Ý chí Quốc hội và thực tiễn cuộc sống (*)

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

image Mọi quốc gia theo mô hình dân chủ nghị viện đều hiến định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất; Việt Nam cũng không ngoại lệ, được quy định tại Điều 83, Hiến pháp 1992. Nhưng quyền lực cao nhất của Quốc hội khác với của Vua trong thể chế quân chủ, ở chỗ, Vua đứng trên Hiếp pháp và pháp luật; còn Quốc hội đặt dưới Hiến pháp do toàn dân phúc quyết, và phải tuân thủ pháp luật do chính mình ban hành. Vua toàn trị quyết định đến tận mọi thần dân, mọi ngõ ngách cuộc sống, kể cả tình cảm, gia đình, tập quán, tôn giáo của họ…; còn Quốc hội bị giới hạn trong phạm vi những gì liên quan tới chức năng nhà nước vốn được coi là công cụ phục vụ cho lợi ích của chủ nhân người dân. Vua thực hiện quyền lực bằng chỉ dụ, theo nguyên tắc xin cho, chưa có lệnh vua thì đố ai dám làm vượt quá giới hạn hiện tại; còn Quốc hội thông qua chức năng lập pháp, nghĩa là ban hành các văn bản luật thể hiện ý chí của mình trong khuôn khổ Hiến pháp, để điều chỉnh các mối quan hệ pháp lý, theo nguyên lý: người dân được phép làm tất cả, trừ những gì luật pháp cấm và ngược lại nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Tức, quyền của người dân vô hạn, quyền của nhà nước giới hạn. Nói đến dân chủ bao giờ cũng kèm theo khái niệm pháp quyền chính hiểu theo nguyên lý trên.

Rốt cuộc lại, số phận, tiền đồ của quốc gia quân chủ hoàn toàn do Vua quyết định, tên tuổi Napoleon ở Pháp hay Nhật hoàng Minh Trị hiển hách lịch sử nước họ là bởi vậy; trong khi thế giới hiện đại lại được quyết định không phải bởi Quốc hội, hay Đảng phái, Tống thống, Thủ tướng vốn luôn thay đổi, mà bởi chính nhân dân họ, dân tộc họ vốn trường tồn với mọi biến đổi thể chế; mọi quốc gia có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không là do toàn dân họ, cả dân tộc họ quyết định, không thể thay thế bởi bất cứ siêu nhân nào; câu ngạn ngữ Pháp, “dân nào chính phủ nấy” chính mang hàm nghĩa sâu sắc trên, đừng ỷ lại Quốc hội, Chính phủ, mà phải làm chủ nó.

Như vậy, dù Quốc hội có ban hành đầy đủ luật hay không, thì ở thế chế dân chủ pháp quyền, mỗi người dân vẫn là một công dân tự do định đoạt cuộc sống và tương lai của họ, tổng hợp lại là số phận và tiền đồ đất nước họ. Hoàn toàn không có nghĩa, không có luật thì người dân đành ở nhà chờ, nếu không sẽ hậu hoạ như trong chế độ quân chủ, bởi quyền cơ bản của họ đã được Hiến định, nhà nước sinh ra để bảo đảm quyền đó; thực tế ở ta, người dân vẫn mua nhà đất xưa nay, mặc dù sau này mới có luật nhà đất, doanh nghiệp đã có từ khi luật doanh nghiệp chưa ban hành; còn trên thế giới hiếm quốc gia nào không có mại dâm nhưng chỉ số ít có luật hành nghề mại dâm. Xa hơn, biểu tình ở ta đã có từ trước độc lập năm 1945, tới năm 1946 mới có sắc lệnh Chủ tịch nước (văn bản lập pháp) yêu cầu biểu tình phải đăng ký trước; ở Đức cũng vậy, năm 1953 Luật tụ tập biểu tình mới ra đời, nhưng không vì thế mà trước đó họ không biểu tình, luật biểu tình chỉ có nghĩa để nhà nước bảo đảm chắc chắn quyền đó, chứ không nhằm cho phép hay hạn chế nó, vốn đã hiến định, nhà nước không được vi hiến. Đó chính là thực tiễn cuộc sống. Nó luôn chảy như dòng sông bất tận, không thể dừng lại chờ, hay bị chặn bởi ý chí Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc hội được hiến định đại biểu cho toàn dân, nên thiếu luật do nó ban hành, thì dòng sông cuộc sống sẽ chảy rất bất trắc, rủi ro cho từng cá nhân lẫn nhóm lợi ích và cả quốc gia, vì thiếu khung pháp lý để bảo đảm quyền lợi chung cho họ, cũng từ đó bộ máy nhà nước vận hành sẽ thiếu chuẩn mực pháp luật, bị phụ thuộc vào cá nhân quan chức, vào các văn bản pháp quy do họ ban hành và cuối cùng vào người thi hành công vụ – mảnh đất màu mỡ cho nạn vụ lợi quyền lực, cho dù có giáo dục tư tưởng, kêu gọi trách nhiệm tới đâu, một khi thiếu nền tảng luật chế tài.

Do vậy, luật pháp Quốc hội ban hành, chính nhắm vào và loại bỏ những bất trắc, rủi ro có thể xảy ra đó. Nói cách khác, ý chí Quốc hội phải theo thực tiễn cuộc sống đòi hỏi chứ không phải ngược lại áp đặt ý chí Quốc hội cho cuộc sống. Điều đó giải thích tại sao Quốc hội Đức, bình quân mỗi năm thông qua trên 100 văn bản luật, tính ra mỗi tuần tới hai luật, và sẵn sàng đưa lên bàn nghị sự, bất cứ lúc nào vấn đề nảy sinh cần tới, có những luật ban hành chỉ sau vấn đề nảy sinh chưa đầy tháng như vụ học sinh Tim K, 17 tuổi, cuồng sát ngày 11.3.2009 tại tiểu bang Baden-Württemberg, làm 16 người thiệt mạng, sang đầu tháng 4.2009, Quốc hội Đức đã thông qua Luật áp dụng hệ thống đăng bạ quốc gia về sở hữu vũ khí, để tránh cuồng sát lặp lại cho dân. Trong khi đó, chương trình xây dựng luật Quốc hội nước ta cho cả khoá XIII, 5 năm, dự kiến tối đa chỉ 115 dự án luật, tương đương một năm thực hiện của họ, tính tỷ lệ ít gấp họ tới 500%. Nếu lấy mục tiêu trình độ kinh tế xã hội nước họ phấn đấu, thì hiện chúng ta đang tụt hậu về tốc độ ban hành văn bản pháp luật so với họ tới 5 lần/1 năm, và do điểm xuất phát hiện nay của ta thua họ nhiều lần nên trong tương lai khoảng cách tụt hậu pháp lý giữa ta và họ không những không rút ngắn mà ngày một doãng rộng hơn theo cấp số nhân, nếu không được nhanh chóng tăng tốc. Thử tưởng tượng mức độ trầm trọng tới đâu khi nước ta trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như hoạch định, nhưng hành lang pháp lý cho nó trong hai nhiệm kỳ Quốc hội nữa chỉ được 200 văn bản luật, so với Đức chừng 1000, thiếu hụt tới 800 văn bản!

Một khi tốc độ ban hành luật đã không thể theo kịp thực tiễn cuộc sống đòi hỏi như nước họ, thì mấu chốt hiện nay là luật phải ưu tiên nhắm vào những vấn đề cấp bách nhất. Đó là những vấn đề dẫn cả nhà nước lẫn người dân tới hệ lụy nghiêm trọng, nếu thiếu những chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự pháp lý dành cho nó, điển hình như vấn đề biểu tình đã trở thành sự kiện bức xúc cả nước lâu nay, được truyền đi khắp thế giới. Người biểu tình không biết cá nhân mình vi phạm chuẩn mực pháp lý nào, khi quyền đó được hiến định và cơ quan chức năng thừa nhận thể hiện lòng yêu nước, để có thể tự xử, thôi biểu tình trước lúc chính quyền ra lệnh cấm, vốn là một quy trình hành chính bình thường ở các nước hiện đại. Chính quyền cũng vậy, ra lệnh cấm khẳng định biểu tình bị xúi giục kích động, gây mất trật tự công cộng mà không đưa ra được mức độ cụ thể, cùng trích lục quy phạm văn bản lập pháp có sẵn để tham chiếu, cắt nghĩa cho lệnh cấm. Vậy là cả cơ quan chức năng lẫn người biểu tình đều hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền hiến định của họ, niềm tin người dân vào pháp luật và hình ảnh đất nước bị hiểu sai trước thế giới; rõ ràng không thể khắc phục, chừng nào chưa có luật về biểu tình. Hay vấn đề Đảng lãnh đạo đã được hiến định tại câu 1, điều 4, và tới câu 2 quy định, “mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“, nhưng lại chưa có văn bản lập pháp nào làm chuẩn mực, biến câu 2 trở thành bất khả thi. Trong khi đó luật đảng phái không nhà nước hiện đại nào được phép thiếu. Hệ lụy ở ta, ngay trên nghị trường, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng đòi bộ trưởng khi trả lời chất vấn: “đừng lôi Đảng vào”, một sự kiện chấn động truyền thông lúc đó; nhưng thực ra một khi đã không có Luật Đảng phái, thì cũng không có chuẩn mực pháp lý nào để làm thước đo đánh giá đúng hay sai. Vấn đề phân biệt vai trò giữa đảng lãnh đạo và nhà nước quản lý ở ta, vì vậy, chừng nào còn thiếu Luật Đảng phái, chừng đó sẽ vẫn tùy thuộc may rủi vào vai trò cá nhân đảm nhiệm, mà không truy cứu được trách nhiệm pháp lý, tổn hại chính uy tín cả Đảng lẫn nhà nước trước người dân; càng để lâu nguy hại càng tích tụ.

Luật pháp sinh ra không phải để cai trị dân như chỉ dụ của nhà Vua mang tính ban phát, thượng lệnh, mà với mục đích hoàn toàn tốt đẹp, nhằm bảo đảm hành lang pháp lý cho mọi hoạt động cá nhân và pháp nhân được tối ưu như có thể. Có thể hiểu điều đó, từ tên gọi các cơ quan nhà nước ở ta, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân… để chỉ rõ chúng sinh ra nhằm phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân. Luật pháp cũng vậy, tên các luật phải thể hiện được mục đích tốt đẹp của nó, chứ không nhằm cấm đoán hay giới hạn đối tượng bị điều chỉnh. Chỉ khi đó mới thấy được thực sự luật nào cần thiết hơn luật nào. Chẳng hạn ở ta có Luật Quảng cáo sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Tên gọi trên khiến cho người đọc hiểu như một mệnh lệnh, chỉ thị, quy định ai được quảng cáo, quảng cáo như thế nào, xin phép ra sao, ai cho phép, v.v. Ở Đức luật đó chỉ đơn giản là một điều khoản có tên “Chống quảng cáo gây ngộ nhận”, trong “Luật chống cạnh tranh không lành mạnh”. Bởi họ coi quảng cáo hệt như lao động hoàn toàn tự do muôn màu muôn vẻ, quyền của người dân, không thể giới hạn, chỉ bị cấm khi gây ngộ nhận, chấm hết. Hay bộ “Luật Lao động” ở ta, tên gọi đó có thể hiểu Luật quy định tất tần tật về lao động. Ở Đức có một luật tương đương được gọi là “Luật chống thải hồi lao động”, dài 21 điều, nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động trước sức mạnh tiền bạc của chủ thuê việc. Hiểu mục đích luật pháp tốt đẹp như trên, thì dự án “Luật nhà văn, nhà thơ” đang bị dư luận chỉ trích dữ dội vừa qua, đổi thành “Luật bảo vệ quyền lợi nhà văn, nhà thơ” chắc chắn sẽ được ủng hộ nhiệt liệt, bởi thực tế những bức xúc quyền lợi của họ xưa nay, nhất là nỗi oan khiên cả đời đối với không ít tài năng thơ văn tên tuổi như Hoàng Cầm, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán… mãi sau này mới được phục hồi, chứng minh đòi hỏi chính đáng và cấp bách đó.

N. S. P.

(*) Bản đầy đủ so với bản đã công bố.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn