Lễ kỷ niệm 40 năm ký hiệp định Paris: một số mẩu chuyện và suy nghĩ cởi mở

Hồ Cương Quyết – André Menras

Nguyên Ngọc dịch

Tôi đã có thể thực hiện các cuộc trao quà cứu trợ và các cuộc gặp gỡ để trù tính các dự án tương lai mà tôi đã báo cáo trong bài viết trước nhờ có lời mời của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình.

Tôi xin chân thành cám ơn ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội đã tiếp đón chúng tôi hết sức nồng nhiệt. Cám ơn hai cháu Cương ở Hà Nội và Thắng ở Sài Gòn đã chăm sóc chúng tôi thật chân tình. Tôi rất vinh dự được tham gia đoàn đại biểu quốc tế gồm 50 người, được có những khoảnh khắc đầy xúc động và giàu khám phá. Hơn nữa Hiệp định Paris còn in sâu mãi trong máu thịt tôi vì chính nó đã đánh dấu thời điểm tôi được kết thúc hai năm rưỡi bị tù ở khám Chí Hòa, và cũng lập túc mở ra cho tôi một giai đoạn đấu tranh mới vì hòa bình.

Những tình bạn bền lâu và một nhân vật trung tâm

Trong chuyến đi dự lễ kỷ niệm này tôi đã có dịp kết bạn thân thiết với một số đại biểu là những người vẫn luôn gắn bó sâu sắc với Việt Nam. Những đoạn đường đời và những nền văn hóa khác nhau biết bao nhiêu nhưng những con tim và những giá trị thì thật gần gũi nhau. Những nhân cách chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình thật mạnh mẽ. Carlos thân thiết, người Vénézuela hiền lành, người đã cùng một đội biệt động bắt cóc một viên Thiếu tá Mỹ để đổi lấy Nguyễn Văn Trỗi. Anh bạn Georges thân thiết của tôi, con trai của nhà báo thực địa không biết mệt mỏi Wilfret Burchett, vẫn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của cha và với Việt Nam. Chandra hay mủi lòng, người Pakistan tị nạn ở Bengale, vẫn mải miết vô vọng đi tìm một cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bằng tiếng Anh. Tội nghiệp cho Chandra, hình như ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tìm một cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bằng tiếng Anh còn khó hơn tìm một đĩa nem Sài Gòn. Chắc cuốn sách ấy đang được viết, còn phải viết đi viết lại, hay dịch chưa xong... Tôi cũng đã gặp Michel thân yêu của tôi, con người chân chính và giản dị, là người lái xe cho đoàn Việt Nam ở Paris. Daniel, Thị trưởng Choisy le Roi, luôn điềm tĩnh và tươi cười. Hélène, cựu nghị sĩ cộng sản, còn hay chuyện hơn cả tôi. Renato và Rosana, những người Ý sôi nổi và vui vẻ, yêu Việt Nam đến lạ... Evguény người Nga thật đáng yêu, nửa như một chiếc xe tăng xung trận nửa như một con gấu, nói tiếng Pháp và tiếng Việt, và tất nhiên, say mê vodka. Tất cả đều hấp dẫn và vẫn tràn đầy tinh thần tươi trẻ.

Tuy nhiên nhân vật trung tâm không thể chối cãi của lễ kỷ niệm đương nhiên là bà Bình. Vẫn như như thường lệ, rực rỡ phẩm cách và minh mẫn. Tôi rất cảm phục bài diễn văn của bà ở Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Hà Nội trước các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và của Nhà nước, nhất là đoạn bà nhắc lại cho những người đã quên hay muốn quên vai trò rất quan trọng và sự hy sinh to lớn của những người yêu nước thuộc “thành phần thứ ba” trong cuộc chiến đấu cho hòa bình, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Tôi đặc biệt chú ý khi bà nhấn mạnh đến tính chất đoàn kết nhiều màu sắc có thật của “Mặt trận” Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi cũng đánh giá cao đoạn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong diễn văn của ông, nêu bật “sự đúng đắn trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ” và “sức mạnh của nhân dân kết hợp với các sức mạnh của thời đại” là “những kinh nghiệm mà chúng ta có thể rút ra bài học” cho sự nghiệp “xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay”. Niềm kiêu hãnh gà trống Gaulois của tôi được thỏa mãn với việc nước Pháp được chọn là nước chủ nhà của các cuộc đàm phán, nhưng tôi tiếc về phía các đại biểu quốc tế ở cuộc mít tinh rất chính thức này nước Pháp với đại diện là Hélène Luc mà tôi rất kính trọng đã có được thời gian phát biểu độc chiếm, trong khi đại biểu Mỹ Ramsey Clark, cựu Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Johnson, đã từ chức để phản đối chiến tranh và trở thành một trong những khuôn mặt tiêu biểu của phong trào hòa bình ở Mỹ đã không có được tiếng nói nào. Các đại biểu Nga và Trung Quốc cũng không thể có phát biểu ngắn, mà theo tôi, họ là rất cần được có một cách chính đáng. Bởi ai đã ít nhiều biết lịch sử cuộc chiến đấu của Việt Nam chống đế quốc đều có thể đánh giá cao sự sự đóng góp có tính lịch sử của phong trào hòa bình Mỹ, của Liên Xô và của Trung Quốc vào việc đi đến được Hiệp định Paris, theo tôi cũng quan trọng không kém vai trò chủ nhà, đương nhiên là rất quan trọng, của Pháp, của Hội đồng thị chính Choisy-le-Roi và của Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng đấy còn là những bí mật của ngoại giao đề cao hay giảm thiểu giá trị các thành tố của Lịch sử tùy thuộc đòi hỏi từng lúc. Một thứ khẩu vị cập nhật ngày mai sẽ thay đổi tùy theo thực khách và sự ngon miệng.

Dẫu sao các đại biểu khác và các “nhân chứng” cũng có thể phát biểu và trình bày trải nghiệm của mình trong buổi tọa đàm truyền hình trên VTV 6, đương nhiên rất không chính thức bằng nhưng lại sinh động hơn buổi lễ lớn ngày hôm trước. Cũng nhân đây xin nói qua, tôi thấy từ “nhân chứng” có vẻ không thích hợp lắm với nhiều người trong chúng tôi. Đối với một số người, tôi thích từ tham chứng (acteur) hơn, nó gợi lên ý tưởng về một sự tham gia trực tiếp hơn là một kiểu đơn giản quan sát từ bên ngoài. Nhưng đấy lại là những tế nhị của ngôn ngữ.

Đôi khoảnh khắc mặn mà và cảm động

Trong số những khoảnh khắc cảm động và mặn mà, tôi đặc biệt nhớ lúc anh bạn Michel của tôi, tài xế của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi nhận những lời chúc mừng của Chủ tịch nước đã xúc động đáp lại rằng anh đã về hưu nhưng nếu Chủ tịch cần một người lái xe thì anh hoàn toàn sẵn sàng phục vụ. Thật là bằng chứng hùng hồn về đức hy sinh lớn của anh tài xế Paris hẳn đã phải khiếp đảm khi nghĩ đến việc cầm lái giữa biển người đông như kiến luôn có những phản ứng bất ngờ tràn ngập các đường phố Hà Nội! Tôi cũng rất thích thú khi Chủ tịch nước nói chuyện với tôi đã dùng từ “tà ru” (nói lái của “tù ra”). Tôi đã tận dụng cơ hội để đề nghị một cuộc gặp với ông một hôm nào đó ông có thời gian, để tâm sự với ông những ưu tư của tôi về đất nước. Đã thống nhất với nhau là vào dịp Tết, rồi cuộc hẹn lại không thực hiện được do chuyến trở về Pháp khẩn cấp của tôi.

“Không phải như vậy”

Một trong những khoảnh khắc tôi cũng còn nhớ là cuộc gặp hoàn toàn ngẫu nhiên trong thang máy của Trung tâm Hội nghị quốc tế khi tôi một mình với một người đàn ông kín đáo mặc comlê có mái tóc đã ngả màu và đôi mắt long lanh mà tôi thoạt tưởng là một người Việt Nam. Để phá vỡ im lặng tôi đã hỏi ông ta có phải là đại biểu và ông đã trả lời bằng tiếng Việt sành sõi với một giọng nhã nhặn rằng ông là đại biểu Trung Quốc trong lễ kỷ niệm hữu nghị này. Chúng tôi đã trao đổi với nhau mấy câu vắn tắt chung chung về bản thân và gia đình và tôi biết ông ta đã là Đại sứ của Trung Quốc ở Hà Nội trong một số năm. Vậy là, bởi vì chúng tôi chỉ có hai người với nhau, tôi đã mạnh dạn hỏi ông ta một câu hỏi đang cháy bỏng trên đầu lưỡi tôi: Ông ta nghĩ gì về tình hình Biển Đông, đặc biệt về cách đối xử mà hải quân Trung Quốc đang bắt ngư dân Việt Nam phải chịu đựng? Rõ ràng bị bất ngờ và sau một lúc suy nghĩ vì ông ta không chờ đợi câu hỏi “nhạy cảm” này, ông ta trả lời tôi: “Không phải như vậy!”. Và khi tôi nói với ông rằng tôi sẵn sàng chuyển cho ông các hồ sơ chính xác về việc này, những hồ sơ được cẩn thận lập theo ngày tháng và đầy đủ chi tiết về các vụ nổ súng, đánh đập, bắt giam, đòi nộp phạt, đánh đắm thuyền... ông ta lặp lại với tôi: “Không phải như vậy!”. Rồi bằng một giọng tâm sự, và trên thế thủ, ông ta tuyên bố rằng ngư dân Trung Quốc cũng bị phía Việt Nam đối xử như thế. Dầu rất bất bình về câu trả lời ấy, tôi đã vội đề nghị ông ta gửi cho tôi các ví dụ cụ thể chứng minh các khẳng định của ông. Tôi nói với ông, như vậy tôi sẽ có thể can thiệp với các tổ chức quốc tế để tố cáo những hành động vô nhân đạo đó đối với ngư dân Trung Quốc. Thang máy đến nơi cùng lúc kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi và tôi vẫn chờ các hồ sơ của ông Đại sứ. Hẳn là cho đến khi gà mái mọc răng! Tiếc là tôi đã không thể cung cấp cho ông ta bộ phim Hoàng Sa - Việt Nam: nỗi đau mất mát trên youtube vì chúng ta chưa có bản có phụ đề tiếng Bắc Kinh. Tôi sẽ gửi lại cho ông ấy ở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả ở Sứ quán Trung Quốc tại Paris... Nhưng tôi phải thú nhận là tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngồi ở bàn tiệc có mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lê Hoàng Quân, vị khách mời duy nhất trong phòng mà tôi không cụng ly là ông Đại sứ Trung Quốc. Đương nhiên chẳng có lý do riêng tư nào bởi vì ông ấy thậm chí trông có vẻ cũng dễ mến, nhưng đấy là một vấn đề nguyên tắc. Vả chăng, tôi cũng không có cảm giác về phần ông ấy, ông ấy quá mong muốn được chạm ly với tôi. Rõ ràng cả lý cả tình đều không hợp, trong một hiện tại mà bóng đen đã xóa nhòa tình hữu nghị quá khứ. “Không phải như vậy”, thưa ngài Đại sứ! Cho đến khi nào các ngư dân của chúng tôi còn bị ngược đãi và nhục mạ một cách hệ thống bởi chính quyền mà một thời gian dài ông là đại diện và ông ra sức bênh vực, cho đến khi nào chủ quyền quốc gia của chúng tôi, đúng theo luật pháp quốc tế, còn bị các nhà cầm quyền của ông vi phạm trên đất liền và trên biển và các quyền con người sơ đẳng của ngư dân chúng tôi còn bị các ông giày đạp, thì sẽ tuyệt đối không có chút xíu hữu nghị nào hết giữa ông và tôi. Chút rượu ngon nhất uống cùng ông sẽ thành mật đắng ngắt trong miệng tôi.

“Lâu lắm không gặp nhau”

Trong những câu chuyện nhỏ tiếp theo trong dịp này của tôi, tôi nhớ một lúc thú vị trong buổi tiếp các đại biểu ở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khi ông Chủ tịch Lê Hoàng Quân đến bắt tay từng người chúng tôi. Đến chỗ tôi, ông tươi cười nói: “André khỏe không? Lâu lắm không gặp anh”. Tôi bảo ông ghé sát tai vào tôi để không ai khác nghe được và trả lời: “Ông biết tại sao mình không gặp nhau không?”. Thấy ông hơi ngạc nhiên, tôi nắm bàn tay ông trong tay tôi để ông không tránh ra xa được và nói vào tai ông: “Vì ông không chịu xuống đường với André đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn”. Ông cười to và vội vàng bắt tiếp các bàn tay khác. Chắc chắn là tôi đã tự cho phép mình có cuộc đối đáp riêng tư có thể bị đánh giá là hỗn hào và khiêu khích ấy của một công dân bình thường với một vị lãnh đạo cao cấp chỉ là vì tôi đã biết ông Lê Hoàng Quân từ lâu và trên phương diện cá nhân chúng tôi vốn có một sự nể trọng nhất định đối với nhau và ông ấy biết rõ tôi là ai và tôi nghĩ gì...

Nóng ấm phương Nam và… những điều còn mãi, những lãng quên

Một thời điểm quan trọng khác là cuộc gặp gỡ và các trao đổi được tổ chức ở Bảo tàng di tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần. Thoạt tiên tôi ngạc nhiên về địa điểm được chọn này hẳn thích hợp cho một cuộc tham quan rất bổ ích để hiểu về sự tàn khốc và qui mô của chiến tranh nhưng theo tôi không đủ trang trọng để kỷ niệm một sự kiện trọng đại như việc ký kết Hiệp định Paris. Nhất là khi lễ kỷ niệm diễn ra ở miền Nam, nơi về mặt địa lý là mặt trận nóng bỏng nhất của cuộc kháng chiến và của những hy sinh. Tôi rất vui mừng được gặp lại bà Bình, cùng nhiều bạn tà ru thân thiết, trong đó có bà Võ Thị Thắng với nụ cười vẫn vẹn nguyên, và thật thú vị được thấy có cả ngài Tổng lãnh sự Pháp Fabrice Mauriès cũng đến với cuộc họp này, ông làm cho tôi được vinh dự bằng cách tới ngồi cạnh tôi. Vậy là tôi lại tiếp nối cái ngạch ngoại giao ngắn ngủi mà sáng chói của mình hồi những năm 70 đã đưa tôi lên chức vị Đại sứ Pháp ở khám Chí Hòa, đại diện trên thực địa cho nước Pháp đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam… Gác lại chuyện đùa, với một bên là đại diện cao nhất của nước Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một bên là các bạn tà ru của tôi, tôi rất thích thú về cái khoảnh khắc được ưu tiên này. Hoàn toàn tự tin, một chân ở Việt Nam, một chân ở Pháp, tôi tự hào có thể kết nối hai đất nước đều là của tôi trong lễ kỷ niệm một sự kiện hàng đầu, dù muốn hay không, đã là một bước tiến lớn đến hòa bình. Chỉ tiếc một điều, tôi đã hoài công tìm trong số những nhân vật quan trọng nhất được mời đến sự kiện này một đại diện của phong trào sinh viên và học sinh, như chẳng hạn Huỳnh Tấn Mẫm bạn tôi... Một vụ bỏ quên hay là một cú tẩy xóa có tính chính trị tùy thời? Thật đáng tiếc bởi vì điều đó sẽ là thêm một mảng sắc thái yêu nước cho bảng màu giàu có bao nhiêu nhân cách và một tiếng nói sự thật còn thiếu ở cuộc trao đổi rất cảm động này.

Cuộc trình diễn lớn ở Dinh Thống nhất

…Cuối cùng ngày 2 tháng Hai, những đại biểu còn lưu lại được mời dự lễ kỷ niệm 83 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân và 40 năm ký kết Hiệp định Paris. Theo tôi, quan niệm lịch sử và cách thể hiện theo chuỗi niên đại của buổi tối kỷ niệm là khá hợp lý trong chừng mực không có Đảng Cộng sản Việt Nam và hạt nhân yêu nước mạnh mẽ của nó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có sự giúp đỡ đa dạng mà nó đã biết chuyển thành sức mạnh cụ thể và biết thu hút chủ yếu từ khối xã hội chủ nghĩa, không bao giờ nhân dân Việt Nam có thể tự giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân và đế quốc, không bao giờ Việt Nam có thể tái thống nhất. Sẽ không bao giờ có hòa bình. Như vậy việc thành lập Đảng, trong bối cảnh tiếp nối các phong trào văn thân yêu nước trước đó, quả đúng là yếu tố hàng đầu đã đặt nền móng cho một cuộc chiến đấu đã đưa đến Hiệp định Paris. Một đường dây lôgic khác: không có cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân và cuộc địa chấn nó đã gây ra trong xã hội và trong tầng lớp chính trị Mỹ và trên toàn thế giới, các cuộc thương lượng Paris đã không thể đi đến việc rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình.

Buỗi lễ được diễn ra thành một chương trình truyền hình lớn trực tiếp từ ba thành phố Hồ Chí Minh (tại Dinh Thống nhất), Cần Thơ và Huế. Những hình ảnh tư liệu, phát biểu của các nhân chứng, các điệu múa và hát chen với hình từ máy quay đã chú ý nêu bật khuôn mặt các nhà lãnh đạo vừa nêu rõ tên họ...

Có những lúc thật sự cảm động như khi Đại tá Dũng ở Cần Thơ kể rằng đơn vị ông gồm 56 người chỉ còn 15 người trở về, một đơn vị khác 11 người chỉ còn 2 người sống sót. Một gia đình có đến 5 người con hy sinh... Các hình ảnh tư liệu được chiếu làm nổi bật vai trò của phụ nữ trong chiến đấu, hỗ trợ y tế, tiếp tế lương thực, vũ khí, tổ chức những nơi trú ẩn và hầm bí mật... Nhiều chiến sĩ cũ đã gặp lại nhau như bà Thảo và Tướng Tư Can. Và bà Thảo đã thản nhiên kể lại bà đã bắn hai phát súng như thế nào khiến gia đình bà có thể bị giết hết để cứu những chiến sĩ của đơn vị Tư Can đang bị vây. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người chiến sĩ biệt động bị bắt ngay giữa đường phố Sài Gòn và viên tướng Loan đã chĩa thẳng nòng súng vào thái dương bắn chết anh như bắn một con chó trước mắt toàn thế giới. Những hình ảnh ấy không có trong buổi diễn. Hy sinh là một từ khóa. Hy sinh và nỗi đau của các gia đình, của một nhân dân bị giày xé, bị tra tấn. Trong bất cứ trường hợp nào đối với tôi cảnh tượng ấy không thể là một lễ hội, ngay cả khi những tượng đài anh hùng đó có đưa đến hòa bình. Sau hơn bốn mươi năm, hy sinh và đau đớn của những người chiến sĩ, dù là ở bên nào, những hy sinh và mất mát đổ lên đầu nhân dân chỉ có thể là để khiến ta trầm tư suy ngẫm. Về những cái đã bị bỏ quên, dù không nghĩ rằng chế độ xô-viết, càng hơn thế là chế độ Trung Hoa, quá khứ và hiện tại, có gì thật tốt đẹp, dù không hề ảo tưởng về động cơ viện trợ của họ trước hết là vì lợi ích của chính họ, tôi vẫn nghĩ rằng hậu phương của hậu phương miền Bắc chính là họ và, về phương diện đơn thuần của sự thật lịch sử, họ xứng đáng có mặt trong trình diễn tưởng nhớ lớn này, mà tôi không tìm thấy chút hình ảnh nào.

Tôi cũng tiếc không tìm thấy hình ảnh nào, lời bình nào về các nhà tù, Côn Đảo và Phú Quốc... Vì mặt trận ấy cũng là một điểm chiến đấu quan trọng đối với hàng nghìn người yêu nước trong những điều kiện khủng khiếp. Nhất là khi nhiều người còn sống sót trong số các cựu tù chính trị ấy đã bị chế độ hiện hành bỏ quên trong cảnh đói nghèo. Chương trình biểu diễn truyền hình ngợi ca đã dừng lại ở năm 1975, thời điểm được trình bày là xuất phát của công cuộc tái thiết bình an. Tôi thấy đấy là một sự quên lãng to lớn trong toàn cảnh ngợi ca cuộc chiến đấu vì hòa bình và độc lập và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Im lặng nặng nề về cuộc chiến tranh ở Campuchia, được giải thoát khỏi bọn Khmer Đỏ do Bắc Kinh nuôi dưỡng, về cuộc xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc năm 1979, về các cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988... Cứ như là buổi diễn kết thúc có hậu, theo lối Walt Disney. Than ôi, tôi e rằng ông bạn láng giềng lớn phương bắc không cho phép một kết thúc có hậu như thế trong thực tế đâu.

Đồng chí…

Nhân thể và để kết luận, khi cuộc trình diễn đã xong và công chúng tản ra về, hoàn toàn tình cờ tôi gặp đồng chí Ba Đua. Tôi thấy ông ta có vẻ căng thẳng và thành thật xúc động, ông ta thổ lộ với tôi là ông ta rất buồn về việc tôi đã từ chối từ đồng chí khi ông ta nói chuyện với tôi bên lề cuộc biểu tình chống xâm lược Trung Quốc ngày 5 tháng Sáu năm 2011. Tôi đã nhắc lại với ông rằng với tôi không có chuyện từ chối từ đồng chí. Đơn giản là có nhiều loại đồng chí và hai chúng tôi không có cùng quan điểm về tình đồng chí trên nhiều vấn đề, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền quốc gia và thực thi tự do chủ quyền đó bằng lời nói và hành động của nhân dân. Ông vặn lại tôi: “Vậy anh cho là tôi không yêu nước?”. Tôi trả lời rằng tôi không tự cho phép mình có lời kết tội nặng nề như vậy nhưng không ngần ngại khẳng định rằng chính sách ông ta đang chủ trương và dùng vũ lực để áp đặt theo tôi chỉ có thể dẫn đến chỗ mất sạch vào tay Trung Quốc chủ quyền quốc gia và độc lập đã được giành lại đắt giá biết bao. Chúng tôi chia tay giữa cuộc trao đổi dở dang đó vì xe buýt đang chờ đưa tôi về khách sạn. Nhưng tôi rất muốn tiếp tục cuộc tranh luận nghiêm trọng của chúng tôi. Dẫu sao trước khi chia tay, trả lời câu hỏi của ông, tôi cũng đã đảm bảo với ông bạn của tôi rằng bộ phim Hoàng Sa - Việt Nam: nỗi đau mất mát vẫn bị cấm chiếu ở Việt Nam, sắp được đưa lên youtube trong bản có phụ đề bằng tiếng Bắc Kinh. Chúng tôi tạm biệt, chúc nhau có một cái Tết năm Tỵ tốt đẹp.

Nếu tôi có được một mong ước cho năm mới thì đấy là mong ước các đồng chí Sài Gòn của tôi đấu tranh vì độc lập và danh dự của đất nước không còn bị công an thường xuyên theo dõi và hạch sách và họ có thể biểu lộ chính kiến của họ một cách an toàn. Tôi rất mong các ông Lê Hoàng Quân và Ba Đua đích thân chăm lo cho được điều đó vì lợi ích của Đảng và vì sự sống còn của đất nước. Đặng cho tôi còn có thể gọi họ là “đồng chí” mà không phải đỏ mặt và không giả dối.

Ngày 17/2/2013

H. C. Q. – A. M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn