Phan Châu Trinh – ngày 24 tháng 3

Kính thưa bạn đọc,
Cụ Phan Châu Trinh (1872-1926)
Hôm nay, ngày 24 tháng 3 năm 2010, là ngày giỗ Phan Châu Trinh lần thứ 84 (ngài mất năm 1926). Hôm nay, tại Hà Nội, vào hồi 10 giờ sáng, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh sẽ long trọng trao giải thưởng năm 2009. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, sẽ thay mặt Quỹ trao giải cho các nhà hoạt động văn hóa sau đây:
Giải thưởng GIÁO DỤC được trao cho nhà giáo dục HỒ NGỌC ĐẠI Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục về công trình Công Nghệ Giáo Dục và những tác phẩm lý luận giáo dục của ông cùng với công trình triển khai Công Nghệ Giáo Dục vào thực tiến Việt Nam.
Giải thưởng DỊCH THUẬT và nghiên cứu khoa học được trao cho dịch giả PHẠM VĨNH CƯ Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngữ văn chuyên về văn học Nga và những vấn đề lý thuyết và thực tiễn văn hóa, nghệ thuật.
Giải thưởng DỊCH THUẬT được trao cho dịch giả LÊ ANH MINH với bộ “Lịch sử Triết học Trung Quốc” của Phùng Hữu Lan (NXB Khoa học xã hội).
Giải thưởng NGHIÊN CỨU được trao cho Inrasara PHÚ TRẠM nhà thơ, nhà nghiên cứu về những công trình ngôn ngữ, văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc Chăm, cùng với việc phổ biến các thành tự đó ở trong nước và ở ngoài nước.
Giải thưởng VIỆT NAM HỌC được trao cho Georges CONDOMINAS, nhà dân tộc học, người có công sưu tầm, ghi chép, mô tả nền văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên Việt Nam, đặc biệt có công trình đã được nhà dân tộc học hang đầu của loài người đánh giá là “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”.
BVN xin trích đăng từ bản Thông cáo báo chí phần liên quan đến nhân than và thành tích các vị được giải thưởng để bạn đọc xa gần chia vui và theo dõi.


Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009

1. Giải thưởng Giáo dục (giải “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” trước đây) được trao cho:
Nhà giáo dục HỒ NGỌC ĐẠI

Người giới thiệu: Phạm Anh Tuấn (nhận giải “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” năm 2008)
Người phản biện: Đỗ Bình Trị và Phạm Toàn
2. Giải thưởng Dịch thuật (có 2 giải) được trao cho:
Dịch giả PHẠM VĨNH CƯ
Người giới thiệu: Lê Ngọc Trà
Người phản biện: Phan Hồng Giang và Trương Đăng Dung
Dịch giả LÊ ANH MINH
Người giới thiệu: Bùi Văn Nam Sơn (nhận giải “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” năm 2007)
Người phản biện: Nguyễn Tài Thư và Hà Thúc Minh
3. Giải thưởng Nghiên cứu được trao cho:
Nhà nghiên cứu INRASARA PHÚ TRẠM
.
Người giới thiệu: Nguyên Ngọc
Người phản biện: Huỳnh Như Phương và Nguyễn Đức Hiệp
4. Giải thưởng Việt Nam học được trao cho:
Nhà Dân tộc học GEORGES CONDOMINAS

Người giới thiệu: Nguyên Ngọc
Người phản biện: Andrew Hardy và Nguyễn Tùng
Mỗi giải thưởng trị giá 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng)
——————oOo——————


Nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại. Ảnh: vietimes.com.vn
GIẢI THƯỞNG GIÁO DỤC

Nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại
Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục
Hồ Ngọc Đại bắt đầu đi dạy từ năm 1954.
Năm 1968, Hồ Ngọc Đại sang Liên Xô cũ để làm nghiên cứu sinh, ông có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu tâm lý học sư phạm. Hồ Ngọc Đại đã tham gia nghiên cứu liên tục trong 8 năm (từ năm 1968 đến 1976) cùng với dòng tâm lý học thực nghiệm Xô Viết – đi tìm một phương pháp giảng dạy mới chứ không phải là chỉ tìm ra các phương pháp sư phạm để dạy tốt hơn một nội dung môn học hay cải tiến nội dung các môn học – dưới sự hướng dẫn trực tiếp của hai viện sĩ D. B. Elkonin và V.V. Davydov, trong đó kể từ năm học 1970-1971 thì tồn tại song song hai công trình: một công trình của Elkonin và Davydov và công trình thực nghiệm riêng với môn toán của Hồ Ngọc Đại.
Tất cả kinh nghiệm nghề nghiệp của ông được đúc kết thành quan niệm mới về nguyên lý giáo dục, không lấy người dạy làm trung tâm, làm thước đo, mà phải thay đổi để lấy trẻ em làm trung tâm, lấy hạnh phúc của trẻ em làm lẽ sống. Đó mới là sự thay đổi cơ bản, để từ đó đi tìm xem trẻ em đến Trường phải học CÁI GÌ và học BẰNG CÁCH NÀO (ông đúc kết đơn giản lại thành Cái và Cách). Nguyên lý này đặt ra những câu hỏi lớn kéo theo, chủ yếu xoay quanh vai trò của người thầy giáo và công việc đào tạo giáo viên.
Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại (chữ viết tắt chính thức là “CGD”) thực chất là một quy trình hình thành khái niệm. Quy trình này được đúc kết bằng công thức “Thầy thiết kế – Trò thi công”, đối lập với nó là “Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ” của nền giáo dục cổ truyền. Công nghệ Giáo dục này chủ trương “Đi học là hạnh phúc! Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!”. Ngoài ra, Công nghệ Giáo dục chủ trương Trẻ em nào cũng được học — Trẻ em nào cũng học được, đưa trẻ đồng hành cùng nền giáo dục, đưa trẻ phát triển tới đâu thì sự nghiệp giáo dục của dân tộc cũng trưởng thành tới đó.
Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại là một phương pháp thực nghiệm khoa học, một phương án cải cách giáo dục triệt để, phương án này đã được thực nghiệm thành công tại Liên Xô cũ và được chứng minh là đúng bằng thực tiễn ở Việt Nam, buộc nền giáo dục phải cải cách và tìm ra giải pháp ở trẻ em hiện đại.
Hơn 30 năm qua, bản thân Tiến sĩ Tâm lý học Hồ Ngọc Đại đã viết nhiều cuốn sách, giảng hàng trăm buổi và viết hàng trăm bài báo để tự giới thiệu về cách làm của mình; không chỉ lập chí, lập ngôn, ông còn chỉ huy một công trình thực nghiệm giáo dục đã được một nhiệm kỳ Chính phủ nghiệm thu thành công (năm 1990). Tuy gặp sự phản ứng của nền giáo dục đương thời nhưng Hồ Ngọc Đại đã triển khai được hệ thống Công nghệ Giáo dục của ông ra 43 tỉnh và thành phố của Việt Nam.
——————oOo——————

GIẢI THƯỞNG DỊCH THUẬT



Dịch giả Phạm Vĩnh Cư. Ảnh: vienvanhoc.org.vn
Dịch giả Phạm Vĩnh Cư
Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngữ văn chuyên về văn học Nga
A – NHỮNG CÔNG TRÌNH DỊCH THUẬT CHÍNH
1. M.M. Bakhtin. “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”. Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải. 350 tr. Hànội, Trường viết văn Nguyễn Du, 1992. Tái bản: Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2004.
Lần đầu tiên tập hợp, dịch, giới thiệu phân tích và chú giải những bài viết quan trọng nhất về lý luận và thi pháp tiểu thuyết của một trong những nhà khoa học nhân văn lỗi lạc nhất thế kỷ 20, Mikhail Mikhailovich Bakhtin ( 1895 – 1975 ). Sách này đã và đang được giới học thuật, sinh viên, nghiên cứu sinh sử dụng rất rộng rãi làm tài liệu tham khảo cơ bản.
2. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới’’. Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. NXB Đà Nẵng và Trường viết văn Nguyễn Du hợp tác xuất bản. 1150 trang khổ to. In lần thứ nhất: 1997. In lần thứ hai: 2002-2003.
Đây là một công trình tra cứu rất cơ bản và có uy tín cao, được tái bản rất nhiều lần ở Pháp. Nhóm dịch giả do Phạm Vĩnh Cư làm chủ biên đã không những chuyển ngữ, mà còn chú giải công phu cuốn sách thành phụ lục riêng. Từ điển này đang được sử dụng rộng rãi ở Việt nam. Chất lượng bản dịch đã được các chuyên gia của Việt Nam và Pháp đánh giá là tốt.
3. Vladimir Soloviev, Karol Vojtyla, Albert Schweitzer. “Triết học đạo đức”. Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và giới thiệu. Phạm Vĩnh Cư và Từ thị Loan dịch. 460 trang. Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004.
Sách tập hợp ba tác phẩm đạo đức học của ba triết gia lớn thế kỷ 20 cùng một chí hướng: “Biện chính cái thiện. Triết học đạo đức” của Vladimir Soloviev (Nga), “Đạo đức học sơ yếu” của Karol Vojtyla (Ba Lan) và “Triết học ngưỡng mộ sự sống” của Albert Schweitzer (Đức-Pháp) lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt.
Ngoài những bài giới thiệu phân tích, Phạm Vĩnh Cư dịch 4/5 cuốn sách.
4. Vladimir Soloviev. “Siêu lý tình yêu”. Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải. 990 trang khổ to. Nhà xuất bản VHTT – Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây. Hà Nội 2005. Tuyển tập này đưa đến cho bạn đọc Việt Nam những tác phẩm chọn lọc của nhà triết học Nga thiên tài – Vladimir Soloviev (1853-2000) với những chú thích – chú giải cặn kẽ.
B – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Những bài nghiên cứu chính, đã được thời gian kiểm định của Phạm Vĩnh Cư được tập hợp trong sách “ Sáng tạo và giao lưu ”, ấn hành lần đầu tiên vào năm 2004 tại Nhà xuất bản Hội nhà văn, lần thứ hai (có bổ sung) tại Nhà xuất bản Giáo dục, vào năm 2007. Trong lần xuất bản thứ hai, sách chia thành ba phần : “ Mấy vấn đề của văn học Việt Nam ”, “ Một số gương mặt văn chương thế giới ”, “ Văn học và văn hóa ”, ngoài ra còn có phần Phụ lục bao gồm một số công trình dịch thuật và lược thuật tiêu biểu của tác giả.
——————oOo——————

GIẢI THƯỞNG DỊCH THUẬT



Dịch giả Lê Anh Minh. Ảnh: tuoitre.vn
Dịch giả Lê Anh Minh
với bộ “Lịch sử Triết học Trung Quốc” của Phùng Hữu Lan (NXB Khoa học xã hội).
1. Về dịch phẩm và dịch giả
Với công trình dịch thuật của Lê Anh Minh, bộ “Trung Quốc triết học sử” lần đầu tiên được ra mắt người đọc Việt Nam trọn vẹn và hoàn chỉnh, trên cơ sở nguyên tác chữ Hán và bản dịch tiếng Anh của Derk Bodde, dịch đầy đủ cả những phần bị sửa đổi hay lược bỏ trong bản tiếng Anh, có bổ sung thêm nhiều tư liệu quý. Đặc biệt là nỗ lực của dịch giả đã sao lục đầy đủ nguyên văn chữ Hán và phiên âm Hán Việt những đoạn trích dẫn từ cổ tịch, chú thích bổ sung những chỗ khó hiểu, các từ ngữ cổ, đối chiếu với vài bản dịch khác, thậm chí nêu cả vài chỗ mà theo dịch giả Derk Bodde đã lầm lẫn v.v…
Dịch giả Lê Anh Minh là một trong số không nhiều những học giả uyên thâm về Hán học ở nước ta. Sự uyên bác, cẩn trọng trong nghiên cứu, với văn phong trong sáng, chính xác trong thể hiện càng bộc lộ rõ giá trị công trình dịch thuật này. Điều đáng mừng hơn nữa là ông còn trẻ, có sức làm việc dồi dào và nhiều hứa hẹn.
2. Về vị trí của tác giả:
Tiến sĩ Phùng Hữu Lan (1895-1990) – tốt nghiệp Đại học Columbia (Mỹ) năm 1924 – rực sáng suốt thế kỷ 20 như là một sử gia hàng đầu về triết học Trung Quốc, đồng thời cũng là triết gia hiện đại với học thuyết Tân lý học (phát huy lý học của Chu Hy, trình bày trong bộ sách 6 quyển gọi là “Trinh Nguyên Lục Thư”) và bậc thầy có công đào tạo thế hệ trẻ. Là một trong những trí thức lớn, nạn nhân bị bức hại của “Cách mạng Văn hóa”, nhưng ngày nay công trình của ông được nghiên cứu sâu rộng trong và ngoài nước Trung Quốc với danh xưng “Phùng học”. Giới học giả nhất trí cho rằng nếu người Trung Quốc biết đến học thuật của phương Tây nhờ các công trình dịch thuật và giới thiệu của Nghiêm Phục, thì người ngoại quốc hiểu được triết học Trung Quốc phần lớn là nhờ Phùng Hữu Lan.
3. Tầm quan trọng của công trình nguyên tác
Từ khi ra đời, bộ “Trung Quốc triết học sử” (quyển I, 1931; quyển II, 1934) của Phùng Hữu Lan đã trở thành sách giáo khoa trọng yếu của bậc đại học và cũng là tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực Lịch sử Triết học Trung Quốc, chiếm địa vị quan trọng không chỉ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (với nguyên tác Hán ngữ), mà còn ở phương Tây (với bản dịch Anh ngữ của Derk Bodde từ năm 1937).
Nguyên tác trích dẫn rất nhiều đoạn cổ văn từ các nguồn thư tịch gốc mang lại nguồn tham khảo quý báu và khó tìm, đồng thời tăng tính thuyết phục của phần luận giải. Công trình cũng được biên soạn từ việc tiếp thu có chọn lọc phương pháp luận của phương Tây, kể cả vận dụng một cách tinh tế phương pháp duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu Lịch sử triết học Trung Quốc, do đó bộ sách có tính khoa học, tính giáo khoa và tính hệ thống rất cao.
——————oOo——————

GIẢI NGHIÊN CỨU



Nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm. Ảnh: thunguyetvn.com
Nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm
về Văn hóa Chăm
Inrasara Phú Trạm là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm; làm thơ, viết văn, dịch & viết tiểu luận – phê bình văn học. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tác phẩm
01. Văn học Chăm – Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
02. Văn học dân gian Chăm – Ca dao, Tục ngữ, Câu đố.
03. Văn học Chăm – Trường ca, sưu tầm – nghiên cứu.
04. Từ điển Chăm – Việt (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, H., 1995.
05. Từ điển Việt – Chăm (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, H., 1996.
06. Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận.
07. Tự học tiếng Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2003.
08. Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (viết chung), NXB Giáo dục, H., 2004.
09. Akayet Sử thi Chăm, Viện Văn hóa Dân gian xuất bản, 2009.
Chủ biên:
- Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm (10 tập, 2000 – 2009).
- Tủ sách Văn học Chăm (10 tập – đã in 3 tập).
Giải thưởng chính
– CHCPI – Sorbonne (Pháp), Văn học Chăm I (1995).
– Hội đồng Dân tộc – Quốc hội khóa IX, Văn học Chăm II (1996).
– Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (2003), Ca dao – tục ngữ – thành ngữ – câu đố Chăm (2006).
– Giải thưởng Sách Việt Nam, Từ điển Việt – Chăm (2006).
– Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Trường ca Chăm (2006).
Phim tài liệu về Inrasara liên quan đến Chăm
01. “Đứa con Tháp Chàm”, VTV1, tháng 6-2006, 17 phút.
02. “Inrasara, đi giữa truyền thống và hiện đại”, VTV3, 12-11-2006, 25phút.
03. “Inrasara, nhà văn hóa Chăm”, HTV7, 2007, 40 phút.
04. “Đôi cánh diều Chăm” (chung với Inrahani), HTV7, 2007, 40 phút.
05. “Bảo tồn văn hóa Chăm” trong mục Văn hóa, Nhân vật & Sự kiện (cùng Phan Văn Cảnh – Bảo tàng Chăm Đà Nẵng), VTV3, 10-8-2008, 30 phút.
06. “Trường ca Chăm”, Phim tư liệu, 16 phút, Đài VTV1, tháng 5-2009.
——————oOo——————

GIẢI THƯỞNG VIỆT NAM HỌC



Nhà Dân tộc học Georges Condominas. Ảnh: aafv.org
Nhà Dân tộc học Georges Condominas
Giáo sư đại học
- Sinh năm 1921 tại Hải Phòng, cha là người Pháp, mẹ gốc lai Việt, Trung Quốc và Bồ Đào Nha.
- Học dân tộc học với các thầy nổi tiếng như André Leroi-Gourdan, Denise Paulme hay Marcel Griaule ở Viện Nhân chủng học, và Maurice Leenhardt ở trường Cao đẳng thực hành Paris.
- Georges Condominas đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu dân tộc học ở Madagascar, Togo, Thái Lan, Lào, Campuchia. Năm 1948, đến Tây Nguyên, tập trung nghiên cứu về người Mnông Gar ở làng Sar Luk thuộc tỉnh Đắc Lắc. Từ cuộc nghiên cứu lâu dài này đã ra đời tác phẩm dân tộc học nổi tiếng Chúng tôi ăn rừng mà về sau được nhà nhân loại học hàng đầu thế giới Claude Lévy Strauss coi là “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”. Condominas có một quan niệm riêng độc đáo và sâu sắc về dân tộc học và người làm dân tộc học: đó chính là cách quan sát. Công việc của một nhà dân tộc học là phải nhìn và cảm được đối tượng từ bên trong. Phải hoàn toàn nhập thân, biến mình thành chính họ. Không thể đem thế giới quan của một người bên ngoài, càng không thể của một người phương Tây, với những chuẩn mực giá trị hoàn toàn khác đến đo đếm, định lượng và định chất cuộc sống cùng các giá trị nội tại của một cộng đồng nhỏ bé như cộng đồng Mnông Gar.
- Năm 1960 trở thành giáo sư trường Cao đẳng Thực hành Paris và 1962 sáng lập Trung tâm nghiên cứu Pháp về Đông Nam Á và thế giới Insulinde (CeDRASEMI).
- Từ năm 1963 đến năm 1969 là giáo sư trường đại học Columbia và Yale. Năm 1971 là Thành viên của Viện nghiên cứu tiên tiến về Khoa học hành vi Palo Alto. Năm 1972, tại Hội Nhân học Hoa Kỳ, ông đọc bài diễn văn nổi tiếng lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và nạn diệt chủng đối với người Mnông.
- Năm 1987 là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học quốc gia Úc, và năm 1992 tại Đại học Nhật Bản ở Sophia.
- Hiện nay, đã gần 90 tuổi, G. Condominas vẫn tiếp tục các chuyến thăm nghiên cứu ở vùng núi Việt Nam – đặc biệt ông đang tiếp tục một công trình nghiên cứu về cây quế ở vùng núi Quảng Nam mà cha ông đã bắt đầu từ ba phần tư thế kỷ trước.
Các tác phẩm chính:
- Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gô – Ghi chép thực địa về làng Sar Luk của người Mnông Gar ở Tây Nguyên
- Kỳ lạ mỗi ngày (L’exotique est quotidien)
- Không gian xã hội (L’espace social)
Ba tác phẩm này, chủ yếu dựa trên thực tế Tây Nguyên và Việt Nam, đã trở thành kinh điển không chỉ trong lĩnh vực Tây Nguyên học, mà cả trong dân tộc học hiện đại .
- Phật giáo ở làng (Một nghiên cứu về Lào)
- Từ Lawa đến Mon, từ Saa’ đến Thái…

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn