Thời lập nghiệp ở Havanna (phần cuối)

Jens Glüsing

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 12/2012

clip_image002

 

Đường Neptuno trong thủ đô của Cuba: phòng thí nghiệm cho các thử nghiệm về kinh tế. Ảnh: Spiegel

 

"Ganancia", từ của tiếng Tây Ban Nha cho lợi nhuận, bây giờ không phải là từ để chửi rủa nữa, trong Havanna đang có cơn sốt lập nghiệp. Nhà hàng tư nhân khai trương ở khắp nơi trong thành phố, chủ nhân của chúng mua thịt và rau cải trên chợ nông dân vào sáng sớm.

Tài xế xích lô Pérez chuyên chở phụ nữ nội trợ, doanh nhân, khách du lịch và nhân viên nhà nước. Chỉ cần 5 euro là ông đạp xe qua tất cả 24 khu nhà của Neptuno. Ông không nhận peso cubano, tiền tệ chính thức của Cuba: "Ai muốn kinh doanh ở Cuba thì phải có thu nhập bằng CUC."

CUC là tiền tệ có thể quy đổi được của hòn đảo. Trước kia, nó là tiền cứng dành riêng cho khách du lịch, việc thả lỏng nó là bước đầu tiên đi theo hướng kinh tế thị trường. Ai có CUC thì có thể mua được tất cả: dầu gội đầu từ Brazil, thịt bò để nướng từ Argentina hay Coca-Cola từ Mexico.

Nhiều người Cuba có ngoại tệ: họ hàng gửi cho họ dollar từ Miami hay euro từ Tây Ban Nha, tiền mà rồi họ đổi sang CUC trong các cửa hàng đổi tiền. Cả tham nhũng, được Raúl Castro tuyên bố là kẻ thù quốc gia số một, cũng còn là một nguồn thu nhập thêm. Nhiều hàng hóa được chào bán cạnh Neptuno xuất phát từ chợ đen.

Không có khủng hoảng cung cấp cho những người sở hữu CUC. Trong Công viên Lenin ở ngoại ô Havanna, gia đình và hội đoàn gặp nhau vào cuối tuần để tổ chức nướng thịt. Thịt heo và thịt gà được nướng xèo xèo trên lửa, có bia Bucanero.

Nhưng cuộc bùng nổ có một mặt trái đụng chạm đến một điều cấm kỵ của Cách mạng: hố ngăn cách giữa những người sở hữu ngoại tệ và những người có thu nhập bằng peso ngày càng lớn hơn. Doanh nhân nhỏ như tài xế xích lô Pérez thu nhập gấp nhiều lần lương của một nhân viên nhà nước, người lĩnh tiền peso.

Doanh nghiệp nước ngoài, ở Cuba phải cộng tác với doanh nghiệp nhà nước, thiếu nhân lực chuyên môn: họ phải chuyển tiền lương nhân viên của họ bằng ngoại tệ cho chính phủ, nhưng chính phủ chỉ trả peso lại cho các nhân viên. Nhiều kỹ sư xin thôi việc, vì họ có thu nhập nhiều hơn khi chào bán DVD sao chép lậu hay làm nghề sửa ô tô.

Cửa hàng ngoại tệ đang buôn bán phát đạt dọc theo Neptuno. Trong cửa hàng thịt Oro Rojo ("Vàng đỏ"), nhà hàng tư nhân và khách sạn mua thịt thăn và sườn heo ở đây. Cách đấy vài bước, một cửa hàng Adidas vừa khai trương, giày thể thao hàng hiệu là các biểu tượng đẳng cấp.

Trên những sạp bán hàng tí hon, những người nguyên là nhân viên nhà nước chào bán thiết bị sạc điện thoại di động, áo ngực và vật liệu xây dựng. Ở trong siêu thị mua sắm Berens, nơi mà giới thượng lưu đã mua sắm quần áo trước cuộc Cách mạng Cuba, bây giờ là những tư nhân bán hàng trang sức và đồng hồ.

Đường lên dốc, đại học nằm ở bên trái, bên phải đi về khách sạn Habana Libre, trước kia là Hilton. Cảnh sát tuần tra trên vỉa hè, đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi bước vào studio luyện tập thân thể "Neptuno". Chủ nhân Manuel Galzabuni của nó, một người đàn ông đeo vòng ở mũi, tai và môi, đã chế tạo những dụng cụ luyện tập từ sắt phế thải, xích xe đạp và ống nước. Hàng ngày ông có 200 khách.

clip_image004

Trung tâm luyện tập thân thể. Ảnh: Spiegel

Một vài bước tiếp theo đó, phụ nữ Cuba đang tập Salsa cho người Pháp trong một trường dạy khiêu vũ, bên cạnh đó, Jorge Chávez vừa khai trương một cửa hàng thảo dược. Trước đây ông là thợ sơn của một nhà máy quốc doanh, bây giờ ông trồng thảo dược chống viêm cuống phổi, liệt dương và đau tuyến tiền liệt. Lợi nhuận là "bí mật doanh nghiệp, nhưng đáng để làm". Hàng tháng ông trả thuế 120 peso, đó là năm CUC, bốn euro.

Ở đại lộ Prado, nơi Neptuno bắt đầu, đã có khoảng một trăm người tụ tập lại dưới bóng mát của những cây đa cao su, nhiều người mang biển giấy trước ngực. Họ quảng cáo nhà hay căn hộ của họ: từ tháng 11, người ta cũng cho phép bán bất động sản.

Tư hữu đất đai chưa từng bao giờ bị cấm ở Cuba, chỉ là cho tới nay người ta chỉ được phép trao đổi, không được phép bán. Tuy vậy vẫn có nhiều tình trạng sở hữu chưa được rõ, đặc biệt là bất động sản của những gia đình đã rời bỏ đất nước.

clip_image006

Nơi trao đổi nhà ở. Ảnh: Spiegel

Một trong những người môi giới mở chiếc máy tính xách tay ra, ông ấy cho xem ảnh của nhiều ngôi nhà khác nhau, giấy quảng cáo treo trên cây. 65.000 CUC, tròn 50.000 euro, là giá của một căn nhà rộng 414 mét vuông ở rìa thành phố, kể cả một ha vườn.

Khách muốn mua là người nước ngoài được chào mời đặc biệt. "I have a beachhouse with four rooms", một người đàn ông trẻ viết trên một tấm bảng. Trong khi đấy, người nước ngoài không có nơi ở thường xuyên trên đảo thì không được phép mua bất động sản.

Đấy không phải là vấn đề, nhà môi giới quả quyết: "Có cách thức và giải pháp. Mua đi, đây là một cơ hội đấy. Vài năm nữa thì anh không thể trả tiền cho căn nhà này được đâu, rồi thì một người Mỹ sẽ phỏng tay trên anh đấy."

Nhưng Cuba chưa mở cửa rộng cho đến thế./.

J. G.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn