Có phải báo chí nói quá nhiều về Tiên Lãng?

Việt Hà, Phóng viên RFA, Bangkok

Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011 của Việt Nam mới đây cho rằng báo Việt Nam đã đăng tải quá nhiều các bài viết về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải phòng.

clip_image001

Báo chí Việt Nam đưa tin về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng. Screen capture

Báo cáo cho rằng việc này gây mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Báo cáo cũng cho rằng một số thông tin trên báo sai sự thật, thiếu khách quan. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Việt Hà có bài tường trình.

Trái kết luận của Thủ tướng

Tại hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra vào ngày 30 tháng 3 vừa qua tại Quảng Ninh, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông đã trình bày một bản báo cáo về tình hình báo chí năm 2011.

Bên cạnh việc ca ngợi báo chí đã làm tốt vai trò trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của đảng, nhà nước và diễn đàn của nhân dân, ông cũng nêu ra một số sai phạm, trong đó đáng chú ý là việc báo chí đã đăng tải quá nhiều về vụ việc Tiên Lãng, gây mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Báo cáo còn cho biết Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông đã 4 lần nhắc nhở nhưng có một số tờ báo vẫn tiếp tục đưa tin dồn dập.

Đánh giá về nhận xét này, ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng, người đã theo dõi rất chặt vụ cưỡng chế đất nói:

Báo chí là một nguồn thông tin rất tốt, vừa qua báo chí phản ánh rất trung thực làm cho nhân dân hiểu rõ câu chuyện và chính quyền cũng hiểu rõ.

LS Lê Đức Tiết

“Theo quan điểm của tôi thì nếu nhận xét như thế là chưa thực sự khách quan và chưa thấy hết vấn đề của Tiên Lãng, nếu nói về kết luận của Thủ Tướng thì nó có thể lại trái chiều với kết luận của Thủ Tướng”.

Vụ việc chính quyền huyện Tiên Lãng huy động công an, bộ đội đến cưỡng chế 30 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng xảy ra vào ngày 5 tháng giêng đã gây xôn xao và bức xúc trong dư luận nhiều tháng qua. Sự việc đã khiến Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng chính phủ phải vào cuộc điều tra. Vào ngày 10 tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận chính thức hành vi cưỡng chế đất của chính quyền địa phương là sai pháp luật. Không những thế ông Nguyễn Tấn Dũng còn lên tiếng biểu dương và cảm ơn báo chí đã thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, có nhiều bài phân tích đa chiều về vụ việc. Ông nói điều này đã đóng góp cùng các cơ quan chức năng đưa ra kết luận.

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng dân chủ và pháp luật của mặt trận tổ quốc Việt Nam, người đã về tận Tiên Lãng để điều tra tình hình, thì nhận xét:

“Báo chí là một nguồn thông tin rất tốt, vừa qua báo chí phản ánh rất trung thực làm cho nhân dân hiểu rõ câu chuyện và chính quyền cũng hiểu rõ. Tôi thấy là báo chí vừa qua làm rất tốt”.

Ngay chính gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nạn nhân của vụ cưỡng chế đất cũng cho rằng chính nhờ báo chí mà sự việc đến được như ngày hôm nay. Chị Phạm Thị Báu, em dâu ông Đoàn Văn Vươn nói:

“Gia đình em đánh giá rất cao sự đóng góp của báo chí. Bọn em nghĩ đợt này mà không có sự lên tiếng của báo chí thì chắc là vụ nhà em không tới được ngày hôm nay đâu”.

clip_image002

Một sạp bán báo ở Hà Nội hôm 19-01-2012. RFA PHOTO

Ông Vũ Văn Luân  thì cho rằng, sự lên tiếng kịp thời của báo chí đã giúp ngăn chặn ý đồ tham nhũng đất đai của các quan chức địa phương không chỉ đối với đầm của ông Đoàn Văn Vươn mà còn đối với nhiều đầm xung quanh.

“Xung quanh tác động của báo chí đến những đầm khác, thì sau kế luận của thủ tướng làm cho ý đồ của ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng nhằm tham nhũng về đất đai thì đến giờ phút này tôi cho rằng là đã bị chặn lại và chững lại nên vai trò của báo chí trong vụ việc Tiên Lãng chúng tôi đánh giá rất cao”.

Gia đình ông Vũ Văn Luân cũng có một đầm nuôi trồng thủy sản trong khu vực và đã có nguy cơ bị chính quyền địa phương thu hồi.

Khi được hỏi về nhận định cho rằng báo chí vừa qua đã nói quá nhiều về Tiên Lãng, chị Phạm Thí Báu trả lời:

Gia đình em đánh giá rất cao sự đóng góp của báo chí. Bọn em nghĩ đợt này mà không có sự lên tiếng của báo chí thì chắc là vụ nhà em không tới được ngày hôm nay.

Chị Phạm Thí Báu

“Không đâu, em thấy chuyện này đã gây bức xúc trong dư luận rất nhiều rồi. Chỉ có một số người có tật giật mình thì mới nói là nhiều thôi”.

Còn luật sư Lê Đức Tiết thì nói:

“Cái đấy thì tùy người thôi, đứng về phía nhân dân thì cảm thấy thiếu, họ muốn biết nhiều hơn, còn những người trong cuộc, nhất là những người vi phạm thì họ thấy là có hơi nhiều, cái đó đương nhiên thôi”.

Có phù hợp luật báo chí?

Trong chương 3, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, luật báo chí Việt Nam nói rõ báo chí phải thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân. Báo chí là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng theo luật báo chí, thì báo chí Việt Nam phải tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương, chính sách của đảng.

clip_image003

Lực lượng cưỡng chế thu hồi đất nhà anh Vươn hôm 05/1/2012. Photo courtesy of phapluat

Theo thống kê mới đây của Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có 786 cơ quan báo in với hơn 1 ngàn ấn phẩm, có 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương. Tất cả các cơ quan này đều thuộc quản lý nhà nước, và do đó nội dung tin bài cũng phải được các cơ quan chức năng duyệt xét. Nhà báo Thanh Thảo, một phóng viên trong nước cho biết:

“Trong báo chí thì thường xuyên có những điều chỉnh, không phải tự nó điều chỉnh mà do cấp trên điều chỉnh, chẳng hạn như vụ Tiên Lãng nói là sao mà nói nhiều quá, dẹp bớt đi thì đó là cái chuyện thường xuyên trong báo Việt Nam. Chắc chắn mình cũng phải bức xúc chứ, nhưng đó là lệnh từ Tổng biên tập, cấp trên đã khiến thì ban biên tập sẽ yêu cầu mình, mình là phóng viên mình phải tuân thủ, có thể bực bội nhưng không thể làm khác được vì anh có viết nó cũng không in, báo Việt Nam chuyện đó là bình thường”.

Tổ chức phóng viên không biên giới năm ngoái đã xếp Việt Nam ở vị trí 172 trong số 179 quốc gia, tức là hoàn toàn không có tự do báo chí.

Quay trở lại câu chuyện Tiên Lãng, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đến lúc này vẫn đang chờ những thông báo chính thức từ chính quyền về các kết quả điều tra. Chị Báu nói gia đình chị vẫn tin là báo chí sẽ tiếp tục theo dõi câu chuyện của nhà chị để đưa tin kịp thời bởi những gì đang diễn ra chính là sự thật cần được phơi bày.

V.H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn