Quê nhà Stalin dẹp tượng của ông

clip_image001Tượng Stalin được đem đi trong đêm tối
Dẹp tượng nhưng không hủy mà đưa đến bảo tàng là hành động văn hóa. Chẳng bù với nhiều cuộc cách mạng phương Đông, hễ dấy lên thì mọi thứ thuộc về văn hóa đều bị xóa sạch trơn. Việt Nam có lẽ là nước tồi tệ nhất về phương diện này. Không nói các triều đại phong kiến, triều sau lên thay thế nào cũng đập phá đình đài lầu gác của triều trước để lại; cũng không nói những phong trào có tính quần chúng như Xô-viết Nghệ Tĩnh, Cải cách ruộng đất... di sản văn hóa bị mất mát không biết bao nhiêu mà kể (có thể nói sách Hán Nôm thì mất hầu sạch); chỉ nói ngay khi các cuộc đảo chính và cách mạng năm 1945 lên là Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết rồi tượng Alexandre de Rhodes, tượng Bà Đầm Xòe... ở Hà Nội đều bị đập tan tành. Giá thử tượng Bà Đầm Xòe còn để lại trong bảo tàng thì nay ta vẫn có được một tác phẩm thu nhỏ do tự tay nhà nghệ sĩ, Công trình sư nổi tiếng Alexandre Gustave Eiffel (1832-1923) chế tác, và cũng là một kỷ vật biểu tượng Nữ thần Tự do đang đứng sừng sững trên đất Hoa Kỳ. Cứ nghĩ đến đấy lại thấy sự vô văn hóa bao giờ cũng phải trả một giá quá đắt.

Chả trách ĐT Võ Nguyên Giáp và ông Võ Văn Kiệt cũng như đông đảo giới trí thức Việt Nam cứ tha thiết giữ nguyên di tích Hoàng Thành Thăng Long không xén bớt cho ngôi nhà Quốc hội đang xây như hiện nay, và giữ nguyên Hội trường Ba Đình chứ đừng phá đi. Ai nói rằng đám tư bản mới phất, do tiền nhiều bạc lắm và do nhu cầu trang sức mình khi thể hiện quyền lực, sẽ tự họ tìm được một cách ứng xử văn hóa có lợi cho xã hội nhỉ? Chúng tôi tìm mỏi mắt chưa thấy.
Nguyễn Huệ Chi
Nhà chức trách tại Gruzia đã cho hạ một bức tượng của nhà độc tài Joseph Stalin ngay tại quảng trường trung tâm của thị trấn Gori quê ông.
Bức tượng đồng cao sáu mét đã được đưa đi bất ngờ vào giữa đêm, theo tin tức từ địa phương.

Tượng sẽ được chuyển đến một bảo tàng ở Gori dành riêng cho Stalin, theo lời Chủ tịch Hội đồng thành phố, Zviad Khmaladze.

Nhưng chắc rằng tranh cãi sẽ không chấm dứt ở đây.

Theo ông Khmaladze, tại nơi có tượng Stalin, người Gruzia nắm chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Liên Xô, nay người ta sẽ dựng một đài tưởng niệm.

Đài tưởng niệm này sẽ dành cho cho các nạn nhân "cuộc xâm lăng của Nga", chiến cuộc giữa hai bên hồi 2008 vốn vẫn chia rẽ dư luận hai nước.

Joseph Stalin, sinh năm 1879 ở Gori và chết tại Moscow năm 1953.

Tên thật là Iosif Vissarionovich Dzhugashvili, ông tham gia cách mạng và trở thành "một trong những nhà độc tài quyền uy và đẫm máu nhất trong lịch sử" theo đánh giá của trang BBC History.

'Công và tội'



Thủ tướng Nga Putin từng cho rằng Stalin là "nhà quản trị tài ba".

Trong vòng một phần tư thế kỷ, Stalin là lãnh tụ tối cao của Liên Xô. Chế độ khủng bố của Stalin làm hàng chục triệu người chết.

Nhưng mặt khác, Stalin cũng xây dựng một bộ máy chiến tranh lớn, đóng vait trò cốt tử trong việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít.

Dù là người Gruzia, ông cũng bị cáo buộc đã trấn áp Giáo hội Chính thống ở quê nhà và hành hạ, giết hại nhiều trí thức Gruzia.

Và dù nói tiếng Nga với giọng Gruzia, ông lại là nhân vật lịch sử người Nga coi là của họ.

Cho đến ngày nay, chính giới, các sử gia và dư luận Nga vẫn còn tranh cãi về "công và tội" của Stalin.

Có vẻ như giữa Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev cũng có cách nhìn khác biệt.

Ông Putin từng chia sẻ quan điểm rằng Stalin là "nhà quản trị tài ba", nói về giai đoạn tái thiết Liên Xô sau chiến tranh.

Nhưng gần đây nhất, ông Medvedev đã công khai lên án các tội ác thời Stalin.

Nhưng với không ít cựu binh Liên Xô, ông Stalin vẫn là nhân vật đem lại vinh quang cho Tổ quốc Xô Viết trong Đệ nhị Thế chiến.

Các nước Đông Âu thì có quan điểm ngược hẳn.

Những người cộng sản ở Ba Lan, Czech, và Hungary cũng đều cho rằng thời kỳ Stalin cầm quyền là giai đoạn đen t̀ối.

Tại các nước cộng sản châu Á đã cải tổ như Trung Quốc và Việt Nam, vai trò của Stalin vẫn là đề tài bị né tránh thảo luận công khai.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn