Tiếng nói của một bạn trẻ - Bệnh tật của gia đình lớn

Minh Hoàng

Kính gửi Bác Huệ Chi và các bác trong Ban biên tập Bauxite Việt Nam,

Sau ngày 4/4 , cháu cũng như nhiều người khác có cảm giác rất khó tả. Bức xúc có, chán nản có, buồn có, vui có, thương chú Vũ cũng có. Thế nhưng cháu không khỏi thất vọng khi gặp một số người đồng trang lứa với mình, muốn chia sẻ mà không chia sẻ nổi. Lướt qua trang của các bác, của Anh Ba Sàm, chị Mẹ Nấm... thì cũng không nhiều những tiếng nói của lứa tuổi đôi mươi. Những con người đầy khát khao, đầy động lực, đầy năng lượng ấy hình như lại thích làm cừu hơn làm người.

Cháu thấy giờ thì cháu không thể làm cừu nữa, cháu sẽ viết, viết hết mình, viết để cạo sạch lông cừu bám đầy đầu những con cừu.

Cháu mong bác cho đăng bài của cháu trên trang nhà của bác.

Chúc các bác sức khỏe dồi dào và tinh tấn.

M.H.

Nhớ ngày xưa, khi còn ngồi ghế nhà trường, có lẽ ai cũng đều từng thuộc lòng câu cửa miệng: “Gia đình là tế bào của xã hội”. Vậy thì chắc hẳn nhìn theo một cách nào đó, xã hội này cũng chỉ là một cái gia đình lớn mà thôi. Chỉ có điều, cái gia đình lớn ấy có số con lên đến gần 9 con số và cũng có rất nhiều bố mẹ chỉ chiếm một phần “bé tí” so với số con nhưng lại có quyền lực tuyệt đối trong gia đình. Trước kia, mỗi khi gia đình có vấn đề gì, “các bố mẹ” đều ra rả khuyên các con rằng đó chỉ là một vài “tế bào” bị bệnh thôi, không thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể gia đình được. Nhưng vừa rồi đã xảy ra một sự kiện không thể xem thường: Một đứa con ruột đứng lên vạch rõ cho bố mẹ thấy là gia đình đang có quá nhiều tế bào ung thư, hàng xóm đang lăm le lấn sang nhà mình và có nhiều bố mẹ trong số các “bố mẹ” không xứng đáng làm bố mẹ vì bỏ bê cửa nhà con cái khiến có ngày thì cả gia đình sẽ bị di căn mà ung thư bằng hết và hàng xóm sẽ sang chiếm mất nhà. Và kết quả ra sao thì mọi người đã biết rồi đó: “Các bố mẹ” đã phạt đứa con dám lên tiếng bởi rất yêu gia đình ấy - “sám hối 7 ngày ở phòng riêng” và “ 3 ngày cấm túc” “không cho giao du với các bạn, đi chơi bên ngoài”.

Trong cái khung cảnh như vậy, có lẽ rất nhiều đứa con đã phải thừa nhận là gia đình mình thực sự đang bị ung thư rồi. Ung thư nặng lắm. Cái bệnh ung thư nó di căn đến nỗi mà “trong nhà chưa tỏ thì ngoài ngõ đã thông”. Nếu gia đình ví như một cơ thể, thì chắc chắn “các bố mẹ” phải là cái đầu. Thế mà cả cơ thể bị ung thư mà cái đầu lại không muốn chữa thì là vì đâu? Chỉ có thể là do bệnh ung thư đã di căn lên não, chắc là từ lâu rồi.

Gia đình ta chỉ có một nhúm con đẻ nhưng lại có rất nhiều con nuôi. Đôi khi, những đứa con nuôi buồn chán thốt lên rằng: Đời đâu phải cổ tích vậy mà sao lũ con đẻ sướng thế, còn lũ con nuôi chúng ta khổ thế. Cùng có bố mẹ mà sao lúc nào cũng vậy, những đứa con ruột luôn có chỗ làm tốt, xe đẹp, vợ đẹp, tiền tiêu thoải mái, mọi sự như ý. Còn lũ con nuôi thì sao, bị “các bố mẹ” chèn ép, bị cướp mất cơ hội cạnh tranh công bằng, sống khổ sở trong những ngôi nhà thuê chật hẹp mà nếu có nhà thì cũng khổ như là nhà đi thuê. Những đứa con ruột sinh hoạt chung trong một cái tổ chức gọi là Group 5C và những đứa con nuôi cũng sinh hoạt chung nhưng lại phải chia làm nhiều nhóm nhỏ mang nhiều tên khác nhau như: Luôn phải ước mơ, Ước gì, Mong chờ công bằng, Hy vọng sẽ có ngày mai… Nhưng liệu như thế đã hết chưa ? Chưa. Đám con ruột giành đất của đám con nuôi trong cảnh các bố mẹ có biết cũng làm ngơ. Khi có xô xát giữa con ruột với con nuôi thì con nuôi bao giờ cũng chịu thiệt. Con nuôi có làm sai thì y như rằng bố mẹ quở trách, trừng phạt ngay lập tức với hình phạt nghiêm khắc nhất. Và còn rất, rất nhiều điều nữa mà đám con nuôi không thể và không dám kể hết.

Còn chuyện làng xóm thì sao ? Tệ hơn nhiều. Đã 37 năm nay người hàng xóm to béo xấu bụng đã chiếm lấy cái cù lao phía trước nhà mình. Các bố mẹ vẫn cứ nói đó là nhà mình, hàng ngày vẫn bàn với nhau xem thời tiết ở hòn cù lao đang mưa gió, nóng lạnh ra sao trong khi lão hàng xóm cho đám trẻ nhà hắn trồng tre, câu cá ở đó từ bao lâu nay rồi. Gã béo tệ hại còn lăm le ăn nốt cả hòn cù lao cách đó không xa. Mỗi lần có anh em nào trong nhà mình ra sông câu cá thì chúng nó hốt cả thuyền và người vào để dọa dẫm. Vậy mà bố mẹ mình chỉ giải quyết bằng cách nhấc điện thoại lên alo cho lão béo hỏi: “ Anh ơi, lũ trẻ nhà tôi đi câu, anh có gặp thì bảo chúng về giùm tôi nhé”. Cả nhà đều ghét nhà bên đó nhưng bố mẹ và các anh em con ruột thì vừa ghét lại vừa sợ. Đến nỗi có cái hàng rào ngăn vườn hai nhà mà gã béo nhích sang từng tí một, bố mẹ vừa rụt rè lên tiếng là hắn gằn giọng cho một cái lại phải im re. Khi mà những đứa con nuôi quyết định phải cùng nhau kêu to lên, khẳng định 2 hòn cù lao là của nhà mình với khẩu hiệu HS-TS-VN thì ngay lập tức các bố mẹ trừng mắt bắt cả bầy im lặng, nếu không sẽ bị ăn roi ngay lập tức. Có ông bác tốt hay cầm theo cái điện thoại di động luôn sang cho kẹo với cả điện thoại thì giờ đã không sang nữa. Có ông chú tốt khác hay gắn một bông hoa anh đào, thường xuyên cho nhà mình tiền để xây sửa cho khang trang, thế mà khi nhà chú ấy bị nước ngập tràn vào, bố mẹ liền tuyên bố ủng hộ nhà chú ấy hai ngàn để mua kẹo. Ai chơi thân với ông bác Sam bên kia sông thì bố mẹ bảo đó là đứa hư, đang rủ rê anh em gây loạn. Những đứa con nuôi như chúng mình, giờ không biết còn bao nhiêu đứa tin vào bố mẹ nữa đây?

Giờ đây, khi cái ngày Song tứ (4/4) ấy đến, các bố mẹ phạt anh ấy, một đứa con ruột, sám hối 7 ngày trong căn phòng riêng u tối. Phải chăng bố mẹ đã tuyệt tình với các con? Phải chăng chính bố mẹ đang tự dựng sẵn một tấm barrière ngăn cách các con với mình? Phải chăng trong thực lòng bố mẹ, tình thân giờ chỉ còn là cái nhãn mác chứ mọi sự bố mẹ đều nắm quyền quyết định hết ráo? Phải chăng câu cửa miệng “Của con, do con, vì con” chỉ là để bố mẹ mang đến trường họp phụ huynh? Phải chăng bố mẹ sau khi phạt anh lớn, sẽ phạt đến các anh khác, và sẽ phạt, phạt, phạt cho đến khi mọi đứa con đều phải câm miệng? Phải chăng bố mẹ mong ước: Giá mà tất cả lũ con biến thành cừu?

Mấy ngày nay, tiếp xúc với rất nhiều những người trẻ, những đứa con nuôi mà bố mẹ hứa là “các con là chủ nhân tương lai của nhà này”, có vẻ như đứa nào cũng đều biết chuyện một người anh của mình đang bị bố mẹ phạt nặng, biết chung chung thế chứ biết cho tường tận thì cũng chẳng có mấy đứa. Tội nghiệp nhất là có quá nhiều đám trẻ chỉ đành chép miệng cho qua, vì chỉ cần làm cừu thôi cho nhà cửa nó yên lành. Cũng phải, mãi mãi mình vẫn là chủ nhân tương lai mà, cái chữ “tương lai” đó sao mà ác quá, như một cái bánh vẽ ngon ngọt mà ăn đâu có được, thế mà nhiều cô cậu lại thích mới chết chứ. Càng thấy buồn tủi hơn khi có những cô cậu còn dám nói rằng: Tại anh ta thích chơi trội, thích mạnh miệng, thích tự mình thay thế bố mẹ, thì bị đòn cũng chẳng oan.

Câu trả lời cho số phận gia đình quặt quẹo này sẽ là gì? Chắc chỉ có một đấng tối cao là trả lời được: Thời gian. Như lời anh đã nói: Khi thời gian qua đi, “Tổ quốc và nhân dân Việt Nam sẽ phá án cho anh”.

M.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn