Vụ kiện Vinashin và ảnh hưởng khốc liệt

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Quốc hội Việt Nam xem xét các khoản nợ của Vinashin do chính phủ báo cáo, giữa lúc có tin công ty Elliott VIN Hà Lan một trong số các chủ nợ khởi kiện Vinashin cùng 21 công ty con ra Tòa Thương mại Luân Đôn.

clip_image002

AFP PHOTO. Trụ sở Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội.

Nếu vụ kiện này diễn ra mà không được dàn xếp thì ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế cũng như uy tín của chính phủ Việt Nam.

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin nợ như chúa chổm với tổng nợ khoảng 86.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2010, theo các báo cáo chính thức. Trong đó Vinashin nợ 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế do chính phủ phát hành và cho vay, dĩ nhiên chính phủ có trách nhiệm trả nợ khoản này. Ngoài ra Vinashin còn có khoản vay khác 600 triệu USD do Ngân hàng Credit Suisse bảo lãnh phát hành trên thị trường quốc tế, phần còn lại là các món nợ ngân hàng thương mại nước ngoài và các tổ chức tín dụng trong nước. Đối với khoản vay 600 triệu USD Vinashin đã không thể trả nợ theo hợp đồng, đáng lẽ Vinashin đã phải trả lần thứ nhất là 60 triệu USD đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái.

Saigon Tiếp Thị Online ngày 16/11 trích lời ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết Elliott VIN chỉ là chủ nợ của khoảng 9% trong khoản nợ nước ngoài 600 triệu USD của Vinashin, Elliott VIN đã mua lại trên thị trường mua bán nợ thứ cấp chứ không phải chủ nợ đầu tiên.

Vay nợ sẽ khó khăn hơn

clip_image004

Vinashin hạ thủy một chiếc tàu trước đây. Photo courtesy of Vinashin.

Ông Võ Trí Thành nhận định rằng, dù Elliott VIN kiện chỉ 9% khoản nợ tức 54-60 triệu USD nhưng khả năng thắng kiện của họ rất cao và sức lan tỏa của vụ kiện rất lớn, nó sẽ làm cho chỉ số tín nhiệm nợ của Chính phủ Việt Nam giảm xuống, sẽ khó đi vay trên thị trường tín dụng quốc tế hoặc sẽ phải chịu lãi suất rất cao.

Tối 17/11 ông Võ Trí Thành phát biểu với chúng tôi từ Hà Nội:

“Trong hoạt động kinh tế cũng như trong phát triển, vấn đề đôi khi không nằm ở con số là nhỏ hay to mà vấn đề là những ý nghĩa và những cách hành xử sau con số ấy. Tôi nghĩ những thứ ấy nhiều khi nó quan trọng hơn.”

Trên Saigon Tiếp Thị Online, ông Võ Trí Thành nói rằng, bản chất vụ việc không chỉ dừng lại ở số tiền thua kiện mà có thể “vì cái nhỏ mất cái lớn hơn” nếu một khi vụ kiện xảy ra, cho nên “dù đây là khoản tiền không có bảo lãnh của Chính phủ, nghĩa là Chính phủ không phải trả thay, nhưng chính phủ phải bằng cách này hay cách khác, ví dụ cho Vinashin vay để trả nợ. Trong trường hợp này, theo ông Thành, Chính phủ phải công khai, minh bạch cho Quốc hội và nhân dân được biết.”

Một chuyên gia kinh tế khác, ông Huỳnh Bửu Sơn nguyên thành viên Tổ Tư vấn cho Thủ tướng chính phủ về cải cách hành chánh và đổi mới kinh tế trong thập niên 1990, nhận định:

Tuy nhiên tôi cho rằng khi để xảy ra vụ kiện như vậy thì tất nhiên nó có ảnh hưởng ít nhiều đối với vấn đề vay nợ của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đối với thị trường tài chính quốc tế.

Ô. Huỳnh Bửu Sơn

“Tôi không rõ nội vụ công ty Hà Lan kiện riêng lẻ tách ra khỏi cộng đồng các chủ nợ như vậy. Chúng ta có thể phải chờ kết quả phân xử của tòa án mới biết được hậu quả như thế nào.

Tuy nhiên tôi cho rằng khi để xảy ra vụ kiện như vậy thì tất nhiên nó có ảnh hưởng ít nhiều đối với vấn đề vay nợ của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đối với thị trường tài chính quốc tế. Về phần mình Chính phủ sẽ phải thận trọng hơn đối việc cho phép các doanh nghiệp đi vay.

Trong vụ việc này tôi biết không có sự bảo đảm của Chính phủ, dù sao đây cũng là những doanh nghiệp quốc doanh, khi đi vay tất nhiên phải trả nợ và việc để cho chủ nợ kiện như thế thì nó cũng đã ảnh hưởng đến tín nhiệm và có thể ảnh hưởng chỉ số tín nhiệm quốc gia nói chung.”

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, chính phủ Việt Nam đã đề xuất với cộng đồng các chủ nợ khoản vay 600 triệu USD của Vinashin, để bảo đảm khoản nợ này được duy trì ở hình thức tái cơ cấu. Theo đó, các chủ nợ giảm nợ và nhận ngay bằng tiền mặt 35% mệnh giá nợ, hoặc chấp nhận hoán đổi hợp đồng khoản vay 600 triệu USD đáng lẽ đáo hạn vào cuối năm 2015 thành một hợp đồng vay mới có thời hạn 13 năm được chính phủ Việt Nam bảo lãnh trả đủ nợ gốc nhưng không trả lãi. Việc một mình Elliott VIN khởi kiện Vinashin và 21 công ty con cho thấy việc đàm phán nợ với các chủ nợ khoản vay 600 triệu USD đã không thành công. Trong khi đó không có thông tin về việc xử lý các khoản nợ của Vinashin với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước.

Ảnh hưởng uy tín chính phủ

clip_image005

Tàu Hoa Sen, một trong những dự án thua lỗ của Vinashin. Photo courtesy of VietNamNet.

Truyền thông trong nước tỏ ra khá dè dặt với vụ Vinashin chính thức bị khởi kiện ở Luân Đôn, nhưng Saigon Tiếp Thị Online là tờ báo đưa nhiều thông tin nhất đối với sự kiện thời sự khá nhạy cảm này. Ngày 11/11 tờ báo trích lời luật sư Nguyễn Trần Bạt, tổng giám đốc Invest Consult một công ty tư vấn đầu tư trụ sở chính ở Hà Nội nhận định rằng, do chính phủ Việt Nam không để Vinashin phá sản, nên hậu quả của vụ án không dừng lại ở Vinashin vì 21 công ty con của Vinashin cùng là bị đơn, nay một số lớn đã được chuyển sang các tập toàn công ty mẹ khác. Những tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước tiếp nhận những công ty con của Vinashin đương nhiên bị liên lụy.

Theo ông Nguyễn Trần Bạt, nếu trước đây chính phủ không phân tán, kiên trì tập trung Tập đoàn Vinashin thì chỉ có một pháp nhân chịu trách nhiệm, thì đối tượng chỉ là Vinashin chứ không phải là công ty con. Bây giờ chủ nợ đưa ra một cái lưới rộng hơn để bắt các con cá đã được sơ tán và các công ty tiếp quản các đơn vị này phải chịu trách nhiệm.

cho nên tôi chỉ muốn gợi ý với nhà quản lý với Nhà nước là cần nhìn việc này một cách sâu sắc hơn, để tránh tất cả những vụng về trong việc xử lý hậu quả.

Ô. Nguyễn Trần Bạt

Ông Nguyễn Trần Bạt nhấn mạnh là, vụ kiện với khả năng tòa phán quyết Vinashin thua kiện thì hậu quả của nó sẽ lan tỏa ra toàn khối doanh nghiệp quốc doanh, lan tỏa đến nền kinh tế và cả chính phủ nữa. Theo đó hậu quả của nó không chỉ về kinh tế mà còn là hậu quả chính trị và không phải là chính trị chung chung mà uy tín của Chính phủ sẽ suy giảm, dẫn tới kéo theo chỉ số về nợ còn giảm nữa.

Trả lời phái viên Mặc Lâm của Đài ACTD chúng tôi, luật sư Nguyễn Trần Bạt nhận định:

“Hậu quả chính trị bao giờ cũng là kết quả của bản lĩnh chính trị của nhà cầm quyền và của xã hội nữa. Bây giờ nhà cầm quyền chưa có bất kỳ một tuyên bố nào liên quan đến kiện cáo của tập đoàn Elliott với Vinashin, cho nên tôi chỉ muốn gợi ý với nhà quản lý với Nhà nước là cần nhìn việc này một cách sâu sắc hơn, để tránh tất cả những vụng về trong việc xử lý hậu quả và buộc phải nhìn nó như một hiện tượng khủng hoảng chứ không phải hiện tượng cụ thể của Vinashin.”

Trên Saigon Tiếp Thị Online, Luật sư Nguyễn Trần Bạt nhận định rằng, Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho Vinashin vì không có thư bảo lãnh. Nhưng chính phủ phải trả một cái nợ là làm giảm giá trị thương hiệu của nhiều tập đoàn kinh tế cùng một lúc khi sự kiện tư pháp này diễn ra khốc liệt.

N. N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn