Vì môi trường, Úc hủy dự án bauxite

Văn Khoa

clip_image002

 

Bang Queensland chấp nhận mất một dự án bauxite lớn để bảo vệ sông Wenlock - Ảnh: Wilderness.org.au

 

Một công ty khai khoáng Úc buộc phải hủy dự án khai thác bauxite khổng lồ sau khi chính quyền bang Queensland mở rộng khu bảo tồn sinh thái.

Ngày 4.6.2010, chính quyền bang Queensland của Úc tuyên bố đưa vùng Lưu vực sông Wenlock trên bán đảo Cape York vào diện được bảo tồn theo Luật Bảo vệ các con sông tự nhiên. Theo đó, toàn bộ khu vực có bán kính 500m tính từ vùng lưu vực sông sẽ trở thành khu bảo tồn sinh thái do chính phủ bảo vệ. Ngay sau đó, Công ty khai khoáng Cape Alumina cảnh báo quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới dự án khai thác bauxite có vốn đầu tư trị giá 1 tỉ AUD (hơn 19 ngàn tỉ đồng). Hãng tin ABC dẫn số liệu từ công ty ước tính dự án sẽ tạo 1.000 việc làm cho dân địa phương trong quá trình xây dựng và 350 việc làm lâu dài sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Cape Alumina đã đề nghị chính quyền giảm bán kính nói trên từ 500m xuống còn 300m nhưng không được chấp thuận. Sau khi xem xét mức độ ảnh hưởng, công ty đánh giá sản lượng bauxite sẽ giảm 45% so với dự kiến. Vào ngày 18.10, Cape Alumina tuyên bố hủy dự án khai thác bauxite, theo hãng tin AAP.

Quyết không nhượng bộ

Người đứng đầu Sở Tài nguyên bang Queensland Stephen Robertson là người đã bác đề nghị giảm bán kính khu bảo tồn của Cape Alumina. ABC dẫn lời ông cho hay: “Tôi đã đích thân đến quan sát sông Wenlock và nhận thấy môi trường ở đó cần được bảo vệ nghiêm ngặt”. “Không phải tất cả những gì chúng tôi làm đều nhận được sự ủng hộ 100% từ người dân nhưng có rất nhiều người phản đối việc khai thác bauxite gần sông”. David Claudie, một chủ đất trong khu vực bày tỏ: “Khi đến khai thác mỏ, công ty sẽ dọn sạch mọi thứ trên mặt đất. Lúc đó, các loài chim thú sẽ sống ở đâu? Chưa kể ảnh hưởng của nó đối với hệ sinh thái của con sông. Tất cả chỉ vì tiền”.

Thị trấn Weipa (cũng thuộc Cape York - NV) có mỏ bauxite lớn nhất thế giới, nhưng không có cộng đồng lớn nào ở đó được cải thiện về nguồn thu kinh tế và đời sống xã hội. Thực tế cho thấy ngành khai khoáng không mang lại lợi ích cho các cộng đồng bản xứ. Các công ty họ đến hứa hẹn đủ thứ, phá hủy môi trường địa phương rồi ra đi với một mớ tiền

Stephen Robertson, người đứng đầu Sở Tài nguyên bang Queensland

Sau khi tuyên bố hủy bỏ dự án, Giám đốc điều hành Paul Messenger của Cape Alumina cho rằng Queensland đã đánh mất 1,2 tỉ AUD giá trị từ các hoạt động kinh tế mới và hàng trăm công việc cho cộng đồng miền tây bán đảo Cape York, theo AAP. Đáp lại, ông Robertson lập luận: “Thị trấn Weipa (cũng thuộc Cape York - NV) có mỏ bauxite lớn nhất thế giới, nhưng không có cộng đồng lớn nào ở đó được cải thiện về nguồn thu kinh tế và đời sống xã hội. Thực tế cho thấy ngành khai khoáng không mang lại lợi ích cho các cộng đồng bản xứ. Các công ty họ đến hứa hẹn đủ thứ, phá hủy môi trường địa phương rồi ra đi với một mớ tiền”.

Phần lớn công dân mạng của Úc cũng ủng hộ quyết định nói trên của chính quyền Queensland. Trên trang Cairns.com.au, một người tên James Marsden viết: “Công việc của chính phủ là bảo đảm vùng đất này cho các thế hệ sau hưởng thụ. Nghĩ đến tương lai, mọi người có thể thấy rằng công ty khai thác mỏ sẽ lấy đi mọi vẻ đẹp và tài nguyên của khu vực rồi ra đi chẳng để lại gì cho chúng ta”.

Trong khi đó, nhiều người dân Cape York chỉ trích Luật Bảo vệ các con sông tự nhiên, cho rằng chính quyền cướp đi quyền quyết định sử dụng đất của họ, theo ABC. Peter Guivarra, người đứng đầu thị trấn Mapoon, miền tây Cape York, cho biết cách đây 2 năm, hầu hết người dân đều phản đối dự án của Cape Alumina nhưng sau đó họ đã thay đổi nhanh chóng sang ủng hộ. “Lý do chủ yếu là vì việc làm”, ông Guivarra nói. ABC hôm qua dẫn lời một số quan chức chính quyền thị trấn Weipa lo ngại rằng sẽ có nhiều công ty khác theo chân Cape Alumina một khi nhiều con sông khác trong khu vực được chính quyền Queensland đưa vào diện bảo tồn.

Chiến thắng lớn cho môi trường

Bất chấp những phản đối trên, Thủ hiến Queensland Anna Bligh tuyên bố bà không hề hối tiếc vì dự án khổng lồ của Cape Alumina bị hủy. Theo bà, việc này là một thắng lợi lớn cho môi trường và thế hệ tương lai.

Trang tin Miningweekly.com dẫn lời ông Robertson giải thích rằng Luật Bảo vệ các con sông tự nhiên nhằm bảo vệ những phần thiên nhiên nguyên thủy của bang và khu vực bảo tồn xung quanh sông Wenlock và các con suối liên quan sẽ không thay đổi. Ông nhấn mạnh luật này giúp cân bằng việc bảo vệ di sản tự nhiên cho các thế hệ sau và sự phát triển bền vững. “Chúng ta có những đạo luật về môi trường nghiêm khắc nhất thế giới vì chúng ta không muốn thấy môi trường bị phá hoại do phát triển công nghiệp hay khai thác mỏ”, ông nói.

Quyết định hủy dự án bauxite có thể là một tổn thất lớn đối với Cape Alumina. Tuy nhiên, phát ngôn viên Tổ chức hoang dã Queensland Glenn Walker cũng cho rằng đó là một chiến công trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên. AAP dẫn lời ông Walker phấn khởi: “Tin mỏ bauxite ở Cape York không hoạt động nữa là tin tốt. Đây là một trong những thành công lớn nhất về công tác bảo vệ môi trường ở Queensland”. Ông cho biết trước đó Công ty Cape Alumina đề nghị san bằng phần lớn những khu rừng bạch đàn trong khu vực, vốn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã. Ông Walker nhận định nếu dự án bauxite trên vẫn được tiếp tục thực hiện, nó sẽ ảnh hưởng các khu vực cửa sông, môi trường sống của một số loài cá quý hiếm.

Theo các tổ chức môi trường, lưu vực sông Wenlock bao phủ khoảng 7.435 km2 và có số lượng loài cá nước ngọt lớn nhất ở Úc.

V. K.

Nguồn: Thanhnien

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn