâu thuẫn với hồ sơ vụ án, đã gửi kiến nghị cho HĐ xét xử. Đồng thời, yêu cầu trả tự do cho các bị cáo vì không đủ căn cứ buộc tội như cáo trạng đã nêu. Rất tiếc, Hội đồng xét xử đã không xem xét đến kiến nghị của chúng tôi, nên vẫn tuyên họ phạm tội, cho dù, ngay tại phiên tòa, các lời khai của 3 thanh niên này rất nhiều mâu thuẫn với hồ sơ vụ án. Và cả 3 thanh niên này không nhận các hành vi như cáo trạng đã cáo buộc - họ đã kêu oan...
Thành thực chia buồn với các bạn. Các bạn dự tính gì cho tương lai? (Cao Ngoc Thang, 30 tuổi, ngocthang168@yahoo.co.nz)
Dự tính trong tương lai thì phải đợi sau phiên tòa giám đốc thẩm, lúc đó chúng tôi mới có thể biết mình có tội hay không. Nếu tòa tuyên vô tội thì chúng tôi mới có đầy đủ quyền công dân để hòa nhập với xã hội.
Câu hỏi vui với Bác sỹ Hồng: BS thật giỏi, thật dũng cảm và tâm huyết. Có phải BS xem huyệt là phát hiện ra đàn ông đã quan hệ với phụ nữ hay chưa? Và nếu đúng là như thế thì thật nhiều chị em muốn đưa các đấng mày râu đến gặp BS trước khi kết hôn? BS có sẵn sàng không? (Lê Thanh Sơn, 38 tuổi, thanhson1727@yahoo.com)
Bác sĩ, Lương y Phạm Thị Hồng: Cám ơn Lê Thanh Sơn, câu hỏi của cháu thật khó, cô chỉ trả lời khi thật cần thiết.
Ngay sau khi bị bắt, bị hỏi cung 3 bạn không kêu oan sao? Trong gần 10 năm trong tù, các bạn đã nghĩ gì? Có cán bộ trực tiếp nào nghe 3 bạn kể lại nỗi oan của mình không? (Ho Kim Thoan, 33 tuổi, kimthoan_bvpl@yahoo.com.vn).
- Nguyễn Đình Tình: Suốt ngần ấy năm, chúng tôi liên tục kêu oan bằng cách gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan báo chí nhưng có chăng chỉ là nhận được sự cảm thông của một số cán bộ quản giáo, còn lại mọi thứ chìm trong im lặng. Mãi đến khi được điều tra lại và minh oan, tôi luôn cố nghĩ rằng, mình phải đấu tranh, cho dù hết 14 năm tù, mà sự thật vẫn không được làm sáng tỏ.
Nguyễn Đình Kiên: Trong suốt 10 năm qua, tôi liên tục có đơn kêu oan đến cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan thông tấn báo chí nhưng cũng không có câu trả lời. Tôi cũng kể chuyện cho một số cán bộ nhưng cũng chưa nhận được sự chia sẻ nào cả, và công việc của họ cũng ngoài khả năng minh oan cho chúng tôi.
Xin chúc mừng cho 3 bạn, mặc dù các bạn được minh oan quá muộn, tương lai, sự nghiệp của các bạn bị ảnh hưởng rất lớn, mong các bạn hãy cố gắng nhé; và tôi rất cảm phục người Bác sĩ có cái tâm của một con người - lương y, có trách nhiệm trước sự việc oan sai của 3 thanh niên. (Dương Đức Lợi, 47 tuổi, ttgdtxtinh@bacgiang.edu.vn)
Bác sĩ, Lương y Phạm Thị Hồng: Chị cảm ơn Dương Đức Lợi. Chị giúp đỡ các cháu để tích góp công đức, cho đời bớt oan sai.
Các bạn nghĩ như thế nào nếu các bạn không được minh oan? (Trần Thị Anh Hoa, 44 tuổi tuổi, anhhoa2200@yahoo.com)
Nguyễn Đình Kiên (Lợi): Tôi nghĩ rằng về pháp luật nước ta rất nghiêm minh, bên cạnh đó chúng tôi có sự thật và cái sự thật đó đã được các cơ quan chức năng như: Viện kiểm sát tối cao, cơ quan điều tra CA thành phố Hà Nội xác minh lại và đã có kết luận chứng minh rằng chúng tôi không phạm tội như hai bản án của tòa tỉnh Hà Tây (cũ) đã tuyên. Thế nên, trước sau gì cái kim trong bọc cũng lòi ra, nghĩa là sự thật sẽ ra trước công lý!
Tôi xin hỏi hai Luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà: trong hệ thống luật pháp của ta hiện nay có quy định nào về việc xử lý những cá nhân hay tập thể toà án đã ra những phán quyết gây oan sai cho người vô tội hay không? Trong trường hợp của ba thanh niên này, việc xin lỗi và bồi thường cho họ do cấp nào đứng ra thực hiện ? Và khoản tiền bồi thường lấy từ đâu ra? Xin cám ơn hai Luật sư (Trần Khâm, 52 tuổi tuổi, trankhamdtt@gmail.com)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Luật pháp của ta hiện nay có quy định về việc xử lý những cá nhân đã ra những phán quyết gây oan sai cho người vô tội. Trong trường hợp của ba thanh niên này, việc xin lỗi và bồi thường cho họ do tòa án cấp phúc thẩm đứng ra thực hiện. Khoản tiền bồi thường này lấy từ ngân sách nhà nước ra trả trước cho những người bị oan.
Người có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền bồi thường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tôi đã đọc loạt bài có liên quan đến việc kết án oan sai cho ba thanh niên. Tôi tỏ lòng khâm phục tới vị Bác sỹ đã lao tâm khổ tứ để tìm cách giải oan cho 3 anh trước sự thờ ơ của nhiều cá nhân và cơ quan pháp luật. Tôi xin hỏi với việc cố tình làm giả các bằng chứng, hiện trường, vật chứng để buộc tội người oan sai thì người làm việc này có phạm tội "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng không". Xin cảm ơn (Nguyễn Văn Long, 35 tuổi, longmaika@yahoo.com.vn)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc cố tình làm giả các bằng chứng, hiện trường, vật chứng để buộc tội người oan sai thì người làm việc này phạm tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án" hoặc tội "Cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội"
Tôi cũng là một chuyên gia pháp lý. Tôi không đặt thêm câu hỏi mà chỉ xin góp thêm một lời cảm ơn từ nhân dân đến Luật sư: Phạm Thanh Bình, Nông Thị Hồng Hà và Bác sĩ Phạm Thị Hồng. Các anh chị xứng đáng là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân hiểu và tin vào sự công bằng, minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam. Xin chúc các anh chị khỏe và hạnh phúc (HoangThiHoaiThu, 33 tuổi, thu_pcttx@yahoo.com.vn)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Xin cám ơn bạn!
Bây giờ các bạn đã được minh oan, đã được tự do, điều đầu tiên các bạn sẽ trả lời với khán giả xem truyền hình trên khắp cả nước như thế nào về việc các bạn đã được minh oan. (Nguyễn Xuân Thân, 31 tuổi, tinhyeulungling_ch@yahoo.com.vn)
- Nguyễn Đình Kiên (tức Lợi) : Nếu được trả lời với mọi người trên cả nước, chúng tôi sẽ nói rằng: Sự thật sẽ luôn luôn là sự thật và nếu ai bị như tôi thì đừng nên bỏ cuộc mà hãy cố gắng giữ vững niềm tin rằng sẽ có một ngày mình được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của bản thân.
Trước hết, tôi muốn cám ơn Bác sĩ Phạm Thị Hồng đã làm được một việc nhân đạo lớn lao, giải oan cho ba thanh niên vô tội và chúc mừng ba anh đã được giải oan. Tôi muốn hỏi ba anh là: sau khi trở về từ gần 10 năm bị bỏ tù, tâm trạng của các anh như thế nào? Các anh có suy nghĩ thế nào về việc những người đại diện pháp luật tỉnh Hà Tây cũ đã gieo oan cho các anh vì cách làm việc thiếu trách nhiệm và tùy hứng? (Nguyễn Hà Trọng, 28 tuổi, Hatrong71@yahoo.com)
- Nguyễn Đình Kiên: Tôi đã quá ngỡ ngàng ngày trở về khi nhìn quê hương, xã hội thay đổi quá nhiều. Ngày đầu tiên tôi về nhà, chẳng biết làm gì, cứ đi ra rồi lại đi vào, vì chưa quen với nhịp sinh hoạt của gia đình. Nhiều khi bố mẹ bảo lấy đồ vật trong nhà nhưng cũng không biết để đâu. Phải mất một, hai tháng sau, mới quen được nếp sống của gia đình.
- Nguyễn Đình Tình: Như tôi đã chia sẻ ở trên, dường như tôi không còn cảm xúc khi trở về. Khi về đến nhà, nhìn thấy quê hương đổi thay nhiều quá nên tủi thân. Cảm giác đó không phải quê mình, không phải nơi mình sinh ra. Mình còn lạc đường, không tìm được nhà. Thời gian đã quá lâu...
Tôi không thể hình dung nổi pháp chế Việt Nam lại có người làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm như vậy, trong khi đường lối của Đảng và Nhà nước là công bằng, nghiêm minh, khách quan và toàn diện. Tôi không thấy những điều đó trong khi xử vụ án này.
Thưa Luật sư Phạm Thanh Bình, sau khi sự việc minh oan cho 3 thanh niên kết thúc ông có tiếp tục hỗ trợ 3 thanh niên khiếu kiện lại các cơ quan pháp luật để đòi tiền bồi thường về danh dự lại cho 3 thanh niên không, Ông nghĩ gì về chế tài, kỷ luật đối với người và cơ quan pháp luật khi xử sai không đúng người đúng tội (Nguyễn Miền Trung, 39 tuổi, nguyenmientrung@gmail.com.vn)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Sau khi sự việc minh oan cho 3 thanh niên kết thúc, nếu có yêu cầu chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ 3 thanh niên trong việc yêu cầu bồi thường theo đúng quy định của Luật Bồi thường nhà nước.
Khi 3 anh được minh oan, trở về với cuộc sống, các anh có cảm thấy mình bị mất mát quá nhiều, và điều gì các anh muốn nói nhất? Tuổi trẻ còn bao mơ ước, còn những rung động ban đầu, nhưng chỉ vì oan sai, mà các anh đã mất tất cả, công lý đã được trả lại cho các anh, nhưng các anh có thấy oán trách điều gì không? (Đoàn Đức Anh Linh, 22 tuổi, duclinhtb@gmail.com)
Nguyễn Đình Kiên, tức Lợi : Bản thân bị oan rồi mà đây là một cái tội về phẩm chất đạo đức con người, không ai chấp nhận được. Vì thế, trong nhà lao, nói đến hai chữ Khổ Đau đối với một tù nhân vi phạm pháp luật thực sự đã là quá khổ cực rồi, nói chi đến một người vô tội như tôi phải ngồi tù. Danh dự, bố mẹ, anh em, họ hàng cũng [làm tôi] rất đau khổ... Phải nói là tôi chẳng biết dùng từ gì để miêu tả.
Tôi không oán trách ai, vì sự việc đã xảy ra rồi. Điều tôi mong muốn nhất là những người thi hành pháp luật sẽ không bao giờ để xảy ra những chuyện đau lòng như chúng tôi gặp phải, để người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách pháp luật của nước ta.
Gửi LS Phạm Thanh Bình: (1) Khi tham gia bào chữa cho 03 thanh niên trong quá trình xét xử, LS có niềm tin (? %) với các bằng chứng trong hồ sơ vụ án thì các thanh niên này là không phạm tội; (2) Trong thời gian tham gia công việc bào chữa trong các phiên tòa thì số lượng các vụ án LS có bằng chứng cho rằng các bị can không phạm tội có nhiều không?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Khi tham gia bào chữa cho 03 thanh niên trong quá trình xét xử, tôi tuyệt đối tin vào việc các thanh niên này không phạm tội vì các bằng chứng có trong hồ sơ đã nói lên điều đó.
Trong thời gian tham gia công việc bào chữa trong các phiên tòa thì số lượng các vụ án LS có bằng chứng cho rằng các bị can không phạm tội không nhiều.
Trước khi bị oan các bạn làm nghề gì? Quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người thì các bạn phải ngồi tù oan, vậy các bạn có hướng gì mới cho tương lai? Các cơ quan các tổ chức xã hội giúp đỡ việc gì cấp bách nhất để tiếp tục sống cho ý nghĩa? (Trần Ngọc Linh, 30 tuổi, ngocjlinhkontum@gmail.com)
- Nguyễn Đình Tình: Trước đó, tôi lao động tự do. Năm 2001, tôi dự định mở xưởng dệt len và sửa chữa xe máy. Còn bây giờ, tôi đang tập làm quen với máy tính tại nhà, sau đó tôi sẽ học bổ túc văn hóa, tin học và ngoại ngữ. Sau khi phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra, chính thức trả quyền công dân cho tôi, tôi mới có thể thực hiện được những việc đó.
- Nguyễn Đình Kiên: Trước khi bị oan sai, tôi là bộ đội. Lúc đó, tôi dự định phục vụ lâu dài trong quân đội. Trở về sau 10 năm, hiện chưa có bản án cuối cùng chính thức minh oan cho mình nên chưa thể có dự định cụ thể. Sau một thời gian dài, tôi hụt hững và cần thời gian để định hướng lại cuộc sống hòa nhập.
Xin hỏi bác sĩ Hồng: khi bà nhận được câu trả lời của tòa án tối cao là "đã xử đúng người, đúng tội", thì bà đã nghĩ như thế nào? (Nguyẽn Thị Hồng Nhung, 28 tuổi, nhungbasi82@yahoo.com)
Bác sĩ, Lương Y Phạm Thị Hồng: Khi nhận được tin của tòa án tối cao, huyết áp của tôi cao chót vót trên 200. Sau hai ngày tôi hồi phục đã mang đơn đến các cơ quan trung ương đề nghị xem xét giải quyết.
Về vấn đề ở tù oan thì 3 thanh niên được đền bù tinh thần và vật chất thế nào, phápluật có qui định không? (Ngô Văn Trưởng, 32 tuổi, ngo_vtruong@yahoo.com)
Luật sư Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại khoản 2, Điều 26 Luật Bồi thường nhà nước (có hiệu lực từ 1.1.2010) thì một trong các trường hợp được Nhà nước bồi thường thiệt hại là việc: “Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội...”.
Như vậy, nếu Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tuyên không phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản thì họ sẽ được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
- Tùy từng trường hợp cụ thể, người bị kết án oan sẽ được Nhà nước bồi thường về các thiệt hại sau đây: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe...
Toà Phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội là tòa án ra bản án cuối cùng kết án Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên về tội hiếp dâm và cướp tài sản. Nếu Hội đồng Thẩm phán - TANDTC xét xử Giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viên trưởng VKSNDTC thì sẽ xảy ra một trong hai khả năng:
a- Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên các bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội, thì họ sẽ được bồi thường ngay;
b- Hội đồng Thẩm phán - TANDTC tuyên hủy bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại, mà sau đó họ vẫn được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được tuyên là không có tội, thì việc bồi thường chỉ được thực hiện sau khi có một trong các quyết định tố tụng nói trên.
Như vậy, dù được bồi thường ngay hay phải chờ đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được tuyên là không có tội thì theo Luật bồi thường nhà nước, Toà Phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội vẫn là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên.
Thưa bạn đọc, vẫn còn hàng trăm câu hỏi nữa của bạn đọc mà các vị khách mời của chúng tôi chưa kịp trả lời do thời gian đã hết. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển các câu hỏi còn lại tới những vị khách mời qua email để có thể trả lời trực tiếp bạn đọc. Chúng tôi xin dừng buổi trực tuyến này tại đây. Xin trân trọng cám ơn các vị khách mời và bạn đọc đã tham gia cùng chúng tôi. Hẹn gặp lại vào các buổi trực tuyến lần sau.
TPO

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn