Văn hóa và thiên nhiên

Phạm Toàn

clip_image001

Ảnh: Fr.toonpool.com

ThienNhien.Net“…Có văn hóa có nghĩa là đừng bao giờ coi thiên nhiên như cái kho của vô tận, thậm chí vô chủ, và ai đó cứ việc thả sức vơ vét. Ta sẽ thấy ngay một thí dụ về đối đãi không mang tính văn hóa với thiên nhiên, thấy rất rõ trong những mỏ vàng khai thác vô tội vạ làm thiên nhiên lở loét nham nhở – không chỉ những khai thác tự phát của những người nghèo thất học, mà cả trong hành vi hủy hoại và bán rẻ tài nguyên của những người có học!”

Bắt đầu từ khái niệm tổng quát, ấy là đặt câu hỏi gốc: văn hóa là gì? Đây là định nghĩa có lẽ là mang tính phổ quát, bao trùm hơn cả: văn hóa là mọi thứ gì con người làm ra đối lập với tự nhiên.

Trong định nghĩa này, có một yếu tố quan trọng rất dễ bị hiểu lầm: đối lập với.

“Đối lập với…” Mọi thứ do con người làm ra đều khác hẳn với cách làm ra của thiên nhiên. Mọi thứ của cải bắt gặp trong thiên nhiên chỉ là những thứ tự nhiên mà có: những dòng sông, những trái núi, những cánh đồng, những đầm nước, những con vật và những thứ sinh sản tự nhiên trên cái Tự Nhiên mà nếu không có bàn tay con người đụng vào thì vĩnh viễn chỉ được gọi là “tự nhiên hoang dã”.

Cách nói “đối lập với…”  là một cách định nghĩa để thấy hai phạm trù, bên này là cái tự nhiên hoang dã và bên kia là cái văn hóa – một cái không có bàn tay con người và một cái có bàn tay con người. Sự “người hóa” đó hoặc khái niệm “văn hóa” đó được gửi trong từ culture cũng là khái niệm chỉ sự “trồng trọt” – và theo ngôn ngữ phương Tây, ta có agriculture như là “văn hóa ruộng đồng” hoặc nông nghiệp, sylviculture như là “văn hóa rừng” hoặc lâm nghiệp, sériciculture như là “văn hóa tằm tang” hoặc nghề chăn tằm… thậm chí cả puériculture như là “văn hóa con trẻ” hoặc nghề nuôi nấng dạy dỗ trẻ nhỏ…

Cư xử với thiên nhiên có các “tác giả” là động vật thuần túy và động vật Người. Thực ra, cũng có những “tác giả” vô tri vô giác nữa như quả núi con sông, với những “hành động” cũng vô tri vô giác nốt, như núi lở hoặc lũ tràn… Còn lại hai loại “tác giả” chính: động vật và con người. Ta sẽ thấy, chỉ có những “tác giả” được trang bị ngôn ngữ và có ý thức mới trở thành yếu tố quan trọng cuối cùng để thực hiện hành vi làm cho văn hóa đối lập được với thiên nhiên…

Đến đây, ta sẽ bắt gặp cái văn hóa đích thực và cái “văn hóa” phản văn hóa. Cái văn hóa đích thực bao giờ cũng hiền hòa như cái cốt lõi “nhân chi sơ tính bản thiện” của con người. Đó là cái thời lạy giời mưa xuống lấy nước tôi uống lấy ruộng tôi cầy lấy đầy bát cơm lấy rơm đun bếp… Vào những tháng năm con người hành động thuận với “lẽ trời” hoặc lẽ tự nhiên ấy, chưa khi nào thấy những khẩu hiệu ngạo mạn như nghiêng đồng đổ nước ra sông, hoặc vắt đất ra nước thay trời làm mưa…

Vào những thời đó, cũng không xa hôm nay bao nhiêu, con người không tận diệt rừng, mà “ăn rừng”, và do muốn được “ăn rừng” lâu bền, thì phải biết cách nuôi dưỡng cho rừng mọc lại, và đó chính là văn hóa rừng. Nhà văn hóa Nguyên Ngọc kể, khi anh hỏi một đôi vợ chồng Mnông Gar họ đã cưới nhau vào năm nào, họ sẽ trả lời anh: “Năm làng chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”. Ấy là cái năm làng làm rẫy ở khu rừng có tên như vậy. Trong cách nói đó (mà nói, như ai cũng biết, đã là văn hóa), có rất nhiều điều có thể nhận ra. 1 - Ở đây người ta “ăn rừng” (…) như ta nói ta bú sữa mẹ, mẹ cho ta cái ăn, cho ta máu thịt. Ta là một phần không thể tách rời của mẹ rừng. Ta từ mẹ rừng mà ra. 2 - Rừng không chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Người ta lấy không gian để đo thời gian. (…) Cuộc đời con người ấy được tính bằng chu kì mẹ rừng cho họ máu thịt qua từng mùa rẫy. (…)

Đó là cái làng văn hóa Tây Nguyên. Cái làng văn hóa lúa nước Việt Nam trong công cuộc vật lộn để “ăn thiên nhiên” cũng diễn ra hiền hòa như thế. Hiền hòa để hình thành dần các làng với một nền văn hóa làng xã quá đẹp! Dân làng sống chung với nhau theo hương ước. Những con đường lát gạch nghiêng chẳng hề vay mượn vốn ODA mà chỉ nhờ cậy vào đóng góp công sức của chính người dân và tiền bạc từ những người có máu mặt, và cả từ những vụ bị làng “bắt vạ” do vi phạm hương ước như đánh nhau, chửi nhau, bất hiếu với cha mẹ già, thậm chí cả từ các vụ chưa cưới cheo gì mà đã “ăn cơm trước kẻng”…

Làm ra văn hóa

Nếu bạn chú ý, bạn sẽ thấy những miêu tả bên trên về văn hóa có hàm chứa một ý tưởng vô cùng quan trọng này: sự làm ra văn hóa.

Văn hóa không phải là những của ăn xin. Một cái mô-tô không do tự tay mình lao động kiếm tiền rồi dành dụm mua lấy về dùng, một cái mô-tô rơi vào tay ta như một thứ xa xỉ phẩm mua bằng đồng tiền phi pháp và phi nghĩa, kẻ thiếu văn hóa sẽ có thái độ vũ phu với chính cái mô-tô “của mình” đó. 

Tương tự như vậy, có văn hóa có nghĩa là đừng bao giờ coi thiên nhiên như cái kho của vô tận, thậm chí vô chủ, và ai đó cứ việc thả sức vơ vét. Ta sẽ thấy ngay một thí dụ về đối đãi không mang tính văn hóa với thiên nhiên, thấy rất rõ trong những mỏ vàng khai thác vô tội vạ làm thiên nhiên lở loét nham nhở – không chỉ những khai thác tự phát của những người nghèo thất học, mà cả trong hành vi hủy hoại và bán rẻ tài nguyên của những người có học!

Rất cần thiết phải nêu câu hỏi về những kẻ có học: những kẻ vặt hoa anh đào Nhật Bản ở nơi triển lãm, những kẻ thả cá phóng sinh rồi thả luôn cả túi ni-lông xuống ao hồ, tệ hại nữa, những kẻ thả cả rùa tai đỏ xuống cái hồ thiêng liêng của dân tộc ở đó rùa tai đỏ sẽ ăn thịt một động vật thiêng liêng được gần một trăm triệu người kính cẩn gọi Cụ Rùa… những người có hành vi vô văn hóa đó cũng từng có học và có bằng cấp đầy đủ đấy chứ?

Trả lời câu hỏi đó đụng chạm tới cái gốc của sự tạo dựng một nền văn hóa, đó là sự làm ra chính nền văn hóa ấy. Giáo dục là cái gốc, là nơi tổ chức sự trường tồn và phát triển của văn hóa, cũng không được thoát ra khỏi nguyên lý đó: trong một nền giáo dục đích thực, con người phải tự làm ra sản phẩm của giáo dục, chứ không ngồi nghe giảng rồi nhại lại những lời giảng nhằm nhặt lấy một mảnh bằng. Tổ chức lại một nền giáo dục đích thực để tổ chức lại một công cuộc Phục hưng Văn Hóa không nhờ vào việc gắn biển văn hóa tràn lan, càng không nhờ vào việc “nói không với…” một cách có vẻ văn hóa. Cần phải tổ chức được việc tạo ra năng lực tự học của học sinh. Những học sinh sản phẩm của một nền giáo dục tự mình làm ra con người có giáo dục sẽ là những viên gạch tự làm ra một nền văn hóa đích thực.

Không được phép kéo dài mãi cái ý thích và cung cách tạo ra một thứ văn hóa phi văn hóa và phản văn hóa với những dẫn chứng đầy dẫy. Không được phép để tồn tại mãi một nhà trường phi giáo dục và phản giáo dục (một nhà trường ở đó không thấy các chủ thể được làm mà học – làm thì học như khắp nơi đang hô hào lâu nay, learning by doing).

Chỉ có những con người được giáo dục một cách đúng đắn mới thành cốt lõi bền vững của một cuộc sống văn hóa – cái văn hóa đủ sức không làm hại cho thiên nhiên, cái văn hóa đủ sức tạo ra một thiên nhiên văn hóa.

Hà Nội, 22 tháng Hai 2011

PT

Nguồn: Thiennhien.net

Top of Form

Bottom of Form

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn