Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bác nhiều dự án của Chính phủ (*)

Nguyên Hà

clip_image001  

Một công trình được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

 

Không những không tán thành bổ sung nhiều dự án mới mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội còn đề nghị Chính phủ cần đưa ra ngoài danh mục đầu tư những dự án kém hiệu quả, triển khai chậm...

Hàng loạt nguyên tắc cũng đã được ủy ban này nhấn mạnh khi thẩm tra phương án phân bổ 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7/1.

Vẫn bố trí vốn cho dự án ngoài danh mục

Đề nghị của Chính phủ đã không được cơ quan thẩm tra nhất trí bởi những lý do được chính cơ quan này chỉ ra qua giám sát.

Đó là các dự án đều có điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu. Có nhiều dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù giải phóng mặt bằng... mà còn điều chỉnh cả về quy mô dự án, có những dự án vừa thi công, vừa đấu thầu, vừa điều chỉnh tổng mức đầu tư; nhiều dự án, công trình điều chỉnh tổng mức đầu tư lên nhiều lần so với tổng mức đầu tư ban đầu, nhất là so với vốn trái phiếu Chính phủ.

“Có dự án không có trong Nghị quyết 881 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn được bố trí vốn, được bổ sung vào danh mục phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát lại, không tăng thêm vốn đầu tư cho các dự án thay đổi về quy mô và tạm thời không bố trí trong kế hoạch vốn trong năm 2011 đối với các dự án không có danh mục trong Nghị quyết 881.

Chỉ với 22 dự án, với tổng mức đầu tư là 651 tỷ đồng được loại bỏ ra khỏi danh mục vốn trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách “phê” việc rà soát loại bỏ các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội vẫn chưa được chú trọng, còn mang tính hình thức. Nhất là vẫn còn một số địa phương chưa báo cáo kết quả rà soát dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ,  dẫn tới một số dự án kéo dài từ năm 2000, 2001 đến nay vẫn tồn tại trong danh mục.

Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn giữa các vùng, các địa phương trong cùng một vùng còn chưa hợp lý. Bởi vậy đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh giảm 900 tỷ đồng ở một số địa phương có mức bố trí trên 1.000 tỷ đồng, để điều chỉnh tăng cho một số địa phương nghèo ở các vùng khó khăn, các địa phương bố trí quá thấp dưới 100 tỷ đồng đối với dự án ngành giao thông, thủy lợi nhằm giảm mức chênh lệch quá lớn giữa các địa phương.

Đáng chú ý, đa số ý kiến  trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng ý với đề nghị của Chính phủ, bổ sung 35 dự án giao thông, 5 dự án thuỷ lợi với tổng mức đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng trong năm nay.

Vì với danh mục các công trình đã được duyệt và mức dự kiến phát hành vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm khoảng 45.000 tỷ đồng như hiện nay thì trong 5 năm tới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu (còn 40% chưa được quyết định bổ sung từ nguồn vốn nào).

Một số ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ một số dự án kém hiệu quả, triển khai chậm đưa ra ngoài danh mục đầu tư, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư đối với các dự án tăng quá cao do mở rộng dự án. Đồng thời lựa chọn một số dự án thật sự cấp bách, cần thiết, tạo động lực phát triển kinh tế vùng, miền của địa phương, các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan lãnh đạo cao nhất để bổ sung vào kế hoạch năm 2011 và bố trí một phần vốn để chuẩn bị đầu tư có tính chất liên thông cho các năm tiếp theo.

Đã quá cao so với khả năng cân đối

Thái độ được cho là khá kiên quyết của cơ quan thẩm tra có nguyên do từ kết quả giám sát việc quản lý, phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 – 2010.

Theo đó, tổng mức đầu tư các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn này đã tăng quá cao so với khả năng cân đối của ngân sách, ảnh hưởng đến khả năng vay và trả nợ. Trong khi cơ chế điều hành, quản lý nguồn vốn chưa hợp lý số lượng dự án hoàn thành còn quá ít, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn.

Với năm 2011, Ủy ban này lưu ý, Quốc hội vẫn chưa quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, đồng thời chưa quyết định chương trình trái phiếu Chính phủ giai đoạn tiếp theo. Do vậy, Quốc hội tạm thời cho phép năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về kế hoạch phát hành, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.

Cũng theo phân tích của cơ quan thẩm tra, lạm phát năm 2010 đã tăng vọt lên 11,75% và dự báo trong năm 2011 lạm phát sẽ còn diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát phải được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu và cần được chú trọng ngay từ đầu năm 2011, một loạt các công cụ kiềm chế lạm phát tương tự như năm 2008 cần được triển khai nếu tình hình lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao.

“Vì vậy, cần thiết phải rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư chưa thật sự cấp bách”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói.

Một số nguyên tắc phân bổ được Ủy ban nhấn mạnh là cần ưu tiên tập trung cho những dự án giao thông, thuỷ lợi cấp bách và các công trình y tế, giáo dục, nhất là ở các địa phương nghèo, kinh tế chậm phát triển, vùng bão lũ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 - 2012.

Không bổ sung danh mục mới; không bổ sung quy mô, mục tiêu dự án; chỉ điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi các quy định của pháp luật về đơn giá nhân công, nguyên nhiên vật liệu, tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Đồng thời không bố trí vốn cho các dự án, công trình không đúng đối tượng, không đủ thủ tục đầu tư, chưa thật sự cấp bách, không hiệu quả, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

N. H.

(*) Nhan đề do BVN đặt lại.

Nguồn: Vneconomy

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn