Đủ kiểu tham nhũng khoáng sản

Phùng Kha

clip_image001  

Cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản thu hút nhiều đại biểu trong và ngoài nước. Ảnh: THẾ DŨNG

 

Chính sách quản lý Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã bộc lộ yếu kém, bất cập và ẩn chứa nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Ngày 25-5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản. Đối thoại về phòng chống tham nhũng là sự kiện định kỳ được tổ chức trước hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam. Hoạt động này do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức.

Cảnh báo một nghịch lý

Chính sách quản lý Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã bộc lộ yếu kém, bất cập và ẩn chứa nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Phách, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại buổi đối thoại. ông Phách cũng cho rằng những bất cập trong quản lý, khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả và tính bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của dân cư địa phương.

 

Ông Trịnh Xuân Bền, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết kết quả rà soát mới đây cho thấy nhiều quy hoạch trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản đã không còn phù hợp với tình hình thực tế (như quy hoạch về titan, vật liệu xây dựng…) nhưng chưa được xem xét, điều chỉnh đồng bộ mà vẫn được bổ sung theo hình thức cá biệt khi có đề nghị của địa phương hoặc doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho rằng quy định “tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của UBND cấp tỉnh thì sở Tài nguyên - Môi trường mới được tiếp nhận hồ sơ”, đã tạo điều kiện hình thành cơ chế độc quyền, xin-cho, gây phiền hà cho doanh nghiệp; cơ quan cấp phép không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên. “Để được giấy phép thăm dò, có đơn vị khai khoáng phải có đủ 26 con dấu và mỗi khi đi xin, họ phải đối diện với nguy cơ tham nhũng” - ông Bền nói.

Theo ông Staffan Herrstrom, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, trong danh mục nước nghèo nợ cao của Ngân hàng Thế giới có 12 nước phụ thuộc hầu hết vào khoáng sản. Hiện nay, 1,5 tỉ  người sống ở những nước giàu tài nguyên nhưng chỉ kiếm được dưới 2 USD/ngày. Điều đó cho thấy những quốc gia giàu khoáng sản không hoàn toàn giúp cho đất nước đó ít nghèo hơn và có phúc lợi tốt cho người dân. Và hậu quả nhãn tiền: Tỉ lệ thất thoát cao trong quá trình khai thác buộc Việt Nam phải nhập than vào năm 2012 để tiêu thụ trong nước.

Sáu nguy cơ tham nhũng

Để tiếp cận thông tin, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và phải chi một khoản phí không chính thức: Trung bình là 178 triệu đồng (tối đa 5 tỉ đồng, tối thiểu không phải trả phí). 91% số cơ sở phải trả phí.

(Nguồn: Cục Chống tham nhũng)

Theo thống kê đến tháng 4-2011, cả nước có hơn 121 giấy phép thăm dò, gần 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cấp còn hiệu lực và đang thực hiện. Trong đó, 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn; còn lại là giấy phép khai thác khoáng sản khác và tận thu.

Theo báo cáo kết quả khảo sát nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản do Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ thực hiện mới đây, đã chỉ ra 6 nguy cơ tham nhũng. Đó là việc chia nhỏ để cấp phép, tiếp cận thông tin khó khăn, thời gian xử lý hồ sơ dài, chi phí không chính thức cho việc xử lý hồ sơ cao, khó khăn trong cấp phép và giám sát quá trình khai thác.

“Sáu nguy cơ đó dẫn tới không ít phiền toái cho doanh nghiệp và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tham nhũng ở các công đoạn. Đơn cử như chi phí không chính thức cho việc cơ quan Nhà nước xử lý hồ sơ, doanh nghiệp cũng mất một khoản không nhỏ. Chi phí để có quyết định phê duyệt trữ lượng trung bình là 110 triệu đồng, cao nhất lên tới 1,2 tỉ đồng” - ông Ngô Mạnh Hùng dẫn chứng.

Tiếp tục làm rõ sai phạm ở Vinashin

Bên lề hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trao đổi với báo chí xung quanh một số vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ông Truyền cho biết kết luận sẽ được công khai, vấn đề là thời điểm nào thì phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo ông Truyền, kết luận sai phạm của Vinashin không có gì khác lắm so với báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trước kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Đến nay, đã xác định Vinashin có một số sai phạm như hành vi làm trái quy định pháp luật, làm trái chỉ đạo của Chính phủ, có dấu hiệu của sự móc ngoặc với nhau trong việc làm ăn phi pháp. Ngoài ra, Vinashin cũng có những việc làm mang tính tùy tiện, thậm chí cục bộ trong phạm vi gia đình… Ông Truyền khẳng định: “Đó là dấu hiệu của tiêu cực tham nhũng và đương nhiên Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị tiếp tục điều tra để làm rõ, xử lý hình sự các hành vi này”.

Cũng về kết luận sai phạm ở Vinashin, ông Truyền cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị 9 vấn đề cụ thể và các vấn đề này sẽ được công bố vào thời điểm phù hợp. Hiện cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra vẫn đang tích cực phối hợp với nhau để làm rõ những sai phạm tại Vinashin”. “Tất nhiên, Vinashin sai phạm cũng có lỗi chủ quan do người quản lý, cơ quan chủ quản. Mức độ lỗi thế nào tùy hành vi xử lý trong quản lý của họ. Các thông tin cụ thể bây giờ chưa thông báo với báo chí được” - ông Truyền nói.

Th.Kha ghi

P. K.

Nguồn: nld.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn